"Mờ nhạt” vai trò quản lý
Ít ngày sau khi nhận được thông báo đỗ “thủ khoa” kỳ thi tuyển Cục trưởng Đường sắt Việt Nam, với 86,89 điểm, Cục trưởng Vũ Quang Khôi (trước là Phó cục trưởng Cục này) nói với truyền thông rằng, ông là con người của hành động, và ý thức rất rõ việc nghồi ghế Cục trưởng là phải đổi mới toàn diện, đổi mới lối làm cũ và phải quyết liệt…
Ban Giám khảo cuộc thi khi đó do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông (phụ trách Đường sắt) làm Trưởng ban, cũng đánh giá chương trình hành động dự thi của ông Khôi là tốt, đưa ra được giải pháp phát triển ngành Đường sắt; đồng thời thể hiện được sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc đổi mới một ngành vốn nhiều trì trệ.
Vậy, sau 3 năm trên “ghế nóng”, “thủ khoa”, Cục trưởng Vũ Quang Khôi đã làm được gì cho ngành? Và Cục Đường sắt Việt Nam đã làm được gì để thể hiện vai trò một cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước?
Lần này, vẫn là Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, nhưng lời nhận xét của ông Thứ trưởng không được nhiều người trông đợi cho lắm! Ông nói: Cục hiện nay chủ yếu làm công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn chức năng quản lý nhà nước đối với hạ tầng, hoạt động kinh doanh vận tải, tham mưu đầu tư kết nối hạ tầng thì khá “mờ nhạt”…
Tư lệnh ngành GTVT - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể - thì thẳng thắn hơn khi khẳng định, tồn tại và hạn chế của ngành Đường sắt, ai cũng thấy rõ nhưng không ai đề xuất cơ chế cụ thể để tạo đột phá và phát triển. “Cục Đường sắt Việt Nam đã làm gì, cần gì ở Bộ GTVT để giải quyết khó khăn, tôi không thấy rõ vai trò của Cục ở đâu cả?”, Bộ trưởng Thể chất vấn Cục trưởng Khôi trong một cuộc họp hồi tháng 4/2018.
Trong khi câu chuyện về Cục do ông Khôi làm Cục trưởng đã làm và chưa làm được gì cho ngành Hỏa xa chưa kịp nói hết, thì liền sau đó liên tiếp xảy ra các vụ đâm va và tai nạn đường sắt hết sức thảm khóc.
Vậy là sau 3 năm lên “ghế” Cục trưởng, ông Vũ Quang Khôi cùng một Phó Cục trưởng và nhiều lãnh đạo cấp phòng ở đây đã có tên trong danh sách bị kiểm điểm và xử lý kỷ luật sau hàng loạt tai nạn đường sắt hồi cuối tháng 5/2018.
Nói chuyện này lại nhớ khi mới bổ nhiệm, Cục trưởng Khôi đã tuyên bố: “Bắt đầu từ 1/6 (năm 2015 - PV) khi tôi nhậm chức Cục trưởng và điều hành Cục Đường sắt Việt Nam, việc đầu tiên của tôi là làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Các mối quan hệ cũ, công việc cũ chưa đạt hiệu quả thì bỏ qua, kể từ nay sang trang mới…”(?)
Ông Nguyễn Văn Huyện (bìa phải) đã vượt qua 3 người khác, giành "ghế" Tổng cục trưởng Đường bộ VN , trong kỳ thi năm 2014 |
“Dính phốt” nhận "lại quả" của nhà thầu
Khác với nhân sự làm Cục trưởng Đường sắt, người trúng tuyển “ghế” Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam là một ông giáo. Cụ thể, ông Hoàng Hồng Giang trước kia ở Trường Đại học Hàng hải, tham dự kỳ thi tuyển Cục trưởng của Bộ GTVT với số điểm đạt được khá cao, 82,60 trên thang điểm 100.
Là người từng có nhiều năm nghiên cứu và đứng trên bục giảng, ông Giang được Ban Giám khảo Bộ này đánh giá là thí sinh khi đó đưa ra được những giải pháp phục vụ việc tái cơ cấu toàn diện ngành Đường thủy nội địa Việt Nam. Đặc biệt, ông nêu được giải pháp chiến lược để phát triển GTVT đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, đúng như mong muốn của Bộ…
Sau 4 năm điều hành lĩnh vực trong “vai” một Cục trưởng, có thể thấy chương trình hành động mà ông Giang từng trình bày trước Bộ GTVT đã ít nhiều hiện thực hóa. Theo đó, nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế đã được Cục này tham dự và tổ chức với mong muốn nâng cao thị phần vận tải thủy, vận tải pha sông biển; kết nối vận tải đường thủy với đường bộ, đường biển… hướng tới mục tiêu tăng thị phần vận tải hàng hóa đường thủy lên trên 21% năm 2020…
Bên cạnh những hoạt động chuyên môn có thể thấy được, Cục từ ngày do ông Giang về làm Cục trưởng cũng xuất hiện không ít điều tiếng khi báo chí nhắc nhiều tới chuyện tranh chấp quyền quản lý các cảng, bến với Quảng Ninh, rồi chuyện tuyển dụng cán bộ vào làm việc, và gần đây nhất là vụ nhận tiền “lại quả” từ các nhà thầu xây lắp để lập “quy đen” giá trị gần 5 tỷ đồng. Sự việc lộ ra, Thanh tra Bộ GTVT đã vào cuộc; hồ sơ sau đó cũng đã được chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra.
Thanh tra Bộ GTVT kết luận rõ, sai phạm là do lỗi chủ quan của các cá nhân tham mưu cùng lãnh đạo Cục. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu là Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam, sau đó là các Phó Cục trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ và chuyên viên tham mưu.
“Hành vi thu tiền của các nhà thầu, hành vi duyệt chi cho hội nghị, hội thao, ăn uống, tiếp khách... của Cục Đường thủy nội địa là vi phạm pháp luật, mức độ là nghiêm trọng”, kết luận của Bộ nêu…
Dẫn những câu chuyện liên quan tới hai trong số những vị từng ra “ứng thí” các vị trí lãnh đạo quan trọng để một lần nữa khẳng định, sự công bằng, khách quan trong công tác tổ chức cán bộ là điều luôn cần thiết. Nhưng cũng cần nhớ thêm, bên cạnh những tiêu chí đó, việc tổ chức thi tuyển cốt là để “đãi cát tìm vàng”, tìm người xứng đáng. Vậy, những người mà 3 - 4 năm trước, Bộ GTVT tuyên bố trúng tuyển, tất cả có thực sự là “vàng”?
Những “thủ khoa” khác đang làm gì?
Bên cạnh “ghế” Cục trưởng Đường sắt và Đường thủy nội địa, trước đó, Bộ GTVT cũng từng tổ chức thi tuyển các chức vụ như Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Vụ trưởng các Vụ: An toàn giao thông, Vận tải, Quản lý doanh nghiệp và Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay.
Đa số những người trúng tuyển vẫn đang đảm nhiệm chức vụ đã được bổ nhiệm; hai trong số này đã được điều động, bổ nhiệm làm nhiệm vụ khác so với chức vụ khi trúng tuyển.