“Nô lệ” cho thẻ thấu chi, cặp vợ chồng trở thành “đao phủ” vì tiêu xài không kiểm soát

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Làm tới vài chiếc thẻ tín dụng thấu chi để hưởng thụ hạnh phúc hiện tại là quan niệm chi tiêu thời thượng của rất nhiều bạn trẻ ở đất nước láng giềng. Nhưng cũng vì mê muội trong sự hưởng thụ đó, nhiều người trở thành nô lệ của chiếc thẻ. Trong đó, có một đôi vợ chồng trẻ do chi tiêu mất kiểm soát nên không có khả năng trả nợ. Và rồi chỉ vì 400 nhân dân tệ mà họ đang tâm gây ra tội ác tày trời.

Yêu là cưới

Thuật ngữ “thấu chi” chỉ hành vi của một tổ chức tín dụng chấp thuận bằng văn bản cho phép các khách hàng đang sử dụng thẻ ghi nợ của tổ chức đó có thể chi vượt mức số tiền dù thẻ có tài khoản bằng 0. Tức bạn có thể hiểu đơn giản, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức cho phép vào tài khoản thẻ ghi nợ. Hạn mức này cũng tương đối cao, có thể gấp nhiều lần lương tháng.

Quay trở lại với vụ án, Nhuế Lợi (27 tuổi) là một cô gái Bắc Kinh (Trung Quốc) điển hình, từ nhỏ đã được sống trong sung túc nên tính cách có chút ngạo mạn, ích kỷ, không lo lắng và bất cần đời. 

Sau khi tốt nghiệp trung cấp, Lợi nằm dài ở nhà chứ không chịu đi làm. Cha mẹ cô cũng nhiều lần nhờ người tìm cho cô công việc tốt nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng Lợi lại xin nghỉ, cả ngày ở nhà lên mạng, chán rồi lại đi dạo phố, cuộc sống của Lệ trôi qua một cách đơn giản.

Nháy mắt, Lợi đã đến tuổi kết hôn, khi cha mẹ cô chạy khắp nơi tính kiếm người phù hợp cho cô thì Lợi lại đưa về nhà một chàng trai hơn Lợi 1 tuổi tên Diêu Quốc Cường (ngụ khu Đại Hưng, ngoại ô Bắc Kinh) về nhà đòi làm lễ thành hôn. 

Hai người quen nhau mới được vài tháng, nhưng vì đều còn trẻ, sở thích giống nhau nên nhanh chóng yêu nhau rồi quyết định “yêu là cưới” cho hợp thời thượng.

Mẹ Lợi là Vương Tú Mai nghe tin xong vô cùng sửng sốt, kéo Lợi ra một chỗ để hỏi thăm hoàn cảnh của Cường. Lúc này, bà mới biết Cường cũng tốt nghiệp trung cấp nhưng cũng không có công việc ổn định nên cảm thấy không vui. Bởi con gái mình tuy cũng không ra sao nhưng với một người làm mẹ bà vẫn muốn có chàng rể tốt, học cao, công việc ổn định. Như vậy cuộc sống sau này của con gái cũng được đảm bảo tối thiểu, không phải lo lắng.

Vương Tú Mai nói suy nghĩ của mình cho Lệ biết, Lệ tỏ ra không phục: “Chúng con tuy không có tiền, nhưng có tình yêu, có thể chiến thắng tất cả khó khăn. Mẹ, tại sao mẹ lại trở thành con người coi trọng vật chất như vậy? Đừng vì anh ấy nghèo mà mẹ khinh thường. Chẳng phải nhiều người cũng lấy chồng nghèo, sau này thành công đấy sao?”. 

Mai tức khí nói đó chỉ là trên phim ảnh, còn cuộc sống thực tế không đơn giản như vậy. Bây giờ cả hai đứa đều không có gì, liệu tình yêu sẽ duy trì được bao lâu?

