Đại dịch làm gia tăng lao động trẻ em
Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em. Tỷ lệ này tuy giảm sâu so với kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ nhất vào năm 2012 (tỷ lệ lao động trẻ em năm 2012 là 15,5%), nhưng vẫn còn khá cao, tương ứng với hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia lao động.
Một báo cáo do ILO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) công bố vào tháng 6 năm nay cho thấy, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu và hàng triệu trẻ em khác có nguy cơ trở thành lao động trẻ em dưới tác động của đại dịch COVID-19. Đại dịch đã đảo ngược xu hướng giảm trước đó của tình trạng lao động trẻ em trong hai thập kỷ qua. Tại Việt Nam, đại dịch đã khiến hơn 2.700 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi và hàng trăm em đứng trước nguy cơ tham gia lao động do mất cha, mẹ hoặc cha mẹ giảm, mất nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống.
Ở Việt Nam, lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở nông thôn, thường làm những công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Thời gian làm việc của lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc khá dài, với 40,6% số trẻ ở nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.
“Việc sử dụng lao động trẻ em chỉ mang lại những lợi ích tạm thời trước mắt, nhưng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt. Trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập, còn gia đình và xã hội sẽ thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai”, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH Đặng Hoa Nam trăn trở.
Ba mục tiêu cốt lõi để phòng ngừa lao động trẻ em
Công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập. |
Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã được bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế quan tâm phối hợp, hỗ trợ và thu được kết quả đáng ghi nhận như: hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến lao động trẻ em ngày càng hoàn thiện; triển khai quy trình hỗ trợ can thiệp lao động trẻ em trên toàn quốc; Việt Nam đã tăng cường hội nhập quốc tế trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em và trở thành một trong 15 quốc gia tiên phong tham gia liên minh 8.7 (quan hệ đối tác nhiều bên nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững - SDG 8.7).
Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 782/QĐ - TTg ngày 27 tháng 5 năm 2021. Chương trình được xây dựng dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO và UNICEF.
Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, chương trình có ba mục tiêu cốt lõi: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật và hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Tại Hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành, ILO và UNICEF tổ chức, Thứ trướng Nguyễn Thị Hà đã đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức chủ động triển xây dựng các kế hoạch, các giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức.
Còn theo bà Bharati Pflug, chuyên gia cao cấp của ILO, lao động trẻ em không chỉ gây rủi ro về uy tín cho Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại quốc tế và làm suy yếu năng lực của lực lượng lao động tương lai của đất nước, mà còn làm xói mòn quyền của trẻ em và gia tăng tình trạng nghèo đói theo chu kỳ.
“Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em sẽ đảm bảo rằng cam kết này được áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau Covid-19” - bà Bharati Pflug nhận định.
Ca khúc nâng cao nhận thức cộng đồng về lao động trẻ em
Có một thực tế rằng, bên cạnh các nỗ lực của Chính phủ, cơ quan chức năng thì lao động trẻ em có thể phòng ngừa được thông qua sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em, thúc đẩy nỗ lực của toàn xã hội cùng hành động để xóa bỏ lao động trẻ em. Do đó, việc tác động nhận thức cộng đồng về lao động trẻ em là rất quan trọng.
Hưởng ứng Năm quốc tế của Liên Hợp quốc về xóa bỏ lao động trẻ em, vào tháng 4/2021, Bộ LĐ-TB&XH, ILO và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phối hợp với UNICEF, Tổ chức Save the Children và Tổ chức Good Neighbors đã có sáng kiến phát động Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em” nhằm mục đích sử dụng sức mạnh của âm nhạc để nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền cảm hứng cho các hành động phòng chống lao động trẻ em.
Sau một thời gian thực hiện, cuộc thi nhận được 88 bài dự thi của 68 nhạc sĩ từ khắp mọi miền đất nước và đã tìm ra hai tác phẩm chiến thắng. Hai nhạc sĩ đến từ Hà Nội và TP HCM giành chiến thắng trong cuộc thi đã được trao giải vào đầu tháng 12/2021.
“Chúng tôi rất vui mừng khi có tới 68 nhạc sĩ trên khắp Việt Nam tham gia Cuộc thi Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em với những bản nhạc chất lượng. Cộng đồng nhạc sĩ Việt Nam hết lòng tham gia cuộc đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn bằng cách cống hiến các bài hát và buổi hòa nhạc của mình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lao động trẻ em” - NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết.
Bài hát “Em ước mong sao” của nhạc sĩ Trần Văn Hùng nói về ước mơ của các em nhỏ về một thế giới hòa bình, nơi không có lao động trẻ em, không có bệnh tật hay chiến tranh. Ca khúc “Trẻ em như búp trên cành” của nhạc sĩ Khánh Vĩnh từ TP HCM nhắc nhở tất cả chúng ta rằng trẻ em - tương lai của đất nước - cần được đến trường, các em xứng đáng được yêu thương và chăm sóc.
“Cùng với các chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, và các tổ chức hoạt động vì trẻ em, những ca khúc về phòng chống lao động trẻ em của cuộc thi này sẽ góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của mỗi người và toàn xã hội về vấn đề lao động trẻ em và có các hành động thiết thực tham gia vào chương trình Phòng chống lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.