Với phương châm “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, những chàng trai lính đảo Trường Sa từ mọi miền Tổ quốc tựu trung dưới một mái nhà, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, làm chỗ dựa tinh thần cho nhau.
Có tận mắt chứng kiến, chúng ta mới cảm nhận được hết tinh thần đoàn kết, keo sơn gắn bó của các chiến sĩ nơi đây, từ việc hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến giúp đỡ nhau những công việc thường nhật, như: chăm sóc vườn rau, cho gia súc ăn, cùng nhau vui chơi thể thao, nấu cơm, đọc sách… Hay những lúc có thời gian rảnh rỗi, các chiến sĩ hải quân lại quây quần cùng nhau với cây đàn guitar và cất lên những bài ca về biển đảo, như phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu.
lNgoài những giờ huấn luyện, các chiến sỹ lại tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền... tại đảo nổi. |
Tại đảo Trường Sa Đông hòa trong tiếng sóng biển ầm ào, tiếng gió lao xao, chúng tôi được nghe những giai điệu vui tươi từ tiếng đàn ghi ta với lời hát ngân nga của những chiến sỹ trẻ, mới 19, đôi mươi: “Gửi ra Trường Sa những ngày biển động. Gửi ra Trường Sa đêm trăng quê nhà. Gửi ra Trường Sa tuổi trẻ của chúng tôi, những người lính ở trong đất liền vẫn đêm ngày cùng các anh canh giữ biển đảo biên cương...”.
Cậu lính trẻ Hà Phúc Trình cho biết, ngoài những giờ làm nhiệm vụ hay tập luyện ngoài thao trường, cậu và mọi người thường ngồi với nhau để bầu bạn, ca hát, chia sẻ cho nhau những câu chuyện gia đình. Tuy mọi người đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng khi tựu trung dưới một góc nhà nơi điểm đảo đều coi nhau như ruột thịt trong nhà. Mỗi khi có chuyện gì vui thì kể cho nhau nghe, hay những lúc buồn thì chia sẻ với nhau.
“Hoạt động mà tụi em thích nhất là được ngồi dưới cây phong ba hay cây bàng vuông sum vầy lại rồi cất lên tiếng đàn, giọng hát. Bọn em luôn cảm thấy tinh thần phấn khởi, tươi vui như được nạp thêm “năng lượng” để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ” – chàng lính trẻ với đôi mắt biết cười, nói.
Cùng rèn luyện, học tập, đọc báo để nắm bắt thông tin đất liền |
Những hoạt động vui chơi thể thao hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa cũng góp phần tiếp thêm nguồn sinh lực giúp người chiến sỹ hải quân vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các chiến sỹ chia sẻ, rau ở đất liền có thể không quý, người ta thường nói “rẻ như mua bó rau ngoài chợ” nhưng đối với dân đảo, lính đảo thì rau xanh còn quý hơn cả cơm thịt. Nếu không có những luống rau xanh tươi tốt thì bữa ăn không được cải thiện mà còn khiến cuộc sống trên đảo trở nên buồn tẻ. Việc trồng rau xanh đươc coi như việc rèn luyện sự khéo léo và ý chí khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sỹ nơi đây sau mỗi giờ luyện tập.
Chiến sỹ đảo trồng rau xanh, chăn lợn, nuôi vịt để cải thiện bữa ăn |
Nhưng có lẽ, trong góc khuất của mỗi tâm hồn, người lính biển đảo đều có riêng tâm trạng, nhất là khi nghĩ về “người em gái hậu phương” đang dõi mắt trông chờ tin thư. Theo Trung tá Chu Văn Khuê ở đảo Đá Tây B, xa nhà, xa gia đình thì chẳng ai muốn nhưng vì tình yêu quê hương, yêu biển đảo nên anh đã lên đường làm nhiệm vụ. Những lúc nhớ gia đình, nhớ các con, anh lại mượn đến những vần thơ để thể hiện cung bậc cảm xúc của mình.
“Ngày xưa anh vẫn dại khờ/Cô nàng bên ấy đang chờ ý tôi/Con tim hai đứa bồi hồi/Nửa lời không nói để rồi quên đi...” - đó là những dòng thơ trong bài thơ Dại khờ được anh làm khi mới ra đảo lần đầu. Anh đã biến nỗi nhớ ấy thành niềm tin, sức mạnh, chắc tay súng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những mẻ cá mà các chiến sỹ kéo được sau mỗi những giờ rèn luyện trên thao trường. |
Lính Trường Sa là thế đó, luôn dũng cảm trước kẻ thù xâm phạm vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cũng thật đáng yêu, bình dị đối với đồng chí và cũng thật lãng mạn trong tình yêu đôi lứa.