Những người trẻ tìm về điều đẹp đẽ của cha ông

Các thành viên của Trường Ca Kịch Viện.
Các thành viên của Trường Ca Kịch Viện.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Nghệ thuật của cha ông, người trẻ để có thể cảm nhận hết được các giá trị không chỉ dừng ở việc nghe nhìn, mà cần thời gian cũng như hiểu biết để từ đó có thể chiêm nghiệm, trân quý những giá trị sâu sắc, sự đồng cảm, nể phục, trân trọng giữa thế hệ hậu sinh với những người đi trước”. Từ nhận thức này, có một nhóm người trẻ đã tiên phong đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với mọi người…

Ra đời từ năm 2020, dự án Trường Ca Kịch Viện do một nhóm học sinh chủ yếu đến từ các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện nhằm xây dựng một “bảo tàng” trực tuyến về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam. Với nội dung mạch lạc, dễ hiểu cùng cách trình bày đồ họa đẹp, trang web của dự án đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người trẻ. Sau hơn 2 năm thành lập, trang web đã có gần 100.000 lượt truy cập. Theo những người thực hiện dự án thì “Ca Kịch” trong tên gọi là kịch và ca hát, gắn với chữ “Trường” thể hiện tính trường tồn của nghệ thuật biểu diễn dân tộc. “Viện” ở đây có thể hiểu là một “học viện” hay “viện bảo tàng” nhằm giáo dục, sưu tầm và trưng bày những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật này.

Có thể nói Trường Ca Kịch Viện là dự án của những người rất trẻ với mong muốn đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với mọi người thông qua ứng dụng nhân văn số (một lĩnh vực học thuật nằm ở vùng giao thoa của kỹ thuật số và các ngành nhân văn). Cụ thể dự án ứng dụng sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật trong thời đại số vào việc bảo tồn, lưu giữ và tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống.

Gọi về giấc mơ xưa

Bùi Yến Linh là Trưởng Ban Tổ chức của dự án Trường Ca Kịch Viện chia sẻ về hành trình và tham vọng lớn lao của dự án này. Cô cho biết, sáng lập ra dự án Trường Ca Kịch Viện là Nguyễn Hữu Dương, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Dương có niềm yêu thích với nghệ thuật sân khấu nước ngoài, đặc biệt là nhạc kịch.

Khi du học tại Úc, Dương nhận ra là hiểu biết về nghệ thuật nước nhà là rất ít. Từ đó, Dương đã tò mò tìm hiểu và nhận ra là biểu diễn truyền thống Việt Nam vô cùng hay. Là học sinh yêu thích công nghệ, Dương đã tìm hiểu về nhân văn số và nhận thấy đây là một phương tiện vô cùng hữu ích trong việc quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hoá và nghệ thuật. Vào tháng 12/2019, Trường Ca Kịch Viện ra đời với khởi đầu khoảng 30 thành viên trải rộng khắp cả nước, chủ yếu là học sinh THPT.

“Yêu thích công nghệ, từ lâu em đã tìm hiểu về nhân văn số và nhận thấy đây là phương tiện vô cùng hữu ích trong việc quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa và nghệ thuật. Từ đó, em cùng một nhóm bạn trẻ sáng lập Trường Ca Kịch Viện với mục đích sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống tới các bạn trẻ để họ thấy được cái hay, cái đẹp, cái liên quan đến đời sống hiện đại của nghệ thuật nước nhà, để rồi yêu nó và mong muốn góp phần gìn giữ nó” - Nguyễn Hữu Dương chia sẻ với truyền thông.

Theo Bùi Yến Linh, dự án đang có gần 30 thành viên. Khi thành lập, các bạn đều là học sinh THPT, giờ đây các thành viên hầu hết đã là sinh viên các trường đại học ở trong và ngoài nước. Dự án có 5 ban: Truyền thông, Nội dung nghiên cứu, Nhân sự, Tài chính, Thiết kế. “Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, bản thân mỗi thành viên dự án cũng được học hỏi và biết thêm kiến thức về các loại hình biểu diễn truyền thống, trong đó có em” – theo Linh.

