Bằng tình yêu Tổ quốc, yêu nước Nga và sự đồng điệu của một người cùng thế hệ, TS Lê Văn Nhân – nguyên Trưởng khoa tiếng Nga trường ĐH Hà Nội đã đưa những trang nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đến với cộng đồng nói tiếng Nga qua bản dịch “đặc biệt nhất” – theo đánh giá của các nhà Nga ngữ học và dịch giả.
|
TS Lê Văn Nhân |
Cơ duyên
Người đâu tiên có ý tưởng dịch cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga là nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, người đã có hơn 20 năm sống và làm việc tại Nga và Hội doanh nghiệp may Việt Nam tại Liên bang Nga. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trong một lần tới thăm bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, chính từ những phút giây bịn rịn trước người mẹ liệt sĩ, ông đã hứa với bà và với cả lòng mình: "Chúng cháu sẽ dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga".
Anh Đỗ Quý Dương, Chủ tịch Hội doanh nghiệp may Việt Nam tại Mát-xcơ-va cũng có chung ý tưởng. Anh tâm sự: “Trong một lần đến thắp hương cho các liệt sĩ ở Thanh Hóa, chúng tôi nghe nói cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được dịch ra tiếng Anh, Tây Ban Nha... Trong đầu chúng tôi nảy ra câu hỏi: Tại sao không dịch cuốn nhật ký ra tiếng Nga? Và thế là...”. Những tấm lòng đã gặp nhau như thế đó…
Bản dịch đặc biệt, cuốn sách đặc biệt Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga được xem là bản dịch đặc biệt, cuốn sách đặc biệt vì: Trong bản dịch có rất nhiều chú giải của người dịch về những khái niệm được dự đoán là sẽ khó hiểu với độc giả người Nga như “tập kết”, “chính phủ cách mạng lâm thời”, “dũng sĩ diệt Mỹ”… Đây là sự khác biệt so với nhiều bản dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra các ngôn ngữ khác. Cuốn sách đánh dấu một giai đoạn mới của liên kết văn học Nga-Việt sau thời kỳ hơn 20 năm tạm lắng vừa qua sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, nối tiếp truyền thống trước đây đã có của hai nước trong hợp tác văn học. Đặc biệt hơn nữa, đây là cuốn sách Việt đầu tiên được dịch ra tiếng Nga thông qua dịch giả người Việt, công việc này trước nay toàn do các dịch giả người Nga đảm nhiệm Qua những trang viết "có lửa" và thấm đẫm nhân tình, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sẽ giới thiệu cho cộng đồng Nga ngữ (tại LB Nga và các nước thuộc SNG), nhất là những người trẻ nhận thức về một dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng và trân trọng hòa bình, lên án chiến tranh như lời của chị Trâm trong nhật ký “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”… |
Khi mọi chuyện đã được ngã ngũ, lúc này vấn đề quan trọng nhất được đặt ra: ai sẽ là người được chọn mặt gửi vàng để chuyển ngữ những trang nhật ký sang tiếng Nga?. Bởi, “về tổng thể cuốn nhật ký không khó về mặt chuyển ngữ nội dung. Nhưng cái khó là chuyển tải được cái hồn của nhật ký. Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm viết nhật ký không phải để cho người khác đọc, mà viết cho riêng mình, càng không phải để dịch ra những ngôn ngữ khác.
Dịch thế nào để người Nga, nhất là những người trẻ tuổi hoàn toàn không biết gì về chiến tranh nói chung và cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam nói riêng, hiểu được và đồng cảm được mới khó….” – như lời bộc bạch của những người có ý tưởng, tài trợ cũng như chịu trách nhiệm dịch thuật về sau này.
Và, TS Lê Văn Nhân, một tên tuổi và tâm huyết không xa lạ trong giới Nga ngữ học đã được nghĩ tới. Cũng vì một lẽ nữa, ngoài việc siêu đẳng về Nga ngữ, ông Nhân còn là người Việt Nam duy nhất làm thơ bằng tiếng Nga và đã xuất bản được 3 tập thơ, mà trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm có cả thơ.
Thế nên, không hồ đồ khi nói rằng, việc trở thành dịch giả của cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đối với TS Lê Văn Nhân là một cơ duyên. Nhưng cơ duyên đó không hề bất ngờ như cuộc đời vốn vẫn hay có những điều như thế…
Hãy tìm cho tôi một “sputnik”
Trong tiếng Nga, “sputnik” có nghĩa là một người bạn đồng hành và dịch giả Lê Văn Nhân (từ lúc này xin gọi ông như vậy) đã đưa ra một lời yêu cầu khi nhận lời chuyển ngữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Ông lý giải cho “đòi hỏi” của mình: “Sở dĩ tôi đưa ra yêu cầu tìm chọn cho tôi một đồng dịch giả người Nga vừa có trình độ ngữ văn học lại vừa am hiểu tiếng Việt, vì bản thân tôi dù có thông thạo tiếng Nga đến đâu thì vẫn là người Việt, vẫn có những trở ngại của riêng mình trong quá trình chuyển ngữ và người bạn đồng hành Nga cũng vậy.
