Nỗi ám ảnh của sự “trong trắng”
Vào thế kỷ thứ 10, bác sĩ người Ba Tư Avicenna đã đưa ra giả thuyết đầu tiên rằng, “màng trinh” là một lớp da mỏng bên trong lỗ âm đạo và nó sẽ bị tổn thương trong lần đầu tiên quan hệ tình dục. Đến năm 1544, khái niệm về màng trinh được xác nhận một lần nữa bởi nhà giải phẫu học nổi tiếng Flemish Andreas Vesalius trong một cuộc giải phẫu.
Các nhà khoa học tin rằng, hầu hết phụ nữ sinh ra đều có màng trinh. Màng trinh sẽ khác biệt tùy vào cơ địa của từng người phụ nữ. Một số người có lớp màng hình tròn, một số lại là hình lưỡi liềm. Tuy nhiên có nhiều trường hợp có những lỗ nhỏ trên màng trinh, và thậm chí nhiều người bẩm sinh đã không có nó, khoảng 0,03% mà thôi. Giải thích cho điều này, các nghiên cứu cho biết, màng trinh chính là hệ quả bị bỏ lại từ sự phát triển của âm đạo. Do vậy, sự “vắng mặt” của màng trinh trên cơ thể nữ giới chỉ có nghĩa là âm đạo của bạn hoàn chỉnh hơn bình thường.
Trong một buổi trò truyện trên diễn đàn TED Talk, bác sĩ Nina Dolvik Brochmann và Ellen Stokken Dahl đã mô tả màng trinh giống như một miếng... cao su. “Nó có tính co giãn rất lớn. Với phần lớn phụ nữ, nó đủ co giãn để chịu được quá trình giao hợp mà không bị tổn hại”, Brochmann chia sẻ. Việc màng trinh bị thủng không phải dấu hiệu của quan hệ tình dục, và quan niệm “lần đầu làm chuyện ấy sẽ gây chảy máu” cũng không đúng hoàn toàn.
Cũng theo Đại học sản phụ khoa Mỹ, màng trinh là lớp màn mỏng che và có thể bị rách do vận động thể chất cường độ mạnh hoặc sử dụng băng vệ sinh, không phải lúc nào cũng do “ăn cơm trước kẻng”. Thậm chí vào năm 1906, một nghiên cứu đã chỉ ra trường hợp gái bán dâm vẫn còn nguyên màng trinh. Năm 2004, nghiên cứu trên 36 thai phụ cũng cho thấy tới 34 người có màng trinh còn nguyên vẹn.
(ảnh minh họa). |
Khoa học thì vậy nhưng không biết từ khi nào, “màng trinh” trở thành khái niệm thể hiện sự thuần khiết, trong trắng của một người phụ nữ. Ăn sâu vào tâm trí con người, lớp màng mỏng kia là điều kiện cần và đủ để họ có thể kết hôn, thậm chí trở thành yếu tố quyết định họ có xứng đáng được sống hay không. Đặc biệt ở những quốc gia như Iraq, Indonesia, Nam Phi và Afghanistan, mất đi trinh tiết trước khi kết hôn trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ nữ.
Điều này có thể hiểu được bởi theo luật của những quốc gia này, quan hệ tình dục trước hôn nhân là phạm pháp. Còn ở đất nước văn minh, tư tưởng phóng khoáng và quan hệ tình dục trước hôn nhân không phải là chuyện to tát như Mỹ, nhưng các dịch vụ kiểm tra màng trinh vẫn diễn ra trên khắp cả nước. Không chỉ vậy, rất nhiều phụ nữ tìm đến các phòng khám để thực hiện thủ thuật “vá màng trinh”.
Những nỗi đau không ai thấu
Cái gọi là kiểm tra trinh tiết không khác gì là một cuộc tấn công tình dục đối với những trẻ em gái. Thậm chí, nhiều người phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý sau những lần bị ép buộc kiểm tra trinh tiết và bị bác sĩ nói rằng “đã mất màng trinh”. Những bé gái trở nên sợ hãi, lo lắng, bị trầm cảm, có suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động tiêu cực.
Có rất nhiều trường hợp thể hiện rõ điều này. Vào năm 1999, mẹ của cô gái tên Beatrix (tên nhân vật đã được thay đổi) đã đưa cô đến phòng khám ở phía Bắc Carolina, Mỹ. Tại đây, bác sĩ đã sử dụng một miếng bông dài và đưa vào âm đạo của Beatrix để kiểm tra xem cô có còn “màng trinh” hay không.
