Nick Út - người khắc họa gương mặt chiến tranh

Nick Út và bức ảnh được trao giải Pulitzer.
Nick Út và bức ảnh được trao giải Pulitzer.
(PLO) - Nếu Phạm Xuân Ẩn với tư duy, trí tuệ sắc sảo đã giúp cho bạn đọc thế giới hiểu về chiến tranh Việt Nam qua những thông tin, bình luận thì Nick Út đem lại cho người đọc ấn tượng về cuộc chiến bằng hình ảnh trực quan. Bức ảnh em bé napalm của ông đã được trao giải Pulitzer, giải thưởng báo chí danh giá nhất nước Mỹ.
Tôi chưa một lần vinh dự được gặp Nick Út nhưng hình dáng, tầm vóc của ông cứ sống mãi và lớn dần lên trong tôi theo thời gian, tuổi tác và những trải nghiệm về cuộc đời. Thuở nhỏ, quê tôi cũng nằm trong vùng chiến tranh ác liệt, tôi đã biết thế nào là bom đạn. Con đường tôi đi học mỗi ngày nằm giữa những hàng rào kẽm gai, đi qua những tấm bảng “tử địa”với cái hình đầu lâu ghê sợ hay chỉ đơn giản là một tàu lá dừa nằm chắn qua đường. 
Bác tôi đã chết vì thói quen dọn dẹp những vật nằm trái chỗ khi dỡ bỏ một tàu dừa như vậy lúc mờ sáng. Nếu bác tôi không chết thì 30 phút sau ba tôi sẽ đi qua tàu dừa ấy. Trong đầu óc non nớt của đứa trẻ, tôi hiểu đó là chiến tranh, đó là sự chết chóc. Khi lớn thêm chút nữa, được nhìn thấy bức ảnh của Nick Út qua báo chí, khái niệm chiến tranh trong đầu tôi như mở rộng hơn. 
Đó là nỗi đau, đó là sự kinh hoàng. Ấn tượng về bức ảnh cứ đeo đẳng trong đầu tôi như một duyên phận, như là sự ám ảnh. Tôi vẫn chưa biết thắc mắc ai là người chụp bức ảnh ấy, làm sao chụp được một bức ảnh ấn tượng lạ lùng như vậy.
Rời trường học tôi đi bộ đội, đối diện với chiến tranh trực tiếp hơn. Lao mình vào làn khói đạn, tìm cái sống trong cái chết, khi có độ lùi ra khỏi chiến trận, ngồi gác trên một chốt vùng biên, nhìn những người thân của đồng đội hy sinh là vì mình bức ảnh xúc động lại sống dậy trong tôi. Hình ảnh chiến tranh lại thêm nét nghĩa khác đó là những mất mát, những thương tổn trong tâm hồn sâu kín mà không bao giờ xoá lấp được. 
Y học có thể xoá đi phần nào thương tổn dấu vết napalm trên trên làn da chị Kim Phúc, nhưng dấu ấn về nỗi đau cháy da thịt và sự kinh hoàng chắc hẳn sẽ theo chị đến cuối đời. Bức ảnh một lần nữa lại đeo đuổi tôi như là một định mệnh. Nó thúc bách tôi phải làm điều gì đó phải nói gì đó tương tự như nó, đồng hành với nó. Lúc này tôi mới tự hỏi làm sao người ta có thể chụp bức ảnh này? Người chụp là ai mà sức mạnh thông tin thần kỳ đến vậy?
Rời quân ngũ trở lại nhà trường, tiếp cận với thông tin sách vở, tôi mới biết đến tên Nick Út. Hoá ra không phải người hành tinh khác, hoá ra không phải cách xa về địa lý mà ông là người cùng tỉnh Long An, thậm chí là cùng huyện với tôi. Khám phá đó không làm giảm đi sự kính phục mà phần nào giúp tôi tăng thêm sự tự tin. Một con người của quê tôi đã làm nên việc thần kỳ. 
Đi học, đi làm, qua sách vở, qua đời thực, tôi mới hiểu ra chiến tranh không chỉ là cái chết, nỗi đau, sự kinh hoàng mà còn là đề tài của nghệ thuật, báo chí. Hóa ra không chỉ Nick Út mà nhiều người khác cũng lao vào lửa đạn hiểm nguy không để đánh nhau mà để khắc họa chiến tranh. Theo tư duy, tình cảm của từng người, chiến tranh lại hiện ra với những gương mặt khác nhau.
