Những sự kiện quốc tế nóng bỏng nhất năm 2008

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là năm 2008 sẽ khép lại. Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến không ít những biến động và đổi thay lớn như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cơn ác mộng sữa nhiễm melamine hay lần đầu tiên có một tổng thống da màu ở cường quốc số 1 thế giới...  

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là năm 2008 sẽ khép lại. Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến không ít những biến động và đổi thay lớn như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cơn ác mộng sữa nhiễm melamine hay lần đầu tiên có một tổng thống da màu ở cường quốc số 1 thế giới... Nhìn chung, trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2008, chúng ta có thể thấy gam màu tối là nét chủ đạo, bao phủ gần như toàn bộ bức tranh. 
  
1, Khủng hoảng tài chính toàn cầu
 
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ âm ỉ từ năm 2007 đã chính thức bùng phát trong năm 2008 bằng một loạt vụ phá sản tài chính làm rung chuyển nền kinh tế thế giới. Chấn động nhất là vụ phá sản bất ngờ của Tập đoàn đầu tư Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới với 158 năm lịch sử và trên 26000 nhân viên.

 Ảnh minh họa

 Phản ứng của các nhà đầu tư sau khi nghe tin Lehman Brothers phá sản.

 Trước đó, một loạt các đại gia khác của nền kinh tế Mỹ như Countrywide Financial, Bear Stearns, IndyMac, Fannie Mae, Freddie Mac, AIG.... hoặc tuyên bố phá sản hoặc ngấp nghé trên bờ vực của sự phá sản.
 
Cuộc khủng hoảng tài chính hết sức trầm trọng của Mỹ đã bắt đầu lây lan ra khắp toàn cầu. Nền kinh tế thế giới bị thiệt hại hơn 30.000 tỷ USD, trong đó Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ là những nước phải hứng chịu nhiều nhất. Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái kinh tế vào những năm 1930 của thế kỉ trước. Trước tình hình trên, chính phủ các nước phải ra tay can thiệp khẩn cấp bằng một loạt các biện pháp, trong đó có kế hoạch giải cứu được xem là lớn nhất trong lịch sử và biện pháp cắt giảm lãi suất mạnh. Tuy vậy, theo dự đoán của nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ còn kéo dài sang cả năm sau và chỉ được dập tắt vào khoảng giữa năm 2010.
 
2, Điều kỳ diệu mang tên Obama
 
Đêm 4/11/2008 có lẽ là ngày không thể nào quên đối với ông Barack Obama, với người dân Mỹ và cả người dân thế giới khi ông này
đắc cử trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Chiến thắng của Obama đã mở ra một trang sử mới cho nước Mỹ khi nó đã phá vỡ mọi rào cản về chủng tộc vốn đã tồn tại từ rất lâu ở nước Mỹ. Lịch sử sẽ nhớ đến Obama vì sự thay đổi mà ông đã mang lại cho thế giới. Chính vì thế, không chỉ người đân Mỹ và người dân trên khắp thế giới đều hân hoan đón chào chiến thắng của ông giống như đón chào một kỷ nguyên mới. Người ta đã gọi chiến thắng của ông Obama là một điều kỳ diệu, là một câu chuyện cổ tích.

 Ảnh minh họa

 Gia đình của ông Obama trong đêm chiến thắng 4/11.

Lúc này người dân Mỹ  đang trông chờ và đặt rất nhiều hy vọng vào việc tân Tổng thống Obama sẽ giúp nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang hết sức trầm trọng hiện nay, đưa Mỹ thoát ra 2 cuộc chiến tranh dai dẳng không có lối thoát và nâng cao uy tín đang suy giảm nghiêm trọng của nước này trên trường quốc tế.
 
3, Scandal sữa nhiễm bẩn ở Trung Quốc gây chấn động thế giới
 
Tháng 9 vừa qua, người dân trên khắp đất nước Trung Quốc đã phải đối mặt với một sự hoảng loạn thật sự sau khi
scandal sữa nhiễm bẩn của Tam Lộc - tập đoàn chiếm thị phần sữa bột trẻ em lớn nhất ở Trung Quốc - nhiễm hóa chất bị phanh phui. Theo thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc, đã có 6 trẻ tử vong vì uống phải sữa nhiễm melamine và số trẻ bị bệnh liên quan tới sữa bẩn là gần 300.000 em. Vụ bê bối trong lĩnh vực an toàn thực phẩm này là vô cùng nghiêm trọng khi nó khiến hàng ngàn trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước Trung Quốc, nhiễm bệnh. Ngoài ra, scandal này cũng khiến người dân Trung Quốc mất niềm tin vào sản phẩm trong nước cũng như vai trò quản lý của cơ quan chức năng. 

