Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air
Vietjet trở thành kẻ "phá bĩnh" trên thị trường hàng không nội địa vươn lên dẫn đầu thị trường bay nội địa trong dịp Tết Nguyên Đán 2017. Chín tháng đầu năm 2016, Vietjet đã vận chuyển gần 10 triệu lượt hành khách. Tham vọng chinh phục bầu trời của hãng hàng không tư nhân non trẻ chưa dừng lại khi có hợp đồng mua thêm hàng trăm máy bay Airbus dòng A320 và Boeing 737-200.
Xưa nay bà Nguyễn Thị Phương Thảo chưa từng làm việc nhỏ. Khi các công ty người ta chung nhau một container, thì bà phải làm một lúc cả trăm container. Hoặc nếu chở hàng bằng đường sắt, người ta chỉ dùng một toa tàu thì bà dùng đến cả đoàn tàu.
Với tư duy đó, ngay từ khi mới chỉ 21 tuổi, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ bán máy fax và cao su tự nhiên.
Hiện bà là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Sovico Holdings, đồng thời là CEO hãng hàng không VietJet Air. Bà được Forbes công nhận là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và năm ngoái cũng lọt top phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí này.
Bà Thái Hương - nguyên Chủ tịch Tập đoàn TH
Đi đầu trong việc tạo dựng ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa bằng công nghệ cao tại Việt Nam, trang trại bò sữa của TH tại Nghệ An hiện có hơn 45 ngàn con. TH cũng đang phát triển số lượng bò tương đương trong dự án nửa tỉ đô la Mỹ đang triển khai tại Nga. TH cũng vừa bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Bà Thái Hương liên tiếp được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015, 2016 |
Vốn là “người Nhà nước”, năm 1990, khi đang làm cán bộ vật tư, bà Hương quyết định nghỉ việc và ra làm riêng để từ đó dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng và sản xuất sữa.
Tiên phong trong cuộc cách mạng làm sữa tươi, sữa sạch, bà được mệnh danh là “người đàn bà sữa” quyền lực của Việt Nam. Năm 2008, dự án TH True milk khởi động và chỉ hai năm sau đó đã tạo nên sự thay đổi hoàn toàn trong ngành công nghiệp sữa Việt Nam.
Hiện bà là Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vì tầm vóc Việt, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để đáp ứng quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà đã rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH sau 10 năm gắn bó để điều hành BacA Bank trên cương vị Tổng giám đốc ngân hàng này.
Bà Hương chia sẻ rằng đã hoàn thành sứ mệnh tại TH True Milk và đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ tiếp tục sứ mệnh mang lại một sản phẩm sạch, vì con người.
Bà Hương còn cho biết sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của TH True Milk.
Bà Thái Hương liên tiếp được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015, 2016; Top 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016 và Top 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch SeABank & BRG Group
Nữ doanh nhân tự lập, đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác. Bà Chủ tịch của ngân hàng SeABank và tập đoàn tư nhân BRG hiện đang nắm khối tài sản khổng lồ và một chuỗi các khách sạn cao cấp do các tập đoàn quốc tế quản lý, tại Hà Nội, Đà Nẵng và sắp tới là TP. HCM.
Tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngoài ra bà đã từng học nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thống Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Từ năm 2007: Bà Nga cũng là người đứng đầu của BRG Group (Bank, Real Estate), một tập đoàn chuyên về đầu tư bất động sản, sân golf như sân golf Đồng Mô, sân golf Sóc Sơn, Khách sạn 5 sao Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Sông Nhuệ
Từ năm 2007: Chủ tịch của Seabank. Từ năm 2005 đến năm 2006: Chủ tịch của Techcombank. Từ năm 2002 đến năm 2005: Phó Chủ tịch của Techcombank
Nguyễn Thị Nga là cổ đông của Techcombank từ năm 2000, và được bầu vào Hội đồng Quản trị Techcombank năm 2002, giữ chức vụ Phó chủ tịch, rồi Phó chủ tịch thứ nhất ngân hàng này. năm 2004, bà Nga nắm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank, thay ông Lê Kiên Thành.
Bà Nga còn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thung lũng Vua, từ đó bà xây dựng BRG, một tập đoàn sở hữu cổ phần trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sân golf, khách sạn. Tập đoàn BRG gồm có các đơn vị thành viên: SeABank, sân golf quốc tế Đảo Vua - Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng), Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội), khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn,...
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk
Thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá 1,52 tỉ đô la Mỹ, dẫn đầu danh sách các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Doanh thu hơn 46 ngàn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9.350 tỉ đồng, Vinamilk dẫn đầu ngành sữa nội địa về quy mô. Vinamilk đặt mục tiêu đạt ba tỉ đô la doanh thu trong vài năm tới.
Sự thành công của Vinamilk có sự đóng góp rất lớn của “nữ tướng” Mai Kiều Liên – người được Forbes bình chọn trong Top 50 nữa doanh nhân Châu Á quyền lực nhất. Bà Liên gắn bó 37 năm với thương hiệu sữa này, trong đó hơn 20 năm bà giữ cương vị người đứng đầu.
Được đào tạo ở Nga về chuyên ngành sữa là lợi thế của bà Mai Kiều Liên khi là đầu tàu của thương hiệu sữa Việt Nam. Là người phụ nữ quyết đoán và có suy nghĩ cấp tiến, bà Liên đã đưa ra những quyết định kịp thời như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm (đầu những năm 1990), tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2006), quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010). Giai đoạn 2015-2020, bà đặt mục tiêu sẽ đưa Công ty lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới.