Thảo luận về các vấn đề Tư pháp và THADS, các đại biểu ngành Tư pháp và THADS đã “mổ xẻ” những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nhằm thống nhất giải pháp cho giai đoạn phát triển tới của toàn ngành.
Tư pháp: Nhiều lĩnh vực ghi dấu ấn
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2011 thống nhất đánh giá, công tác tư pháp năm 2010 và nhiệm kỳ 2007-2010 đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, bám sát yêu cầu phát triển KT-XH của cả nước và từng địa phương. Vì thế, vị thế của ngành ngày càng được khẳng định, diện mạo ngành Tư pháp đã “khác hẳn thời kỳ trước”.
Theo Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên, trong số 13 lĩnh vực công tác của ngành, năm 2010, có 3 lĩnh vực đặc biệt ghi dấu ấn. Đó là công tác xây dựng pháp luật, công tác THADS khởi sắc đầy ấn tượng với tỷ lệ về việc và tiền đạt được cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, công tác bổ trợ tư pháp – một lĩnh vực “xương xẩu” của ngành – đã được xã hội hóa mạnh mẽ, được xã hội và nhân dân đón nhận.
Các địa phương cũng chỉ ra những tồn tại trên cả 13 lĩnh vực, trong đó, bất cập nhiều nhất là về các hoạt động trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực còn nhiều lúng túng do chưa làm rõ nội dung của quản lý nhà nước, nhất là trong theo dõi thi hành pháp luật, giám định tư pháp, bồi thường nhà nước. Lực lượng cán bộ tư pháp còn thiếu, nhất là cấp xã, yếu về chuyên môn và tính chuyên nghiệp chưa cao…
Trên cơ sở đó, các địa phương kiến nghị Bộ cần chỉ đạo, rà soát thể chế những lĩnh vực do Bộ quản lý, xem xét hòa giải cơ sở là “khâu đột phá” mới của ngành, có nhiều biện pháp, hình thức thắt chặt mối quan hệ giữa Bộ và cán bộ tư pháp địa phương…
Từ ý kiến đóng góp cho việc phát triển hơn nữa hiệu quả hoạt động của toàn ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, tuy còn nhiều bất cập nhưng công tác tư pháp năm qua đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương. Nhiều lĩnh vực hoạt động đã có chuyển biến tích cực, sát với yêu cầu thực tiễn, đạt kết quả cao hơn so với những năm trước.
Trong giai đoạn 2007-2010, ngành Tư pháp đã có sự phát triển rất đáng ghi nhận, nhiều lĩnh vực công tác tiếp tục được đổi mới, cải cách mạnh mẽ, hoạt động tư pháp đã gắn kết chặt chẽ hơn với nhiệm vụ chính trị chung của đất nước và địa phương. Nổi bật qua việc đổi mới tư duy về quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng pháp luật, tiếp tục hoàn thiện thể chế và đổi mới phương thức quản lí các lĩnh vực công tác tư pháp theo mục tiêu, yêu cầu của các chiến lược về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, đổi mới tư duy phát triển ngành Tư pháp và cải cách các phương pháp, phương tiện, công cụ quản lý ngành.
Đồng thời với tư duy chiến lược tổng thể, toàn ngành rất coi trọng tư duy cụ thể, thực tiễn. Một trong những cách làm hay của mấy năm gần đây đó là xác định đúng, trúng những ”điểm nghẽn” trong công tác THADS, công tác giám định tư pháp để tháo gỡ quyết liệt, dứt điểm, từ đó rút kinh nghiệm chung và đề xuất giải pháp ở tầm chính sách cao hơn.
THADS: Cần tăng cường đội ngũ chấp hành viên
5 chuyên đề lớn được thảo luận tại Hội nghị tổng kết công tác thi THADS hôm qua là việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ THADS; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật THADS; tình hình án tồn đọng; giải quyết khiếu nại tố cáo về THA và triển khai thực hiện vốn đầu tư phát triển tại các cơ quan THA.
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn trong công tác THADS, đặc biệt là tổ chức cán bộ, Cục trưởng THADS Bình Thuận Võ Duy Quang (nguyên Chánh án TAND tỉnh này) làm phép so sánh: lực lượng THA so với Tòa, Viện quá mỏng. Mỗi chấp hành viên một năm phải thi hành 200-300 việc, với một quy trình chặt chẽ dẫn đến tình trạng quá tải công việc. Ông Quang đề nghị Bộ nên nghiên cứu để tổ chức xét tuyển chấp hành viên thay vì thi tuyển; đồng thời nghiên cứu tách Phòng tổ chức cán bộ riêng biệt, nâng tổng số phòng của mỗi Cục THA lên 4.