Khi tham gia dự án, khởi đầu là một người trẻ có nền tảng về thiết kế, tuy nhiên Linh đã lựa chọn vào phân ban Nội dung nghiên cứu, một lựa chọn giúp Linh tiến gần tới sự yêu mến nghệ thuật biểu diễn dân gian của nước nhà. “Việc được tìm hiểu và nghiên cứu giúp em nhận thấy những giá trị hiện thực và nhân văn bên cạnh những giá trị nghệ thuật hiện hữu của các loại hình biểu diễn truyền thống. Ví dụ như xẩm xưa là những trải lòng về cuộc đời lận đận của những người hát rong mù, hay chèo dùng đồng thời tiếng cười và bi kịch để châm biếm, phản kháng chế độ phong kiến bất công… - Yến Linh tâm sự.

Yến Linh cho rằng khi những hình ảnh, âm thanh cũ được gợi lại, được nghe, nhìn thấy khiến cô xúc động và đó là động lực lớn để cô và nhóm quyết tâm thực hiện dự án. “Để cảm nhận hết được các giá trị của mỗi loại hình biểu diễn truyền thống, không chỉ dừng ở việc nghe nhìn, em nghĩ mỗi người, đặc biệt là người trẻ sẽ cần thời gian cũng như hiểu biết về chúng, từ đó là chiêm nghiệm, trân quý về những giá trị sâu sắc. Hay có thể hiểu sự yêu thích này đơn giản xuất phát từ những đồng cảm, nể phục, trân trọng giữa người với người, giữa thế hệ trẻ với những người đi trước. Những giá trị đó thực sự đã chạm tới cảm xúc của em và em nghĩ mọi người cũng sẽ có cảm nhận như vậy nếu họ được tiếp xúc với các loại hình biểu diễn truyền thống”, theo Linh.

Gìn giữ kịch nghệ truyền thống.

Gìn giữ kịch nghệ truyền thống.

Triển lãm Bắc nhịp tang bồng.

Triển lãm Bắc nhịp tang bồng.

Khát vọng làm sống lại kịch nghệ Việt Nam

Nghệ thuật kịch nghệ truyền thống như chèo, cải lương, tuồng hầu như ngày nay không nhiều khán giả và sân khấu ít có cơ hội sáng đèn thường xuyên. Do vậy, khi bắt tay thực hiện dự án này nhóm của Yến Linh tin tưởng sẽ làm bừng sáng lại ánh sáng của cha ông năm xưa.

“Hiện tại chúng em chưa đủ tự tin để khẳng định dự án sẽ thành công và thu hút cộng đồng. Giới trẻ xem nghệ thuật sân khấu mặc dù là một điều rất xa lạ, tuy nhiên hiện nay thực trạng này đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Các bạn trẻ dần quan tâm tới các giá trị truyền thống hơn, xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ lấy cảm hứng từ chất liệu truyền thống, nhiều dự án bảo tồn và tuyên truyền nét đẹp truyền thống ra đời… Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật hiện nay, em tin rằng nghệ thuật sân khấu sẽ dần trở nên gần gũi với tất cả mọi người, xa hơn là có thể phát triển song hành với sự tiến bộ của xã hội. Em mong những nỗ lực của Trường Ca Kịch Viện nói riêng và bộ phận giới trẻ quan tâm tới nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung sẽ phần nào chạm tới cảm xúc của các độc giả, như cách nghệ thuật biểu diễn truyền thống đã chạm tới em” – Yến Linh chia sẻ.

