Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam

Trong chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam dấu ấn nữ quyền trên cương vị đạo diễn không có nhiều. Song số lượng đạo diễn nữ ít ỏi ấy cũng đã tạo nên diện mạo riêng biệt khó lẫn với phim của các nam đạo diễn. Những nữ đạo diễn của điện ảnh Việt Nam tính từ trước tới nay lực lượng còn quá mỏng.

Trong chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam dấu ấn nữ quyền trên cương vị đạo diễn không có nhiều. Song số lượng đạo diễn nữ ít ỏi ấy cũng đã tạo nên diện mạo riêng biệt khó lẫn với phim của các nam đạo diễn. Những nữ đạo diễn của điện ảnh Việt Nam tính từ trước tới nay lực lượng còn quá mỏng. Tuy nhiên lực lượng mỏng ấy lại gây sự chú ý đặc biệt với giới trong nghề và công chúng hâm mộ điện ảnh mỗi khi họ cho ra đời một tác phẩm.

NSND Bạch Diệp

NSND Bạch Diệp

Điện ảnh Việt Nam những thời kỳ trước nữ giới làm nghề đạo diễn rất ít. Các giai đoạn về sau các nữ đạo diễn xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam các nữ đạo diễn luôn “lép vế” so với đạo diễn cánh mày râu, nhưng không vì thế mà thành công của họ nhỏ bé và thu hẹp.

 Điện ảnh xuất hiện tại nước ta từ rất lâu nhưng đến khi Bạch Diệp xuất hiện, điện ảnh nước ta mới chính thức có một nữ đạo diễn. Bà chính thức bước chân vào điện ảnh năm 1973 với bộ phim truyện nhựa Người về đồng cói. Đây là bộ phim thứ 3 của bà sau bộ phim tài liệu đầu tay Hải Dương quê tôi và bộ phim sân khấu Trần Quốc Toản ra quân. Với sự xuất hiện của Bạch Diệp, điện ảnh Việt Nam đã có thêm sự đa dạng và mới mẻ khi xuất hiện một nữ đạo diễn. Bà được ghi nhận vào lịch sử điện ảnh Việt Nam không chỉ là người phụ nữ đầu tiên làm đạo diễn điện ảnh mà còn ở vị trí những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của bà được đánh giá cao từ phía các nhà chuyên môn như Ngày lễ thánh, Huyền thoại về người mẹ, Trừng phạt, Ai giận ai thương. Bên cạnh đó những bộ phim Người chưa biết nói, Câu chuyện làng dừa, Y H’nua, Hoa ban đỏ… cũng gây chú ý. Đến nay Bạch Diệp đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng niềm đam mê phim ảnh trong bà vẫn chưa hề dứt. Trước đấy mấy năm dù tuổi đã cao bà cũng không ngần ngại khó khăn khi bươn trải trên phim trường thực hiện những tác phẩm phim truyện truyền hình cho VTV.

Kế tiếp sau Bạch Diệp là sự xuất hiện của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Đức Hoàn bước chân vào điện ảnh bằng vai trò của người diễn viên. Bà tạo dựng sự nghiệp diễn viên lừng lẫy của mình chỉ với sáu vai diễn trong suốt cuộc đời, đặc biệt là vai cô Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc. Sau đấy Đức Hoàn chuyển sang làm đạo diễn. Sau khi học tập tại Liên Xô (cũ) trở về. Bộ phim truyện nhựa đầu tiên của bà có tên là Từ một cánh rừng sản xuất năm 1978. Sau đó Đức Hoàn sáng tác rất đều tay, cứ hai đến ba năm bà cho ra đời một tác phẩm và ít nhiều tạo dấu ấn của mình trong làng điện ảnh Việt Nam ở vai trò người đạo diễn. Các bộ phim của đạo diễn Đức Hoàn gồm có Chuyện tình bên dòng sông, Tình yêu và khoảng cách, Ám ảnh, Khách ở quê ra, Hà Nội – mùa chim làm tổ. Nhìn chung, những tác phẩm của đạo diễn Đức Hoàn khá vững vàng về tay nghề nhưng có lẽ bản thân những bộ phim và tác giả nhận được quá ít giải thưởng điện ảnh, ít phổ biến nên đến ngày nay người ta vẫn biết đến Đức Hoàn ở cương vị của một người diễn viên nhiều hơn so với chức danh đạo diễn.

Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam ảnh 2

Đạo diễn Việt Linh

Kế cận sau nữ đạo diễn Đức Hoàn là đạo diễn Việt Linh. Việt Linh là một đạo diễn tiêu biểu thời kì Đổi mới. Bà cùng với những đạo diễn khác như Đặng Nhật Minh, Vương Đức, Lê Hoàng, Nguyễn Khắc Lợi, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Vân… đã tạo nên thành công điện ảnh thời kì Đổi mới với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Việt Linh làm quen với nghệ thuật điện ảnh từ khi còn bé và ở những vai trò khác nhau. Trên tư cách đạo diễn, Việt Linh dàn dựng bộ phim đầu tay năm 1986 có tên Nơi bình yên chim hót. Sau bộ phim này Việt Linh được ghi nhận như một tài năng thực thụ của lớp đạo diễn thời kì Đổi mới. Tay nghề đạo diễn của bà ngày càng vững chắc bằng các bộ phim tiếp theo bộc lộ cá tính một cách quyết liệt và táo bạo. Cho đến hôm nay Việt Linh vẫn được xem là tên tuổi lớn và là một trong những đạo diễn quan trọng của nền điện ảnh Việt Nam. Bà được người ta nhắc đến không đơn giản chỉ với tư cách là người phụ nữ làm đạo diễn mà quan trọng hơn là sự thành công của các tác phẩm do bàn tay bà dàn dựng. Bộ phim được đánh giá là xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của bà là Gánh xiếc rong, sản xuất năm 1988. Các bộ phim tiếp theo của bà cũng được đánh  giá cao như Dấu ấn của quỷ, Phiên tòa cần chánh án, Chung cư, Mê Thảo – thời vang bóng.

Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam ảnh 3

Đạo diễn Thụy Vân

Một nữ đạo diễn xuất hiện cùng thời kì Đổi mới với Việt Linh đó là Thụy Vân. Thụy Vân không phải là một đạo diễn được đào tạo theo đúng chuyên ngành một cách bài bản. Bà vốn xuất thân là một diễn viên có tên tuổi của điện ảnh cách mạng Việt Nam với nhiều vai diễn ấn tượng. Năm 1966 vai diễn chị Vân của bà trong bộ phim nổi tiếng Nổi gió của đạo diễn Huy Thành đã thổi tên tuổi bà vào hàng ngũ diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt Nam. Sau vai diễn quan trọng trên Thụy Vân tham gia đóng phim trong một số phim khác và ngày càng chứng tỏ tài năng diễn xuất trưởng thành hơn. Năm 1987 Thụy Vân chính thức trở thành một đạo diễn khi bà tự tay dàn dựng bộ phim truyện nhựa Cơn lốc đen. Đây là bộ phim đầu tay và duy nhất trong sự nghiệp đạo diễn của bà. Vì sự nghiệp đạo diễn của Thụy Vân không nhiều nên đóng góp của bà cho nền điện ảnh Việt Nam trong vai trò của một đạo diễn không đáng kể.

Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam ảnh 4

Đạo diễn Đoàn Lê

Đoàn Lê là một nghệ sĩ đa tài. Bà vừa là một họa sĩ, một nhà văn vừa là một nhà thơ đồng thời cũng là một nhà biên kịch, một đạo diễn. Bà đến với điện ảnh bằng niềm đam mê của nhà biên kịch. Và với vai trò biên kịch bà đã tham gia viết nhiều kịch bản cho các đạo diễn khác dàn dựng. Bà thực sự làm đạo diễn khi chính tay bà dàn dựng bộ phim sân khấu cải lương Tô Hiến Thành xử án, đồng đạo diễn với Nguyễn Hoàng và Trịnh Phương. Sau đó Đoàn Lê ngừng làm đạo diễn. Vì thế sự nghiệp đạo diễn của bà không có nhiều, người ta vẫn biết đến bà nhiều hơn ở vị trí của một nhà biên kịch.

