Ninh Thuận: Rừng dương bị khai thác cát băm nát vì... chính quyền khó tiếp cận để xử lý?

Xe công nông chế độ khai thác cát trái phép tại rừng dương ở Mỹ Hòa vào ban đêm.
Xe công nông chế độ khai thác cát trái phép tại rừng dương ở Mỹ Hòa vào ban đêm.
(PLVN) - Gần 1ha diện tích rừng dương (phi lao) phòng hộ ven biển ở thôn Mỹ Hòa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) bị các đối tượng khai thác cát trái phép đào bới, khiến hàng trăm cây dương trơ gốc ngã chết. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn, bởi lực lượng chức năng địa phương… khó tiếp cận để xử lý (!?)

Rầm rộ khai thác cát trong đêm

Theo người dân xã Vĩnh Hải, hoạt động khai thác cát trái phép tại rừng dương phòng hộ ven biển Mỹ Hòa khiến hàng trăm cây dương bị trơ gốc ngã chết đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái ngăn chặn.

Các đối tượng khai thác cát trái phép chỉ hoạt động vào ban đêm bằng phương tiện xe công nông chế độ thành xe tải cỡ nhỏ, có cử người canh gác ở nhiều điểm. Khi phát hiện người lạ, ngay lập tức đội ngũ canh gác thông báo cho các đối tượng khai thác ngưng hoạt động.

Hiện trường khai thác cát trái phép tại rừng dương ở Mỹ Hòa.
 Hiện trường khai thác cát trái phép tại rừng dương ở Mỹ Hòa.

Để có bằng chứng xác thực, trong các ngày 12 và 13/12, phóng viên đã tìm cách lọt vào bãi khai thác cát từ 3h sáng. Trong ngày 12/12, tại điểm khai thác, chúng tôi ghi nhận nhiều tiếng xe chở cát tiến vào bãi khai thác, ánh đèn của xe chiếu sáng cả một gốc rừng…

Khi vào điểm khai thác, 3 chiếc xe công nông chế độ thùng như xe tải bắt đầu khai thác cát. Mỗi xe từ 2 - 4 người dùng xẻng xúc cát lên xe. Khoảng chừng 15 - 20 phút, các xe được xúc đầy cát bắt đầu ì ạch chạy ra khỏi bãi. Thay vào đó là những chiếc xe khác tiếp tục chạy vào khai thác cát. Cứ như vậy, trong khoảng thời gian từ 3h - 5h30, có hàng chục lượt xe vào ra xúc cát. Ngoài ra, còn có gần chục người chạy xe máy “tháp tùng” theo để xúc cát.

Nhằm tránh bị phát hiện, các đối tượng khai thác cát tổ chức phân công người canh gác tại nhiều điểm xung quanh, dùng đèn pin đảo quét liên tục các điểm nghi ngờ, khi có động tĩnh là lập tức dùng tín hiệu báo cho đồng bọn. Đến gần 6h sáng, sau khi chuyến xe cuối cùng ra khỏi điểm khai thác, các đối tượng mới thu dọn đồ đạc để rời đi.

Tiếp cận hiện trường các đối tượng vừa khai thác, chúng tôi ghi nhận những hố cát vừa bị đào thành hàm ếch ăn sâu vào các gốc dương. Một số cây dương vừa ngã đổ do bị đào trốc gốc, một số cây khác bị đốn ngang gốc để giải phóng đường đi cho xe chở cát, nhiều cây bị khoét trơ rễ có khả năng ngã đổ bất cứ lúc nào.

Nhìn rộng ra khu vực xung quanh, trên diện tích khoảng 1ha, các đối tượng đã đào bới khai thác hàng nghìn khối cát, biến mặt rừng dương thành hố sâu từ 3 - 5m kéo dài như một thung lũng. Hàng trăm cây dương bị bật gốc, đốn hạ, một số cây khác đã chết khô từ lâu. Ngoài ra, còn có hàng trăm cây bụi lớn nhỏ bị đào trốc gốc nằm ngỗn ngang trong lòng “thung lũng” cát.

Ngày 13/12, vào khoảng 3h30 sáng, chúng tôi lần theo một chiếc xe công nông độ chế chở đầy cát từ rừng dương Mỹ Hòa đi theo tỉnh lộ 702 về phía xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải), sau đó vào đường hẻm, rồi đổ cát gần rẫy trồng hành của một hộ dân ở thôn Mỹ Hiệp (xã Thanh Hải).

Cát khai thác được bán cho các hộ trồng hành, tỏi ở xã Thanh Hải.

Cát khai thác được bán cho các hộ trồng hành, tỏi ở xã Thanh Hải.

Đến sáng, trong vai người đi tìm hiểu trồng hành, tỏi, chúng tôi được một nông dân trồng hành ở thôn Mỹ Hiệp chỉ “bí quyết” trồng hành, tỏi năng suất cao. Đó là dùng cát động rải lên mặt đất khi gieo giống mới.

