Gọi là “mót” rác bởi địa hình bãi cát không giống như sàn nhà, sân bê tông. Những món quà mà du khách tặng lại bãi biển có vô vàn kích thước khác nhau từ bình nước vài chục lít, thùng mì tôm cho tới những hạt hướng dương, cây tăm nhọn hoắt nhỏ li ti mà nếu không tỉ mỉ bới cát để tìm và nhặt thủ công thì không thể sạch hết được.
Rác của thượng đế được mót từ trên bãi cát tới tận sát mép nước.
Theo ban quản lý bãi biển, có tới 500 thùng rác được trang bị dọc bãi biển, xếp trải dài theo hàng ghế nghỉ của khách và bám theo đường ven biển. Tuy nhiên, 20 công nhân vệ sinh vẫn phải làm việc liên tục để thu gom những đĩa nhựa, hộp xốp, vỏ chai nước… mà du khách “lỡ để quên” sau khi thỏa thuê vui chơi trên biển.
Do sự khắc nghiệt của thời tiết nóng nực giữa hè mà đội công nhân vệ sinh chia thành 2 ca làm việc từ 6h – 10h30 sáng và từ 14h30 -18h. Chổi cào là một trong những dụng cụ tuy thô sơ nhưng hỗ trợ đắc lực cho cán bộ vệ sinh trong việc “truy tìm” những loại rác bị du khách vùi dưới cát.
Trong lúc len lỏi vào những dãy ghế của khách du lịch để dọn dẹp “chiến trường”, không ít lần các chị nhận được những ánh mắt đôi phần phân biệt và lời nói như: “Các cô dọn thì dọn chứ đừng tranh thủ cầm nhầm đồ của chúng tôi nhé”, hay “Nếu con mà không chịu học hành thì sau này chỉ đi nhặt rác thế kia thôi”…
Rác sau khi được nhặt sẽ chuyển lên 20 chiếc xe gom để chở về điểm tập kết.
Theo thống kê của anh Lương Quý Đon, Trưởng bộ phận Vệ sinh Môi trường, Phòng Cảnh quan Môi trường, Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, mỗi ngày bãi biển Bãi Cháy thu gom được 6 tấn rác. Trong đó chủ yếu là rác thải nhựa.
Làm việc liên tục dưới nắng gắt nên các chị phải đeo tới 2, 3 găng tay 1 lúc. Và chỉ sau 1 vài tiếng thì mấy lớp găng đều sũng mồ hôi. Chị Trần Thị Tám công nhân vệ sinh Bãi tắm Bãi Cháy - Hạ Long đã gắn bó với bãi biển Bãi Cháy nhiều năm chia sẻ, công việc nào cũng có sự vất vả riêng. Cũng nhiều lần gặp chuyện tủi thân khi các đoàn khách gây sự vì mình nhắc nhở vứt rác đúng nơi quy định. “Nhưng cuối ngày nhìn thấy bãi biển sạch đẹp, phong quang để ngày mai đón khách mới là chúng tôi thấy mình có thêm động lực làm việc”, chị Tám chia sẻ.
Với chị Phan Thị Thuỷ - công nhân vệ sinh Bãi tắm Bãi Cháy - Hạ Long thì trong thời gian làm việc khó tránh khỏi những lúc băn khoăn vì nghề nghiệp của mình bị một số người “kì thị”, coi là một nghề thấp kém. Nhưng “chỉ cần bãi tắm mỗi ngày thêm sạch đẹp, được đông đảo khách biết tới là chúng tôi thấy mồ hôi công sức được đền đáp”, chị Thủy hồ hởi.
Từ khi bãi biển không một bóng người cho tới lúc bãi biển đông nghịt khách, không khi nào vắng bóng dáng những công nhân môi trường. Nếu mỗi người dân và du khách không bỏ quên “văn minh” khi đi du lịch, thì bãi biển sẽ không cần tới những biển quy địch xử phạt. Khi đó, những công nhân vệ sinh sẽ không trở thành “phu mót rác” và điểm đến của thế giới 2019 – vịnh Hạ Long sẽ không trở thành một Boracay thứ 2 của thế giới, nơi đã phải đóng cửa từ chối khác du lịch để bảo tồn di sản.