Thế nên chúng tôi sẽ kết hợp với nhau để cho ra bản dịch chuẩn và hay nhất, vì điều mà chúng tôi sợ nhất không phải là người đọc Nga không hiểu mà sợ nhất là họ hiểu nhầm. Đó thực sự là một tội lớn trong dịch thuật”.
Và một lần nữa cơ duyên lại đến khi “sputnik” được chọn cho dịch giả Lê Văn Nhân chính là Tiến sĩ Anatoly Sokolov – đồng tác giả của từ điển Việt-Nga đã qua tay nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam. Tiến sĩ Anatoly Sokolov cũng là bạn vong niên của ông Nhân. Thế nên, trên bìa cuốn sách mặc dù dịch phần lớn, nhưng ông Nhân vẫn đề nghị để tên Tiến sĩ Anatoly Sokolov lên trước như một cách đối xử tôn trọng của người Việt với bạn hiền.
Đúng như dịch giả Lê Văn Nhân dự đoán, việc dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không hề dễ dàng, kể cả với ông Anatoly Sokolov - mặc dù rất am hiểu lịch sử Việt Nam và nói rất sõi tiếng Việt nhưng đối với ông việc dịch cuốn nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm hoàn toàn không đơn giản, nhất là khi “đụng” tới những tình tiết liên quan đến thuật ngữ quân sự, đến cuộc sống của người dân và du kích Việt Nam trong chiến tranh. Theo Tiến sĩ Anatoly Sokolov, khó khăn nhất với ông là làm sao diễn tả đúng tâm trạng của một cô gái trẻ trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, giữa sự mong manh của ranh giới sống và chết mà vẫn yêu đời, rất lãng mạn.
Về tổng thể gần hai phần ba cuốn nhật ký và toàn bộ những phần thơ trong đó là do dịch giả Lê Văn Nhân phụ trách, còn lại do Tiến sĩ Anatoly Sokolov đảm nhiệm. Tuy hai dịch giả tài giỏi cùng “song kiếm hợp bích”, nhưng sau đó để có một “bản dịch đặc biệt nhất” – như lời ngợi khen của giới chuyên môn sau này, họ đã mất một thời gian tương đối để hiệu đính lại cho hòa hợp văn phong, mang lại cho người đọc cảm giác như cuốn sách do một người dịch từ đầu chí cuối.
Kỷ niệm không quên
“Tôi đã dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng sự đồng điệu của con tim của một người cùng thế hệ, đã sống qua những năm tháng đó. Cũng vì thế mà tôi có một kỷ niệm không thể nào quên…” – dịch giả Lê Văn Nhân nhớ lại.
Đó là trang nhật ký đề ngày 1/1/1969, chị Trâm viết: “Một năm mới bắt đầu. Hồ Chủ tịch đã chúc Tết: Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập – Vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào…”. Vừa đọc tới đây, ông Nhân nhớ lại thời trai trẻ của mình - khi đó ông đang là một cậu học sinh lớp 10 với những khát khao cháy bỏng sớm lớn khôn để phụng sự đất nước. Bất giác ông lẩm nhẩm hát bài hát đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc từ bài thơ chúc Tết của Bác Hồ năm đó.
Cảm xúc trào dâng, căn phòng trở nên ngột ngạt, ông khép cửa ra ngoài, rảo bước trên bờ biển xanh của thành phố Vladivostok (khi dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” TS Lê Văn Nhân đang thực hiện hợp đồng giảng dạy tại Trường ĐH Liên bang Viễn đông-PV). Khung cảnh không gian bao la, tiếng sóng biển rì rào như ngàn năm vọng lại đã giúp ông tìm ra khung thơ cùng vần điệu Nga cho bài thơ chúc Tết của Bác Hồ…
Cuối tháng 7/2012 đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ (cũng là sinh nhật lần thứ 70 của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) tại Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt bản dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Vào tháng 9 này dịch giả Lê Văn Nhân sẽ lên đường sang Nga cùng với mẹ và em gái liệt sĩ theo lời mời của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga để giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc Nga.
Lúc sinh thời, chị Trâm rất yêu văn học Nga. Trong nhật ký của mình chị cũng nhiều lần nhắc tới thần tượng Paven Coocsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” - cuốn tiểu thuyết từ một đất nước xa xôi nhưng gần gũi với dân tộc Việt Nam.
Còn ở xứ sở bạch dương giờ đây vẫn còn đó Hội cựu chiến binh Việt Nam với rất nhiều thành viên và những kỷ niệm nóng hổi thương yêu, vẫn còn đó Hội hữu nghị Nga–Việt với những hội viên người Nga trẻ đã biết và yêu Việt Nam qua từng lời kể của thế hệ ông bà, cha mẹ…
Tôi tin rằng với những điều đó, hẳn ở “bên kia thế giới” chị Trâm sẽ rất vui khi biết những lời tâm huyết của mình được chuyển tải đến người đọc Nga. Và, nhất định “Nhật ký của một bác sĩ ở chiến trường” (tên tiếng Nga của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”-PV) sẽ được nồng nhiệt đón nhận.
|
Xuân Hoa