Chuyện không chỉ trong mùa dịch bùng phát
Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 ghi dấu mốc 25 năm hình thành và phát triển của Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”, nơi những người trẻ tài năng và nỗ lực hết mình được tôn vinh hàng năm.
Là một trong số những bác sỹ trực tiếp tham gia điều tra dịch bệnh Covid-19 tại các “điểm nóng” như thôn Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) và thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), anh Trần Anh Tú (Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) chia sẻ về những giây phút “thần tốc” để chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Anh Tú cho biết: “Nếu chúng ta bỏ lọt, muộn trường hợp F1 thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát. Do đó, thông tin điều tra truy vết phải thông suốt, đi nhanh nhất, kịp thời nhất và đầy đủ nhất”.
Còn cô giáo Hà Ánh Phượng với việc dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 được thế giới ghi nhận, kể về hành trình bền bỉ chinh phục tiếng Anh của một cô giáo miền sơn cước: “Ngay từ khi tiếp cận với tiếng Anh, tôi và người bạn thân của mình đã tạo ra môi trường để luyên tập ngoại ngữ. Lúc đó, chúng tôi cố gắng nói tiếng Anh thật nhiều, bắt đầu từ những câu nói hằng ngày. Càng lớn tôi hiểu rằng tiếng Anh như là chìa khoá mở ra cánh cửa hội nhập, cánh cửa toàn cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh 4.0, thiếu ngoại ngữ là một điểm yếu, nhất là đối với những đứa trẻ dân tộc vùng cao như chúng tôi”.
Cô Phượng cũng cho biết, mô hình lớp học không biên giới chính là sự kết nối mô hình của cô với rất nhiều các lớp học của cô giáo khác trên thế giới. Qua đó, các em học sinh không chỉ học được kiến thức mà còn phát triển khả năng giao tiếp để không chỉ trở thành một công dân tốt, tạo tiền đề trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai.
“Tại lớp học tôi cũng rất coi trọng việc quảng bá văn hoá của Việt Nam. Hiện, các em học sinh của tôi đã có thể tự tin giao tiếp, giới thiệu văn hoá của dân tộc mình đến bạn bè quốc tế”, cô Phượng nói.
“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ, khi dịch Covid-19 xảy ra, thấy các y, bác sĩ đi vào tuyến đầu chống dịch nên bản thân anh cũng muốn làm việc gì đó cho xã hội. “Khi làm cây ATM gạo đầu tiên thì tất cả nhân viên của mình chung tay khiêng gạo, từ nhân viên văn phòng đến nhân viên kho, tưởng chừng như không thể bắt đầu làm chiếc thứ hai. Rất may là đoàn thanh niên từ các tỉnh, thành đã hỗ trợ và giúp đỡ mình vượt qua những khó khăn đó. Bằng cách nào đó các bạn trẻ triển khai rất nhanh, mau chóng lan tỏa ra rất nhiều các tỉnh, thành mặc dù công tác kỹ thuật chỉ có thể trao đổi qua điện thoại”, anh Tuấn cho biết.
Bùi Thanh Nghị (sinh năm 1987) đề ra nhiều sáng kiến hay làm lợi rất nhiều cho xí nghiệp Bao bì An Khang của mình. Theo anh, Tổ quốc đã cho chúng ta nhiều thứ, cho chúng ta một nền hòa bình mà nhiều quốc gia mong muốn, cho chúng ta nền giáo dục tốt, cho chúng ta tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Và trong đại dịch vừa qua, Tổ quốc cho chúng ta sự yên tâm, dạy chúng ta niềm tự hào dân tộc. Và bây giờ khi chúng ta đã tham gia vào lực lượng lao động của xã hội thì đó là lúc chúng ta cống hiến sức mình cho Tổ quốc, giúp cho Tổ quốc ngày càng to, đẹp hơn như Bác Hồ từng mong mỏi.
“Thế giới đã nhắc đến Việt Nam rất nhiều và còn nhắc mãi”
Đó còn là chàng trai trẻ, Hạ sỹ Tống Văn Đông (sinh năm 2000) là chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thanh Hóa đã được đề cử vào giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” trong lĩnh vực An ninh trật tự.
Cụ thể vào hồi 23 giờ 45 phút ngày 25/12/2019, ngay khi nhận được tin báo xảy ra cháy tại bãi tập kết phế liệu thuộc Doanh nghiệp tư nhân Tiến Uy tại Xã Đông Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Đông cùng đồng đội đã ngay lập tức có mặt. Đông đã trực tiếp lao vào ngọn lửa thực hiện công tác trinh sát sau đó thực hiện mũi tấn công dập tắt ngọn lửa trong điều kiện điều kiện đám cháy khắc nghiệt, ngược hướng gió, nhiệt bức xạ lớn, khói khí độc tỏa ra đen đặc. Kết quả, sau hơn 2 giờ, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, ngăn chặn thành công không cho cháy lan sang khu vực khác, bảo đảm an toàn cho nhà xưởng và tài sản khác của doanh nghiệp.
