Những thiên thần đỏ (Truyện ngắn)

(PLVN) - Nhiều khi tôi tự hỏi sao Văn yêu tôi đến thế? Tôi có hỏi thì Văn lại bảo tôi giống phù thủy, có thể điều khiển được anh, làm cho anh ngây dại. Có lúc anh còn bảo tôi là bà tiên phù thủy. Tôi cười. Và nhớ đến những thiên thần đỏ của tôi.
 

Vậy mà từ khi còn bé tôi thường nghe bố nói: “Đàn bà, đồ quỷ. Mẹ mày là đồ quỷ”.  Tôi không hiểu. Với tôi mẹ là người tốt nhất. Mẹ là y tá, chuyên khoa sản. Người ta vẫn bảo mẹ mát tay, đỡ đẻ cho ai cũng rất dễ dàng. Mẹ rất chiều và luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho tôi. Chẳng thế mà hồi mới lớn, tôi trót chơi trò vợ chồng với anh hàng xóm, chẳng may có thai. Biết tôi dại dột, mẹ không mắng (chắc vì sợ bố tôi biết) còn chỉ bảo tỉ mỉ cho tôi cách phòng tránh. Nhưng mẹ dặn đó là để sau này lớn và cảnh báo bây giờ phải chấm dứt ngay trò chơi ấy nếu muốn sau này có con. Toàn những điều mới lạ, bổ ích, thế mà mẹ chả nói sớm. Chắc mẹ không nghĩ đứa 11 tuổi như tôi đã biết chơi trò vợ chồng, chứ thực ra từ trước bọn tôi vẫn làm thế mà có làm sao đâu? 

Đích thân mẹ giải quyết rất êm xuôi để cái bụng tôi không to thêm được nữa. Nghĩ lại lúc ấy mà vẫn sợ. Giá không có mẹ chắc tôi đã phải bỏ học. Nhờ sự quản lí chặt chẽ hơn của mẹ, tôi chuyên tâm vào học. Mỗi lúc tung tăng với chúng bạn tôi lại thầm cảm ơn và nhớ lời mẹ dặn. Cho đến khi lên thành phố học đại học, tôi mới lại yêu. Ban đầu tôi tự nhủ phải học đã. Chứ đã tốn tiền của lên đây mà không học hành tử tế thì toi cơm. Đó cũng là điều mẹ căn dặn tôi. Năm đầu tiên tôi vẫn tự hào về khoe với mẹ rằng bọn bạn con đứa nào cũng có người yêu cặp kè rồi, chỉ con mẹ là vẫn “yết kiêu” thôi. Mẹ cười. Nhưng sau nửa năm thứ hai, tôi thấy mình phải thay đổi. Nhìn cách yêu đương cởi mở của chúng bạn, nhất là mấy đứa cùng phòng khiến tôi chạnh lòng. Có đứa cùng lúc hẹn hò với hai, ba anh mà vẫn như không; ở dưới sân thì “thôi anh về đi không lại muộn”, lên đến phòng gặp anh khác thì “Ôi anh đợi em lâu chưa, không biết hôm nay em đi dạy à?”. Có đứa lại rất tự nhiên thông báo: “Tao đá ông C, ông Q… rồi. Yếu lắm. Không ăn thua”. 

Tôi thấy mình lẻ loi giữa chúng bạn. Và cũng muốn có một chàng hoảng tử của mình. Không khó để tôi lựa. Hắn, chàng hoàng tử tôi chọn luôn rất ga lăng, lúc nào cũng tặng tôi đủ thứ quà. Đến lượt chúng nó phải xuýt xoa lại tôi: “Ôi mày sướng thế! Gặp đúng con nhà giàu!”. Rồi cũng nay café, mai nhà hàng, karaoke… như ai. Và tôi cũng yêu như ai. Có điều không dám phô với mẹ. 

Mãi sau tôi cũng chỉ dám kể rằng có một anh như thế ấy, nhà thế ấy… đang theo đuổi con. Mẹ cũng nói như động viên: “Nhà nó bề thế vậy, mày mà lấy được nó thì đúng là chuột sa chĩnh gạo”. Tôi cũng thấy yên tâm. Vì vậy mà tôi dần tin những lời đường mật của hắn, không còn giữ khoảng cách nữa. Và khi tôi bảo có thai thì hắn bảo bỏ đi. Tôi không nghe. Hắn tìm cách xa lánh. Tôi vẫn cố tình giữ lại. Học theo cách của con bạn đã áp dụng thành công, buộc hắn phải cưới. Hắn lạnh lùng bảo: “Thích thì cứ đẻ mà nuôi con một mình, cùng lắm là cho cô một căn hộ, nhà tôi không thiếu. Lúc ấy cô lấy chồng khó chứ tôi gái trinh theo đầy”. Hóa ra hắn cũng yêu vì thấy tôi ngoan. Nhưng khi biết tôi đã mất trinh, hắn chỉ coi như trò tiêu khiển. Tôi sợ. Tôi cần hạnh phúc chứ đâu cần của cải. Sao trước đó tôi lại ngây thơ tin những lời ngon ngọt của hắn thế?

Dù không muốn nhưng lại vẫn là mẹ giải quyết êm xuôi cho tôi. Mẹ bảo tôi phải đi vá trinh để bọn đàn ông hết biết. Tôi cứ lầm lũi nghe theo. Vậy là không cần phải lo lắng nữa. Tôi lại tung tăng như thiếu nữ. Nhưng luôn bị ám ảnh. Cái hình hài bé nhỏ nhơ nhớp máu ấy cứ hiển hiện làm tôi luôn sợ hãi rợn người. Nhất là mỗi khi gặp những gì giông giống thế.

 Đợt nhà tôi dỡ ra xây lại, có ổ chuột ở đâu rơi ra, nhìn đám chuột con nhung nhúc, đỏ hỏn ngọ nguậy khiến tôi phát nôn. Ngày hôm đó tôi vừa ghê, vừa sợ đến nỗi không ăn được cơm. Mẹ đem hất ổ chuột xuống cống thoát nước. Từ đó tôi cũng không dám bén mảng đến gần cái cống, chỉ sợ nhìn thấy chúng. Mẹ bảo có gì mà sợ, tao đổ bao nhiêu bào thai xuống đó rồi mà có sao. Tôi lại càng sợ. Liệu mẹ có đổ xuống đó khi làm xong cho tôi? Nghĩ thế tôi lại càng sợ. Và đau… 

Thường về đêm tôi hay bị chìm vào những cơn mộng mị. Những cục thịt trùng trục, nhầy nhầy, nhơ nhớp máu ối đỏ cứ chập chờn trong giấc mơ tôi. Nhiều đêm tôi giật mình thức dậy bởi tiếng kêu khóc của trẻ con như ai oán. Nỗi sợ hãi càng dâng lên khi tiếng mèo kêu đêm sao mà rùng rợn, hãi hùng? Cứ thoáng tiếng trẻ khóc tôi lại sợ. Lại đau… Để tìm sự thanh thản, tôi giấu mẹ đến chùa làm lễ cầu siêu. Cũng là nguyện cầu cho các sinh linh.

Từ ngày tôi học đại học, mẹ mở dịch vụ tại nhà, kinh tế nhà tôi khấm khá lên, có tiền nuôi tôi lại vẫn dành được để xây nhà. Chứ như hồi xưa mẹ vẫn kêu: “Lương ba cọc ba đồng không biết bao giờ khá được”. Tôi cũng đã quen với việc mẹ làm, quen với việc người ta đưa nhau đến nhà tôi, “Trăm sự nhờ bà”, từ những bà tuổi trung niên đến cả những thiếu nữ mới đang tuổi dậy thì. Cứ gặp những khuôn mặt ngây thơ, những cặp mắt lo âu, sợ sệt, cũng có khi rất bình thản của những cô gái ấy lại làm tôi nhớ đến mình ngày trước. Lại thấy bứt rứt, hổ thẹn. Mà sao tuần nào về tôi cũng gặp một vài cô gái trẻ như thế, nên nhiều khi tôi không muốn về nhà. Sợ gặp phải cái cảm giác tội lỗi. Lẽ nào họ cũng ngây thơ như tôi ngày nào? 

