Ông Thưởng chia sẻ, hàng năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) là dịp để toàn xã hội bày tỏ sự biết ơn, trân trọng trước những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của những người khoác áo blouse trắng. Tuy nhiên, ngày 27/2 năm nay đặc biệt hơn vì đây là thời điểm cả nước dồn sức ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Các cán bộ ngành Y tế đã hy sinh niềm vui riêng vì sự an toàn chung của cả nước, không để dịch bệnh lây lan.
“Ngày 27/2 đã đến gần, nhưng tạm gác lại niềm vui riêng, các cán bộ y tế và nhân dân cả nước lại tiếp tục chung sức đồng lòng chống dịch bệnh Covid-19. Với những gì đã làm, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt, người dân khỏe mạnh, cuộc sống trở lại bình thường”, ông Thưởng nói.
Những lời chúc mừng sớm của vị lãnh đạo cấp cao đã không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những y bác sĩ; không chỉ nói đúng, nói trúng thực tế mà còn là một lời nhắc nhở với những người vô tâm.
Mới đây, trong một bài báo viết về sự hy sinh của những y bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, đã phản ánh câu chuyện những y bác sĩ tại đây đã bị “cấm trại” suốt nhiều ngày qua để theo dõi, điều trị các bệnh nhân, đồng thời sẵn sàng ứng phó trước những diễn biến mới của dịch. Bận rộn đến mức nhớ con còn không có thời gian gọi điện.
Thế nhưng những y bác sĩ công tác tại BV tuyến cuối điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19, cũng là tuyến đầu đối mặt với dịch bệnh này, có khi còn bị một số người xa lánh, kỳ thị. Một điều dưỡng tại Khoa Virus - Kí sinh trùng bị chủ nhà trọ dọa đuổi. Chủ nhà rải vôi khắp nơi sợ lây nhiễm bệnh. Một nam điều dưỡng của Khoa Cấp cứu bị phát tán thông tin có tiếp xúc với người dương tính với Covid-19 khiến anh cũng bị chủ trọ đòi đuổi khỏi nhà. Những ngày qua, nhiều y bác sĩ chuyển vào bệnh viện sống dù không thuộc diện được huy động cách ly. Nguyên nhân cũng vì “không được chào đón ở nơi trọ”.
Không thể tưởng tượng được một ngày nếu không có các y bác sĩ, cuộc sống sẽ tồi tệ ra sao. Thế nên không thể chấp nhận câu chuyện những người phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, âm thầm cống hiến để chăm lo sức khỏe cho người dân lại bị đối xử tồi tệ như thế. Đó không chỉ là sự vô tâm, mà còn có thể gọi là sự vô ơn.