Trong một trận cháy khác vào hồi 18 giờ 5 phút ngày 16/1/2020, Đông đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia cứu hộ nhiều người tại tòa nhà 11 tầng thuộc Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Thanh Hóa, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa. Đông đã xâm nhập vào vùng cháy, nắm tình hình thông tin về người bị nạn, vị trí mắc kẹt, tình trạng các nạn nhân.
Sau khi thực hiện công tác trinh sát, Đông sử dụng mặt nạ, bình khí thở và một số trang bị bảo hộ khác, phối hợp cùng các tổ cứu nạn tiến hành tiếp cận, kiểm tra các khu vực trên các tầng của tòa nhà, tìm kiếm người đang còn mắc kẹt trong tòa nhà và đưa đến nơi an toàn.
Trong quá trình tìm kiếm cứu hộ Đông phát hiện một nạn nhân bị ngạt khói độc, không một chút phân vân, Đông đã đưa mặt nạ dưỡng khí cho nạn nhân thở duy trì sự sống và tìm cách di chuyển xuống dưới đến nơi an toàn. Tuy nhiên, lúc này khói khí độc đã bốc lên dữ dội, bao trùm buồng thang, do đó Đông không thể đưa nạn nhân thoát ra ngoài được, nên buộc phải di chuyển vào khu vực an toàn hơn và chia mặt nạ dưỡng khí cho nạn nhân thở. Đến khi bình dưỡng khí hết, Đông đã bị ngạt khói ngất đi, sau đó được đồng đội phát hiện kịp thời, di chuyển ra khỏi đám cháy và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Với những hành động dũng cảm đó, Đông đã được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm năm 2020 của Trung ương Đoàn và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2020.
Đặng Đức Huy (sinh năm 1988) chia sẻ rằng, “Nỗ lực - Tích cực - May mắn” là chìa khóa giúp anh đạt được những thành tích hiện tại. Huy hy vọng 2021 sẽ là một năm thật bận rộn với kế hoạch phát triển phòng thí nghiệm ở ĐH Trent, Canada với kinh phí phát triển dự kiến khoảng 650,000 CAD. Quỹ nghiên cứu này sẽ cho phép phát triển hệ thống máy móc hiện đại hơn để bổ sung cho Trung tâm Nghiên cứu chất lượng nước vốn đã là một trung tâm hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, anh cũng đang kết hợp với các đồng nghiệp ở Đại học Thủy Lợi và Bà Rịa - Vũng Tàu để chuẩn bị đề cương phát triển các dự án quan trắc và đánh giá nguồn gốc và cơ chế phát tán ô nhiễm ở vùng duyên hải Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề rất quan trọng để chúng ta bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động lên sức khỏe con người và phát triển kinh tế bền vững.
Với tư cách là thành viên tích cực ở Viện Nghiên cứu quốc tế về môi trường (IIES), anh cũng đang thúc đẩy kết nối với các viện và trường đại học ở Việt Nam, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Kinh tế Tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để góp phần giới thiệu chuyên gia quốc tế và tổ chức hội thảo về lĩnh vực trọng điểm này ở Việt Nam...
Có thể nói, 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 Gương mặt trẻ triển vọng năm 2020, mỗi người đều tỏa sáng tràn đầy khát vọng trong chuyên môn của mình. Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Võ Quốc Thắng, cựu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã nói về quá trình khởi nghiệp của mình với không ít thất bại, có lúc tưởng muốn gục ngã nhưng ông lại quyết tâm vượt qua và đã có được ngày hôm nay.
Ông Thắng nhắn nhủ các bạn trẻ: “Niềm tin rất quan trọng. Tuổi trẻ hãy tin những điều tốt nhất mà đất nước đang có. Nếu không có niềm tin thì sẽ không có thành công. Các bạn sống phải vì cộng đồng và lạc quan, không được bi quan dù bất cứ hoàn cảnh nào”.
Cùng vói đó, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, người từng được giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1998”, cho biết giải thưởng là động lực rất tốt cho những cống hiến sau này của ông.
“Những việc làm của tôi vẫn còn rất nhỏ bé. Tôi nhận thấy tiềm năng và sức mạnh vươn lên của người Việt còn rất lớn. Chúng ta là một dân tộc có nghĩa khí và tôi tin chúng ta thực sự có tiềm năng trở thành nước hàng đầu thế giới”, ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng chia sẻ có người cho ông là Quảng “nổ” nhưng ông không nản vì điều đó vì ông luôn tự tin và coi những việc mình làm là một sứ mệnh. “Tôi nghĩ Việt Nam là một dân tộc vĩ đại và người Việt Nam có thể “nổ” với thế giới chứ không phải là tôi “nổ” với mọi người. Thực tế thời gian qua thế giới đã nhắc đến Việt Nam rất nhiều và sẽ còn nhắc mãi”…