Làm giàu trên chính quê hương mình là khát vọng của nhiều bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Đó là những gương mặt tiêu biểu từ những dải đất biên giới xa xôi, tới vùng đồng bằng. Họ - mỗi ngày đều làm nên kì tích...
Tháng Thanh niên năm 2012 có chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, với phương châm hành động mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới. |
Biến đất hoang thành máu thịt
Giữa miền rừng núi xa xôi, một ngôi nhà gỗ hai tầng khang trang với vườn cây xanh tốt in bóng xuống ao cá rộng, cơ ngơi ấy là của gia đình anh Lý A Sùng, dân tộc H’ Mông ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Là người đầu tiên của thôn Bản Tàng xuống lập nghiệp tại vùng dự án Làng thanh niên Trịnh Tường, trước vùng đất rộng mênh mông bỏ hoang cỏ dại lau lách, anh Sùng nghĩ rằng, muốn thoát nghèo phải biết cải tạo đất biến đồi hoang thành ruộng vườn canh tác.
Nghĩ là làm, anh cùng vợ con trồng lúa nước, cải tạo đồi hoang thành những nương ngô, sau đó là trồng rừng, đào ao thả cá và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lý A Sùng còn vận động 30 hộ gia đình dân tộc Mông xuống ở tại vùng dự án, tham gia phát triển kinh tế.
“Mình là người đầu tiên ở bản viết đơn tình nguyện xuống làng thanh niên lập nghiệp. Ở đây, mình được Nhà nước hỗ trợ và chăm chỉ làm ăn nên thu nhập từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng cũng hơn 80 triệu đồng mỗi năm. Mình còn vận động những thanh niên khác cùng xuống làng để làm ăn, và hướng dẫn họ tham gia các hoạt động sản xuất ngô, sắn, khoai tây.. để phát triển nông thôn mới tốt hơn bản cũ ở trên núi”.
Bế Thị Uyên (SN 1985), dân tộc Tày, Bí thư Đoàn xã Lương Hạ, Na Rì (Bắc Kạn) có sáng kiến phát triển mô hình trồng rừng và trồng dong riềng góp phần xóa đói giảm nghèo cho đoàn viên thanh niên trong xã.
Hiện có 30 đoàn viên nhận đất trồng rừng, với diện tích trên 30ha; 5 đoàn viên nhận đất trồng dong riềng với diện tích trên 5ha; đồng thời mở 5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rừng và dong riềng cho trên 100 đoàn viên thanh niên; Đoàn xã tín chấp cho 78 hộ đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền trên 2,4 tỷ đồng; mô hình phát triển kinh tế đồi rừng trên bước đầu mạng lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có 3,5 ha đã mang lại thu nhập 70 triệu đồng/ha...
Lập nghiệp từ chiếc khung xe
Anh Dương Minh Tuấn ở xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, chọn cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ruộng ít, phải nghĩ cách phát triển kinh tế bằng nghề cơ khí gia dụng, từ số vốn ít ỏi ban đầu, từ cơ sở nhà xưởng nhỏ hẹp, anh Tuấn bắt đầu sản xuất những chiếc khung xe đạp đầu tiên.
Đến nay, sau hơn 5 năm, cơ sở sản xuất của anh đã mở rộng 1.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 30- 50 lao động địa phương. Mỗi tháng, cơ sở của anh sản xuất khoảng 300 khung xe inox cung cấp cho thị trường trong nước và xuất sang một số nước như Lào, Campuchia, Thái Lan…
Là người tự lập nghiệp và làm giàu trên quê hương năm tấn anh Tuấn không khỏi băn khoăn khi nhiều thanh niên nông thôn không có tay nghề mà phải ly hương làm những công việc vất vả tại các thành phố lớn để mưu sinh.
Anh chia sẻ: “Ngay tại cơ sở sản xuất của tôi, khi tuyển dụng lao động cũng rất khó khăn vì phải đào tạo lại từ đầu. Hầu như thanh niên địa phương nếu không đỗ Cao đẳng, Đại học thì đều ở nhà và không có nghề. Do đó, tôi nghĩ để thanh niên ở nông thôn có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, không phải rời làng ra phố làm những công việc phổ thông, thì phải đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để sản xuất kinh doanh”.
Làm gì để thanh niên không ly hương?
Trong chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới, thanh niên được coi là lực lượng xung kích, tích cực tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhưng theo ông Tăng Minh Lộc, “hiện nay có một hình ảnh điển hình ở nhiều vùng nông thôn là chỉ có phụ nữ, người già và trẻ em. Với thực lực lao động như vậy thì không thể xây dựng nông thôn mới được. Do đó, để thu hút lao động trẻ về nông thôn thì có nhiều việc để làm. Trước mắt, Chính phủ đã có Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chia ra việc dạy về nghề nông như: chăn nuôi lợn, cá, gà…hoặc dạy cho thanh niên một nghề công nghiệp, phi nông nghiệp. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp về nông thôn để tạo việc làm cho những lao động địa phương.”
Tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, với mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược là mỗi năm giải quyết việc làm cho ít nhất 600.000 thanh niên, trên 80% thanh niên được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm. Giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 7% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống dưới 6%. Đến năm 2020, 70% thanh niên trong lực lượng lao động được đào tạo nghề; 100% thanh niên học sinh được giáo dục hướng nghiệp.
Các mô hình thanh niên hoạt động của thanh niên được xã hội đồng tình hưởng ứng như mô hình Làng Thanh niên lập nghiệp, các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh…cần được nhân rộng, xã hội hóa đáp ứng nhu cầu lao động và việc làm trong thanh niên tại các địa phương
Uyên Na