Bảo vệ hạnh phúc của nhân dân là điều thiêng liêng nhất
Mặc dù còn rất trẻ, từ năm 2018 - 2020, Đại úy Lê Xuân Nam cùng các đồng đội đã đấu tranh thành công 30 chuyên án và phối hợp với các đơn vị địa phương bắt giữ 90 đối tượng, thu giữ hơn 1.000 bánh heroin, hơn 1,1 tấn ma túy tổng hợp, hàng trăm khẩu súng... Anh đã được trao Huân chương Chiến công hạng Ba năm 2021 và nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), từ nhỏ, Lê Xuân Nam đã có ước mơ trở thành chiến sĩ công an nhân dân. Năm 2009, Lê Xuân Nam đỗ vào khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy - Học viện Cảnh sát nhân dân. Nam trở thành niềm tự hào của gia đình, bởi lần đầu tiên trong dòng họ có người thi đỗ vào trường công an.
Năm 2014, Lê Xuân Nam được phân công về phòng Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn, điều tra tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy (Phòng 3), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an. Anh được phân công theo dõi, đấu tranh tội phạm ma túy tuyến Tây Bắc, một trong những điểm nóng, manh động nhất cả nước.
Đại úy Lê Xuân Nam. |
Một chuyên án ma túy để lại nhiều kỉ niệm đối với Đại úy Nam là vào tháng 2/2018, tại QL3 thuộc tỉnh Cao Bằng, anh cùng đồng đội vây bắt đối tượng Trần Văn Bằng và em họ Trần Văn Thành (30 tuổi, cùng trú tỉnh Vĩnh Phúc). Khi bị dừng xe, Bằng lao thẳng ô tô vào tổ công tác khiến cán bộ chiến sĩ phải nổ súng trấn áp, đập vỡ kính xe ném hơi cay vào trong khống chế, bắt giữ đối tượng. Bằng bị bắt, Thành bỏ chạy, vứt lại ba lô chứa 288 bánh heroin. Sau gần 20km truy đuổi, anh Nam và đồng đội cũng tóm được Thành.
Đại úy Nam cho biết, tội phạm ma túy rất manh động, sẵn sàng dùng vũ khí nóng như súng, lựu đạn tấn công tổ công tác hay cố thủ trên ô tô, xe máy rồi lao vào cán bộ chiến sĩ để hòng thoát thân. Cũng có đối tượng khi bị bắt còn ra giá với cán bộ để mong được thả.
“Có vụ án, khi tổ công tác bắt giữ đối tượng truy nã, trên đường dẫn giải từ Sơn La về Hà Nội đối tượng này nói rằng nếu tạo điều kiện sẽ bảo người nhà mang xe ô tô đến tặng. Hay vụ bắt quả tang các đối tượng giao nhận 40 nghìn USD và 30kg ma túy đá ở Ninh Bình, đối tượng cầm tiền ngỏ ý nếu được thả thì coi như không có số tiền trên” - Đại úy Nam chia sẻ.
Theo Đại úy Nam, trong bất cứ vụ án nào các đối tượng đều có vũ khí, nếu sợ hay chần chừ 1 giây thôi có thể đồng đội hoặc bản thân sẽ hy sinh. Ngoài các chuyên án ma túy, Đại úy Nam cùng đồng đội còn tham gia bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm như Nguyễn Văn Tình (tử tù bỏ trốn khỏi phòng biệt giam trong vụ án mua bán 1.182 bánh heroin); Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận (2 ông trùm đường dây mua bán gần 1.200 bánh heroin ở Sơn La).
Nói về “hậu phương”, Đại úy Nam chia sẻ, anh thường đi biền biệt cả tuần, thậm chí nửa tháng để đánh án, nên những công việc nhà đều do vợ xoay xở. “Có lần về nhà con nhỏ 5-6 tháng tuổi quên cả mặt bố, nhất định không cho bế. Phải mất nửa ngày hai bố con làm quen lại với nhau, tôi mới bế được. Tôi thật may mắn khi có được người vợ luôn hiểu và chia sẻ để có thể yên tâm công tác”, anh Nam nói thêm.
Với Đại úy Nam, được chiến đấu để bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc của nhân dân là điều thiêng liêng nhất, để luôn xứng đáng với khẩu hiệu “Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Có một “tour” trực dài nhất cuộc đời
Hơn 2 tháng xung phong vào Nam cùng bệnh nhân chiến đấu với COVID-19, bác sĩ Đỗ Doãn Bách trở về tiếp tục với công việc thường nhật. Thời điểm này Hà Nội là điểm nóng COVID-19, bác sĩ trẻ tiếp tục bước vào cuộc chiến, hỗ trợ tư vấn bệnh nhân F0 vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, 31 tuổi, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, nhớ lại thời điểm cùng bệnh nhân COVID-19 chiến đấu giữa lằn ranh sinh tử. Trong cuộc chiến đấu với COVID-19, bệnh nhân để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho bác sĩ Bách là một sản phụ vừa sinh con thứ hai, được chuyển đến từ Bệnh viện Hùng Vương khi phổi đã bị tổn thương, phải đặt ống thở máy. Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị không nói được, có biểu hiện hoảng loạn. Giây phút đó, bác sĩ cố gắng trấn an sản phụ và đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách. |
“Tôi nhớ lúc ấy chị viết nguệch ngoạc lên tờ giấy số điện thoại của chồng, sau đó tôi cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly để hai vợ chồng gọi điện gặp nhau qua Zalo. Được gặp chồng và con gái đầu lòng, chị như bừng tỉnh, cuộc gọi đó là động lực để chị dũng cảm chiến thắng COVID-19 và ra viện. Đến bây giờ, chị vẫn nhắn tin liên lạc và cảm ơn bác sĩ. Tôi hiểu rằng được gặp người nhà là một trong những nguồn động viên rất lớn với người bệnh” , bác sĩ Bách kể.