Cũng giống như Thụy Vân và Đoàn Lê, nữ đạo diễn Đặng Tú Mai làm một bộ phim duy nhất trong sự nghiệp đạo diễn điện ảnh của mình, bộ phim có tên là Lời thì thầm của chiến tranh. Tác phẩm này Đặng Tú Mai kết hợp thực hiện cùng đạo diễn Nguyễn Quang. Học diễn xuất rồi tiếp tục học đạo diễn nhưng Tú Mai chỉ mới có cơ hội thực hiện tác phẩm điện ảnh kể trên. Do đó sự nghiệp đạo diễn điện ảnh của bà cũng không lớn.

Một nữ đạo diễn khác cũng mới có cơ hội làm một phim duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình, đó là đạo diễn Nguyễn Lê Anh. Tính đến thời điểm hiện tại Lê Anh mới cho ra đời một bộ phim truyện nhựa Anh sẽ về.

Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam ảnh 5

Poster Hạt mưa rơi bao lâu của đạo diễn Đoàn Minh Phượng

Năm 2006 điện ảnh Việt Nam ghi nhận thêm một người phụ nữ làm đạo diễn, đó là Đoàn Minh Phượng với bộ phim đầu tay Hạt mưa rơi bao lâu. Bộ phim này chị đồng đạo diễn với em trai Đoàn Thành Nghĩa. Vốn xuất thân là một nhà văn có tên tuổi hoạt động rất năng nổ trên văn đàn Việt. Niềm đam mê văn học chưa giúp chị thỏa mãn với sự sáng tạo trong nghệ thuật của mình cho nên chị bước sang lĩnh vực điện ảnh để phần nào đó thỏa mãn sức sáng tạo của mình. Và Hạt mưa rơi bao lâu ra đời. Sau bộ phim này Đoàn Minh Phượng chưa có ý định làm bộ phim tiếp theo của mình.

Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam ảnh 6

Poster phim Thung lũng hoang vắng

Hơn một thập kỉ nay Nhuệ Giang nổi lên như một tên tuổi đạo diễn có tài năng và tâm huyết làm nghề thực sự. Bộ phim đầu tay của chị có tên là Bỏ trốn sản xuất năm 1999. Bộ phim thứ hai Thung lũng hoang vắng của chị dàn dựng năm 2001 gây chú ý đặc biệt. Chỉ với hai bộ phim trên nhưng tên tuổi Nhuệ Giang đã được bảo chứng, hình thành phong cách khá rõ rệt. Có thể nói mới cho ra đời hai tác phẩm điện ảnh trên ghế đạo diễn nhưng Nhuệ Giang vẫn được xem là một đạo diễn có sức hút đặc biệt trong nền điện ảnh Việt Nam. Sức hút ấy không đơn giản xuất phát từ giới tính của chị trong nghề nghiệp gian nan này mà bởi tài năng dàn dựng chỉ đạo diễn xuất của Nhuệ Giang. Hiện tại chị là  một nữ đạo diễn hoạt động rất năng nổ trong lĩnh vực sản xuất phim truyện truyền hình.

Nhìn vào số lượng nữ đạo diễn kể trên, chúng ta có thể nói rằng đạo diễn điện ảnh là một nghề cực kì khổ sở và khó khăn cho người phụ nữ. Có quá nhiều trở ngại làm vật cản trên con đường gây dựng sự nghiệp đạo diễn của những chị em đam mê nghề nghiệp này. Do đó số lượng phụ nữ làm đạo diễn điện ảnh ở nước ta quá hiếm hoi. Trải qua gần 60 năm (tính từ mốc 1953) hình thành và phát triển điện ảnh nước nhà mới ghi dấu những nữ đạo diễn kể trên. Một con số quá ít ỏi. Điều đó đã chỉ ra rằng nghề đạo diễn điện ảnh nói một cách khách quan nữ giới không phù hợp bằng nam giới. Người phụ nữ làm đạo diễn điện ảnh tại nước ta đã ít song càng ít người thành danh. Các nữ đạo diễn Thụy Vân, Đoàn Lê, Đặng Tú Mai, Nguyễn Lê Anh và Đoàn Minh Phượng mới ghi danh trong nghề chỉ với một bộ phim duy nhất do mình dàn dựng. Do đó phong cách đạo diễn của họ chưa được hình thành và chưa ghi dấu ấn đặc biệt cho nền điện ảnh nước nhà. Trong số các nữ đạo diễn điện ảnh kể trên thì bốn gương mặt đạo diễn Bạch Diệp, Đức Hoàn, Việt Linh và Nhuệ Giang được xem như là những nữ đạo diễn đã để lại “dấu tích” với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Họ là những đạo diễn làm nhiều phim và qua các phim do mình dàn dựng họ đã hình thành phong cách rõ rệt.

