Những thành tựu nâng vị thế ngành Y Việt Nam

Ê kíp phẫu thuật của BV Nội tiết TW phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ cho người bệnh.
Ê kíp phẫu thuật của BV Nội tiết TW phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ cho người bệnh.
(PLVN) - Không quá lời khi nói rằng vị thế của ngành Y tế Việt Nam đang ngày càng được tô đậm trên bản đồ y tế thế giới với những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, tạo nên những thành công có tầm lan tỏa quốc tế. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2, cùng nhìn lại những "điểm sáng" của ngành Y thời gian qua.

Năm 2018 kết thúc với một tin vui khi kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ của ThS BS Phan Hoàng Hiệp (Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết TW), được bình chọn là một trong 10 thành tựu khoa học công nghệ xuất sắc nhất Việt Nam 2018.

Trong y học đã có nhiều phẫu thuật nội soi một lỗ ở các lĩnh vực như nội soi ổ bụng, lồng ngực… được Việt Nam áp dụng rất thuần thục. Tuy nhiên, với nội soi tuyến giáp một lỗ, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công.

Trước đây, phẫu thuật tuyến giáp chủ yếu là mổ mở - sẹo lớn ở vùng cổ ngực, thì nay với phương pháp mới có nhiều ưu điểm như giữ được tính thẩm mỹ bởi vết mổ được giấu đi, không làm thương tổn thêm các vị trí khác, giảm số ngày nằm viện, bệnh nhân đỡ đau hơn sau khi mổ…

ThS.BS Phan Hoàng Hiệp, người trực tiếp nghiên cứu ra kỹ thuật mới này cho biết, ý tưởng phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ đã được anh và các đồng nghiệp ấp ủ rất lâu, xuất phát từ thực tế Bệnh viện (BV) Nội tiết TW là nơi có số lượng bệnh nhân phẫu thuật về tuyến giáp và số ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp nhiều bậc nhất thế giới. Chính điều đó thôi thúc anh cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, sáng tạo để đem lại những gì tốt nhất cho người bệnh.

Năm 2018 cũng ghi nhận việc lần đầu tiên các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân. Ngày 12/12/2018, kíp mổ với thành phần 100% các thầy thuốc của BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não.

Và đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não và đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP HCM.  

Riêng trong lĩnh vực ghép tạng, thời gian gần đây ngành Y Việt Nam liên tục đạt được những thành công vượt bậc. Năm 2017, một sự kiện ghi lại "điểm sáng" cho y học kỹ thuật cao của ngành Y tế Việt Nam. Đó là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2/2017, do các bác sĩ BV Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện.

Người được ghép phổi là bệnh nhi 7 tuổi. “Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới”, đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm và chúc mừng bệnh nhân ghép phổi, người cho phổi cũng như các y, bác sĩ BV Quân y 103.

Cũng trong tháng 2/2017, thành công của ca ghép thận đổi chéo 2 trường hợp từ người cho thận sống lần đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại BV Chợ Rẫy đã mở ra nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân bị suy thận mãn.  

Giữa tháng 3/2017, BV Việt Đức thông báo đã tiến hành ca ghép tim cho một bệnh nhi (10 tuổi), nguồn tim được lấy từ một người cho chết não. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ thực hiện ghép thành công quả tim từ người lớn hiến tặng cho một bệnh nhi, kịp thời cứu sống bé trong gang tấc bởi căn bệnh suy tim giai đoạn cuối. 

Ngoài những thành tựu trên, Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia đang dần vươn lên vị trí quan trọng trong danh sách các nước sản xuất vắc xin trên thế giới. Trong năm 2018, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC - Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vắc xin cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1.

Đây là loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Cùng với đó, ngày 13/12/2018, Dự án sản xuất vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (POLYVAC) thực hiện, đã hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin sởi, vắc xin phối hợp sởi - rubella và sản xuất thành công vắc xin chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... 

“Thầy thuốc ở Nhật Bản khi nói về bác sĩ Việt Nam rất khâm phục”, đó là phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng khi đến chúc mừng các y, bác sĩ BV TW Quân đội 108 nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2019).

 Đánh giá chung về trình độ y, bác sĩ Việt Nam, ông Thưởng cho biết, từ thực tế công tác cũng như trải nghiệm bản thân, ông đã được nghe nhiều chia sẻ từ các thầy thuốc, cho thấy khi ra nước ngoài, bác sĩ Việt Nam không thua kém gì quốc tế. “Kể cả thầy thuốc ở Nhật Bản khi nói về các bác sĩ Việt Nam cũng rất khâm phục”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Ông Thưởng nêu rõ, Hội nghị TW 6 của Ban Chấp hành TW (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã đặt ra những nhiệm vụ rất quan trọng đối với ngành Y tế. 

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.