Suốt 2 tháng chiến đấu với COVID-19, bác sĩ Bách đã chứng kiến không ít những trường hợp đáng tiếc. Các bác sĩ và nhân viên y tế đã cố gắng hết sức mình nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Trung tâm hồi sức COVID-19 lúc nào cũng trong tình trạng “căng như dây đàn”, điện thoại liên tục nhận những cuộc gọi báo xe cứu thương đang chạy trên đường mà không có nơi nào tiếp nhận.
Thế rồi, hơn 2 tháng cùng đồng bào miền Nam chống dịch, có lẽ giây phút thoải mái nhất của bác sĩ Bách là hoàn thành một “tour” trực mà không có bệnh nhân nào tử vong. Và đó cũng là “ tour” trực dài nhất trong cuộc đời bác sỹ những tháng ngày sinh tử ấy: “Giây phút ấy, tôi cảm nhận được cuộc sống của mình rất có ích”, bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách tâm sự.
Không dừng lại ở công việc chuyên môn, bác sĩ trẻ còn tích cực tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để sàng lọc và tư vấn cho bệnh nhân COVID-19. Tháng 7/2021 mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ra đời, anh là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia, đảm đương việc vận hành mạng lưới ở Bình Dương và phụ trách tuyển dụng bác sĩ, tình nguyện viên cho toàn bộ mạng lưới.
Kể từ khi tham gia chống dịch, nhiều bệnh nhân biết số điện thoại của bác sĩ Bách nên chủ động gọi điện đến nhờ tư vấn trực tiếp, người quen cũng gọi xin tư vấn. Vì thế điện thoại của bác sĩ không lúc nào ngừng đổ chuông. Bác sĩ thừa nhận có những thời điểm tiếng chuông điện thoại đổ dồn đến… ám ảnh. Nhưng mỗi lần trò chuyện, tư vấn được cho F0 giúp bác sĩ lấy lại tinh thần, tiếp tục công việc giúp đỡ bệnh nhân.
Chưa kể, trong suốt 5 năm công tác, bác sĩ trẻ tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em ở vùng cao, vùng sâu vùng xa. Anh chia sẻ những chuyến đi tình nguyện giúp anh kết nối được với người dân, kết nối với các đồng nghiệp. Điều mà bác sĩ trẻ luôn khát khao là được đến tận nơi, giúp đỡ được càng nhiều người bệnh càng tốt…
Hạnh phúc khi góp phần bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc
Lần đầu tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2021, Thượng úy Nguyễn Tiến Duy đã cùng Đoàn Hải quân Nhân dân Việt Nam thi đấu xuất sắc giành Huy chương Bạc. Cá nhân anh được Ban tổ chức Army Games 2021 trao tặng danh hiệu Trưởng ngành Hàng hải xuất sắc nhất.
lThượng úy Nguyễn Tiến Duy hiện đang thực hiện nhiệm vụ trên chiến hạm hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam - tàu 016 thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. |
Tháng 8/2018, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hàng hải của Học viện Hải quân với quân hàm trung úy, Nguyễn Tiến Duy lần lượt được điều động bổ nhiệm giữ chức Trưởng ngành Hàng hải trên 2 tàu 374 thuộc Hải đội 414 và tàu 016 - Quang Trung (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân). Với tác phong làm việc khoa học, tỉ mỉ, anh thường xuyên dành thời gian nghiên cứu, phân tích và đề ra các biện pháp để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là trước những việc mới, việc khó.
Mới đây, khi tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2021 và đối ngoại quốc phòng tại Liên bang Nga, Duy cùng ngành Hàng hải đã điều khiển Tàu 016 hành trình gần 5.000 hải lý đi qua vùng biển của nhiều quốc gia. Nguyễn Tiến Duy đã chỉ huy ngành chấp hành nghiêm các quy định về sẵn sàng chiến đấu; thực hiện nghiêm hệ thống trực theo quy định; cập nhật kịp thời thông tin thời tiết, thông báo hàng hải của các trạm, đài duyên hải các nước bạn khi tàu đi qua, đảm bảo an toàn hàng hải… Trong nội dung thi Kỹ năng hàng hải, Duy đã trực tiếp xác định và tính toán tác động của điều kiện khí tượng thủy văn, gió và dòng chảy… làm cơ sở để thuyền trưởng tổ chức luyện tập và thi đấu.
Đặc biệt, trong nội dung thi bắn pháo AK-176 và ma két mìn trôi, ngành Hàng hải Tàu-016, anh đã xác định vận tốc gió, hướng gió, nhiệt độ môi trường, độ ẩm không khí, áp suất khí quyển... để các xạ thủ tính toán, hiệu chỉnh, thực hiện các loạt bắn chính xác vào mục tiêu.
Trong năm 2021, thượng úy Duy cùng với tập thể tàu đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, huấn luyện đường dài kết hợp tuần tra trinh sát khu vực quần đảo Trường Sa, DK1, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện hiệp đồng với Lữ đoàn 954 cất - hạ cánh trực thăng Ka-28 và tiến hành luyện tập chung với Hải quân hoàng gia Úc.
Anh cho rằng, mọi khó khăn, gian khổ là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho những người lính trẻ khẳng định bản thân, được cống hiến trí tuệ, tài năng của mình, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.