Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thị xã Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra công điện “hỏa tốc” chỉ đạo, tập trung nguồn lực khống chế dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, thị xã Đông Triều đã lập tới 6 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi hoạt động 24/24 giờ. Tại những chốt đã lập, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ. Các xe chở lợn khi đi qua đều được kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch, dấu niêm phong, phun thuốc khử trùng tiêu độc.
Đến hôm qua (10/3), toàn tỉnh Hưng Yên đã thành lập 170 chốt kiểm dịch với 17 chốt có lực lượng liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên, việc thành lập chốt được thực hiện không chỉ ở nơi đã xuất hiện dịch mà còn cả ở những khu vực giáp ranh, nơi chưa xảy ra dịch.
Các chốt duy trì quân số trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch ra bên ngoài, phun thuốc tiêu độc, khử trùng phương tiện đi lại, người ra vào vùng dịch để ngăn chặn vi khuẩn lây lan, kiểm soát việc tiêu hủy lợn bị dịch; Khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn vận chuyển qua chốt khi được phép đi qua theo quy định...
Ông Trần Tùng Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên cho hay, cùng với việc tham gia trực tại các chốt kiểm dịch, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh còn tăng cường quân số thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận chuyển lợn, kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ, không để lợn bị bệnh được giết mổ mang đi tiêu thụ.