 Ảnh minh họa

 Sữa nhiễm bẩn đang được tiêu huỷ ở Trung Quốc.

Chưa hết, sự hoảng loạn từ vụ scandal sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc còn lan ra nhiều nước khi sữa nhập khẩu từ Trung Quốc có mặt trên khắp thế giới. Ngoài ra, vụ sữa nhiễm bẩn cũng đã giáng thêm một đòn đánh mạnh nữa vào uy tín của hàng hoá Trung Quốc trên thị trường thế giới vốn đã bị ảnh hưởng bởi một loạt scandal trước đó.
 
4, Cuộc chiến tranh 5 ngày giữa Nga và Gruzia
 
Quan hệ Nga-Gruzia vốn từ lâu đã “cơm không lành, canh không ngọt” do Tbilisi bất mãn với việc Nga ủng hộ 2 tỉnh ly khai Nam Ossetia và Abkhazia của nước này còn Moscow không hài lòng với việc Tbilisi thân Mỹ và phương Tây. Hai nước thường xuyên cáo buộc nhau gây hấn hoặc xâm phạm lãnh thổ của nhau. Căng thẳng giữa Nga và Gruzia đã leo thang thành một
cuộc chiến ngắn ngủi kéo dài từ ngày 7 đến ngày 12/8 khi Tbilisi mở một cuộc tấn công vào Nam Ossetia nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Hơn 2.000 người chết và hàng chục ngàn người phải sơ tán do pháo kích của Gruzia. Nga đã đem quân vào đánh trả và đẩy lùi quân Gruzia ra khỏi Nam Ossetia.

 Ảnh minh họa

 Quân lính Nga ở Nam Ossetia.

Hai nước chỉ ngừng chiến khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đại diện EU đứng ra làm trung gian hoà giải. Tuy vậy, cuộc chiến này không chỉ phá hoại quan hệ Nga-Gruzia mà còn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây.
 
5, Cướp biển Somali thách thức thế giới
 
Trong năm qua, tin tức về các vụ cướp biển hoành hành dữ dội ở ngoài khơi biển Somali, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, đã rộ lên không ngớt. Những tên cướp bị không chỉ được trang bị vũ khí đến “tận chân răng" mà còn vô cùng táo tợn và liều mạng, khiến các thương nhân lo ngại và quan chức nhiều nước phải đau đầu. 

 Ảnh minh họa

 Cướp biển đang áp sát con tàu chở xe tăng của Ukraine.

Tính riêng trong năm nay, những tên cướp biển đã bắt giữ 83 tàu thuyền và thu về hơn 30 triệu USD tiền chuộc. Nguy hiểm hơn, những tên cướp biển này không hề sợ hãi khi phải đối mặt với hàng loạt tàu chiến được các cường quốc như Nga, Mỹ triển khai trong khu vực nhằm bảo vệ các tàu thuyền và chống lại hải tặc. Hai vụ điển hình mà bọn cướp biển gây ra là vụ bắt giữ một con tàu chở hơn 30 chiếc xe tăng của Ukraine và một con tàu chở dầu cực lớn của Ả-rập Xê-út. Vụ bắt giữ con tàu chở dầu khổng lồ của Ả-rập Xê-út đã khiến ngay cả Đô đốc Michael Mullen, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng phải thốt lên rằng ông cảm thấy “kinh ngạc” về khả năng của cướp biển Somali.
 
Có thế nói, cho đến lúc này, thế giới đang không kiểm soát nổi nạn cướp biển đang lộng hành ngoài khơi biển Somali.
 
6, Cơn cuồng nộ của tự nhiên
 
Hai thảm hoạ thiên nhiên kinh hoàng ở Trung Quốc và Myanmar xảy ra trong tháng 5 đã thực sự gây chấn động thế giới về mức độ tàn phá khủng khiếp của chúng. Đầu tiên là trận siêu bão ở Myanmar.
Cơn bão Nargis đổ bộ vào Myanmar hồi đầu tháng 5 đã làm 138.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng triệu người mất nhà cửa. Ngay sau đó, trận động đất mạnh 7,9 độ richter đã xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc khiến hơn 87.000 người thiệt mạng.