Nghe vậy, Lệ liền buông một câu: “Mẹ đừng cố chấp như vậy, con muốn ở bên cạnh anh ấy, ai cũng không thể tách rời chúng con được”, nói xong liền chạy ra phòng khách kéo Cường đi khỏi nhà, để lại Vương Tú Mai một mình khóc ròng.

Cuối cùng, Lệ vẫn quyết định tổ chức lễ cưới với Cường, sau đó chuyển về nhà Cường ở Đại Hưng sinh sống nhờ sự tiếp tế của cha mẹ. Cường thỉnh thoảng tìm công việc tạm thời để làm, tuy hai vợ chồng không dư dật nhưng cũng có thể tạm qua ngày.

Tháng 4/2004, Lệ sinh một bé gái kháu khỉnh. Sau khi có con, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Không lâu sau, Lệ chê ở quê mọi sinh hoạt không thuận tiện nên muốn về thành phố, sau đó Lệ về nhà mẹ đẻ nhờ thuê cho một căn nhà và trông con giúp mình. Mai trước nay tuy rất giận Lệ về việc hôn sự nhưng vì thương con lại thấy cháu ngoại đáng yêu nên cũng dần nguôi giận.

Cuối năm 2004, Mai thuê cho Lệ một căn phòng rồi đón chồng con Lệ lên ở. Do Lệ và Cường đều không có việc làm nên Mai trả trước cho 3 tháng tiền nhà, đồng thời cho hai vợ chồng số tiền đủ tiêu trong 3 tháng. Đồng thời nhắc nhở rằng, 3 tháng sau vợ chồng Lệ phải tự lo tiền thuê nhà và sinh hoạt. Không phải Mai có thành kiến gì, nhưng hai vợ chồng cũng là người làm cha mẹ nên phải hiểu. Cho dù không nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến con cái sau này. Bây giờ nuôi một đứa con không phải đơn giản, tạm thời cha mẹ có thể tiếp tế, nhưng không thể cả đời dựa dẫm vào cha mẹ được.

Không có tiền thì đi vay nợ

Do con còn quá nhỏ nên Lệ và Cường bàn nhau để Cường ra ngoài tìm việc, Lệ ở nhà trông con. Vậy là, hôm sau Cường bắt đầu đi nộp hồ sơ, nhưng khi về nhà, Cường không tìm được việc mà cầm về một tấm thẻ tín dụng thấu chi.

Thì ra, trên đường đi, Cường ngang qua một ngân hàng đang có hoạt động làm thẻ thấu chi. Được một cô gái xinh đẹp mời chào tư vấn, Cường liền quyết định làm chiếc thẻ này. 

Lệ thấy Cường đi cả ngày về không có kết quả, tuy không nói gì nhưng trong lòng cảm thấy không vui. Cường không nhận ra, vẫn tiếp tục trêu Lệ rằng mình làm thẻ xong còn có cả quà tặng nữa. Lệ tức giận trách Cường không có tiền còn đòi làm thẻ thế nào được. Nghe vậy, Cường liền ôm vợ rồi lấy ra một gói quà là đồ trang điểm cao cấp, thứ mà Lệ vẫn thường ước ao.

Lệ vừa nhìn thấy đã sáng mắt lên đòi cho mình rồi hỏi Cường lấy tiền đâu ra mua. Cường ve vẩy chiếc thẻ trên tay nói chiếc thẻ thấu chi có thể tiêu được 5 ngàn nhân dân tệ, ở Bắc Kinh mà không có thứ này thì chưa thực sự là người thành phố. Lệ lo lắng nói thẻ thấu chi đúng là tiện lợi thật, nhưng sau này biết lấy tiền đâu ra để trả. Cường nói Lệ cứ yên tâm vì mai mình sẽ tiếp tục đi tìm việc, còn tiền nếu cần thì cứ tiêu trước ở trong thẻ.

