Những trò chơi dân gian ngày Tết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đến sức hút vô cùng đặc biệt, mang đậm giá trị truyền thống dân tộc, góp phần tạo thêm không khí rộn ràng cho ngày xuân.,
Một số trò chơi dân gian thú vị:
Ô ăn quan
Ô ăn quan là trò chơi dân gian ngày Tết cổ truyền quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người.
Cách chơi vô cùng đơn giản, mỗi người lần lượt rải mỗi ô 1 quân, bắt đầu từ ô gần nhất bên mình. Bạn có thể rải cùng chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ tùy theo ý thích. Sau khi rải hết quân cuối cùng, nếu liền sau là ô vuông có chứa quân, bạn tiếp tục dùng tất cả số quân đó rải tiếp theo chiều đã chọn.
Tuy nhiên, nếu liền sau đó là ô trống rồi mới đến một ô chứa quân thì bạn sẽ được ăn tất cả số quân trong ô đó. Người giành chiến thắng trong trò ô ăn quan là người ăn được tổng số quân nhiều nhất.
Kéo co
Kéo co cũng là một trong các trò chơi dân gian vào ngày Tết được nhiều người yêu thích.
Để chơi trò kéo co cần chuẩn bị sợi dây thừng dài có buộc cái khăn đỏ ở giữa. Toàn bộ người chơi sẽ được chia thành 2 phe, mỗi phe phải dùng hết sức mạnh của mình để kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước để giành chiến thắng.
Cờ người
Vào dịp đầu xuân năm mới tại các thôn xóm, đình làng thường tổ chức chơi cờ người. Đây là một trong các trò chơi dân gian ngày Tết vui, thú vị và thu hút sự đông đảo người tham gia, cổ vũ.
Cách chơi của trò này dựa trên luật của bộ môn cờ tướng, điều khác biệt duy nhất là sử dụng người thật để thay thế cho các quân cờ. Bàn chơi cờ người sẽ là khu đất phẳng, rộng, ở trên có vẽ các ô cờ tướng.
Sau khi sắp xếp quân cờ theo đúng vị trí, hai đấu thủ cờ mặc áo dài và khăn xếp sẽ xuất hiện, cầm theo cây cờ đuôi nheo ngũ sắc để giới thiệu danh tính và chỉ huy trận đánh. Đấu thủ quân đỏ được đi trước, sau đó đến quân đen. Cứ lần lượt luân phiên cho đến khi trận đánh kết thúc.
Cờ người là trò chơi vô cùng thú vị vào ngày Tết |
Đấu vật
Đấu vật là trò chơi dân gian trong ngày Tết Việt Nam đã xuất hiện từ lâu đời và phổ biến ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Vào tháng Giêng Âm lịch, hội vật sẽ được diễn ra, đây cũng là nét đẹp trong đời sống văn hóa người dân Việt.
Khi tham gia đấu vật, các đô vật sẽ phải ở trần, trên người chỉ đóng chiếc khố. Sàn đấu quy định là vòng tròn ở khu đất trống. Khi có hiệu lệnh bắt đầu, cả hai đô vật phải dùng sức và tay để thi đấu với nhau. Nếu vật ngã đối phương hoặc đẩy người kia ra khỏi vòng tròn quy định thì đô vật sẽ giành chiến thắng.
Đi cầu kiều
Đi cầu kiều là trò chơi dân gian ngày Tết vô cùng thú vị, thu hút nhiều người tham gia. Để tổ chức trò chơi này cần chọn một nơi có bờ đất cao trên chiếc hố rộng, hoặc khu vực ao, hồ có độ sâu vừa phải. Sau đó bắc một đoạn tre ngang qua để làm cầu.
Cầu kiều có điểm bắt đầu trên bờ đất, đầu còn lại buộc giải thưởng hoặc cờ. Nhiệm vụ của người chơi là phải thật khéo léo di chuyển qua cầu để lấy cờ hoặc giải thưởng. Trong quá trình di chuyển nếu không bị rơi xuống nước sẽ thắng cuộc. Ngược lại, nếu bị rơi xuống sẽ bị cho là thất bại.
Trò chơi đi cầu kiều |
Bịt mắt đập niêu
Không khí ngày Tết sẽ càng vui nhộn và sôi động hơn với trò chơi bịt mắt đập niêu. Để tổ chức trò chơi cần chuẩn bị hai cây cột đặt cách nhau khoảng 5m. Ở hai đầu thân cột sẽ được nối bằng dây thừng để làm giá treo niêu. Khu vực tổ chức trò bịt mắt đập niêu là khoảng đất trống rộng.
Trước khi bắt đầu, đấu thủ sẽ được phát cho cây gậy dài khoảng 50cm. Sau đó bị bịt mắt và đứng ở vạch xuất phát (cách giá treo niêu khoảng 3 – 5m). Đấu thủ tự ước lượng khoảng cách sau đó tiến lên phía trước để đập vỡ chiếc niêu được treo trên dây.
Không khí ngày Tết sẽ càng vui nhộn và sôi động hơn với trò chơi bịt mắt đập niêu. |
Ném còn
Trò chơi dân gian ngày Tết ném còn hay còn được biết đến với tên gọi khác là ném tung. Đây là trò chơi gắn liền với đời sống, sinh hoạt và lao động của đồng bào các dân tộc Mường, Thái. Ném còn được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, tạo không khí ngày Tết sôi động và giúp mọi người có thể vui chơi, giao lưu kết bạn.
Sân chơi ném còn là bãi đất rộng, ở giữa có chôn một cây tre cao, trên đỉnh có vòng hình tròn được gọi là khung còn. Quả còn to bằng nắm tay trẻ con, được khâu bằng vải màu, bên trong nhồi hạt bông và thóc. Xung quanh gồm có các tua vải nhiều màu giúp định hướng quả còn khi bay.
Với trò chơi ném còn, người chơi phải đứng đối mặt với nhau qua cây còn. Ai ném được quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột sẽ trở thành người thắng cuộc.
Trò chơi ném còn |
Nhảy bao bố
Nếu nhắc đến các trò chơi dân gian ngày Tết thì không thể bỏ qua trò nhảy bao bố. Không chỉ rèn luyện sự khéo léo, thể lực mà nhảy bao bố còn mang lại sự đoàn kết và không khí vui vẻ.
Người chơi tham gia sẽ được trọng tài chia thành các đội, sau đó lấy một vạch làm điểm xuất phát và một vạch làm điểm kết thúc. Các đội lần lượt bước vào bao, tay cầm bao. Khi thấy hiệu lệnh bắt đầu người chơi phải nhanh chóng nhảy từng bước về vạch kết thúc, sau đó quay trở về vạch xuất phát và chuyền bao cho người thứ hai. Lần lượt thực hiện cho đến người cuối cùng. Đội nào về đích đầu tiên sẽ chiến thắng.
Trò chơi nhảy bao bố ngày Tết |
Đi cà kheo
Đi cà kheo cũng là một trong những trò chơi dân gian ngày Tết thu hút nhiều khán giả cổ vũ cùng những tiếng cười sảng khoái bởi sự kịch tính và hấp dẫn. Cà kheo được làm bằng cây tre cao và to, trên có 2 cái khấc bằng tre để làm bàn đạp.
Luật chơi của trò này vô cùng đơn giản. Mỗi người chơi lần lượt đứng trên 2 cây cà kheo và di chuyển về vạch đích. Người giữ được thăng bằng và cán đích đầu tiên sẽ trở thành người chiến thắng.
Trò chơi đi cà kheo |
Chọi gà
Ngày Tết cổ truyền mà thiếu đi trò chơi chọi gà thì không khí sẽ kém phần sôi động. Những chú gà nòi được tuyển chọn kỹ và nuôi công phu. Sau đó được luyện tập thường xuyên với các chú gà chọi khác để làm quen dần với những trận chiến. Vào những ngày Tết, các trận chọi gà luôn thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả.
Những chú gà chọi sẽ được đưa vào sàn đấu. Khi gặp đối thủ, chúng sẽ lần lượt tung ra những đòn đánh mạnh nhất để hạ gục đối phương. Có những trận chiến ngang tài ngang sức, kéo dài hàng giờ mà không phân biệt thắng thua. Điều này lại càng làm cho không khí Tết thêm phần sôi động, rộn rã.
