Hy sinh thầm lặng của những thiên thần áo trắng
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhiều bác sĩ, y tá phải đối mặt với nhiều áp lực trong điều trị khi phải làm việc gấp đôi bình thường. Số ca bệnh tăng, bệnh nhân tử vong nhanh chóng khiến các cán bộ y tế bất lực. Nhiều người đã bật khóc, stress vì nỗ lực hết mình vẫn không cứu được người bệnh.
Theo số liệu thống kê đến tháng 8/2021, có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc COVID-19 trong khi làm việc và đã có 3 nhân viên y tế tử vong.
Đó là trường hợp của nữ hộ sinh khoa phụ sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) Dương Nguyễn Thùy Trinh mắc bệnh khi cấp cứu bệnh nhân. Chị Trinh được chuyển ngay vào khu điều trị bệnh nhân COVID-19 để cách ly điều trị. Lúc này, nữ hộ sinh đang mang thai 20 tuần tuổi. Sau một thời gian kiên cường chống chọi với COVID-19, đến ngày 16/9, chị đã không qua khỏi.
Trong bức thư chia buồn, người đứng đầu ngành y tế tỉnh Bình Dương bày tỏ "gia đình và các đồng nghiệp vẫn sẽ mãi mãi tự hào về người chiến sĩ áo trắng, đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân".
Ngành y tế TP HCM cũng xót xa khi hai cán bộ y tế này là BS Trịnh Hữu Nhẫn (60 tuổi, Trưởng trạm Y tế xã Phước Lộc thuộc Trung tâm y tế huyện Nhà Bè) và điều dưỡng hạng IV Trần Thị Phương Hằng (42 tuổi, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân Dân Gia Định) qua đời do COVID-19.
Bác sĩ Nhẫn đã mắc COVID-19 từ ngày 11/7 sau khi tiến hành truy vết và lấy mẫu các ca bệnh trên địa bàn. Hai ngày sau, bác sĩ Nhẫn được chuyển đến một bệnh viện điều trị để hồi sức. Dù đội ngũ y bác sĩ nơi đây tích cực điều trị nhưng bác sĩ Nhẫn không qua khỏi do suy hô hấp, suy tim kèm viêm phổi. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn đã mất vào ngày 4/8.
Còn chị Phương Hằng là điều dưỡng hạng IV tại bệnh viện 18 năm. Chị đã không ngại khó khăn tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc F0 tại Khoa Hồi sức tích cực khi khoa này chuyển đổi công năng điều trị COVID-19. Quá trình chăm sóc người bệnh, chị Hằng mắc COVID-19 và ngày 1/8 được chuyển đến điều trị tại một bệnh viện. Nữ điều dưỡng được chăm sóc tận tình và khỏe lại với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện.
Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức cùng đồng nghiệp. Ảnh: Điều dưỡng Đỗ Thị Kim Liên cung cấp. |
Ngày 13/8 khi xe cấp cứu Bệnh viện Gia Định đưa chị về quê mẹ ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) cách ly theo nguyện vọng của chị, chị Hằng đột ngột khó thở, được đưa đến trung tâm y tế nhưng không qua khỏi. Chị Hằng ra đi, xung quanh là tiếng nức nở của đồng nghiệp, không được gặp chồng và 2 con lần cuối.
Những y, bác sĩ ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn, gia đình và các đồng nghiệp vẫn mãi tự hào về người chiến sĩ áo trắng, đã ra đi trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chiến sĩ công an, dân quân hy sinh khi chống dịch
Gác lại nỗi nhớ gia đình, những lo toan thường nhật, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ âm thầm “cắm chốt” tại những khu vực phong toả, những điểm chốt kiểm dịch. Có chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Khoảng 20h ngày 6/8, trung úy Nguyễn Văn Chiến (26 tuổi, ngụ xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, công tác tại Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cùng tổ công tác đang trực tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) thì bị một xe tải chạy trên quốc lộ 1A đã tông vào.
