Những phận người chết mòn ở đất nước Phù Tang

Cụ bà Ito
Cụ bà Ito
(PLO) - Sự cô độc đến cùng cực của người già Nhật Bản phổ biến đến nỗi nước này đã có hẳn một ngành công nghiệp chuyên dọn dẹp những căn hộ nơi thi thể của những người già côi cút được phát hiện. 

“Bóng ma” ở khu căn hộ

Mỗi mùa hè, những chú ve sầu thoát khỏi lỏng đất, trèo lên cây bắt đầu cuộc sống ngắn ngủi của mình. Trong những ngày ít ỏi đó, chúng tìm kiếm đôi lứa, bay khắp nơi và không ngừng cất tiếng. Chúng kêu cho đến khi xác được phát hiện trên mặt đất trong tư thế co quắp hoặc hai chân duỗi lên trời. Bà cụ Chieko Ito vô cùng ghét những tiếng kêu ầm ỹ của những chú ve.

Ngay từ đầu mùa hè, chúng đã kêu không dứt. Càng vào giữa hè, những tiếng râm ran càng lớn, khiến căn hộ ở tầng 3 của bà hiếm khi được yên tĩnh. Đến khi tiếng ve sầu dịu đi thì cũng là lúc những con côn trùng khác cất tiếng thay thế. “Chúng kêu từ sáng đến tối”, bà  thở dài.

Trong những ngày hè đỉnh điểm như vậy, khu chung cư của bà Ito cũng chỉ có những người tình nguyện đi dọc hành lang để phát tờ rơi cảnh báo những người già sống 1 mình về hậu quả của nắng nóng. Cũng tương tự như bà Ito, hàng trăm cư dân đang sống trong 171 căn hộ màu trắng gần như giống hệt nhau đó có chung hoàn cảnh: không có gia đình cũng chẳng có ai đến thăm trong suốt một thời gian dài.

Nhiều người già sống ở đó trong suốt nhiều tuần hoặc nhiều tháng liền không ló mặt ra khỏi nhà, khiến người ngoài nhiều khi cũng không hề biết được về sự tồn tại của họ. Và, mỗi năm một số người trong đó đã qua đời mà không ai biết. Cái chết của họ chỉ được phát hiện khi những người hàng xóm nhận thấy có mùi bất thường bốc lên.

Lần đầu tiên hiện tượng như vậy xảy ra hoặc ít nhất là lần đầu tiên việc đó khiến cả nước Nhật bàng hoàng là vụ việc thi thể một người đàn ông 69 tuổi sống gần nhà bà Ito được phát hiện đã chết trong căn hộ ông trong suốt 3 năm liền mà không ai hay biết.

Tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt của người quá cố được tự động trừ từ tài khoản ngân hàng. Phải đến khi tài khoản của ông này cạn tiền vào năm 2000, giới chức địa phương mới tới căn hộ và phát hiện thi thể của ông ở gần bếp, cách nhà những người hàng xóm chỉ vài bước chân.

Vụ việc cũng đã khiến khu căn hộ mà bà Ito đã sống gần 60 năm đột ngột nổi tiếng vì những cái chết đơn độc của người già. “4.000 trường hợp tử vong sống 1 mình trong một tuần”, trang bìa của một tờ tạp chí nổi tiếng của Nhật Bản đưa ra con số giật mình trong một ấn bản xuất bản vào giữa mùa hè năm 2017.

Trong đó, chỉ riêng tại tòa nhà của bà Ito vào giữa mùa hè 2017 đã có 2 thi thể được phát hiện. Trường hợp đầu tiên được phát hiện ngay gần nhà Ito, khi một phụ nữ nhận thấy có mùi lạ bốc lên từ căn hộ bên dưới.

Ban đầu người này nghĩ rằng đó là do ai phơi cá khô nhưng đến khi mùi hôi bốc lên nồng nặc, bà đã quyết định báo cảnh sát. Người quá cố đó 67 tuổi. Tất cả những người hàng xóm của ông đều không hề biết gì về ông dù ông đã sống ở đó trong nhiều năm. 

Thi thể người đàn ông thứ hai được phát hiện sau đó 2 ngày, cũng là do một người hàng xóm phát hiện mùi bất thường. Người này đã sống ở đó trong 3 năm, thi thoảng cũng tán gẫu với hàng xóm nhưng không ai biết tên ông là gì.

Trong xã hội đang già hóa dân số nhanh nhất thế giới, sự cô độc đến cùng cực của người già Nhật Bản phổ biến đến nỗi nước này đã có hẳn một ngành công nghiệp chuyên dọn dẹp những căn hộ nơi thi thể của nhiều người già sống 1 mình được phát hiện.

“Cách chúng tôi chết chính là tấm gương phản chiếu cuộc sống hiện tại của chúng tôi”, ông Takumi Nakazawa, 83 tuổi, Chủ tịch hội đồng cư dân tại khu căn hộ của bà Ito, nói.

Họ sẽ bảo vệ tôi

Với bà Ito, bà không bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể sống lâu đến như vậy. Cụ bà năm nay 92 tuổi này đã sống trong cảnh cô độc suốt 1/4 thế kỷ qua, kể từ khi chồng và con gái của bà qua đời cách nhau chỉ 3 tháng vì ung thư. Dù còn con gái riêng của chồng là người thân nhưng bà và người này không thân thiết nhau, chỉ thi thoảng gửi tấm thiệp chúc mừng năm mới hay các dịp lễ.

