Những tội ác kinh hoàng của băng đảng khét tiếng tàn bạo nước Mỹ

Các hình xăm kín mình là dấu hiệu nhận biết thành viên băng đảng MS-13.
Các hình xăm kín mình là dấu hiệu nhận biết thành viên băng đảng MS-13.
(PLVN) - Vấn đề tội phạm và người nhập cư bất hợp pháp tiếp tục lại hâm nóng bầu không khí chính trị tại Mỹ. Mới đây 14 thủ lĩnh băng đảng MS-13 tàn bạo nhất thế giới bị truy tố tội khủng bố và đây là hành động toàn diện nhất nhằm vào băng đảng nguy hiểm này. Tổng thống Donald Trump trước đây không ngần ngại dùng từ “súc vật” khi đề cập đến băng nhóm MS-13 (Mara Salvatrucha) nổi tiếng tàn bạo.

Băng đảng tàn bạo

MS-13 được thành lập ở Los Angles vào những năm 1980, bởi những người nhập cư chạy trốn khỏi cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng ở El Salvador. Băng đảng này còn quy tụ các thành viên đến từ Hondurus, Guatemala và Mexico.

MS là viết tắt của hai từ Mara Salvatrucha, “Mara” là băng đảng, “Salva” là Salvador, còn “trucha” đại ý là “những kẻ am hiểu đường phố”. Số 13 đại diện cho vị trí của ký tự M trong bảng chữ cái. 

MS-13 nhanh chóng xác lập thương hiệu “bạo lực, máu lạnh” với lối giết người và xẻ thây dã man bằng dao rựa. Từ địa bàn gốc, nhóm này bám rễ sang các khu vực lân cận kiểm soát bởi các băng nhóm Mexico, rồi sau đó lây lan như dịch hạch trên khắp nước Mỹ.

MS-13 chuyên săn lùng các thanh thiếu niên nhà nghèo và dễ bị tổn thương để kết nạp thành viên. Chúng nghĩ ra một nghi thức nhập môn gồm hai bước hết sức tàn bạo. Đầu tiên người mới phải chịu đựng một trận đánh đập của các đàn anh kéo dài đúng 13 giây; sau đó “lính mới” được yêu cầu thực hiện một tội ác cho băng đảng, thông thường là giết người.

Gia nhập MS-13 đã ghê rợn, tìm cách rời khỏi tổ chức này còn nguy hiểm hơn. Sau khi hoàn thành bước nhập môn, thành viên mới sẽ bị khắc hình xăm vĩnh viễn lên cơ thể, giúp dễ nhận ra thân phận. Một số phân nhánh của MS-13 thậm chí sẵn sàng thủ tiêu bất cứ ai muốn ly khai.

 

Theo Cục Điều tra Liên bang (FBI), các thành viên MS-13 đã hiện diện ở 46/50 bang của Mỹ. Từ năm 2012, Bộ Tài chính Mỹ xếp MS-13 vào danh sách “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”. Đây là lần đầu tiên một băng nhóm đường phố nhận được “vinh dự” này, nghiễm nhiên được xếp chung hàng với các tổ chức tội phạm quốc tế như Zetas (Mexico), Yakuza (Nhật Bản), Camorra (Ý)…

Số thành viên MS-13 ở các nước Trung Mỹ ngày nay ít nhất là 60.000 người. Cảnh sát El Salvador ước tính thu nhập bình quân hàng năm của chúng vào khoảng 31,2 triệu USD, chủ yếu từ bán ma túy, tống tiền và buôn người.

Tháng 4/2017, một vụ thảm sát xảy ra ở khu vực Long Island thuộc bang New York của Mỹ. Người ta tìm thấy thi thể 4 người đàn ông, trong đó gồm 3 thiếu niên, bị chặt ra từng mảnh và quăng trong rừng.

Không mất nhiều thời gian để cảnh sát xác định hung thủ đứng sau tội ác ghê rợn là các thành viên của băng đảng đường phố Mara Salvatrucha (gọi tắt là MS-13). Lúc đó, Tổng thống Donald Trump đăng đàn trên Twitter lên án nhóm tội phạm, còn Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions thề sẽ “hủy diệt” MS-13. 