 Ảnh minh họa

 Một em bé đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau khi ngôi trường em học bị đổ sập trong trận động đất.

Ngoài ra, một loạt nước Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ đã phải hứng chịu những đợt giá rét khủng khiếp. Tính ra, những thiệt hại vật chất do các thảm hoạ thiên nhiên gây ra trong năm 2008 phải lên đến hàng trăm tỉ USD. Ai cũng biết rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các thảm hoạ thiên nhiên khủng khiếp nói trên chính là sự biến đổi khí hậu. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh nỗ lực nhằm đạt được những thoả thuận cụ thể hơn và hiệu quả hơn về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
 
7, “Vụ khủng bố 11/9 ở Ấn Độ”

 Ảnh minh họa

 Khách sạn Taj sang trọng ở Mumbai là một trong những mục tiêu tấn công của bọn khủng bố hồi cuối tháng 11.

Cuối tháng 11, thủ phủ tài chính Mumbai của Ấn Độ đã rung chuyển bởi hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng và đẫm máu. Các khách sạn sang trọng, nhà ga đông đúc và nhà hàng đông người nước ngoài qua lại đã trở thành mục tiêu của các cuộc tất công. Toàn thành phố rơi vào hoảng loạn khi cuộc chiến giữa các lực lượng an ninh Ấn Độ và những kẻ khủng bố kéo dài mấy ngày đêm. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố được ví như sự kiện 11/9 của Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của gần 200 người và làm bị thương hơn 300 người. Không những thế, cơn ác mộng Mumbai còn phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, đẩy hai nước suýt rơi vào một cuộc chiến tranh. Loạt vụ tấn công vào Mumbai còn cho thấy chủ nghĩa khủng bố không hề suy yếu đi.
 
8, Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan
 
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã bắt đầu từ cách đây 2 năm khi Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu cuối năm 2006. Kể từ mốc thời điểm đó, chính trường Thái Lan luôn trong tình trạng “sóng to, gió lớn” do mâu thuẫn giữa một bên là những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và một bên là người chống lại ông này. Cuộc khủng hoảng này đã ngày càng trở nên trầm trọng từ tháng 8 năm nay khi những người biểu tình chống chính phủ (cũng là chống Thaksin) do Đảng Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) dẫn đầu đã chiếm đóng Toà nhà chính phủ liên tục trong nhiều tháng với quyết tâm lật đổ chính phủ.

 Ảnh minh họa

 Biển người biểu tình tại sân bay quốc tế ở thủ đô Bangkok.


Tình hình căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm bằng việc những người biểu tình tiến tới phong toả hai sân bay quốc tế quan trọng ở thủ đô Bangkok, khiến hàng trăm nghìn du khách mắc kẹt lại tại Thái Lan. Mọi việc chỉ tạm lắng xuống khi Toà án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết giải thể 3 đảng lớn trong liên minh cầm quyền đồng thời cấm Thủ tướng tham gia chính trường trong vòng 5 năm. Hôm 15/12 vừa rồi, Quốc hội Thái Lan đã bầu chọn Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Abhisit lên làm Thủ tướng mới của nước này, mở ra hy vọng về một thời kỳ ổn định ở đất nước Chùa Vàng.
 
9, Bộ đôi quyền lực “Medvedev-Putin”

 Ảnh minh họa

 Tổng thống Medvedev (bên trái) và Thủ tướng Putin.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga hồi tháng 3 đã thu hút sự chú ý không chỉ của báo giới mà với cả nhiều người dân thế giới do Tổng thống Putin lúc đó là người vô cùng nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ. Người ta đã đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi về việc ông Putin sẽ làm gì sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống và ảnh hưởng của ông đối với Nga sẽ như thế nào khi ông không còn là tổng thống nữa. Với việc ông Dmitry Medvedev, người được Putin chọn làm người kế nhiệm, đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, trở thành tân tổng thống của nước Nga cùng với việc ông Putin được bổ nhiệm làm Thủ tướng, nước Nga đã có một cặp đôi quyền lực “Medvedev-Putin”. Dưới sự dẫn dắt của bộ đôi quyền lực này, nhiều nhà phân tích cho rằng nước Nga sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khôi phục lại vị thế siêu cường đã mất sau khi Liên Xô tan rã.
 