Sau đó, Cường tìm được công việc bán đồ điện trong một cửa hàng, tuy tiền lương không cao nhưng cũng gọi là có thu nhập, Mai biết chuyện cũng cảm thấy yên tâm hơn. 

Sau khi đi Cường đi làm, hai vợ chồng cũng lo lắng vấn đề làm thế nào để trả tiền. Bởi trước đó, Lệ cũng theo chồng làm cho mình một chiếc thẻ thấu chi. Có số tiền đó, hai vợ chồng Lệ bắt đầu hưởng thụ, mua những vật xa xỉ mà trước đó chưa từng dám nghĩ đến như quần áo hàng hiệu, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, mỹ phẩm cao cấp. 

Khi mới dùng thẻ, hai vợ chồng Cường cảm nhận được sự khoái cảm và sự thỏa mãn chi tiêu mỗi khi quẹt thẻ, đồng thời trong lòng luôn có cảm giác tự hào và suy nghĩ thông minh khi lựa chọn phương thức chi tiêu này. 

Sản phẩm đắt tiền đầu tiên mà vợ chồng Cường mua là chiếc máy tính. Sau khi đi rất nhiều cửa hàng, Cường phát hiện ra rằng, có chỗ thì miễn tiền lãi và không thu bất kỳ chi phí thủ tục nào. Cũng có chỗ tuy được miễn tiền lãi nhưng phải trả 2.5% tiền phí thủ tục. Cường tìm đến ngân hàng thì được giải thích, đó là khi ngân hàng hợp tác với cửa hàng thì với mỗi cửa hàng lại áp dụng một chính sách khác nhau.

Lúc đầu, hai vợ chồng Lệ cảm thấy dùng thẻ thấu chi giống như mua đồ không mất tiền. Vì vậy càng kích thích dục vọng chi tiêu của họ, thậm chí nhiều khi không thể kìm lại được, họ mua sắm rất nhiều thứ vượt quá khả năng của mình. Chỉ đến cuối tháng, khi vợ chồng Lệ nhận được giấy của ngân hàng thì mới nhận ra mình đã tiêu quá nhiều tiền.

Lương mà Cường nhận được không đủ bù đắp vào tài khoản đã tiêu. Không còn cách nào khác, cả hai lại phải dày mặt về cầu xin gia đình hai bên giúp đỡ. Tuy tiền đã mượn được nhưng cả hai đều bị mắng đến vuốt mặt không kịp rồi cun cút ra về. 

Nghĩ ra độc chiêu “lấy thẻ nuôi thẻ”

Số tiền mà gia đình hai bên cho mượn chỉ đủ trả một phần mà họ đã chi tiêu quá tay. Để giảm áp lực trả nợ, cả hai lại nghĩ ra cách “lấy thẻ để nuôi thẻ”. 

Vậy là, sau đó Lệ và Cường mở tiếp hai thẻ thấu chi ở một ngân hàng khác, rồi chuyển số tiền này sang trả cho ngân hàng kia. Một thời gian sau, trong túi hai vợ chồng Cường nhét đầy các loại thẻ, tổng số tiền lên đến hàng chục ngàn tệ. Có loại thẻ chuyên dùng để chi tiêu hàng ngày, có loại để mua đồ điện tử, có loại dùng mua đồ gia dụng trả góp…

Vì vậy, cuộc sống của vợ chồng Cường ngoài việc ăn cơm thì hầu như chẳng bao giờ có cơ hội dùng đến tiền mặt. Đến kỳ trả nợ ngân hàng thì họ dùng tiền trong thẻ của ngân hàng này chuyển sang ngân hàng kia. Tuy nhiên, họ không biết rằng mình đang thực sự rơi vào cái hố không đáy, khó lòng rút chân ra.

