Nói đến làng nghề đúc chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) là người ta nhớ ngay đến tình trạng nóng bỏng về ô nhiễm môi trường, làm đau đầu các cơ quan chức năng. Hàng trăm lò nấu chì của các hộ sản xuất với những ống khói ngày đêm “nhả” ra khói, bụi chì độc hại. Không đành lòng trước cảnh bị “thần chết” ám ảnh, vài năm nay, một số người dân của làng đã tìm cách cứu gia đình, cứu làng nghề…
|
Hiện nay Đông Mai có 567 hộ dân với 2.284 nhân khẩu và khoảng 40% số người trong độ tuổi lao động tham gia vào công việc tái chế chì. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phải trực tiếp phá dỡ bình. Để không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động thì phải dùng rô bốt để phá bình ắc quy. Đông Mai chưa có điều kiện đó, việc phá dỡ vẫn dựa vào sức người là chủ yếu |
Đổi mạng vì gánh nặng mưu sinh
Có một thời người Đông Mai lấy vỏ bình ắcquy để xây tường bao. Người dân ăn với khói bụi, ngủ với axít, sống trên bình ắcquy, cuối cùng chất độc đã ăn vào máu. Ở Đông Mai đã từng có hộ gia đình quá sợ phải bỏ nghề tinh chế chì vì sinh ra hai con dị dạng…
Người già ở Đông Mai kể lại rằng, làng có nghề đúc đồng truyền thống lâu đời. Đến năm1988 sản phẩm của làng không xuất được ra thị trường nên người dân chuyển sang nghề tái chế chì phế liệu. Nguyên liệu chính là chì được lấy từ những chiếc bình ắcquy hỏng được thu mua ở khắp nơi về. Thời gian đó, gần như cả làng cùng tự chế lò nấu bằng bễ quay tay cốt chỉ để kiếm ra đồng tiền. Ruộng đất ít, năng suất thấp nên người dân cố “bám” lấy nghề nấu chì để có “đồng ra đồng vào”!
Nhưng thật tai hại, vì không có kiến thức nên mạnh ai nấy làm, người ta cứ… vô tư thải a-xít, mạt chì, kẽm để ngấm xuống đất, hòa vào nước. Mỗi ngày những lò nấu chì ở đây thải vào không khí cả tấn bụi chì, một chất mà nhiều nhà khoa học xác định độc hại không kém gì dioxin. Người lao động cũng trực tiếp tiếp xúc với các loại hóa chất mà không có một hình thức bảo hộ nào, theo kiểu… “điếc không sợ súng”! Khói bụi và khí thải độc hại gây ảnh hưởng cả những ngôi làng bên cạnh.
Sự thật là đã có thời gian dài hàm lượng chì trong không khí ở thôn Đông Mai vượt 300 lần, trong nước vượt 20 lần tiêu chuẩn cho phép. 60% người dân ở đây mắc các bệnh lao, dạ dày, nhiễm độc máu, nhiều trẻ em bị thiểu năng trí tuệ... nhưng vì cuộc sống mưu sinh vì khát khao làm giàu, người dân vẫn phải nấu chì. Buồn hơn, đã có hơn 40 người bị tàn tật do ảnh hưởng của bụi và khói chì; trong đó có hơn 20 trẻ em bị viêm não, với các di chứng ngớ ngẩn, thọt chân, mù, bại liệt...
Một số gia đình có 2-3 con bị não dị dạng, có cháu đã thiệt mạng, nhiều cháu nhiễm chì trong máu, hàng tháng phải đi lọc máu rất tốn kém. Theo phân tích từ cơ thể những người bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong nước tiểu từ 0,25 -0,56 mg/l; trong máu 135 mg/l, vượt 1,5 lần mức cho phép. Bệnh tật bủa vây cuộc sống người dân, những đứa trẻ được sinh ra không lành lặn đã khiến những bậc cha mẹ đau quặn thắt. Nhiều cụ già giục con cháu bỏ nghề nhưng rồi gánh nặng mưu sinh làm cho biết bao con người chấp nhận “sống chung với lũ”.
Đau đáu cứu làng
Không thể sống mãi trong ô nhiễm và bệnh tật, không chấp nhận kiếm được cái ăn trước mắt mà để ảnh hưởng đến đời sống và tương lai, nhiều hộ dân Đông Mai rục rịch tìm “thuốc” cứu môi trường. Không ít người nghĩ đến chuyện bỏ nghề, sau thấy đó không phải là biện pháp tốt. Vào năm 2001, ông Trịnh Minh Quân, một người dám nghĩ dám làm đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để nghiên cứu và chế tạo lò nấu chì giảm ô nhiễm. Trước đó, ông Quân và một vài hộ cũng từng xây lò có ống thải khói thải, nhưng chỉ nhà mình tránh được khói bụi còn người dân xung quanh vẫn phải hứng chịu sự ô nhiễm đến ngạt thở.
Với quyết tâm cao, ông Quân đã tìm đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các cơ sở đốt kẽm để tham khảo hệ thống hút bụi. Những hệ thống này do nước ngoài chế tạo, giá rất đắt nên không thể áp dụng được. Năm 2002, ông Quân rủ một người họ hàng cùng đầu tư xây lò theo cách của mình. Trong tám tháng đầu ông bị thất bại bốn lần. Đến tháng thứ mười, chiếc lò của ông ra đời trước sự ngỡ ngàng của dân làng.
Lò nấu chì của ông Quân được phát triển từ lò cũ, nhưng có gắn thêm hệ thống phễu hút bụi vào tầng hầm và buồng trung gian. Khi bụi được làm mát trong buồng giảm nhiệt, được đẩy sang buồng lọc. Khoảng 75% bụi được giữ lại ở buồng này. Lượng khói thoát ra ngoài chỉ mang 25% bụi chì, sau này cải tiến máy móc, lượng bụi chì thoát ra ngoài chỉ còn 10%. Mỗi đêm lò ông Quân nấu được hơn năm tấn nguyên liệu mà chỉ cần hai lao động.
Trong thời gian đó, Hiệp hội làng nghề của Đông Mai được thành lập, thu hút 60 thành viên tham gia, mục đích là giúp đỡ nhau trong công việc tái chế chì, hỗ trợ cả kinh phí. Hiệp hội cũng xin với các cấp lãnh đạo tỉnh Hưng Yên quy hoạch khu làng nghề sản xuất xa khu dân cư. Năm lò nấu lớn được phát triển thêm từ lò của ông Quân đáp ứng hơn 90% nhu cầu nấu chì của người dân và giảm 90% ô nhiễm môi trường so với trước.
Vào những ngày sản xuất nhiều, một đêm làng sản xuất được 8 tấn chì thành phẩm. Các hộ dân cũng đã biết sử dụng bể trung hòa a-xít trong khi dỡ bình, giảm ô nhiễm môi trường. Với nhiều cố gắng, Hiệp hội làng nghề Đông Mai đã tổ chức vận động người dân tham gia, cùng nhau sản xuất và kinh doanh. Tất cả những thành phần của một chiếc bình ắcquy đều được tận dụng làm sản phẩm… kiếm ra tiền (kể cả khói bụi). Nhiều tỷ phú đã phất lên từ nghề và bắt tay vào xây dựng biệt thự, nhà cửa khang trang, mua sắm đồ gia dụng đắt tiền…
Dung Nhi