Trước đó bị can Trần Thị Ngọc (SN 1960, quê Lạng Sơn) bị PC47 CA Hà Nội bắt để điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Với số lượng ma túy mua bán, đối tượng này có thể nhận mức án cao nhất.
Lo lắng mất người thân, chị Trần Thị Hoài Thanh (SN 1991. ngụ phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) tìm các mối quan hệ để giúp đỡ mẹ chồng. Khoảng tháng 4/2017, thông qua mối quan hệ xã hội, chị Thanh và chồng là Nguyễn Doãn Đức (SN 1991) quen biết Nguyễn Chí Thành. Chị Thanh kể về việc người thân bị bắt về tội mua bán ma túy, nhờ giúp đỡ. Anh Thành nói không giúp được nhưng em trai là Tùng quen biết nhiều, sau đó cho chị Thanh số điện thoại của Tùng để hai bên liên lạc.
Gặp nhau, chị Thanh nhờ Tùng xin cho mẹ chồng từ án tử hình xuống chung thân khi ra tòa xét xử. Tùng nói quen biết nhiều cán bộ ở các cơ quan pháp luật Trung ương và đề nghị vợ chồng chị Thanh đưa 1 tỷ đồng “chạy án”. Sau đó Tùng nói do việc xin giảm án gặp khó khăn, nâng lên 2 tỷ đồng. Vợ chồng chị Thanh đồng ý và đã giao tiền cho Tùng thành nhiều lần.
Để tạo lòng tin, Tùng còn hướng dẫn vợ chồng chị Thanh thuê một luật sư ở Hà Nội bào chữa cho mẹ khi ra tòa. Đối tượng nói luật sư này nằm trong đường dây chạy án khiến vợ chồng chị Thanh tin tưởng làm hợp đồng thuê luật sư.
Ngoài ra đầu tháng 8/2017, vợ chồng chị Thanh có nhu cầu bán mảnh đất đứng tên mẹ tại TP Lạng Sơn nhưng do bà này đang bị tạm giam nên nhờ Tùng làm thủ tục chuyển nhượng sang tên anh Đức. “Phi vụ” này, Tùng nhận “phí” 60 triệu đồng.
Sau khi thấy những lời Tùng hứa hẹn không đúng sự thật, vợ chồng chị Thanh đã làm đơn tố giác. Ngày 29/7/2017 khi Tùng nhận 100 triệu đồng với mục đích chạy án cho mẹ chồng chị Thanh thì bị bắt quả tang.
Tại CQĐT, Tùng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Đối tượng khai sau khi nhận tiền có đưa hơn 1 tỷ đồng cho một cán bộ VKSND TP Hà Nội để lo lót xin giảm án nhưng qua xác minh, ở VKSND Hà Nội không có cán bộ như Tùng khai.
Tại tòa sơ thẩm, Tùng bất ngờ phản cung, cho rằng bị buộc ký vào giấy trắng và chỉ thừa nhận lấy 100 triệu đồng thời điểm bị bắt quả tang để “chạy án”. Còn những lần lấy tiền trước đó là vay mượn làm ăn, buôn bán chứ không phải nhận tiền để “chạy án”. Phía VKSND Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
HĐXX sơ thẩm nhận thấy hành vi của bị cáo Tùng đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại tòa bị cáo quanh co, không thành khẩn, không ăn năn hối cải và chưa khắc phục hậu quả. HĐXX sau khi đánh giá toàn diện vụ án quyết định tuyên phạt bị cáo Tùng 14 năm tù, buộc hoàn trả cho vợ chồng bị hại 1 tỷ 88 triệu đồng.
Ngày 11/7, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Thanh Tùng. Tuy nhiên, ngay phần mở đầu phiên tòa, chủ tọa đã hỏi bị cáo Tùng có chứng cứ mới để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt không, bị cáo Tùng lắc đầu.
Theo đó, chủ tọa khuyên bị cáo suy nghĩ về việc kháng cáo vì không có tình tiết mới. Ngay sau đó, Tùng đồng ý rút đơn nên HĐXX TAND Cấp cao quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Tùng.