Nhiều lúc tôi cũng nghĩ việc mẹ làm cũng có ích cho nhiều người. Dù không tốt đẹp. Nhất là từ khi con bạn tôi vác cái bụng đến van xin mẹ tôi giải quyết cho. Tôi thấy mẹ cứ như phù thủy khi làm cho cái thai năm tháng của nó “chào đời sớm” để trả thù theo như nó nói. Chắc mẹ đã giúp nhiều người trả thù lắm rồi. Hôm đó tôi đứng ngoài chờ đợi. Tiếng va đập xủng xoảng của những dụng cụ y tế nghe lạnh ngắt đến rợn người. Đoạn mẹ đi ra cầm theo cái bô, bên trong là cái bào thai xám ngắt nhầy nhụa máu. Mẹ vừa đi về phía cống thoát nước vừa lẩm bẩm: “Đây không phải lỗi của bà, có trách thì trách bố mẹ cháu nhé!”. Thấy thế tôi sợ, ghê, và lợm giọng, bỏ đó chạy thẳng. Kinh hãi! Thật không hiểu vì sao bạn tôi lại coi đó là sự trả thù? Có thể nhiều người không vì trả thù cũng vẫn làm thế. Để trút bỏ gánh nặng, trách nhiệm…? Những sinh linh ấy vô tội. Nhưng chả nhẽ người ta cứ thản nhiên tạo ra sai lầm, tội lỗi, để chúng chịu hậu quả?

Tự dưng tôi rất ghét màu đỏ, sợ thì đúng hơn. Có lần mẹ nấu canh rau rền đỏ, vừa ngồi xuống mâm tôi đã buồn nôn, đành phải bỏ cơm. Mỗi lần đến tháng tôi lại sợ hãi, nhìn máu ri rỉ chảy ra tôi lại nghĩ đến những bào thai. Nhắm mắt cho qua mấy ngày kinh hãi đó. Tôi kể với mẹ, mẹ nói “đó là điều tự nhiên, là thiên chức đấy con ạ. Con gái mà sợ mà ghét cả kỳ kinh nguyệt của mình, cũng như từ chối thiên chức thì không tốt đẹp gì đâu, vô phúc”. Tôi chỉ biết thế. Mẹ nói thế mà sao đến giờ mẹ vẫn không đẻ thêm em nữa? Bố vẫn chửi mẹ vì điều này. Bố ao ước có thêm con, vậy mà mẹ…? Có lần tôi hỏi thì mẹ gắt: “Tao không đẻ được nữa”. Chẳng biết mẹ nói thật hay tức giận nói thế? Mẹ vẫn hoàn toàn bình thường mà tại sao không đẻ được? Tôi nhớ có lần hình như mẹ bị sảy thai, lâu lắm rồi, ngày tôi còn bé. Có thể là tại lần ấy mà mẹ không đẻ được. Hay chính vì việc mẹ làm mà không muốn đẻ nữa?

* * *

Tình cờ tôi gặp Văn. Dường như Văn yêu tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi không dám tin điều đó. Tôi đã tin tưởng ở tình yêu nhưng chính tình yêu đã dạy tôi phải hoài nghi. Mấy con bạn cứ hay khoe tình yêu của chúng đẹp. Tôi chỉ thấy ở đó sự lợi dụng, cuồng si, nhục dục, mù quáng. Nếu đẹp thì sau đó đã không phải là nước mắt, oán hờn, tội lỗi, vô cảm… khi những “mối tình đẹp” ấy đều tan vỡ. Lần đầu tiên vào ngày lễ tình yêu, Văn ôm bó hoa hồng rất to đến tặng. Chẳng hiểu sao khi ấy tôi hoảng hốt. Nhìn bó hoa rực rỡ với những cánh hồng đỏ thẫm ngay sát mặt, tôi bỗng nhớ tới những hình hài đỏ máu. Tôi tức tối bảo anh mang đi ngay, vứt xuống cống cho tôi. Anh không hiểu gì cứ lầm lũi làm theo. Lúc đó nhìn anh thật tội nghiệp.