Nếu thấy gà đuối sức, người chơi có thể xin dừng cuộc để tránh gây thương tích cho gà. Người giành chiến thắng là người có chú gà chọi mạnh nhất, cừ nhất và đánh bại những chú gà khác. Sau khi kết thúc trận đấu, người giành phần thắng sẽ được bên thua đã một bữa ăn thịnh soạn.
Thi thổi cơm
Thi thổi cơm là trò chơi dân gian lâu đời và thường được tổ chức trong các lễ hội cũng như dịp Tết. Trò chơi này phản ánh đời sống lao động của cư dân trồng lúa nước ở Việt Nam, đây cũng là một hình thức để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Trò chơi dân gian ngày Tết thi thổi cơm được tổ chức ở những bãi đất trống trước sân đình hoặc sân vận động. Mỗi đội cần chuẩn bị cây gậy dài tầm 3m để làm đòn gánh niêu cơm, một đoạn dây thép làm giá đỡ. Ngoài ra còn có niêu đất, gạo, 4 – 5 cây củi, dụng cụ đánh lửa.
Khi có hiệu lệnh của trọng tài, các đội chơi vừa đi vừa thực hiện các thao tác nhóm lửa, vo gạo, treo nồi cơm. Mỗi đội phân công 2 người gánh niêu cơm, một người cầm củ và một người nấu cơm.
Kết thúc trò chơi, đội nào được giám khảo đánh giá có cơm dẻo, ngon và nấu nhanh nhất là đội giành chiến thắng.
Bịt mắt bắt lợn
Vào những ngày Tết, các vùng quê ở Việt Nam thường tổ chức trò chơi bịt mắt bắt lợn.
Để tổ chức trò chơi bắt lợn cần chuẩn bị một vòng tròn rộng bằng nan tre hoặc nứa, sau đó đổ đầy cát bên trong. Mỗi lượt gồm một người chơi bị bịt mắt, sau đó nghe theo lời chỉ dẫn của khán giả để bắt được chú lợn đã được thả trong vòng tròn. Ai bắt được lợn trong thời gian ngắn nhất sẽ giành được chiến thắng.
Trò chơi bịt mắt bắt lợn |
Chơi đánh đu
Đánh đu cũng là một trong những trò chơi dân gian ngày Tết thú vị và thường dành cho các cặp trai gái trong hội làng. Trò chơi này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo và có sự phối hợp ăn ý giữa hai người chơi.
Có nhiều cách chơi đu, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là đu đơn 1 người và đu đôi 2 người. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, tay vịn vào thân đu, dùng sức nhún từ đôi chân để đẩy cho đu bay cao để giật giải treo trên ngọn đu.
Đua thuyền
Đua thuyền là trò chơi xuất hiện đã từ rất lâu tại Việt Nam. Không chỉ là trò chơi dân gian mà đây còn được xem là một hình thức thực hiện nghi lễ với thủy thần.
Theo đó, mỗi chiếc thuyền đua được treo cờ và trang trí với các màu sắc khác nhau. Khi có hiệu lệnh, các đội thi đấu dùng hết sức mình để chèo thuyền, làm sao cho thuyền về đích đầu tiên để giành được chiến thắng.
Ngoài ra, một số trò chơi dân gian khác giúp không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc sôi động và náo nhiệt hơn như: Rồng rắn lên mây; Nhảy lò cò; Cá sấu lên bờ; Mèo đuổi chuột; Bắt trạch trong chum; Bịt mắt bắt dê; Chơi đánh phết; Bịt mắt bắt vịt; Đánh đáo.
Dịp đầu xuân năm mới không chỉ là ngày Tết đoàn viên mà còn là "mùa" của những lễ hội. Trong dịp này, mỗi địa phương, đặc biệt là ở những làng quê Việt Nam sẽ tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều trò chơi dân gian thú vị.
Ở xã hội hiện đại ngày nay, các trò chơi dân gian dường như không còn được nhiều người biết đến song ở nhiều làng quê, những trò chơi này vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm, đặc biệt là vào dịp hội làng giúp những người thân, người hàng xóm có cơ hội gắn kết với nhau hơn.
Mỗi địa phương sẽ tổ chức những trò chơi dân gian khác nhau theo sở thích và đặc điểm của từng vùng miền.