Sau khi gặp nạn, trung úy Chiến được lực lượng trực chốt đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do bị thương quá nặng nên đã không qua khỏi.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Chiến hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. |
Cũng trong ngày 6/8, khoảng 16h, tổ công tác phòng chống dịch chốt tại đường Hồ Tùng Mậu (Cổng trường Đại học Thương Mại, Cầu Giấy, Hà Nội) đang làm nhiệm vụ thì phát hiện trường hợp đi từ hướng Cầu Diễn lên Cầu Giấy có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Thượng uý Nguyễn Duy Khánh, cán bộ đội Cảnh sát Giao thông trật tự Công an quận Cầu Giấy, đã ra tín hiệu yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng không những không giảm tốc độ mà còn đâm thẳng xe vào người Thượng uý Khánh khiến anh ngã xuống đường, nằm bất động và bị chảy máu ở đầu.
Hay trường hợp của đồng chí Nguyễn Văn Hiếu (SN 1991, là chiến sĩ dân quân tại chỗ hiện đang công tác tại Ban CHQS phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá, Kiên Giang). Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu tham gia lực lượng dân quân tự vệ từ tháng 3/2018. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Rạch Giá, từ đầu tháng 9/2021 đồng chí Hiếu đã tình nguyện tham gia và được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viên Ung Bướu tỉnh Kiên Giang.
Rạng sáng 27/9, trong thời gian nghỉ ngơi sau ca trực đồng chí Hiếu được đồng đội phát hiện có biểu hiện bất thường và co giật. Sau đó đồng đội đã nhanh chóng liên hệ đưa đồng chí Hiếu vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Mặc dù, được đội ngũ y, bác sĩ tận tình chữa trị nhưng do bệnh chuyển nhanh nên đồng chí đã qua đời. Theo chẩn đoán, đồng chí Hiếu được xác định tử vong do đột quỵ và âm tính với COVID-19.
Sáng mãi những tấm lòng vàng
Những tấm lòng thơm thảo của nhà hảo tâm ra đi vì dịch được nhiều người nhớ đến. Đó là anh Cường Béo (tên thật là Vũ Quốc Cường, SN 1975, ngụ phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM) mở 2 quán cơm chay xã hội Cường Béo để hỗ trợ người nghèo. Khi dịch bệnh bùng phát, anh và bạn bè tiếp tục thành lập bếp cơm từ thiện để nấu cơm hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện cho bà con nơi tâm dịch, anh nhiễm COVID-19 rồi qua đời.
Anh Cường phát hiện nhiễm COVID-19 vào ngày 16/8. Sau đó, cả gia đình anh gồm vợ và một số người cũng dương tính với Sars-Cov-2, phải đi cách ly, điều trị. Hôm 17/8, anh được đưa vào khu cách ly tập trung để điều trị và mất vào ngày 22/8. Trước khi qua đời, anh vẫn dặn dò cộng sự giúp người nghèo khó khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Chủ quán cơm chay Cường Béo qua đời khiến nhiều người xót xa. |
Bày tỏ sự buồn thương khi biết tin anh Vũ Quốc Cường ra đi, trong thư gửi gia đình anh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội.
Sau một thời gian chống chọi với bệnh COVID-19, dù được các bác sĩ hết sức cứu chữa nhưng Phi Nhung không qua khỏi. Cô trút hơi thở cuối cùng vào trưa 28/9, hưởng dương 51 tuổi.
Trước khi mắc COVID-19, ca sĩ Phi Nhung rất nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ nấu cơm gửi tới các y bác sĩ tuyến đầu.
Ca sĩ Phi Nhung. |
Tháng 7/2021, ca sĩ Phi Nhung dự tính về Mỹ đoàn tụ với con gái, nhưng cuối cùng ca sĩ chọn ở lại TP HCM vì: "Thành phố đang tổn thương như thế này, nhiều người còn khổ vì dịch, mình ở lại có khi lại có ích. Khi mọi thứ ổn hơn, mình đi đâu cũng không áy náy".
Phi Nhung quyết định ở lại và tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình như đóng góp cho quỹ vắc xin, kêu gọi mua máy thở, gửi gạo tới người nghèo, tham gia nấu ăn cho bếp ăn tình thương cho người vô gia cư... từ giữa tháng 6 đến ngày 5/8.
Ca sĩ cũng cẩn thận chăm sóc sức khỏe của mình, xét nghiệm COVID-19 hằng tuần nhưng không may chị đã bị nhiễm bệnh mà không rõ nguồn lây.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"