Thời điểm đó, Beatrix bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng mẹ cô đã quả quyết rằng do Beatrix quan hệ tình dục. Trong khi lúc này Beatrix mới 5 tuổi, là đứa trẻ chăm học và chưa từng hôn bất kỳ cậu bé khác giới nào. Nhưng dù Beatrix có nói gì đi chăng nữa, mẹ cô cũng không tin cô, bởi bà chỉ tin lời bác sĩ. Sau vài phút kiểm tra, bác sĩ nói Beatrix vẫn còn là trinh nữ, lúc này cô bé mới thở phào nhẹ nhõm, bởi nếu không cô sẽ phải chịu đựng cơn thịnh nộ từ người mẹ nghiện rượu của mình.
Nhưng cũng từ đây, cuộc sống của Beatrix như rơi vào địa ngục. Đó là năm 12 tuổi, Beatrix đã bị một người lạ quấy rối ngoài công viên, nhưng cô không dám nói với mẹ. Khi Beatrix 14 tuổi, một thanh niên đã cưỡng bức cô tại một bữa tiệc và lần này cô cũng không nói với mẹ vì lo sợ nếu biết được mình mất đi trinh tiết, mẹ sẽ không yêu thương mình nữa.
Thế hệ trẻ Mỹ (ảnh minh họa) |
Tiếp đó là trường hợp của Elena (đã thay đổi tên) sinh sống ở Kentucky, một cô gái 21 tuổi và đã từng bị mẹ bắt phải đi kiểm tra trinh tiết vào năm 2012. Sự việc bắt đầu khi mẹ Elena phát hiện ra bạn của cô gửi ảnh khỏa thân cho một thanh niên qua Facebook. “Tao không muốn nuôi một con điếm!”, mẹ cô hét lên trong xe chở cô từ trường về nhà. Mẹ ép Elena đến một phòng khám phụ khoa kiểm tra, nhưng cuối cùng bác sĩ đưa cho mẹ cô tờ kết quả nói rằng cô vẫn còn là một trinh nữ. Bị tổn thương sâu sắc, mối quan hệ giữa Elena và mẹ bị rạn nứt và cũng kể từ đó cô không bao giờ tâm sự với mẹ bất cứ chuyện riêng tư của bản thân.
Cũng tương tự như Beatrix và Elena, đó là trường hợp của Michelle Northcote (tên đã được thay đổi). Theo đó, suốt từ lúc 6 tuổi đến năm 13, mỗi năm một lần, Northcote phải đến phòng khám để kiểm tra “màng trinh”. Northcote hồi tưởng, cảm giác lúc ấy là thực sự kỳ cục. Cô chưa bao giờ hiểu lý do vì sao lại có chuyện đó, bác sĩ cũng không tiết lộ. Cô thậm chí chẳng nhận ra thủ thuật ấy là không hề bình thường, cho đến khi trò chuyện cùng vài người bạn lúc vào đại học. Nhìn vào vẻ mặt của họ khi nghe chuyện, cô lập tức hiểu rằng đáng lẽ ra chuyện này không nên xảy ra.
“Tôi nghĩ mẹ hẳn đã yêu cầu việc đó, để kiểm tra xem liệu tôi có còn trinh hay không”, Northcote chia sẻ. Cô không chắc chắn lắm vì mối quan hệ với mẹ đã rất căng thẳng nhiều năm nay, nhưng dựa trên tôn giáo khá bảo thủ của gia đình và quan niệm ám ảnh về trinh tiết, mọi thứ đều hợp lý.
Sự ám ảnh về trinh tiết của mẹ Northcote bắt đầu khi cô mới lên 6 tuổi, và tiếp diễn cho đến khi dậy thì. Một đêm, Northcote bị mẹ dựng dậy tra hỏi về chuyện đã ngủ với người đàn ông nào chưa. Mà thật trớ trêu, sự ám ảnh ấy lớn đến mức khiến người mẹ chẳng hề nhận ra Northcote là một lesbian - nghĩa là đồng tính nữ.
