Chàng trai không chân tay Nick Vujicic vừa tới sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt đầu chuỗi chương trình hoạt động tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh hiệu ứng từ những cuộc trò chuyện và các hoạt động ý nghĩa của Nick, nhiều tranh luận đã nổ ra: Nên hay không nên bỏ ra số tiền “khủng” để mời Nick?
Một hành động nhiều ý nghĩa?
Tối ngày 22/5 khoảng 2.500 khán giả chương trình "Chào Việt Nam" đã chờ sẵn từ sảnh lớn của hội trường để đón chờ cuộc nói chuyện của Nick. Họ là em nhỏ, học sinh, sinh viên, doanh nhân, nghệ sĩ… Và rất đông trong số đó là những người khuyết tật. Lặng lẽ, nhẫn nại, đầy cảm xúc, họ chờ để gặp được chàng trai mà họ ngưỡng mộ bởi sức mạnh tinh thần kì diệu của anh.
Nick Vujicic |
Dịch giả Bích Lan, cô gái bị rối loạn dưỡng cơ từ bé, dù cơ thể rất yếu, chỉ nặng chừng 30kg vẫn bay từ Hà Nội vào TP. HCM chỉ để thực hiện ước muốn là được gặp Nick. Cái ôm đầy thân ái của họ đã làm vỡ òa nhiều cảm xúc trong chương trình.
Chương trình hoạt động của Nick tại Việt Nam được xây dựng khá hấp dẫn. Các chương trình diễn ra ở hai đầu Nam – Bắc của Tổ quốc: TP.HCM và Hà Nội. Trong những ngày này, Nick đã trở thành một “hiện tượng” tại Việt Nam khi khiến các bạn trẻ - và cả những người không còn trẻ hào hứng, say mê theo dõi, “săn vé”.
Một giảng viên trường đại học tại Hà Nội đã chia sẻ: Nhìn học trò của mình rủ nhau đi đón Nick, sôi sục tìm vé xem diễn thuyết của chàng trai khuyết tật này, cảm thấy rất vui, và thầm so sánh với câu chuyện những bạn trẻ phát cuồng, phát khóc vì thần tượng, để thấy lần đến Việt Nam của anh chàng Nick có ích làm sao…
Đánh thức những điều bị lãng quên
Tuy nhiên, bên cạnh những tâm trạng hứng khởi, những niềm vui đón chào chàng trai “đặc biệt”, một cuộc tranh luận lớn cũng nổ ra trên các mạng xã hội, trang truyền thông.
Một luồng ý kiến khác, nhỏ hơn nhưng không kém phần sắc bén, đã đặt ra những câu hỏi: Liệu 32 tỉ đồng để đem Nick về Việt Nam có “quá đáng” hay không? Có phải sẽ ích lợi hơn nếu đem số tiền trên ủng hộ người nghèo? Liệu chương trình có gây được hiệu ứng như mong muốn, mang lại ích lợi “thỏa đáng” với số tiền đã bỏ ra?
Cùng với Nick, 24 tấm gương khuyết tật vượt khó đã được giới thiệu, giao lưu với công chúng |
Đặc biệt, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, rằng trên đất nước Việt Nam còn rất nhiều những tấm gương khuyết tật vượt lên trên số phận để sống tốt, để thành danh, như anh Nguyễn Công Hùng, hiệp sĩ công nghệ thông tin mà cuộc đời như một thiên tiểu thuyết; Trần Thị Ngọc Hiếu, cô gái trẻ bị liệt 2 chi dưới và bàn tay phải nhưng đã bỏ nhiều năm học nghề làm tranh đá quý và đã ra nghề với kỹ thuật ghép đá quý thành những bức tranh rất đặc sắc, rồi những người nghệ sĩ tật nguyền đánh đàn bằng một tay, bằng răng…
Cuộc tranh luận kéo dài chẳng dứt, và dường như bên nào cũng cố gắng chứng minh cho lý lẽ của mình. Nhưng có lẽ, một điều mà ai cũng thấy đằng sau câu chuyện Nick đến Việt Nam, đó là cùng với Nick, 24 tấm gương khuyết tật vượt khó đã được giới thiệu, giao lưu với công chúng, để rồi nhiều người Việt ngỡ ngàng nhận ra: Hóa ra chung quanh chúng ta bấy lâu nay vẫn có những con người “kì diệu” như Nick, mà ta vẫn chưa biết đến!
Cùng với sự xuất hiện của Nick, một em bé mang tên Linh Chi ở Yên Bái bắt đầu được cộng đồng biết đến với tên gọi “Nick của Việt Nam”. Em tám tuổi, sinh ra đã không tay không chân do di chứng từ ông nội là một chiến sĩ từng chiến đấu ở Quảng Trị.
Em đã tập đi trên hai ống inox và tự đi lại được. Em có thể cầm đồ vật, rót nước uống, mời khách. Em cũng được đến trường vào lớp 1, học chung với các bạn lành lặn khác, và em đã đã biết đọc và tập viết chữ bằng cách kẹp viết vào cằm. Em đã được xem các clip của Nick trên mạng, và có khát khao cháy bỏng được gặp Nick “bằng xương bằng thịt”. Cha em đã xin được vé để thực hiện ước mơ của con gái…
Rồi còn nhiều những điều tốt đẹp khác có thể đến đằng sau chuyến đi của một thanh niên ngoại quốc không tay chân. Bởi vì, không thể phủ nhận được, khi nhìn Nick, mọi người đều có chung hai ý nghĩ: Cảm thấy khâm phục vì những gì Nick đã làm, và cảm thấy thật may mắn vì những điều mình đang có.
Nhìn vào tốc độ chia sẻ những câu chuyện về những con người khuyết tật có nghị lực phi thường ở Việt Nam và nhiều cảm xúc của các bạn trẻ, có thể thấy được một hiệu ứng đẹp đang lan tỏa trong cộng đồng.
Có đôi khi, người ta nên quên đi những con số, quên đi những so sánh và cân đo để hiểu rằng: Hoạt động xã hội không chỉ bằng việc đem miếng cơm manh áo cho người nghèo. Sự “lên giây cót” tinh thần và tạo niềm tin yêu cho đông đảo giới trẻ là một điều đáng quý mà những người tổ chức chương trình đã đem đến…
Ngọc Mai