Số nợ nhỏ gây tội ác lớn

Mùa xuân năm 2006, công ty nơi Cường làm việc do thua lỗ nên phá sản. Cùng lúc đó, tiền nợ ngân hàng của vợ chồng Cường cũng lãi mẹ đẻ lãi con nên cuộc sống tiếp tục rơi vào bế tắc. Điện thoại thúc nợ của ngân hàng hàng chục cuộc, giống như tử thần gọi hồn. Cuối cùng, hai vợ chồng Cường đành phải sử dụng đến dịch vụ mức trả tiền tối thiểu, cũng đồng nghĩa với việc rơi vào cảnh phải chịu lãi suất tuần hoàn. Lãi ngày, lãi tháng lũy kế khiến họ dường như nghẹt thở.

Cuối tháng 4/2006, để trả dứt điểm tiền, Lệ và Cường nghĩ nát óc đủ mọi kế để vay tiền. Tuy nhiên, lúc này hai bên gia đình đều đã hoàn toàn mất niềm tin ở họ, nói hết nước hết cái mà hai vợ chồng vẫn không vay được đồng nào. Bạn bè tuy có lòng nhưng đều không có tiền nên không thể giúp đỡ. 

Trong lúc đó, Lệ biết trong thẻ lương của mẹ có một số tiền lớn, số tiền này mẹ Lệ không bao giờ đụng đến phòng khi có việc cấp bách. Trước áp lực thúc nợ của ngân hàng, Lệ nghĩ đi nghĩ lại rồi quyết định liều lĩnh, lấy trộm thẻ lương của mẹ rồi rút ra số tiền 46 ngàn nhân dân tệ, một phần đem trả ngân hàng, một phần giữ lại chi tiêu hàng ngày.

Tuy nhiên, Vương Tú Mai nhanh chóng phát hiện ra việc trên, bà thực sự bị đứa con bất hiếu này làm cho tức điên. Mai buồn chán trách cứ Lệ, nói Lệ làm mình quá đau lòng, bởi số tiền đó mình dùng để dưỡng lão. Trước nay nuôi Lệ ăn uống đã khiến mình kiệt quệ, nay tiền dùng để mua quan tài mà Lệ cũng lỡ lấy.

Mai tự trách, không biết mình có lỗi gì mà lại có đứa con không biết suy nghĩ như vậy. Đồng thời, Mai cũng cảnh báo rằng, từ nay về sau Lệ sẽ không bao giờ nhận được một đồng nào từ mình. Lệ và Cường bị mắng thậm tệ, trong lòng uất ức nhưng cũng không dám nói gì, chỉ lặng im nghe Mai giáo huấn.

Sau lần đó, Cường tiếp tục đi tìm việc, vào làm nhân viên tạm thời trong một tòa nhà ở thành phố, còn Lệ đã quen ở nhà nên không chịu kiếm việc. Tuy nhiên, lo sợ bị Mai mắng nên nói dối rằng mình hiện tại đang bán hàng mỹ phẩm trong trung tâm mua sắm.

Túng quá hóa liều

Đầu tháng 8/2006, lại đến hạn trả nợ của ngân hàng, mức trả nợ tối thiểu là 400 tệ, nhưng lúc đó hai vợ chồng Lệ chỉ còn 200 tệ, cũng không có cách nào kiếm nổi số tiền đó để trả. Cường đành phải về nhà mượn mẹ của mình nhưng cũng không vay được. 

Hết cách, Cường đành bảo Lệ về vay Vương Tú Mai. Lệ nghe vậy liền tức giận nói mình không đi bởi không còn mặt mũi nào về hỏi mẹ nữa. Đồng thời trách mắng Cường đường đường là một người đàn ông mà không lo nổi số tiền cỏn con đó. Lệ tự trách trước đây quả thật mình có mắt mà như mù, tại sao lại chọn Cường.

Cường bị Lệ kích bác cũng giận sôi máu, hai người bắt đầu cãi nhau gay gắt, sau đó mệt quá cả hai đều ngồi bệt xuống đất, Cường hổn hển nói cuộc sống của mình những ngày qua thực sự không phải là của con người. Nếu cứ ép mình quá thì sẽ đi cướp. Lệ cho rằng Cường đang tức giận mới phát ngôn bừa bãi nên cũng không để ý.