“Làm như vậy đất sẽ mát và năng suất hành, tỏi tăng gấp đôi, gấp ba. Thường thì sau mỗi lần thu hoạch, nông dân sẽ mua cát do các đối tượng khai thác từ các xã Vĩnh Hải và Thanh Hải để trồng hành, tỏi. Mỗi xe cát chở được từ 2 - 3 khối có giá trên 500 nghìn đồng”, người này cho biết.

Một người dân khác cho biết, ngoài việc bán cho các hộ dân trồng hành, tỏi, các đối tượng khai thác cát trái phép còn bán cho các hộ dân có nhu cầu san lấp mặt bằng xây dựng công trình tại địa phương.

“Việc khai thác cát như thế này đã diễn ra trong nhiều năm. Đêm đêm có hàng chục lượt xe “cọc cạch” chạy ầm ầm qua nhà tôi. Có khi từ 12h đêm cho đến sáng. Xe cứ vô tư bán cát nhưng chẳng thấy ai nhắc nhở hay ngăn chặn gì”, người này bức xúc nói.

Khó tiếp cận để xử lý?

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải Nguyễn Hải Đăng xác nhận, UBND xã có biết tình trạng khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến rừng dương phòng hộ ven biển ở thôn Mỹ Hòa.

“Các đối tượng khai thác cát lén lút vào ban đêm và có cắt cử người canh gác nên lực lượng chức năng của xã khó tiếp cận để xử lý. Việc khai thác cát không phép là vi phạm quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản. Thời gian qua, lực lượng chức năng xã có xử lý vài trường hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng khai thác cát trái phép ở rừng dương Mỹ Hòa. Hiện xã đang xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng tổ chức mật phục xử lý dứt điểm”, ông Đăng nói.

Rừng dương bị ngã đổ do các đối tượng khai thác cát trái phép.
 Rừng dương bị ngã đổ do các đối tượng khai thác cát trái phép.

Theo ông Nguyễn Tường Giao - Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Núi Chúa, khu vực rừng dương Mỹ Hòa được Vườn Quốc gia Núi Chúa trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 1996 theo chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc của Nhà nước, với mục đích phòng hộ ven biển, chống cát bay và xâm nhập mặn.

Năm 2012, khu vực này được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Smart Asgard Việt Nam để thực hiện dự án Khu resort Spa nho - Trang trại trồng nho - Nhà máy rượu vang nho (gọi tắt là dự án Spa nho). Dự án đã bồi thường, hỗ trợ cho Vườn Quốc gia Núi Chúa toàn bộ số cây dương trồng trên khu đất này từ tháng 3/2012.

“Hiện khu rừng dương là do chủ đầu tư dự án Spa nho quản lý. Tuy nhiên, do dự án chưa đi vào hoạt động nên hiện nay người dân vào khai thác cát, làm chết số lượng lớn cây dương. Về mặt lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Núi Chúa thường xuyên kiểm tra, thông báo cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời tình trạng khai thác cát trái phép khiến rừng bị mất dần”, ông Giao cho biết.

Khi được hỏi về trách nhiệm của đơn vị quản lý, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho rằng, khu vực rừng này là rừng trồng theo chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc ven biển, với mục đích chống cát bay và đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty Cổ phần Smart Asgard Việt Nam từ ngày 12/5/2009, điều chỉnh lần thứ nhất vào ngày 31/12/2013.

Dự án Spa nho với diện tích dự kiến sử dụng 38,9ha đất công do UBND xã Vĩnh Hải quản lý, trong đó có khu vực rừng dương. Thời gian hoạt động là 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận. UBND huyện Ninh Hải có quyết đinh số 647/QĐ-UBND ngày 13/3/2012 đền bù các loại cây thuộc dự án tổng số tiền hơn 439 triệu đồng.

“Khu đất này đã giao cho chủ đầu tư dự án dự án Spa nho nhưng đến nay do còn một số vướng mắc về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng dự án và có một số liên quan đến yếu tố nước ngoài nên vẫn chưa triển khai cũng như chưa thể thu hồi dự án được”, vị này nói.

Vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, khu vực rừng dương Mỹ Hòa nằm giữa ranh giới xã Vĩnh Hải và xã Thanh Hải. Trước khi trồng dương, đây là vùng đất hoang nhưng khi dự án được cấp phép thì xảy ra tranh chấp đất với người dân địa phương. Khu vực này hiện nay không thuộc quản lý của Vườn Quốc gia Núi Chúa vì đã giao cho doanh nghiệp và địa phương.

Rừng dương phòng hộ ven biển Mỹ Hòa có tác dụng chống cát bay, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong lúc dự án Spa nho chưa triển khai, chưa trồng cây thay thế, rừng dương vẫn phát huy tác dụng bảo vệ môi trường. Nếu không kịp thời ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép như hiện nay thì không chỉ nguồn tài nguyên của địa phương bị mất mà diện tích rừng dương sẽ bị phá nát trong nay mai.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Thay đổi lớn từ những hành động nhỏ

Lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường.
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta đều có tác động lớn đến môi trường sống, góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất.

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.