Kiên quyết xử lý học sinh, phụ huynh vi phạm
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh và chỉ đạo của Bộ Công an, từ 1/10 đến hết 31/10/2024, lực lượng CSGT toàn quốc triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên toàn quốc. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của phụ huynh và các em học sinh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với các em học sinh. Trong đó, lực lượng CSGT tập trung xử lý các hành vi vi phạm như điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga; điều khiển xe chạy một bánh trên xe hai bánh; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; lạng lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép…
Theo Công an TP Hà Nội, trong ngày 1/10, các đơn vị đã xử lý 429 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ 127 phương tiện, 193 bộ giấy tờ, tước 71 giấy phép lái xe.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày đầu tiên ra quân, lực lượng CSGT đã có mặt tại các tuyến đường gần trường học, khu vực có nhiều thanh, thiếu niên tụ tập. Theo báo cáo nhanh của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, ghi nhận chỉ trong 1 giờ đồng hồ (từ 6h30 đến 07h30), các Tổ đã xử lý 31 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ hàng chục phương tiện. Các vi phạm chủ yếu bao gồm điều khiển xe cơ giới mà không đội mũ bảo hiểm và điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi. Đặc biệt, nhiều phụ huynh chở con em đi học cũng không đội mũ bảo hiểm.
Xây dựng ý thức tham gia giao thông cho học sinh
Trong đợt cao điểm nhằm thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, 10 tổ công tác đặc biệt của Công an thành phố đã và đang bố trí lực lượng, tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến đường tỉnh, các tuyến quốc lộ gần khu vực trường học, các điểm đường sắt giao nhau với đường bộ, khu vực trường học gần với đường sắt... Mục tiêu nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, Phòng CSGT sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên, phụ huynh điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về TTATGT. Từ đó, phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh: “Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục các ngày trong tuần và xuyên suốt năm học”.
Nhằm xây dựng ý thức tham gia giao thông cho học sinh trên địa bàn, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT kết hợp tuyên truyền học sinh, phụ huynh không tái phạm. Nhất là với các trường hợp tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông như học sinh, phụ huynh học sinh dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông; phụ huynh, học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khi đến trường; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh;…
Song song với các hoạt động trên, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, gia đình phụ huynh trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh và phụ huynh. Ngay trong ngày ra quân (1/10), Đội CSGT đường bộ số 15 đã phối hợp với Trường THPT Lam Hồng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tuyên truyền về Luật An toàn giao thông cho hơn 1.500 học sinh.
Các em học sinh được lực lượng chức năng phổ biến những kiến thức về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông như: Số lượng người được phép ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; mức xử phạt một số lỗi khi tham gia giao thông; các trường hợp được ưu tiên khi tham gia giao thông... Bên cạnh đó, học sinh cũng được tuyên truyền về các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; các quy định xử phạt vi phạm TTATGT theo quy định; cách nhận biết một số biển báo giao thông và ý nghĩa của biển báo hiệu giao thông cùng một số biển báo thường gặp…