Ông Đồng Vinh Quang (Chủ tịch UBND xã) cho biết, toàn xã có 549 tàu thuyền đánh cá, tổng công suất 159.530CV. Trong đó, có 201 tàu tham gia khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, có 2 tàu đánh bắt theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, 5 tổ hợp tác sản xuất thuỷ sản trên biển.
“Sau lễ cầu ngư (ngày rằm tháng Giêng), các tàu thuyền của ngư dân đồng loạt vươn khơi. Do thời tiết thuận lợi nên 3 tháng đầu năm toàn xã đánh bắt đạt 392 tấn hải sản. Riêng sản lượng đánh bắt trong tháng 3 đạt năng suất lớn nhất từ trước đến nay, với 335 tấn, đạt 50 tỷ 250 triệu đồng”, ông Quang cho biết.
Ngư dân Đậu Thanh Phương (ngụ thôn Đông Cảng) cho hay, nhờ sóng yên biển lặng, những chuyến ra khơi của tàu ông từ đầu năm đến nay đều thuận buồm xuôi gió. Trong tháng 3, tàu cá của ông đã đánh bắt được 8 tấn mực và cá, đạt doanh thu 800 triệu đồng. Sau khi trả công cho 6 lao động với số tiền 50 triệu đồng/người/tháng, ông Phương lãi hơn 300 triệu đồng.
“Sướng trong bụng lắm, vì chỉ sau 2 ngày ra khơi làm nghề mành chụp, tàu tôi cập bến mang về hơn 300kg mực. Giá mực trên thị trường đang ở dao động 150.000 - 300.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Sau chuyến biển này, tôi thu hơn 60 triệu đồng”, ngư dân Phạm Ngọc Tâm (ngụ thôn Trung Vũ) cho hay.
Theo UBND xã, thời điểm này là cao điểm của mùa khai thác mực, cá. So với những năm trước, năm nay xuất hiện nhiều luồng mực hơn nên ngư dân đánh bắt trúng “đậm” hơn, có nhiều tàu trúng từ 100 - 300kg mực chỉ sau 1 chuyến biển.
Trước đó, năm 2023, thời tiết tương đối thuận lợi, ngư dân Cảnh Dương yên tâm tham gia bám biển dài ngày. Sản lượng khai thác trên biển đạt 3.755 tấn, doanh thu hơn 360 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động trên tàu khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Kế hoạch năm 2024, Cảnh Dương đặt mục tiêu sản lượng khai thác thủy hải sản đạt 4.000 tấn, doanh thu 375 tỷ đồng.
Ngư dân Cảnh Dương buông lưới đánh bắt hải sản. (Ảnh: Thanh Hà) |
Bà Đặng Thị Liên (Giám đốc Cty TNHH Vũ Lâm, trụ sở thôn Đông Dương, chuyên làm hậu cần nghề cá) cho biết, trên địa bàn xã có 7 đơn vị thu mua hải sản. Thường ngư dân Cảnh Dương đi câu cá hố, cá bò là những hải sản có giá trị cao. Nhưng đầu năm có luồng mực, nên ngư dân đánh bắt mực là chủ yếu.
“Để thu mua hải sản cho ngư dân được giá và bảo quản bảo đảm chất lượng, Cty chúng tôi phải làm kho đông lạnh, nhưng quy mô chưa được lớn. Số hàng thu mua thường phải chở vào cảng Gianh hoặc vào Đà Nẵng để bảo quản trước khi xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm xây dựng kho đông lạnh ở khu vực cảng cá Cảnh Dương cho DN thuê, hoặc hỗ trợ mặt bằng để DN đầu tư làm kho đông bảo quản hải sản, tránh việc vận chuyển xa khi chưa bảo quản, làm giảm chất lượng, giá thành hải sản”, bà Liên bày tỏ.