Đêm đó, tôi lại miên man những suy nghĩ, những hình ảnh. Tôi mơ thấy những bào thai trôi lềnh bềnh trong cống thoát nước toàn máu. Chúng bị chuột, bị rắn tranh nhau xâu xé tha đi thật thảm hại. Bỗng có rất nhiều chiếc thuyền đỏ thắm trôi đến át hết lũ chuột bọ. Còn lại tất cả chúng cùng lên thuyền, cùng nhảy múa ca hát thật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Thì ra những con thuyền chính là những cánh hoa. Lần đầu tiên tôi nghe được chúng hát. Chúng bay lên, bay lên như những thiên thần đỏ làm rực rỡ cả cống ngầm, rồi mờ ảo trông như những bông hoa. Tôi nghe thấy tiếng cười, những lời cảm ơn vì lần đầu tiên chúng được tặng hoa. Chúng muốn tôi thường xuyên tặng hoa, đó sẽ là những con thuyền để chúng không bị chơi vơi nguầy ngụa trong dòng nước thải.

Lần đầu tiên tôi tỉnh dậy thấy thoải mái, nhẹ nhõm vô cùng. Nhớ lại giấc mơ đêm qua tôi vẫn còn sờ sợ. Chẳng nhẽ đó là thật? Có lẽ không có những thiên thần của tôi, nếu không tôi đã nhận ra hoặc chúng đã gọi tôi. Có thể chúng oán tôi. Đúng thế! Chúng có quyền như thế! Làm sao mà không oán chứ? Hay chúng đã bị lũ rắn, chuột tha đi rồi? Ôi! Những giọt máu đáng thương, tội nghiệp! Nghĩ thế lại ăn năn, lại khóc. Tôi lại càng đau...

Đó chỉ là sự vô tình chứ tôi đâu có chủ ý tặng chúng hoa. Cứ nghĩ sự vô tình là tội lỗi vì đã làm anh thất vọng, vậy mà nó lại làm nên điều tốt đẹp. Khi trấn tĩnh lại, tôi gọi cho Văn để xin lỗi. Anh hiểu và thông cảm cho tôi. Thật lạ là sau hôm đó tôi không sợ mà lại thấy thích hoa hồng. Từ đó tôi muốn Văn tặng hoa hàng ngày, không thì tôi tự mua. Tôi ngắm nghía và tưởng tượng đến những thiên thần đỏ, rồi đem thả hoa xuống cống, như tìm sự cứu rỗi. Dù có thể nhiều người cho đó là kỳ quặc, dở hơi.

Văn rất lãng mạn, giàu tình cảm nên được tặng hoa cho tôi là niềm vui. Thỉnh thoảng anh vẫn nói không biết vì sao lại yêu tôi đến thế. Mỗi khi chúng tôi hòa hợp, anh lại chọc tôi: “Em đúng là phù thủy”. Tôi chỉ cười. Và nghĩ về những thiên thần đỏ. Có lẽ chúng đã gắn kết Văn với tôi nên đôi. Dù chính tôi cũng không hiểu vì sao. Không dám nghĩ mình sẽ được nhận điều tốt đẹp. Càng không dám tin rằng có thể được những thiên thần phù hộ.

