Cách đây ít phút, GS.Ngô Bảo Châu đến từ Mỹ, mang quốc tịch Việt Nam và Pháp đã được trao Huy chương Fields.
GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà Toán học quốc tế tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 19/8/2010 |
Tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới (ICM), bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ điều hành ICM và trao các giải thưởng cao quý của Toán học bao gồm: Huy chương Fields, Giải thưởng Nevanlinna, Giải thưởng Gauss và Huy chương Chern. Đây không chỉ là niềm vinh dự đối với Việt Nam vì lần đầu tiên có một người mang quốc tịch Việt Nam giành giải thưởng này, mà còn là niềm tự hào của Châu Á, vì trước đó, có 3 Huy chương Fields đều thuộc về các nhà toán học mang quốc tịch Nhật Bản.
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bùi Tuấn |
Trong lịch sử hơn 70 năm của giải Fields mới có 48 người được huy chương Fields. Huy chương Fields năm 2006 đã được trao cho 4 nhà toán học: Terence Tao (Úc/Mỹ), Grigori Perelman (Nga), Andrei Okounkov (Nga/Mỹ), Wendelin Werner (Pháp.
GS Ngô Bảo Châu cùng mẹ và 2 con gái |
GS Ngô Huy Cẩn, PGS Trần Lưu Vân Hiền tại "khu vực dành cho gia đình người chiến thắng" tại đại hội. Con gái GS Ngô Bảo Châu diện áo dài Việt Nam tới đại hội |
"Xúc động và tự hào đến nghẹn cả tim", Viện trưởng Viện Toán học nói: "Chúng tôi thường mơ ước là đến một lúc nào đó, có người Việt Nam được giải Fields, nhưng không ngờ, nó lại đến nhanh như vậy. Giá mà các bác Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm còn sống để chứng kiến sự kiện này. Công lao xây dựng nền toán học Việt Nam của các bác và các thế hệ tiền bối đã góp phần đem đến sự diệu kỳ ngày hôm nay". GS Trung chia sẻ, các nhà toán học ở các nước nghèo và các nước đang phát triển khi gặp ông đều coi thành tựu của GS Ngô Bảo Châu là một sự cổ vũ lớn lao đối với họ.
"Họ hỏi chúng tôi là làm thế nào mà các ông có thể đào tạo nên một con người như anh Châu. Tôi nói rằng họ cần những nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm và rằng đó là một quá trình lâu dài cần được cả xã hội quan tâm nâng đỡ". Dù tình trạng sức khoẻ chưa tốt, GS Hoàng Tụy không giấu được niềm vui: "...Như một chiến thắng Điện Biên Phủ thứ 3 trên lĩnh vực khoa học...", ông nói với phóng viên. GS Tuỵ cho rằng, GS Ngô Bảo Châu được giải Fields là một trận "mưa rào" trên mảnh đất nhiều năm khô hạn kéo dài. Đây là một thắng lợi lớn của trí tuệ Việt Nam. Trên blog cá nhân có thể thấy, "anh" thường xuyên sống theo "nhịp tim" của đất nước...Ấn tượng tốt đẹp của tôi về "anh" - tôi mong rằng mình không bị nhầm. Nhà văn trẻ Phan Việt, giảng viên ĐH Chicago, người được biết đến với bài phỏng vấn thành công GS Ngô Bảo Châu, dịp này đang về nước tham gia một số khoá đào tạo ở các trường ĐH. Trao đổi với báo giới trong phút hiếm hoi trước khi lên đường sang Mỹ vào ngày mai, Phan Việt nói: "Trước tiên, xin gửi anh lời chào trân trọng và chúc mừng anh đã được nhận giải Fields. Đó là niềm tự hào không chỉ cho anh và gia đình - mà đó là niềm tự hào cho cả một dân tộc". "Anh Châu là một người giản dị và nhạy cảm. Anh có ý thức về bản thân rất rõ ràng. Mỗi khi gặp anh, trò chuyện hay có thắc mắc tôi không phải đi lòng vòng. Tôi chỉ cần nói một câu ngắn gọn là anh đã hiểu đằng sau câu hỏi đã nén những gì rồi...Tôi rất cảm phục tài năng của anh".
Những thông tin đặc biệt về GS. Ngô Bảo Châu
Ngô Bảo Châu (sinh ngày 15/11/1972) Đơn vị công tác: Giáo sư của cả 3 cơ quan: Viện nghiên cứu cao cấp IAS Princeton (Mỹ); Khoa toán Đại học tổng hợp Paris 11 và Viện toán học (Việt Nam). 1986-1989: Học sinh khối phổ thông chuyên Toán, ĐHTH Hà Nội. 1988: Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Úc (đạt điểm tuyệt đối 42/42) 1989: Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại CHLB Đức (đạt điểm tuyệt đối 42/42) 1990-1991: Học tại ĐHTH Paris 6, Pháp 1992-1995: Học tiếp ĐH tại Trường sư phạm cấp cao Paris (ENS) 1993-1997: Làm nghiên cứu sinh tại ĐHTH Paris 11 với GS. G. Laumon. Bảo vệ luận án xuất sắc vào năm 1997. 1998-2004: Nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp tại ĐHTH Paris 13. 2004: Bảo vệ tiến sĩ khoa học (Habilitation) 2004: Được trao Giải thưởng Toán học Clay (cùng với GS G.Laumon). Giải thưởng này có từ năm 1999, mới trao cho 23 người. Người đầu tiên được trao giải Clay chính là A.Wiles- người đã chứng minh được Định lý cuối cùng của Ferma tồn tại hơn 300 năm. Ngay sau khi được trao giải thưởng này, thầy của Ngô Bảo Châu là GS G.Laumon đã được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. 2004- nay: Giáo sư tại ĐHTH Paris 11 (Pháp) 2005: Được Hội đồng học hàm Giáo sư nhà nước Việt Nam phong đặc cách giáo sư. 2006: Được mời đọc báo cáo tiểu ban tại ĐH Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha). Chỉ có chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành mới được mời báo cáo. 2007- nay: GS tại Viện nghiên cứu cao cấp (IAS) ở Princeton (Mỹ) 2007: Được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức. Cho tới nay mới có 8 nhà toán học được vinh dự này. Giải thưởng được tặng cho các nhà toán học trẻ của Châu Âu, 3 năm một lần. 2007: Được trao Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp mang tên Sophie Germain. Giải này được trao hàng năm cho một nhà toán học Pháp. 2007- nay: GS đặc biệt tại Viện Toán học Việt Nam 2009: Công trình "Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie" (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. 2010: Được mời đọc báo cáo tại phiên toàn thể của Đại hội Toán học thế giới tại Ấn Độ. Từ tháng 9/2010: sẽ chuyển sang làm GS của ĐH Chicago (Mỹ) |
Theo Hương Giang
VietNamNet
VietNamNet