Trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng tái tạo, điện khí; cảng biển tổng hợp, dịch vụ cảng, trung tâm logistics; du lịch và dịch vụ biển đẳng cấp. Trong đó, đề án có phạm vi nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, điều kiện tự nhiên của 10 xã và 1 thị trấn thuộc hai huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Mục tiêu phấn đấu của Đề án là mức đóng góp tăng trưởng của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam chiếm khoảng 42-45% GRDP của tỉnh và đến năm 2030 là 65%.
Sở Kế hoạch & Đầu tư đã báo cáo tổng quan yêu cầu của Đề án; tiềm năng, lợi thế, những thuận lợi, khó khăn, thách thức; một số điều chỉnh về phạm vi triển khai Đề án; các phương án tổ chức và giải pháp huy động nguồn lực triển khai; đề xuất các cơ chế, chính sách, hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực…
Huyện ủy Thuận Nam báo cáo hiện trạng phát triển KT-XH của huyện; những thuận lợi, khó khăn, thách thức và một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác triển khai thực hiện chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh giai đoạn 2021-2030. Tiếp đó các đồng chí dự họp cho ý kiến góp ý vào quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án; lãnh đạo các sở, ngành giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Trong số các ngành công nghiệp mũi nhọn, cần đánh giá lại mức đầu tư, quy mô cảng biển và tổng thể logistics để xác định tầm ảnh hưởng, nguồn lực, khả năng khai thác để định hình hướng phát triển mang tính ổn định, lâu dài; có giải pháp thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế, trong đó chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài; song song đó là gắn kết phát triển đô thị Cà Ná, Phước Dân và thúc đẩy chuyển hóa phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng cao…"
Nắm bắt được tầm quan trọng của Đề án cũng như việc ban hành Nghị quyết về triển khai Đề án này, UBND tỉnh yêu cầu Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, làm rõ thêm cơ sở xác định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp triển khai thực hiện trong thực tiễn; cần rà soát lại các quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để xem xét, đánh giá tổng thể Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.