Theo báo cáo dự kiến mức tiêu thụ bia rượu trên địa bàn TP HCM của Sở Công Thương TP HCM, nhu cầu tiêu thụ bia rượu dịp Tết sắp đến có thể tăng khoảng 30% so với cùng kỳ của năm ngoái, cũng có nghĩa, trong dịp Tết, người thành phố có thể tiêu thụ đến 40 triệu lít bia! Ước tính, năm 2016, tình hình thu thuế GTGT tăng gần 15% so với năm ngoái, trong đó có đóng góp mạnh của các công ty sản xuất bia, rượu. Chỉ tính riêng hai công ty bia thuộc hàng “ông lớn” là VBL và Sabeco, ngân sách đã thu hơn 1000 tỉ đồng.
Nhưng, có một sự tỉ lệ nghịch giữa “niềm vui kinh tế” với khía cạnh xã hội. TPHCM cũng chưa bao giờ bùng nổ dịch vụ kinh doanh ăn nhậu mạnh mẽ như bây giờ. Cùng với sự phát triển của các tuyến đường mới, các khu “trung tâm ăn nhậu” cũng mọc lên theo, “như nấm sau mưa”. Trước kia, Sài Gòn các quán nhậu nằm rải rác, và cứ mỗi đợt chỉnh trang đô thị, thị trường ăn nhậu cũng từ đó phát triển theo.
Bờ kênh Nhiêu Lộc được cải tạo xong, ngay lâp tức hàng ngàn quán nhậu lớn nhỏ mọc lên dọc các tuyến đường ven kênh, biến các con đường bờ kênh mang tên Hoàng Sa, Trường Sa từ vai năm nay trở thành “con đường ăn nhậu”. Khu đô thị mới Trung Sơn ở quận 8 vừa mới thành lập, chưa đầy 1 năm sau, với ưu thế mát mẻ, hè phố rộng, Trung Sơn đã đi vào “sổ tay” của dân nhậu Sài Gòn với hàng loạt nhà hàng đặc sản.
Gần 2 năm nay, từ khi đường Phạm Văn Đồng nối liền Thủ Đức với sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thiện, con đường mát đẹp nhất nhì Sài Gòn này đã trở thành “thiên đường” cho giới ăn nhậu. Cũng hàng ngàn quán lớn nhỏ mọc lên, khách ra vào tấp nập…
Lewis Phan, một người Mỹ gốc Việt chia sẻ, anh đi nhiều nơi trên thế giới, có lẽ hiếm nơi nào có “phong trào nhậu nhẹt” nhiều như ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP HCM. Theo anh, điều lạ là không chỉ cuối tuần mà đầu tuần, giữa tuần đều thấy các nhà hàng, quán xá đông đúc thực khách. Lewis cho biết, anh làm một phép tính nhỏ và thấy trung bình, dọc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hàng đêm có đến hàng ngàn thực khách đến ăn uống, nhậu nhẹt tại đây.
Và tất nhiên, ngoài tỉ lệ đóng góp “kinh tế” từ bia rượu, những hệ lụy khác từ thói quen nhậu nhẹt hàng ngày cũng dễ thấy, đó là việc rạn nứt hạnh phúc vì cắt xén thời gian bên gia đình để ngồi bên bàn nhậu. Những mâu thuẫn, cãi vã từ nhỏ đến nghiêm trọng sau những chầu nhậu bốc đồng, những tai nạn giao thông thương tâm vì không làm chủ được tay lái khi có men… Tỉ lệ tiêu thụ bia rượu tăng kéo theo con số 11.525 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn được Công an TP HCM xử lý trong chưa đầy 1 năm, và con số thực tế còn cao gấp vài chục đến vài trăm lần như thế!
Tết Đinh Dậu đang đến, thời điểm này, các nhà máy đang tăng năng suất để đảm bảo sản phẩm bia rượu ổn định trong mùa Tết. Một thời điểm để thư giãn, vui chơi, nhưng cũng đầy âu lo với những hệ lụy không đáng có từ mức độ tiêu thụ bia rượu quá nhiều. Biết đến bao giờ người dân TP HCM nói riêng và người Việt nói chung loại bia rượu khỏi thói quen sinh hoạt hàng ngày, thôi coi men rượu là nguồn vui?