Ngày 18/8, một lần nữa ngân hàng lại gọi điện đòi nợ, hết đường Cường đành cầu xin Lệ về nhà vay tiền mẹ, Lệ nhất quyết không chịu. Cường trầm ngâm một lát rồi nói đành phải đi cướp cửa hàng tạp hóa dưới nhà, cửa hàng này ngày nào cũng có người mua rất đông nên nhất định có tiền. Hơn nữa chỉ có một người phụ nữ ở nhà, đợi đến khi gần sáng thì hai người sẽ ra tay. 

Cường bàn kế hoạch, bảo Lệ tìm cách đánh lạc hướng người bán hàng còn mình bẻ khóa ngăn kéo để trộm tiền. Lệ nghe vậy thất kinh hỏi lại: “Cướp tiền à? Như vậy là phạm pháp, nhỡ bị chủ quán phát hiện thì phải làm thế nào?”. Cường cắn răng đáp lại, giờ hết cách rồi, không nghĩ được nhiều đến thế, cứ trộm xong rồi chạy. Sau khi thuyết phục, cuối cùng Lệ cũng đồng ý.

Khoảng 3h20 sáng 20/8/2006, Lệ và Cường cầm theo dao, kìm cắt sắt nhẹ nhàng ra khỏi cửa, xung quanh không một bóng người, đi đến trước cửa hàng tạp hóa, Cường dùng tay đập cửa mấy cái. 

Phía trong, người chủ cửa hàng là Hiểu Vân bật đèn hỏi xem ai, có chuyện gì thì ngày mai quay lại. Lệ nói nhỏ rằng mình là Nhuế Lệ, có việc gấp muốn gọi điện thoại. Vân nghe giọng người quen bèn dậy mở cửa cho Lệ vào nhà. Cửa hàng này diện tích không lớn, ở giữa làm một vách ngăn, bên ngoài bày hàng, bên trong kê hai chiếc giường ngủ.

Sau khi vào được nhà, Lệ cầm ống nghe điện thoại đặt ở bàn lên bấm mấy số, nói mấy câu rồi giả bộ nói với chủ quán rằng mình cần đợi một cuộc điện thoại. Hiểu Vân ngáp ngắn ngáp dài nói mình vẫn còn ngái ngủ, muốn đi ngủ tiếp, bảo Lệ cứ ở đấy đợi, nói xong liền vào trong giường nằm.

Lệ quay đầu lại thấy Cường bật sáng màn hình điện thoại di động của mình làm dấu, ý nói Lệ nhanh chóng động thủ. Sau mấy lần bị Cường thúc giục, Lệ hít một hơi dài rồi lấy chiếc kìm cắt sắt từ trong túi xách ra nhẹ nhàng đi về phía giường đập mạnh vào sau gáy Vân. Vân tỉnh giấc kêu thét lên, sau đó vùng dậy túm tay Lệ, trong lúc giằng co, chiếc kìm rơi xuống đất. 

Đứng ở bên ngoài, nghe tiếng thét thất thanh. Cường biết Lệ đã ra tay liền lập tức xông vào trong, tay phải cầm dao, tay trái ghì chặt vai trái của Vân xuống rồi đâm 2, 3 nhát vào lưng Hiểu Vân. 

Tuy nhiên, lúc này tay của Vân vẫn túm chặt lấy Lệ và lớn tiếng kêu cứu. Thấy vậy, Cường vô cùng hoảng sợ, lo lắng sẽ đánh thức những người xung quanh bèn nhặt chiếc kìm lên đập nhiều nhát vào đầu Vân, tiếp đó dùng dao đâm vào lưng, bụng Vân.

Lúc này, Lệ đứng bên cạnh nhìn Cường ra tay tàn độc nên như người chết đứng. Mãi đến khi Vân nằm sõng xoài dưới nền nhà, Cường đã dừng tay mới định thần lại.

