Gian nan đẩy lùi “con nghiện”
Vượt qua đỉnh đèo cao nhất Việt Nam – đèo Ô Quý Hồ dày đặc sương phủ là đến Lai Châu - tỉnh vùng biên với hơn 265.000 cây số đường biên giới giáp Trung Quốc. Tỉnh có 108 xã, phường, thị trấn thì có 22 xã biên giới, chiếm 20%.
Người dân đa số là dân tộc thiểu số, sống lẩn khuất nơi những bản làng heo hút giữa đại ngàn, trên những đỉnh núi cao cheo leo lưng chừng trời, với những nếp nhà sàn trống huơ trống hoác. Nơi đây có mật độ dân số thưa nhất cả nước, với chỉ 43 người/km2 và cũng thuộc diện khó khăn nhất Việt Nam.
Dẫu không phải là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy song những năm gần đây, tỷ lệ người nghiện ma túy trong đồng bào các dân tộc Lai Châu ở mức đáng báo động. Là một tỉnh mới hình thành năm 2006, tách ra từ Điện Biên, một trong năm điểm nóng nhất cả nước về ma túy, Lai Châu thừa hưởng “di sản” là 100% số huyện với 86% số xã có người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV phát hiện mới trung bình mỗi năm khoảng 300 người.
Thế nên, số bệnh nhân HIV lũy tích qua các năm theo đó tăng chóng mặt, từ 396 người năm 2006 lên 1.933 người năm 2011 và năm 2015 con số này là 3.327 người. Trong số này có hơn 1.800 người còn sống. Gần 1.445 người trong số họ là người dân tộc thiểu số. Các điểm nóng về số người nhiễm HIV như Tân Uyên (với 394 người, chiếm 21,5% tổng số người nhiễm HIV còn sống), huyện Tam Đường (chiếm 15,5%)…
“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những con số thống kê được, còn có những “tảng băng chìm” là những người chưa được thống kê, nên con số thực tế chắc chắn còn cao hơn”- bà Lê Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lai Châu cho biết.
Là người gắn bó với công tác phòng, chống HIV của Lai Châu ngay từ khi mới tách tỉnh, bà Lê Thị Mai không thể nhớ mình đã có bao đêm trằn trọc, gần như thức trắng, trăn trở để tìm giải pháp giảm những con số không hề mong đợi về người nhiễm HIV.
Tỉnh nghèo, ngân sách eo hẹp, số người bệnh lại nhiều, kinh phí thiếu trước, hụt sau. Nhân lực vừa ít vừa chưa yên tâm công tác do điều kiện địa phương quá khó khăn, lĩnh vực công tác quá nhạy cảm trong khi chế độ đãi ngộ không cao.
“Nhưng thách thức lớn nhất là điều kiện giao thông đi lại không thuận lợi, dân cư sống rải rác, nhận thức của người dân còn hạn chế. Gần 80% số người nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nói riêng với họ là điều không hề dễ dàng” - bà Lê Thị Mai chia sẻ.
Bà Lê Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lai Châu |
Để khắc phục những khó khăn, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lai Châu đã phải tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, có tính xung kích cao để về hỗ trợ cơ sở. Mỗi cán bộ ở Trung tâm là những bác sỹ cắm bản tại khắp các địa bàn.
Mỗi tháng, mọi người thay phiên nhau trèo đèo, lội suối đến tuyên truyền, vận động bà con. Trung tâm ưu tiên triển khai các dịch vụ tại bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các điểm nóng. Cán bộ y tế thôn bản cũng được huy động tối đa vai trò trong việc vận động, dẫn dắt những người nhiễm HIV/AIDS ở bản mình tham gia điều trị.
Hiện tỉnh đã và đang triển khai can thiệp, giảm lây nhiễm HIV, cấp bơm kim tiêm sạch tại 45 xã, phường, thị trấn. Lai Châu cũng là tỉnh tiên phong trong cả nước mở điểm cấp phát thuốc Methadone điều trị cho người nghiện ma túy về tận xã, thậm chí là tận bản. Đến nay đã có 8 cơ sở điều trị và 23 cơ sở cấp phát thuốc Methadone cho 1.962 người nghiện.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tỉnh triển khai mạnh từ năm 2009, giúp cho nhiều trẻ sinh ra không bị lây nhiễm HIV qua mẹ; việc lồng ghép sàng lọc, điều trị lao/HIV đạt trên 95% số bệnh nhân quản lý.
Bên cạnh việc triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án ưu tiên, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung nhóm đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao nhận thức người dân, giúp thay đổi hành vi từ không có lợi sang hành vi có lợi cho sức khoẻ.
Đến nay, nguồn viện trợ này đang giảm dần, từ năm 2013 kinh phí bị cắt giảm 60%, ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì các hoạt động cho phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, hết năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 kết thúc, trong khi đó, tất cả những bệnh nhân nhiễm HIV cần được chăm sóc suốt đời.
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; tệ nạn mua bán và sử dụng ma tuý vẫn diễn biến phức tạp cũng như tình trạng dân di, biến động về làm việc, sinh sống dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Trước nguy cơ nguồn viện trợ thuốc ARV đang bị cắt giảm mạnh, HĐND tỉnh Lai Châu đã ra nghị quyết về việc bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh.
Bà Mai hy vọng, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp thêm sức mạnh về cả vật chất và tinh thần cho các cán bộ và cả các bệnh nhân trong việc phòng, chống và đẩy lùi HIV/AIDS tại Lai Châu.