Ngày sinh nhật hay các dịp lễ, bà cũng chẳng có ai gọi điện, gửi thiệp chúc mừng hay dừng lại để kiểm tra xem bà có ổn không. Vì vậy, bà Ito đã nhờ một người hàng xóm ở tòa nhà đối diện mỗi ngày nhìn lên cửa sổ nhà bà để kiểm tra xem bà ra sao.

Cụ bà không thích những chú ve
Cụ bà không thích những chú ve

Vào khoảng 6 giờ mỗi tối, trước khi đi ngủ, bà sẽ kéo miếng giấy lên cửa sổ. Vào buổi sáng hôm sau, sau khi tỉnh giấc vào lúc 5h40, bà sẽ gạt tấm giấy sang một bên. “Nếu miếng giấy vẫn còn trên cửa sổ có nghĩa là tôi đã chết”, bà nói với người hàng xóm.

Bà Ito yên tâm phần nào khi người hàng xóm đồng ý với đề nghị của bà. Vì vậy, thi thoảng bà lại gửi vài quả lê để cảm ơn người phụ nữ đó. Vào dịp sinh nhật thứ 90, bà Ito cũng đã viết xong di chúc, hoàn tất việc chuẩn bị cho hành trình sang bên kia thế giới của mình. Bà cũng đã cho đi bàn thờ Phật của gia đình.

Trong căn hộ của bà giờ đây chỉ còn những đồ vật nhắc nhớ đến cái chết. Đó là cuốn sách mà chồng bà khi hấp hối đã dặn bà vứt đi sau khi đọc xong. Đó là chiếc rương được chạm khắc tinh xảo mà bà đã tặng cho con gái khi cô kết hôn nhưng chiếc rương đã trở lại với bà nhiều thập kỷ sau khi con gái bà qua đời ở tuổi 29. Trên giá sách là những cuốn sách mà bà Ito đã tự viết về cuộc đời cô độc phía sau cánh cửa căn hộ chung cư của bà.

Bà Ito cũng đã để dành ra một khoản tiền để thuê người dọn dẹp căn hộ sau khi bà qua đời. Thứ duy nhất phải làm nhưng bà không tự làm được, đó là xóa bỏ màu đỏ trên tên của bà được khắc trên tấm bia gia đình để báo hiệu rằng bà cuối cùng cũng đã đi theo chồng và con gái.

“Tất cả mọi người xung quanh tôi đều đã qua đời, từng người một. Tôi là người duy nhất còn sống. Tuy nhiên, khi nghĩ về cái chết tôi vẫn thấy rất sợ hãi”, bà nói.

Mỗi khi nghe thấy tin về một người già nào đó vừa được tìm thấy đã chết, bà Ito lại tìm mọi cách để khiến bản thân bận rộn đến mức không còn thời gian nghĩ về những việc đó. Bà đi dọc bên trong khu căn hộ, viết kinh phật cho con và chồng hoặc tham gia hỗ trợ những người tình nguyện dọn dẹp.

Hàng tháng, bà đều đặn tham gia những buổi ăn trưa được người dân ở khu căn hộ tổ chức cho những người sống một mình nhằm giúp họ bớt cảm giác cô đơn cũng như giảm nguy cơ họ chết trong đơn độc. 

Vào mỗi ngày 24/7 hàng năm, bà lại ra khỏi nhà từ sáng sớm để đi thăm mộ con gái. Đó là con đường mà bà đã đi suốt 1/4 thế kỷ qua. Trên đường đi, bà ghé qua khu trồng lê để mua một ít trái cây gửi cho họ hàng và cả người hàng xóm mà bà đã “phó thác” việc kiểm tra xem bà còn sống hay đã chết.

Hơn 20 năm qua, bà chưa bao giờ bỏ đi thăm mộ con gái và chồng, kể cả trong những tháng mùa đông giá rét. Đến tận năm 85 tuổi, bà vẫn đều đặn 2 lần mỗi tháng thăm mộ chồng và con. Sau đó, vì sức khỏe kém, tần suất đi viếng mộ của bà giảm xuống còn 1 tuần 1 tháng.

Trong những lần như vậy, bà thường ghé qua chợ mua hoa huệ - loài hoa mà con gái bà vẫn thích khi còn sống vào một ít thức ăn để vừa ngồi ăn cùng con gái, thủ thỉ kể cho con về những chuyện đã xảy ra với bà. “Tôi không nói với nó những điều có thể khiến nó lo lắng. Tôi không bao giờ nói với con gái về những rắc rối mà tôi gặp phải”, bà cho hay.

Bà Ito tin rằng anh nói chuyện với chồng và con sẽ giúp bà khỏe mạnh. “Ở tuổi này, anh chẳng còn nghe hay nhìn thấy gì nữa cũng chẳng còn răng mà mất. Tôi nghĩ họ sẽ bảo vệ tôi”. Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bà lại nhẹ nhàng kéo tấm giấy thấy chắn ngang cửa sổ.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.