Những phụ nữ bán niềm vui cho người khác

“Không đẻ được con trai cũng bị đánh, nấu cơm muộn cũng bị đánh, không đưa tiền cho chồng uống rượu cũng bị đánh... Tôi chỉ ước mơ chồng có đánh thì đánh nhẹ thôi...”, chị H., bán hoa thuê ở chợ Quảng Bá nói trong nước mắt.

Ngày Lễ tình nhân 14/2, một nửa thế giới trong niềm hân hoan được đón nhận hoa, quà tặng và những lời chúc tụng từ người bạn đời, người yêu... “Phụ nữ xấu thì không có quà” (truyện ngắn của nhà văn Y Ban). Những phụ nữ chúng tôi gặp ở đây không xấu nhưng họ vẫn không có được cái may mắn như nhiều người phụ nữ khác, được tặng... dù chỉ một bó hoa.

Đon đả ra phố bán hoa

Người phụ nữ quí phái ngồi trên một chiếc xe ga đắt tiền đang lật từng xấp hoa tươi, kì kèo thêm bớt. Cuối cùng, khi đã chọn được một bó hoa ưng ý, người phụ nữ hớn hở phóng xe mất hút vào dòng người tấp nập. Người đàn ông với tay qua ô kính xe hơi hờ hững nhận bó hoa, không thèm mặc cả. Và cuối cùng, người phụ nữ lam lũ cẩn thận gấp lại từng đồng tiền lẻ trước khi khẽ khàng bỏ vào túi. Gánh hàng hoa lại lặng lẽ lẫn vào buổi chiều.

Những bó hồng tươi thắm cho ngày Valentine
Những bó hồng tươi thắm cho ngày Valentine

Đi qua những con đường, những góc ngõ nhỏ, phơi nắng gió trên mỗi đoạn đường, mỗi con phố, những người phụ nữ ấy đang tự lãng quên mình. Nhưng ở mỗi gánh hàng hoa ấy hiện lên những đôi mắt mong chờ những điều hạnh phúc từ những người yêu thương. Đon đả theo từng bó hoa, những lời mời chào để bán được hoa luôn thường trực trên miệng người bán. Nếu sang đến ngày 14 rồi mà không bán nhanh thì sẽ bị ế hoa.Phố Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) tấp nập hơn với hàng chục chiếc xe thồ với đủ các loại hoa đang khoe hương sắc. Chị Lê Thị Vân Lụa (quê Vĩnh Phúc) với nước da đen sạm, khuôn mặt khắc khổ lam lũ vừa tưới nước lên hoa vừa tâm sự: “Dịp 14/2 nên hôm nay bán hoa cũng chạy. Mấy chị em chúng tôi rủ nhau dậy từ 2h sáng, mua hoa rồi đem về sắp gọn ghẽ vào sảo, đạp xe từ Mê Linh đến đây để bán hoa”.

Đang trò chuyện thì có khách đến mua, chị vừa tất bật cắt lá tỉa hoa vừa kể: “Mình bán hoa nên những ngày như thế này chắc chắn phải biết rồi, biết để còn tính toán chứ. Những ngày này bận lắm, đi sớm về khuya, thời gian ngủ thậm chí còn chẳng có. Em thử tính mà xem, trồng lúa một năm hai vụ còn trồng hoa thì làm cả năm. Giá bán những ngày thường thì chẳng đáng gì nên phải trông vào mấy ngày lễ may ra bán giá cao hơn”.

Những người đem bán niềm vui

Chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ) tràn ngập sắc hoa mừng ngày Lễ tình nhân 14/2. Ở khu chợ này vẫn nhộn nhịp những người phụ nữ gánh hoa và bán hoa thuê. Họ là những người phụ nữ vùng ven Hà Nội, đa số là nghèo lên đây kiếm việc làm thuê.

Ôm hoa cho khách
Ôm hoa cho khách

Chị Nguyễn Thúy H cho biết: “Ngày nào tôi cũng dậy từ 3h sáng đến chợ hoa Quảng Bá tìm việc, ai thuê gì thì làm lấy, khi thì gánh nước tưới hoa lúc thì bán hoa, có khi lại phải lóc cóc xe đạp chở hoa vào nội thành bán cho đại lý. Hôm nay may mắn được chủ thuê bán hoa nên cũng nhàn”.Chị H tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về ngày 14/2.“Có biết 14/2 là ngày gì đâu? Nhìn họ mua hoa, tặng hoa cũng thấy thích, nhưng ai tặng mình bây giờ...”, chị nói, mắt trũng sâu khi nhìn xuống chiếc áo công nhân nhàu nát đã bạc màu. Chị đã nhiều lần phải nương nhờ đến “nhà tạm lánh” để tránh những trận đòn của chồng.

Chị kể trong nước mắt: “Không đẻ được con trai cũng bị đánh, nấu cơm muộn cũng bị đánh, không đưa tiền cho chồng uống rượu cũng bị đánh... Tôi chỉ ước mơ chồng có đánh thì đánh nhẹ thôi, chứ đánh đến thân tàn ma dại, ai nuôi con cho tôi”.