10, Tranh chấp biên giới đẩy Campuchia và Thái Lan đến bờ vực của một cuộc chiến tranh
 
Đúng một tuần sau khi Preah Vihear - ngôi đền gây tranh cãi giữa Campuchia và Thái Lan - được đưa vào danh sách Những Di sản thế giới hồi tháng 7,
cuộc tranh chấp xung quanh khu vực có ngôi đền trên giữa 2 nước đã bùng lên mạnh mẽ. Căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan bắt đầu gia tăng kể từ ngày 15/7 khi 3 người biểu tình Thái Lan xâm nhập vào bên trong ngôi đền Preah Vihear và đã bị quân đội Campuchia bắt giữ trong một thời gian ngắn. Ngay sau đó, các quan chức Campuchia cáo buộc khoảng 40 binh sĩ Thái Lan đã tiến sang lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, sau đó họ đã nói rằng nguyên nhân của vụ “xâm nhập” trên chỉ là do các binh sĩ Thái Lan đã có sự nhầm lẫn về đường biên giới chính xác giữa 2 nước. Tiếp theo đó, cả Thái Lan và Campuchia đều cho triển khai hàng trăm binh sĩ của nước mình và vũ khí ngay tại khu vực biên giới giữa hai nước, đẩy tình hình căng thẳng giữa 2 bên có lúc lên đến mức báo động. Có thời điểm quân đội 2 nước đã chĩa súng vào nhau trong vòng 10 phút. Rất may là sau đó tình hình đã lắng dịu khi lãnh đạo hai bên đã có những cuộc tiếp xúc, thảo luận với nhau. 

 Ảnh minh họa

 Một người lính Campuchia đang đứng gác ở ngôi đền cổ Preah Vihear.


Hiện hai bên đang nỗ lực giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ thông qua những cuộc đàm phán nhưng vẫn chưa có bước đột phá nào đạt được trừ việc hai bên cam kết sẽ kiềm chế, không dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.
 
11, Sóng gió trong quan hệ Nga-Mỹ

 Ảnh minh họa

 Mặc dù quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Putin khá tốt đẹp nhưng quan hệ giữa Nga-Mỹ lại ngày càng xấu đi (Ảnh chụp hồi tháng 4).

Quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục có một năm đầy sóng gió. Căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ xung quanh kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu đã được bắt đầu từ năm 2007 và tiếp tục kéo dài, trầm trọng hơn trong năm nay. Ngoài bất đồng về kế hoạch lá chắn tên lửa, Washington cũng đã khiến Moscow nổi giận khi ủng hộ Gruzia trong cuộc xung đột với Nga ở Nam Ossetia và việc Washington nỗ lực thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO của hai nước láng giềng của Nga là Gruzia và Ukraine. Để trả đũa cho những động thái của Mỹ, Nga đã tìm cách thắt chặt quan hệ với những nước Châu Mỹ Latin vốn luôn được coi là sân sau của Mỹ bằng những chuyến viếng thăm cấp cao, những cuộc tập trận chung và những hợp tác quân sự, kinh tế, năng lượng.
 
12, Bão tố trong quan hệ liên Triều
 
Quan hệ liên Triều bắt đầu
xấu đi kể từ sau khi Tổng thổng Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nhậm chức hồi tháng 2 với cam kết sẽ thực thi một chính sách cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Lee đòi hỏi Bình Nhưỡng phải thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên thì mới nhận được viện trợ từ Seoul. Trước đây, Seoul cung cấp viện trợ một cách vô điều kiện cho Bình Nhưỡng. Căng thẳng trong quan hệ liên Triều tiếp tục leo thang sau vụ một binh lính của CHDCND Triều Tiên bắn chết một nữ du khách Hàn Quốc ở khu du lịch Núi Kim Cương. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng làm CHDCND Triều Tiên nổi giận khi không có biện pháp ngăn chặn các nhà hoạt động của nước này giải truyền đơn chống chính quyền CHDCND Triều Tiên ở khu vực dọc biên giới giữa hai nước.

 Ảnh minh họa

 Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới với Seoul từ đầu tháng 12.

Quan hệ "căng như dây đàn" giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã bước sang một giai đoạn mới khi Bình Nhưỡng tuyên bố đóng cửa biên giới đất liền với Hàn Quốc đồng thời trục xuất người Hàn Quốc ra khỏi khu công nghiệp chung của hai nước. Giữa hai nước còn liên tục xảy ra các cuộc khẩu chiến, đe doạ và chỉ trích lẫn nhau.

Nguồn: VnMedia

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.