Đi vá cái “ngàn vàng”
Bác sĩ phụ khoa Jennifer Gunter cho biết, “quyền lực” của màng trinh xuất phát từ chính quan niệm của chế độ trọng nam trong xã hội hiện nay - một hệ thống mà theo cô là có nhiều quan điểm khá vô lý. Y học là một ngành nghề rất dễ tạo ra quan niệm ăn sâu. Theo bác sĩ Gunter chia sẻ: “Vài gã nào đó đã viết mấy thứ liên quan đến màng trinh vào tầm thập niên 1920, và thật vô lý, nó ăn sâu thực sự vào tâm trí của con người và điều đó là không công bằng đối với phụ nữ. Chính vì thế điều lần làm hiện nay, đó là mỗi người cần phải nỗ lực rất nhiều để thay đổi quan niệm cổ hủ đó”.
Thêm nữa, để văn hóa y học thay đổi, một thứ khác cần phải đổi thay trước - nạn phân biệt giới tính. “Mọi người cần hiểu các bác sĩ cũng là một phần của xã hội. Họ cũng chịu ảnh hưởng từ các định kiến và niềm tin tôn giáo. Có một sự thật: tấm bằng hành nghề không phải là thứ đảm bảo cho sự hiểu biết của một bác sĩ đâu”, bác sĩ Gunter cho biết.
Mỗi năm vẫn có rất nhiều phụ nữ tìm đến các phòng khám để thực hiện thủ thuật “vá màng trinh”. Và theo thống kê, có hàng vạn chị em cũng đặt hàng bộ “màng trinh giả”, hàng ngàn trong số đó là ở Mỹ.
Vào năm 2016, một nhóm các bác sĩ từ Đại học Y Baylor ở Houston và Đại học Cornell của Thành phố New York cũng như tổ chức ACOG đã tiến hành khảo sát hàng trăm bác sĩ phụ khoa và khoa sản trên khắp nước Mỹ. Theo đó, trong số 228 bác sĩ được hỏi, có đến 10% trong số này trả lời ít nhất một lần được bệnh nhân yêu cầu khám màng trinh, hoặc thực hiện thủ thuật “phục hồi màng trinh”. 34% nói rằng họ đã từng khám và thực hiện các thủ thuật này.
Nói về màng trinh giả, đó là một lớp màng được đặt trong âm đạo, có khả năng phun ra máu khi giao hợp. Công ty tên HymanShop tiết lộ, phần lớn đơn hàng của họ là tại California và North Carolina. VirginiaCare - một công ty khác tại Đức cũng chia sẻ mỗi năm họ bán hàng ngàn bộ sản phẩm sang Mỹ. Nhiều khách hàng cho biết họ cần màng trinh giả để bảo vệ cuộc hôn nhân của mình. Có người thậm chí chưa quan hệ bao giờ, nhưng vẫn mua để đảm bảo máu sẽ chảy vào đêm tân hôn. Một số trường hợp thì cả chồng cũng biết là máu giả, nhưng sử dụng để qua mặt các bậc phụ huynh. Lý do phải mua thì vô vàn, nhưng chung cũng là vì thứ quyền lực vô hình mà màng trinh mang lại, xuất phát từ quan niệm đã ăn quá sâu vào văn hóa.
“Rất nhiều cô gái nói với chúng tôi là chồng họ biết, nhưng vẫn cần vì phụ huynh sẽ vào kiểm tra khăn trải giường sau đó”, Daniela Lindema, người phát ngôn của công ty VirginiaCare chia sẻ. Bản thân những người đứng đầu công ty cũng thừa hiểu máu hay màng trinh đều chẳng có ý nghĩa gì đối với trinh tiết cả, nhưng họ cũng không thấy có gì sai trái khi tạo ra màng trinh giả.
Theo bà Lindeman, bản thân bộ sản phẩm không có lỗi, lỗi là ở những người tin vào cái lớp màng mỏng tang ấy. “Một khi đã biết thì quan niệm này sẽ không bao giờ mất đi, dù ai nói gì đi nữa. Bạn còn trinh, và cách chứng minh là phải ra máu. Đó là lý do nó tồn tại suốt 2000 năm nay. Chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ những người phụ nữ chịu áp lực bởi nó”, bà Lindeman trả lời khi được hỏi liệu rằng họ có đang góp phần lan truyền một quan niệm sai lệch.
Quay trở lại với câu chuyện khám trinh tiết, một số khảo sát đã cho thấy đây là một thủ thuật gây ra nhiều hệ lụy. Bác sĩ Gunter cho biết, đã có trường hợp cô gái bị đánh gãy tay vì bị xác nhận là “không còn trinh”. Một số trường hợp thậm chí còn dẫn đến tự tử. Nhiều phụ nữ kêu khóc, gào thét, bất tỉnh, cảm thấy bị xúc phạm và mất đi lòng tự trọng cũng vì thủ thuật này. Một thủ thuật gây sợ hãi, và bản thân sự sợ hãi cũng gây ra nhiều tai họa.