Trong một cuộc họp về chủ đề nhập cư ở Nhà Trắng, ông Trump làm chính trường Mỹ ồn ào khi dùng cụm từ “súc vật” mô tả MS-13, cớ sự cũng do một số tờ báo Mỹ tách câu nói ra khỏi ngữ cảnh và tố Tổng thống nhục mạ người nhập cư bất hợp pháp.

Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tư pháp Sessions đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm của ông Barack Obama đã để MS-13 bành trướng ở Mỹ, cụ thể là chính sách mở cửa đối với dân nhập cư của ông Obama đã giúp băng nhóm này thu hút thêm thành viên.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận xét băng nhóm này đã hình thành và phát triển “rực rỡ” khá lâu trước khi ông Obama lên nắm quyền. MS-13 chính thức bị chính quyền đánh dấu “mối nguy lớn” vào thập niên 1990, đến năm 1994 một lực lượng chuyên trách của FBI đã được thành lập chỉ để đối phó băng này.

“Chúng lớn mạnh dưới thời chính quyền Bush-Cheney khi dòng người di cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ vào Mỹ tăng vọt, khi nhà tù chật không còn chỗ sau hàng loạt đợt trấn áp tội phạm, và khi nguồn tiền chi cho các chương trình cai nghiện bị cắt giảm” - ông Fulton T Armstrong, nhà nghiên cứu Mỹ Latin thuộc Đại học American University, giải thích.

“Tôi không thấy có bằng chứng nào để nói chính quyền ông Obama chịu trách nhiệm về hoạt động tội ác của các băng đảng ở Mỹ”, ông Ioan Grillo - chuyên gia tội phạm học Mỹ bình luận.

“Chặt đầu rắn”

Bản cáo trạng được công bố ở New York ngày 14/1 vừa qua đã cáo buộc 14 thủ lĩnh băng đảng MS-13 có âm mưu hỗ trợ, thực hiện và tài trợ khủng bố trong 20 năm qua, bao gồm cả ở El Salvador, Mỹ, Mexico và các vùng lãnh thổ khác.

Danh sách những người bị truy tố có tên Borromeo Enrique Henriquez (42 tuổi) - thủ lĩnh quyền lực nhất của băng đảng MS-13. Bộ Tư pháp Mỹ cũng nhấn mạnh, 3 nghi phạm bị truy tố hiện đang lẩn trốn, bao gồm Freddy Ivan Jandres-Parada (45 tuổi), Cesar Humberto Lopez-Larios (42 tuổi) và Hugo Armando Quinteros-Mineros (48 tuổi).

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Điều tra của Bộ An ninh Nội địa Mỹ treo giải thưởng 20.000 USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ và kết tội 3 nghi phạm trên.

“Bản cáo trạng công bố ngày hôm nay là đòn mạnh nhất và toàn diện nhất nhằm vào cơ cấu tổ chức và kiểm soát mạng lưới băng đảng MS-13 ở Mỹ”, Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeffrey Rosen nói.

Seth DuCharme, quyền công tố viên liên bang ở New York nói: “MS-13 phải chịu trách nhiệm về làn sóng chết chóc và bạo lực trong cộng đồng dân cư ở New York”.

14 thủ lĩnh và các thành viên băng đảng MS-13 bị cáo buộc tái cơ cấu lại băng đảng từ khoảng năm 2002 để những kẻ này vẫn có thể ra lệnh gieo rắc nỗi kinh hoàng ở Mỹ, El Salvador và các quốc gia khác, ngay cả khi đang ở trong tù, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Các thủ lĩnh MS-13 bị cáo buộc đã “thành lập các trại huấn luyện kiểu quân đội”, mua sắm vũ khí quân dụng, bao gồm súng ngắn, lựu đạn, thiết bị nổ tự chế (IED) và súng phóng rocket.

Nhà chức trách Mỹ phát hiện MS-13 từng đạt thỏa thuận “đình chiến” với chính phủ El Salvador trong giai đoạn năm 2012-2015 để giảm bớt bạo lực, đổi lấy điều kiện sống trong tù tốt hơn, các khoản thanh toán bằng tiền mặt và các ưu đãi khác. MS-13 cũng bị cáo buộc vươn vòi bạch tuộc đến Mexico, liên kết với các băng đảng máu mặt khác ở Mexico như CJNG, Zetas và băng đảng Gulf.