Yến Linh cũng cho biết, khó khăn lớn nhất đối với dự án chính là việc tìm kiếm tư liệu, thông tin. Nguồn tài liệu, thông tin về các chủ đề này rất hạn hẹp. Ngoài ra, độ chính xác của các thông tin cần phải được đảm bảo. Đây là một yếu tố quan trọng đối với một dự án hướng tới phổ cập, tuyên truyền kiến thức tới cộng đồng. Không những thế, có các loại hình gần như không có ghi chép, có loại hình liên quan tới các vấn đề nhạy cảm như tín ngưỡng, tôn giáo…

Theo Linh, các thông tin để hình thành nên sản phẩm của dự án chủ yếu tổng hợp từ trên mạng, các bài báo, các video phóng sự… Ngoài ra, các thành viên còn tìm tư liệu ở Thư viện quốc gia, Thư viện Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam…. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng thật may mắn dự án nhận được sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ, các học giả và những cá nhân đã có kinh nghiệm làm trong các dự án văn hoá khác như: Chèo 48h, Cổ Động, XPlus Studio, Sáng kiến văn hóa Việt Nam… Dự án còn có cơ hội được làm việc với các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Chu Lượng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung… Độc giả theo dõi cũng là những người góp ý trực tiếp về các nội dung mà dự án thực hiện.

Là một trong những người đã có ý kiến tham vấn với dự án ngay từ khi thành lập, trao đổi với truyền thông, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đánh giá, các bài viết trong trang web của dự án rất chững chạc, công phu, có nghiên cứu kỹ lưỡng tuy chưa thực sự toàn diện. “Vì đại dịch nên các thành viên của Trường Ca Kịch Viện chưa có nhiều cơ hội để làm offline, nhưng chắc chắn khi đại dịch được kiểm soát, ý tưởng của họ sẽ có sức lan tỏa nhất định đến giới trẻ. Theo tôi, cái cần là các bạn ấy hành động thế nào để những giá trị truyền thống ấy tiếp cận được, tác động được đến giới trẻ, đồng thời Trường Ca Kịch Viện đóng góp được gì cho chính các loại hình ấy thông qua các phương thức hoạt động, quan điểm của mình...” - nghệ sĩ Trung Kiên nhấn mạnh.

Dự án đã xây dựng một kho thông tin có nội dung đa dạng, mang tính chất từ thông tin đến phân tích. Bên cạnh đó, Trường Ca Kịch Viện còn hợp tác với dự án gây quỹ trẻ em Espelune tổ chức một triển lãm nhỏ kết hợp chiếu phim tại Hà Nội. Chuỗi sự kiện “Bắc Nhịp Tang Bồng” sẽ được diễn ra vào ngày 15/4 kéo dài đến ngày 15/5 năm 2022 tại Hà Nội hướng tới tôn vinh sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống thông qua các tác phẩm mang “hơi thở” hiện đại. Tại sự kiện lần này sẽ có sự góp mặt của các nghệ nhân đã có kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật trong nhiều năm. Các nghệ sĩ trẻ cũng đóng góp một số lượng không nhỏ các tác phẩm tại triển lãm, lấy cảm hứng từ đa dạng các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống.

Đọc thêm

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' rộng 3.000m2 đến với người dân thủ đô bằng công nghệ 3D mapping

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' rộng 3.000m2 đến với người dân thủ đô bằng công nghệ 3D mapping
(PLVN) - Từ tối 3/5 đến hết ngày 7/5/2024, người dân Hà Nội có thể chiêm ngưỡng bức tranh panorama 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại khu vực tượng đài Cảm tử (41 Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là bức tranh tròn quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những bức tranh đề tài chiến tranh lớn nhất thế giới.

Đà Nẵng tăng cường thu hút khách du lịch MICE 2024

Chào đón đoàn khách MICE đến Đà Nẵng năm 2024.
(PLVN) - Nhằm góp phần phục hồi ngành du lịch, với kỳ vọng định vị Đà Nẵng là điểm đến hàng đầu về du lịch MICE trong khu vực Đông Nam Á, thành phố này tiếp tục triển khai Chương trình xúc tiến thu hút khách du lịch MICE trong năm 2024.

Độc đáo bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn ở Hải Dương

Tam quan chùa Côn Sơn.
(PLVN) - Không những có giá trị đặc biệt về lịch sử, bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn (phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách, một thời kỳ. Với những giá trị đặc sắc, bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 01/2024.