* * *

 Tâm sự với mẹ, tôi hỏi sao mẹ không bỏ nghề thất đức đó đi? Mẹ bảo muốn bỏ có được đâu. Người nào đến cũng khẩn thiết van xin, cũng hoàn cảnh éo le này nọ nên mới phải bỏ. Bỏ thì thương vương thì tội. Nhất là cái lũ trẻ chúng mày sao mà dại dột thế? Không giúp thì tương lai hỏng hết. “Mà tao không làm thì họ lại đi chỗ khác có khi còn mất an toàn.” Buồn! Và xót xa thay! Tôi chỉ còn biết nói mẹ đừng đổ xuống cống như rác thải thế nữa. Tôi đã có một nghĩa trang cho chúng. Để chúng đỡ tội nghiệp và sớm được siêu thoát.

Tôi không biết bố và mẹ có bao giờ được hòa hợp như tôi và anh? Có bao giờ bố bảo mẹ là phù thủy? Nhưng tôi biết, bố vẫn bảo mẹ là đồ quỷ, chừng nào mẹ chưa bỏ nghề đó. Còn những người đến nhờ mẹ thì vẫn nói: “Cám ơn bà phù thủy tốt bụng!”.

Tôi bỗng thấy mình là bà tiên! Và những thiên thần đỏ trở thành trẻ nhỏ!

Tin cùng chuyên mục

Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. (Ảnh: TL)

Những khúc ca mùa xuân đi cùng năm tháng

(PLVN) - Những ngày giáp Tết thật rộn ràng bởi những khúc ca xuân. Trong đó, không thể nào thiếu những ca khúc bất hủ đã đi cùng âm nhạc Việt nhiều thập kỉ. Đó không chỉ là bản hòa ca của niềm vui, tình yêu mà còn là giai điệu của những kí ức hào hùng đẹp đẽ, của niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Đọc thêm

'Cánh chim đầu đàn' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Được biết đến là người tiên phong trong sáng tác nhạc cách mạng, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận sở hữu kho tàng những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ, sống mãi với thời gian. Ngày nay, trong các buổi hòa nhạc hay đêm nhạc tôn vinh trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, âm nhạc của ông vẫn vang lên như ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành
(PLVN) - MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành vào tháng 12/2024. Đây là dự án âm nhạc mới nhất của nhạc sĩ Lê Minh Phương và đạo diễn Phan Ngọc Trung - được lấy cảm hứng từ ý thơ của nhà thơ Dương Quyết Thắng.

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Theo Trưởng Ban tổ chức Phạm Kim Dung, Kiều Duy được chọn vì sở hữu hình thể cân đối, hài hòa, trí tuệ xuất sắc và đáp ứng tiêu chí của cuộc thi. Cô có tố chất cần thiết để tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

NSND Mai Hoa ra mắt đĩa than “Nốt trầm”

“Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa (ảnh BTC).
(PLVN) - “Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa. NSND Mai Hoa thích hát những bài buồn, nhưng là buồn ánh lên tia hy vọng, ánh lên niềm lạc quan về cuộc sống chứ không phải buồn não nề, bi ai.

"Hoa hậu Việt Nam năm 2024" góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc

Các Hoa hậu: Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh cùng hội ngộ (ảnh BTC).
(PLVN) - Được thiết kế chuỗi hoạt động giàu tính thực tế, đậm chất nhân văn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc, lan tỏa lòng nhân ái và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong mỗi người dân đất Việt, để từ đó làm "Rạng rỡ Việt Nam".

Nguyễn Mộc An dành Quán quân "Tiếng hát Hà Nội 2024"

Thí sinh xứ Nghệ Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi (ảnh BTC).
(PLVN) - Tối 25/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài. Với ca khúc "Lời ru" (sáng tác: Quang Thái) và "Mênh mang một khúc sông Hồng" (sáng tác: Phó Đức Phương), thí sinh xứ Nghệ - Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam
(PLVN) - Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một “luồng gió mới” để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Triển lãm “Thiên Quang” - câu chuyện ánh sáng đất trời Thăng Long

Triển lãm truyền tải ý nghĩa về ánh sáng đất trời, tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời đất Thăng Long (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống diễn ra tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)
(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)
(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.