Tin cùng chuyên mục

Đảo Hans là một đảo đá nhỏ không có cư dân sinh sống.

Hồi kết của “Cuộc chiến tranh yên bình nhất thế giới”

(PLVN) - Cuộc tranh chấp giữa Canada và Đan Mạch về chủ quyền đối với đảo Hans ở vùng Bắc Cực được đặt cho biệt danh là “Cuộc chiến tranh yên bình nhất trên thế giới” vì ở nơi đây chưa từng xảy ra xô xát hay giao tranh vũ trang giữa hai bên.

Đọc thêm

Châu lục không còn dễ thu phục

Các nhà lãnh đạo tham dự Thượng đỉnh châu Mỹ lần 9 tại Los Angeles (Mỹ).
(PLVN) - Tổng thống Mỹ Joe Biden không phải chẳng đạt được kết quả gì nhưng cũng không thể toại nguyện về kết cục của Hội nghị cấp cao của các nước châu Mỹ lần thứ 9 vừa qua.

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria
(PLVN) - Đối với các bộ lạc thổ dân ở Nigeria, việc rạch thân để tạo ra các vết sẹo là một nghi thức khá phổ biến và có từ rất lâu đời. Tùy từng bộ lạc, việc rạch thân sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau, cùng với quan niệm về giá trị của những vết sẹo cũng khác nhau.

Bên lề sân cỏ (Kỳ 1): Lịch sử hình thành và chinh phục cả thế giới của bóng đá

 Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927-976 sau CN) chơi xúc cúc cùng các cận thần.
(PLVN) - Bóng đá được cho rằng đã xuất hiện từ thời đại Chiến Quốc và phiên bản cổ xưa nhất với đầy đủ các kỹ thuật là môn xúc cúc (các tên gọi khác: tháp cúc, đạp cúc, túc cúc) của Trung Quốc. Tuy vậy, phải tới thế kỷ 18, bóng đá mới trở nên phổ biến và phát triển rầm rộ, đặc biệt là ở các nước châu Âu.

Ô nhiễm môi trường - “sát thủ” nguy hiểm hơn cả bệnh tật, chiến tranh

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet mới đây cho biết, ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, nước và đất là nguyên nhân gây ra cái chết của 9 triệu người mỗi năm, nhiều hơn số người tử vong do các bệnh nguy hiểm như AIDS, ho gà, sốt rét; hay khủng bố và chiến tranh.

Ranh giới nào cho luật?

Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế khi phát động chiến sự ở Ukraine.
(PLVN) - Chiến sự từ hơn 100 ngày nay ở Ukraine không những chỉ làm chấn động thế giới về chính trị an ninh mà còn đặt luật pháp quốc tế trước nhiều câu hỏi mà không biết đến khi nào mới có được câu trả lời.

EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa

(ảnh minh họa).
(PLVN) - Sau gần 1 tháng dàn xếp bất đồng quan điểm trong nội bộ, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua chủ trương ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga.

Luẩn quẩn và bế tắc

22 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 24/5/2022 tại trường tiểu học Robb (bang Texas, Mỹ).
(PLVN) - Ở nước Mỹ, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn xảy ra liên tiếp 2 vụ xả súng khiến cho nhiều người bị thiệt mạng và gợi lại cả chuỗi dài những vụ việc tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ.

Kỳ dị chó cún được bầu làm Thị trưởng ở nước Mỹ

Một tân “Thị trưởng chó cún” ở thị trấn Rabbit Hash.
(PLVN) - Rabbit Hash là một thị trấn nhỏ tại bang Kentucky (Mỹ). Đã từ lâu, đảm nhiệm danh nghĩa Thị trưởng của thị trấn đã không còn thuộc về con người. Tổng cộng 5 “Thị trưởng chó cún” đã giữ chức vụ này với nhân vật đắc cử gần nhất là chú chó tên là Wilbur.

Danh họa Picasso và quá khứ “bị hắt hủi” ở Pháp

Chân dung Picasso.
(PLVN) - Ít người biết rằng, danh họa nổi tiếng thế giới Picasso lúc sinh thời, trong suốt gần nửa thế kỷ, ông bị coi là kẻ ăn nhờ ở đậu, là “phần tử nước ngoài nguy hiểm” và bị từ chối cho nhập quốc tịch Pháp.