Dự thảo Thông tư về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất, dự kiến có hiệu lực từ 9/7/2013, theo đó, các tổ chức tín dụng có nợ xấu từ 3% trở lên buộc phải bán nợ cho VAMC.
Khoản nợ nào sẽ được mua?
Theo Dự thảo Thông tư này, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC. Trường hợp tổ chức tín dụng không bán nợ, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp đặc biệt theo quy định, đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản.
Để được VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, khoản nợ cần phải đáp ứng nhiều điều kiện. Thứ nhất, đó là các khoản nợ theo quy định của NHNN; khoản mua hoặc ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết do tổ chức tín dụng mua đã quá hạn thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi từ 90 ngày trở lên; hoặc chưa quá hạn hoặc quá hạn dưới 90 ngày nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có nợ xấu tại tổ chức tín dụng; Khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản; Khoản nợ, tài sản bảo đảm phải hợp pháp; chưa được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác của tổ chức tín dụng và không có tranh chấp.
Một điều kiện tiên quyết không thể không kể tới là để VAMC mua nợ thì khách hàng vay nhất thiết phải tồn tại; có số dư nợ gốc vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với khách hàng vay là tổ chức và không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân.
Nếu các khoản nợ không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì Thủ tướng sẽ quyết định việc mua nợ để đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và xử lý nhanh nợ xấu.
Còn khoản nợ được VAMC mua nợ theo giá thị trường phải đáp ứng đủ các yêu cầu của VAMC; phải được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ; khoản nợ có khả năng phát mại; Khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ. Phương án mua nợ theo giá trị thị trường là một tập hợp các phân tích, đánh giá, đề xuất về việc mua, bán và xử lý các khoản nợ theo nguyên tắc thị trường do VAMC lập và gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận chủ trương trong từng thời kỳ.
Nhiều biện pháp cơ cấu lại nợ
Sau khi mua các khoản nợ của tổ chức tín dụng, VAMC có trách nhiệm điều chỉnh mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ đã mua về mức không cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Nếu phương án tự cơ cấu lại của khách hàng vay hiệu quả và khả thi, VAMC sẽ quyết định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và kế hoạch trả nợ của khách hàng vay. Nếu phương án tự cơ cấu lại của khách hàng vay hiệu quả và khả thi nhưng đang gặp khó khăn tạm thời về tài chính, VAMC quyết định việc giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa có khả năng trả nợ.
VAMC có thể bán nợ đã mua hoặc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp. Trong thời gian chưa xử lý, bán tài sản bảo đảm, việc quản lý, khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản bảo đảm do VAMC và bên bảo đảm thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo thông tư này, VAMC được hưởng tỷ lệ 2% trên số tiền thu hồi các khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt. Số tiền thu hồi nợ được VAMC gửi tại tổ chức tín dụng bán nợ dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn và không được rút trước thời điểm thanh toán trái phiếu.
NHNN dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi là 20% – 40%. Như vậy, với quy định tỷ lệ VAMC được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của VAMC là 320 – 800 tỷ đồng.
Bách Linh