Sau đó, Cường lục lọi căn nhà được 200 tệ, 1 thẻ ngân hàng, 1 chứng minh thư của Vân và một ít tiền lẻ khoảng 20 tệ trong ngăn kéo bán hàng và một chiếc điện thoại để ở đầu giường của nạn nhân. Sau đó, cả hai rửa chân tay mặt mũi, thu dọn hiện trường rồi mới tắt điện, ra ngoài khóa trái cửa bỏ đi.

Cái giá phải trả quá đắt

Sau khi giết người, Diêu Quốc Cường vẫn tỏ ra như không có chuyện gì, sáng sớm còn giúp hàng xóm dắt chó đi dạo rồi mới đi làm. Tối đến về nhà, Cường hỏi Lệ có rút được tiền trong thẻ không? Lệ nói không rút được do không biết mật mã. Đúng là mất bao nhiêu công mà được có chút tiền. Lệ trách tại Cường nhất quyết đi cướp, giờ còn giết người nữa. Cường cảm thấy phiền quát lại, nói Lệ lúc đó cũng không phản đối, giờ còn nói nhiều. Sau đó Cường bảo Lệ giữ lại số tiền mặt, còn lại tất cả đều đem vứt đi.

Khoảng 21h tối 22/8/2006, một người cùng quê Vân đến tìm, thấy lạ nên phá cửa vào trong thì phát hiện Vân đã bị sát hại. Cảnh sát nhận tin nhanh chóng vào cuộc điều tra và xác định được hung thủ. Sáng 23/8, Lệ và Cường bị bắt giữ.

Ngày 28/8/2007, tòa án nhân dân trung cấp thành phố Bắc Kinh mở phiên xét xử vụ án giết người cướp tài sản này. Đồng thời tuyên phạt bị cáo Diêu Quốc Cường mức án tử hình về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Nhuế Lệ cũng bị tuyên mức án tử hình nhưng cho hoãn thi hành 2 năm. Ngày 29/5, tòa án nhân dân cao cấp Bắc Kinh xét xử phúc thẩm, y án sơ thẩm với hai bị cáo trên.

Sự xuất hiện của thẻ tín dụng thấu chi đã làm thay đổi quan niệm chi tiêu của những thanh niên hiện đại. Họ dùng tiền của tương lai để hưởng thụ vào ngày hôm nay, điều này đem lại rất nhiều lợi ích cho những người dùng thẻ. 

Tuy nhiên, cùng với việc đem lại sự thuận tiện nó cũng đem lại cho chúng ta những cám dỗ rất lớn, trở  thành nô lệ như cặp đôi trong câu chuyện trên. Đến khi chỉ vì 400 tệ tiền nợ mà họ ra tay sát hại dã man một người vô tội. Có lẽ, đây cũng là bài học cho những người đang thụ hưởng lợi ích từ nó, nên tiết kiệm chi tiêu và có kế hoạch trong việc trả nợ. Không nên vì số tiền tiêu trước mà để lại cho mình hậu họa.

Đọc thêm

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter
(PLVN) - Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) là đồng bọn của Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) đã bị cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp Cảnh sát Interpol ra Quyết định truy nã quốc tế.

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của một nam thanh niên ở Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma tuý, 1 khẩu súng rulo bên trong có 6 viên đạn. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 22 viên đạn khác và 1 dao tự chế.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an
(PLVN) -Ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Khang (39 tuổi, trú tại ấp 6, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

TP HCM: Triệt phá nhiều đường dây ma túy trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm

Giám đốc Công an TP trao khen thưởng cho 11 tập thể, 06 cá nhân các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. (Ảnh: CACC)
(PLVN) - Thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và cao điểm rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện; đối tượng sử dụng, nghi sử dụng; đối tượng bán và tụ điểm mua bán, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM và các quận/huyện truy xét, triệt phá các đường dây tội phạm về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; bắt giữ hàng chục đối tượng.