Những người phụ nữ bán hoa tại chợ Quảng Bá không được tặng hoa nhưng bù lại họ lại có những món quà khác. “Tuy không được tặng hoa nhưng ngày này bán được rất nhiều hoa nên được chủ trả công hậu hĩnh. Một ngày làm việc chăm chỉ cũng kiếm được hơn một trăm nghìn, có thể mua quà cho con gái”, chị Phạm Thị Bái (Hà Trung, Thanh Hóa) hồ hởi nói.

Vị đắng của những đóa hồng

Chị Tạ Thị Bột (Trại Gà, Cầu Diễn, Từ Liêm) bước ra khỏi ruộng hoa, tháo đôi găng tay cao su thủng lỗ chỗ vì gai hồng, rửa tay trong thùng nước tưới. Mười đầu ngón tay chị thâm đen vì nhựa hoa, nhiều chỗ sần lên những vết gai đâm. Bàn tay bợt ra vì tiếp xúc với thuốc trừ sâu nhiều quá.

Hoa hồng vốn là loài nhạy cảm, để chăm chút cho lứa hoa bán trong đợt ngày 14/2, chị gần như cả ngày ở ruộng hoa để bón phân, tỉa cành, bọc giấy cho từng nụ hoa rồi phân loại, cắt tỉa bán cho khách đặt hàng. Suốt ngày cặm cụi ở ruộng hoa, hơi thuốc trừ sâu bám trên những cây hoa cao ngang người lúc nào cũng phả hầm hập vào mặt. Chị Bột giống như nhiều cô, bác nông dân ở đây, mặc dù luôn cẩn thận mặc quần áo dày, đi ủng, đeo găng bịt mặt kỹ càng, nhưng thường xuyên cảm thấy khó thở, nhất là vào những hôm trời nắng.

Da những người phụ nữ trồng hồng không bao giờ đẹp cũng vì tác hại của những hơi thuốc độc đó. “Giống hoa hồng rất mong manh, sương gió dễ làm cho thân hoa bị táp, xơ xác nên người trồng phải rất nâng niu”, chị kể. Những hôm trời mưa, lạnh hoặc nhiều sương, chị mất ăn mất ngủ, lăn lộn trên ruộng để che phủ cho hoa. Tối về, chị lại còng lưng ngồi cuốn giấy để ngày mai ra chụp lên nụ hoa, hạn chế tốc độ nở và sâu hại, chờ đúng dịp cắt bán...

Đôi bàn tay của chị đã chăm chút cho bao nhiêu triệu bông hồng, chỉ quen cắt hoa đưa đi bán để người ta mua tặng nhau chứ chưa một lần trong đời đôi bàn tay ấy được nhận một bông hồng do chồng, con mình tặng. Và vì mưu sinh, chị cũng chẳng lúc nào nghĩ sẽ cắt hoa về cắm.

Ở những ruộng bên, phần đông người làm đều là phụ nữ. Dường như ý nghĩ về hoa hồng trong họ chỉ đơn thuần là hàng hóa, là những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Chị Tươi, 27 tuổi, kể: “Sau khi thu hoạch xong, những bông hoa to đẹp thì chúng em bán hết cho thương lái, cho các cửa hàng trên phố. Rồi thì trên ruộng còn bông hoa còi nào cũng hái nốt, cắt ngắn cành, đem buộc cùng với một số loại hoa khác để bán hoa đĩa cho người ta đi lễ, đi chùa. Vả lại, chúng em là nông dân, làm quần quật còn chẳng đủ ăn, còn nghĩ đâu đến chuyện tặng hoa với quà gì”.

Đang buộc hoa vào xe, chị khựng lại, máu rỉ ra từ mu bàn tay. Chị quệt nhẹ vệt máu rồi chìa bàn tay chằng chịt những vết sẹo ra trước mặt: “Xây xát thế này cũng bình thường thôi chị ạ, còn có cả những vết cứa chưa lành đây này. Còn đây là chỗ bị sưng do bong gân đấy. Cả tháng nay rồi mà đã khỏi đâu. Cứ bó hoa, chằng hoa, tay thì lật đi lật lại nên cũng chẳng biết bao giờ mới hết sưng nữa”. Vừa nói chị vừa xoay bàn tay rồi chỉ cho tôi xem những chỗ sưng, những vết xước chưa kịp lành miệng.

Cả năm chỉ có mấy dịp đặc biệt như 14/2, 8/3, 20/10 và Tết là giá hoa cao vọt, nhiều khi không có đủ hoa mà bán. Bởi vậy, khi vào vụ, những người phụ nữ trồng hoa chỉ còn nghĩ về hoa hồng với tất cả những gì thực tế nhất, thậm chí trần trụi nhất. Trên mảnh đất ươm trồng những bông hoa biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn chỉ có những người phụ nữ thức khuya dậy sớm tất bật vì cuộc mưu sinh và cả đời có khi cũng không nhận được một bông hoa nào từ người đàn ông của mình...

Ghi chép của Thu Hồng

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.