Tôi cũng tập tành cảm nhận cái đẹp phơi phới của những vầng sáng phủ trên lưng, trên vai người lính, đoàn quân trong “Quân về đồng bằng” của Minh Trường. Tôi cũng thấy lòng nhẹ nhõm trước nụ cười hồn nhiên của anh lính trẻ Quảng Trị trong ảnh của Đoàn Công Tín. Bởi tôi cũng từng trải nghiệm những chặng hành quân như vậy, bởi cũng có lúc tôi đã từng vô tư cười như vậy. Nhưng bức ảnh em bé napalm vẫn đeo đuổi nhắc nhở tôi rằng đó chỉ là những gương mặt cá biệt, hư ảo của chiến tranh. Gương mặt thật của nó vẫn mang gam màu xám u uất của nền trời đụn khói, là tiếng thét thất thanh và ánh mắt kinh hoàng. 
Bức ảnh em bé napalm của Nick Út. Ảnh tư liệu.
Bức ảnh em bé napalm của Nick Út. Ảnh tư liệu. 
Tôi biết thêm là để hiểu được chiến tranh thì không dễ ngay cả những người đã từng bước chân qua cuộc chiến. Nói được về chiến tranh càng không dễ, nhầm lẫn về nó người ta sẽ bắn đại bác vào nghệ thuật, sẽ gieo rắc những quả bom napalm vô hình vào tâm hồn bao thế hệ.
Điều nhắc nhở tôi không chỉ là bức ảnh mà còn từ cả cuộc đời Nick Út. Không phải tôi mê muội do thành công của ông mà tôi chiêm nghiệm từ sự lựa chọn của ông. Ông đã chọn nghề phóng viên chiến trường ngay chính từ cái chết của người anh. Đó không phải là sự lựa chọn của vinh quang, cũng không phải là sự lựa chọn của lòng thù hận. 
Đó là tình yêu, là khát vọng đi tìm sự thật bộ mặt của chiến tranh. Đó là sự lựa chọn từ nỗi đau, mất mát sâu kín trong nội tâm của đứa trẻ 15 tuổi. Tôi cảm nhận được điều đó trong đám tang bác mình, khi tự hỏi nếu người ấy không phải là bác mà là ba, một làn gió lạnh chạy qua sống lưng tôi. Chiến tranh rất vô tình và rất ngẫu nhiên mà chúng ta không có quyền lựa chọn.
Cũng có thể có người cho rằng bức ảnh ấy chỉ là sự ngẫu nhiên, Nick Út đã may mắn chạm mặt vào khoảnh khắc kinh hoàng nhất của chiến tranh và chộp bắt nó một cách tình cờ. Xin thưa không! Bao nhiêu quả bom napalm đã đổ xuống đất nước này. Bao nhiêu quả mìn khuất lấp dưới những mô đất, tàu lá dừa hiền hòa không hề mang dấu hiệu chết chóc nhưng sao không có bức ảnh nào tương tự? 
Nick Út đã đi tìm, đã nhỏ máu mình và suýt mất cả sinh mạng mình vì những bức ảnh. Đó là sự tìm và gặp nhân quả chứ không hoàn toàn ngẫu nhiên. Cũng có những người khác tìm kiếm như anh, có thể họ còn tích cực hơn, kỹ thuật, tài hoa hơn nhưng có thể họ không được nung nấu bằng những hoài niệm từ máu thịt, có thể họ lầm lạc trong nhận diện về một gương mặt khác. 
Mọi sự vật đều mang nhiều gương mặt, chiến tranh lại càng đa dạng. Nhưng với tôi, bức ảnh của Nick Út đã khắc họa gương mặt mà tôi thấy tương đồng. Nó đánh thức trong tôi và có lẽ trong lòng nhiều người khác nữa những điều ngay thật của sự sợ hãi với cái xấu, cái ác và sự tàn phá man rợ của chiến tranh.
Điều đáng tiếc là tôi vẫn chưa làm được điều Nick Út đã làm, chưa nói được điều Nick Út đã nói trong bức ảnh. Tôi nhận lời mời viết của Giản Thanh Sơn trong điều kiện rất ngặt nghèo về thời gian. Nếu là đề tài khác chắc chắn tôi từ chối dù biết làm vậy sẽ phụ lòng bạn nhưng với Nick Út thì tôi không thể nói không. Tôi trải lòng mình những suy nghĩ thật về ông, một người khả kính mà tôi chưa từng gặp mặt. Nếu những trải nghiệm ấy có điều gì không đúng xin hãy thể tất cho, và xin cho tôi được lưu giữ cho riêng mình./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.