Đồng tình, Cục trưởng THADS Hải Phòng Phạm Ngọc Nghinh nói thêm về thực tế của địa phương mình: hiện thành phố có 72 chấp hành viên, trong đó 31 chấp hành viên là cán bộ quản lý vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa quản lý đơn vị nên quỹ thời gian cho công việc còn hạn chế.
Tại Hải phòng, nhiều đơn vị có số lượng án phải thi hành lớn (400-500 việc/chấp hành viên) nên việc xác minh điều kiện và đôn đốc THA còn chưa kịp thời.
Đáng lo ngại nhất, theo ông Nghinh là trong khi chưa có cơ chế thu hút cán bộ giỏi về làm việc, thì các cán bộ hiện có đang có xu hướng “rời ngành mà đi”. Chỉ tính riêng trong hai năm (2009-2010) 14 công chức THA của Hải Phòng đã thôi việc và chuyển công tác. Ông Nghinh đề nghị Bộ tăng cường chấp hành viên, cán bộ và cơ sở vật chất đối với các đơn vị nhiều án.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng THADS Đắk Lắk Bùi Đăng Thủy cho biết: xu thế ở địa phương này hiện nay là lượng án và số tiền chuyển năm trước sang năm sau nhiều. Năm 2010 cũng là năm Đăk Lăk gia tăng “đột biến” các vụ việc dân sự, thương mại, kinh tế với số tiền lớn. Thế những đội ngũ chấp hành viên còn rất mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nói về cơ chế bán đấu giá tài sản THADS, Cục trưởng Thủy cho rằng Bộ Tư pháp cùng với các cơ quan liên quan cần xem lại chế định cho bán đấu giá tài sản đến cùng (do hiện nay nhiều vụ kéo dài bất tận, đem bán nhiều lần mà không bán được).
Kết luận Hội nghị công tác THADS, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đánh giá công tác THADS năm qua đã có sự chuyển biến, khởi sắc một cách toàn diện. Tuy nhiên, nói đến án tồn đọng, Thứ trưởng tỏ rõ sự lo lắng trong cách phân loại án, thống kê không chính xác của một số địa phương. “Phải nghiên túc khắc phục tình trạng này”, Thứ trưởng yêu cầu - “Địa phương nào yếu phải xây dựng kế hoạch và cố gắng tìm giải pháp khắc phục. Cố gắng không thể để địa phương nào không đạt chỉ tiêu chung đề ra. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức các Đoàn công tác về địa phương xem nơi đó yếu và thiếu cái gì để tìm cách khắc phục”.
Riêng công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, Thứ trưởng lưu ý còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt địa phương phải khẩn trương hướng dẫn bổ nhiệm thư ký THA, xếp ngạch chấp hành viên để có tư cách làm việc. Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan THADS địa phương cần tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và siết chặt kỷ luật kỷ cương trong nội bộ ngành.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu trong năm 2010, toàn ngành Tư pháp cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1. Tổ chức đợt học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp; gắn việc học tập, quán triệt các văn kiện của Đại hội với việc xây dựng Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và tổ chức triển khai thực hiện ở các cơ quan, đơn vị. 2. Gắn việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về 5 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; tăng cường, đổi mới căn bản công tác xây dựng văn bản pháp luật; nâng cao năng lực của tổ chức pháp chế; tăng cường phổ biến pháp luật; triển khai có hiệu quả Chiến lược trợ giúp pháp lý sau khi được ban hành và thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật. 3. Tập trung giảm thiểu án tồn đọng, năm 2011, phấn đấu thi hành án dân sự xong 85% về việc và 65% về tiền, giảm lượng án tồn đọng xuống còn 200.000 việc; phối hợp với TANDTC, VKSNDTC chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xét miễn, giảm thi hành án; riêng đối với các việc có giá trị không quá 500.000 đồng theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về thi hành Luật THADS, thì phấn đấu hoàn thành trong quý I/2011. 4. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp; triển khai một cách đồng bộ, toàn diện Luật Lý lịch tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Luật Quốc tịch Việt Nam. 5. Hoàn thiện, tạo bước đột phá thể chế để triển khai có hiệu quả trong lĩnh vực công chứng; bán đấu giá tài sản và giám định tư pháp. 6. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ các cơ quan Tư pháp từ trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; phấn đấu đến hết năm 2011, 40% số UBND cấp xã có từ 2 cán bộ Tư pháp hộ tịch trở lên, 100% số cán bộ Tư pháp, hộ tịch cấp xã có trình độ trung cấp luật trở lên. 7. Tăng cường kỷ cường, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ và công tác chỉ đạo điều hành của Bộ.