Ashley Lee (20 tuổi) từ bang Missouri đã từng bị cha mẹ dọa đưa đi kiểm tra màng trinh mỗi năm. Đối với cô, đây có thể xem là một hành động khủng bố, là nỗi ám ảnh kinh hoàng, bởi cô đã từng bị anh trai của bạn mình lạm dụng khi còn nhỏ. “Tôi thực sự lo sợ sẽ gặp rắc rối vì việc chẳng phải lỗi của mình. Giống như không ai đứng về phía mình, không ai giúp đỡ, và cảm thấy xấu hổ vì những gì đã xảy ra”, Ashley chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Mặc dù bố mẹ của Ashley biết về vụ xâm hại, vậy mà họ vẫn tiếp tục lôi việc kiểm tra trinh tiết ra đe dọa cô. Tất cả để cô không bao giờ cảm thoải mái để ngủ (nếu có) với bất kỳ ai tại nhà của họ. “Họ bảo bác sĩ sẽ kiểm tra ‘chỗ ấy’, chọc vào tận tử cung để kiểm tra liệu tôi đã quan hệ bao giờ chưa. Nó thực sự khiến tôi hoảng loạn”, Ashley Lee hồi tưởng.
Giọt nước tràn ly, cô gái Ashley năm 16 tuổi rời nhà đi nơi khác sinh sống. Dẫu vậy, sự ám ảnh vẫn đeo bám cô rất lâu sau đó. Dù vì mục đích gì, sự đe dọa từ cha mẹ đã khiến cô cảm thấy bản thân thật rẻ rúng, thay vì trân trọng nó hơn. “Việc đó khiến tôi cảm thấy thứ ở giữa 2 chân mới là thứ làm nên giá trị của mình”, Lee chia sẻ.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi năm ngoái cho thấy, việc kiểm tra trinh tiết vẫn còn phổ biến và là “truyền thống” tại ít nhất 20 nước trên thế giới, phần lớn là tại Trung Đông, châu Phi và cả Mỹ.
Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi chính phủ trên toàn thế gới ban hành lệnh cấm các dịch vụ kiểm tra trinh tiết và cho rằng, đây là hành động “vi phạm quyền con người và tiêu chuẩn đạo đức”. Tuy nhiên, trong khi việc kêu gọi chấm dứt các dịch vụ này là điều đáng hoan nghênh nhưng gần như không nhận được sự hưởng ứng từ công đồng y khoa và các nhà lập pháp đối với việc nhiều trẻ em gái và phụ nữ bị ép buộc thực hiện điều này. Thậm chí nó vẫn âm thầm diễn ra và bị chính các bác sĩ và người thực hiện dịch vụ này giữ bí mật.
Mới đây, các nghị sĩ tiểu bang New York (Mỹ) đề nghị phải xem tất cả các hình thức kiểm tra trinh tiết phụ nữ sẽ bị xem là bất hợp pháp ở New York và nếu ai ngoan cố thực hiện sẽ bị phạt hành chính, thậm chí bị truy tố hình sự. Nếu được thông qua, New York sẽ trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cấm kiểm tra trinh tiết. Các tiểu bang của Mỹ có hệ thống luật riêng bên cạnh luật liên bang được áp dụng với tất cả 50 bang.
“Tôi vừa kinh hoàng vừa ghê tởm khi người ta làm như thế với phụ nữ và các bé gái. Về mặt y tế, nó thực sự không cần thiết. Tôi thấy nó chẳng khác gì một hình thức bạo lực với phụ nữ và các em gái, khiến họ phải đau đớn và nhục nhã”, nghị sĩ tiểu bang New York Michaelle Solages, một trong những người đề xuất dự luật, chia sẻ với Hãng thông tấn AFP.
Đối với Ashley Lee, phải mất nhiều năm cô mới bắt đầu học được cách xem trọng giá trị bản thân mình. Khi được hỏi về điều muốn nói với cha mẹ, cô cho biết, “Tôi muốn nói là làm ơn đi, bố mẹ bỏ thời gian ra mà tìm hiểu. Cả hai người thực sự không biết mình đã làm tổn thương đến cuộc đời của một đứa trẻ, thay vì bảo vệ nó đâu”.