Không “đìu hiu” vắng bóng người phụ nữ làm nghề đạo diễn phim ảnh như những giai đoạn trước đây, điện ảnh giai đoạn hiện nay ghi nhận nhiều hơn tên tuổi các nữ đạo diễn. Số lượng chị em tham gia vai trò đạo diễn chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với thời kì trước. Trong số chị em đang hành nghề đạo diễn phim ảnh đa phần còn trẻ tuổi. Họ đang hoạt động tích cực và năng nổ trên con đường gây dựng sự nghiệp điện ảnh của mình. Tuy nhiên giai đoạn hiện nay các nữ đạo diễn tham gia nhiều hơn ở lĩnh vực sản xuất phim truyền hình. Họ rất ít có điều kiện làm phim điện ảnh. Trong số đó không ít người dù tuổi nghề còn trẻ nhưng tuổi đời đã cao mà họ chưa làm được bộ phim truyện nhựa nào. Đó là những nữ đạo diễn Song Chi, Hồng Ngân, Vinh Hương, Mỹ Khanh và Bích Ngọc. Đây là những nữ đạo diễn đã từng tham gia học tập và được đào tạo bài bản chuyên ngành đạo diễn điện ảnh một cách có hệ thống tại một số trường điện ảnh trong và ngoài nước. Nhưng tiếc rằng các chị chưa có điều kiện chứng tỏ bản lĩnh tay nghề đạo diễn do chưa có cơ hội thử sức trong việc sản xuất phim truyện nhựa. Có nhiều lí do chủ quan và khách quan khiến những nữ đạo diễn này chưa làm phim điện ảnh nào. Tuy nhiên những gì các chị gặt hái được trong sự nghiệp người ta cũng không thể phủ nhận được mặc dù các nữ đạo diễn này mới có dịp thử sức ở một số tác phẩm phim truyền hình.

Đạo diễn Vinh Hương cũng đồng lứa tuổi với Nhuệ Giang. Chị cũng khá tương đồng với Nhuệ Giang khi đã từng làm nghề khác trước khi đến với nghề đạo diễn. Vinh Hương tốt nghiệp nghề sư phạm và rồi tham gia giảng dạy tại trường trung học Sư phạm TP.HCM đến tám năm. Chị tưởng mình đã an phận ở nghề giáo nhưng lòng đam mê điện ảnh thôi thúc chị tham gia thi tuyển đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam năm 1988 tại TP.HCM. Chị bỏ nghề giáo trong quá trình theo học đạo diễn. Vừa mới ra trường chị đã được Hãng phim Trẻ mời làm phim Cánh chim mặt trời. Với phim này Vinh Hương đoạt giải B của Hội điện ảnh Việt Nam. Tự tin về tay nghề của mình Vinh Hương tự mình viết kịch bản Hương dẻ dựa theo truyện ngắn của Hải Miên. Năm 2001 phim Hương dẻ chính thức ra đời. Hai phim này Vinh Hương đều khai thác đề tài thiếu nhi với cái nhìn đầy xúc cảm, nâng niu, dịu dàng, khá buồn nhưng cũng đậm chất nhân văn. Bên cạnh những bộ phim với đề tài nhẹ nhàng, u buồn Vinh Hương cũng mạnh dạn thử sức làm phim ở những đề tài mạnh mẽ khác như phim Đất khách (đồng đạo diễn), Lời thề (phó đạo diễn). Mới đây chị thực hiện bộ phim truyền hình phát trên sóng VTV khá ăn khách Lẵng hoa tình yêu.

Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam ảnh 7

Đạo diễn Mỹ Khanh

Mỹ Khanh làm quen với điện ảnh bằng một vai diễn phụ rất nhỏ trong bộ phim Có một tình yêu như thế (1989) do đạo diễn Lê Hữu Lương dàn dựng. Vai diễn này Mỹ Khanh đảm nhận khi còn là sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM. Không ngần ngại và do dự khi phát hiện mình cũng có tài diễn xuất, Mỹ Khanh tham gia ngay lớp diễn xuất do Hội điện ảnh TP.HCM tổ chức trong năm đó. Đến năm 1992 chị tốt nghiệp khóa đào tạo lớp diễn viên này. Vừa tốt nghiệp xong Mỹ Khanh còn chưa dành thời gian tạo dựng tên tuổi của mình trong nghề diễn thì chị quay sang học đạo diễn tại trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Tốt nghiệp đạo diễn sân khấu chị cũng không theo đến cùng, chị bỏ dở rồi tiếp tục học chuyên ngành đạo diễn điện ảnh để thỏa mãn ước mơ của mình. Và đến khi cầm tấm bằng đạo diễn điện ảnh trong tay Mỹ Khanh mới dừng việc học tập để theo nghề.

Trước khi thực hiện những bộ phim dài hơi Mỹ Khanh gây chú ý đặc biệt với hai bộ phim ngắn rất ấn tượng Bỏng Gánh. Phim truyền hình đầu tiên của Mỹ Khanh đồng thời là phim truyện dài đầu tiên của chị có tên là Xóm cào cào, sau đó là bộ phim truyền hình khai thác về đề tài người già U6 và U7. Năm 2008 bộ phim khai thác đề tài âm nhạc A Cappella của Mỹ Khanh cũng tạo hiệu ứng tốt rất thu hút khán giả màn ảnh nhỏ. Và bộ phim ra rạp đợt tết năm 2008 của chị Ba chàng trai tuổi hợi sản xuất theo hướng thị trường dù không thành công như mong muốn nhưng cũng đánh dấu bước trưởng thành mới trong sự nghiệp đạo diễn điện ảnh của Mỹ Khanh

Những thế hệ đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam ảnh 8

Đạo diễn Hồng Ngân đang chỉ đạo diễn xuất

Hồng Ngân cũng giống Mỹ Khanh yêu điện ảnh từ nhỏ nhưng lại không theo đuổi niềm mê điện ảnh ngay từ đầu. Các chị học xong trung học phổ thông và đều theo học ngành khác khi trưởng thành rồi sau đó mới theo học ngành đạo diễn điện ảnh. Hồng Ngân sau khi tốt nghiệp nghề ngân hàng rồi mới theo học ngành đạo diễn điện ảnh tại trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Trước đó Hồng Ngân đã làm quen với điện ảnh bằng cách tự học cách viết kịch bản. Và các kịch bản của chị đã được các hãng phim dàn dựng thành phim. Đó là các tác phẩm Cô thủ môn tội nghiệp, Cô gái lái taxi, Trái tim mùa đông. Sau khi học và làm đạo diễn Hồng Ngân được người ta biết đến nhiều hơn với các bộ phim Đối thủ, Nữ võ sĩ, Mưa trong lòng phố. Có thể nói Hồng Ngân là một đạo diễn có tài và có tiếng. Cái tiếng của chị không xuất phát từ cách nghĩ đơn giản của nhiều người chỉ vì chị là người phụ nữ làm đạo diễn mà tiếng tăm của chị tạo dựng được bởi cái tài của chị. Mới thử sức ở lĩnh vực sản xuất phim truyền hình nhưng Hồng Ngân đã chứng tỏ được bản lĩnh nghề nghiệp của mình.

Ngoài những nữ đạo diễn kể trên đây chúng ta còn phải nhắc đến các nữ đạo diễn khác còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề như Bùi Kim Quy, Hoàng Điệp, Nguyễn Thị Hảo… Những nữ đạo diễn này còn rất trẻ nhưng niềm say mê làm phim của các chị luôn bùng cháy. Những gương mặt đạo diễn nữ này dù chưa thực sự thành công nhưng tên tuổi của họ ít nhiều để lại ấn tượng cho giới chuyên môn với những tác phẩm ghi dấu ấn đặc biệt. Họ mới dừng chân ở những bộ phim ngắn và qua những bộ phim ngắn mang tính thử nghiệm này họ dần tích lũy kinh nghiệm để chuẩn bị cho những bộ phim dài hơi sau này. Họ còn trẻ và còn tiếp tục sáng tạo nghệ thuật trên con đường đạo diễn điện ảnh của mình. Họ là những nữ đạo diễn trẻ có tiềm năng và con đường sáng tác vẫn còn dài phía trước. 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.