Thấu tình đạt lý
Bà Y (ngụ thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) để lại di chúc cắt đất cho 5 người con, người ít người nhiều nên xảy ra cãi vã, xô xát, thậm chí anh em còn đòi đưa mẹ ra tòa. Nghe được vụ việc, ngay trong đêm, tổ hòa giải do tổ trưởng Trần Minh Cảnh đã tới tận nhà, trước thì khuyên nhủ từng người con nên tôn trọng quyết định vì tài của mẹ, rồi sau đó qua cả nhà bà Y vận động, giải thích việc nên chia đều tài sản để tránh anh em hục hặc, mâu thuẫn thiệt, hơn. Hiện vụ việc đã kết thúc trong êm đẹp, anh em hòa thuận, tài sản được chia hợp tình, hợp lý.
Hay như vụ việc tình làng nghĩa xóm trong câu chuyện cái mốc cọc gỗ tại ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức do ông Trần Ba - Tổ trưởng tổ hòa giải ấp Hiệp Thành trực tiếp chứng kiến. Do giá đất lên cao, việc lấn ranh để giành đấtcũng thường xuyên diễn ra.
Có 3 hộ gia đình sống cạnh nhau, cũng vì đất mà thường xuyên cãi vã qua lại, dù cơ quan chức năng đã cắm mốc nhưng chỉ cần mốc bị xiên, vẹo một chút là tạo điều kiện cho mấy nhà kéo ra chửi bới. Hòa giải viên phải khuyên nhủ từng chút một, thậm chí nêu rất nhiều điều luậtlàm dẫn chứng khiến họ hiểu ra vấn đề, xóa bỏ mâu thuẫn.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm vụ việc tiếp nhận của 692 hòa giải viên thuộc 113 tổ hòa giải phải thực hiện trong năm 2020 vừa qua ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo ông Nguyễn Tiến Trung – Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Đức, trong những năm qua, hoạt động hòa giải tại huyện không ngừng được củng cố về tổ chức, từng bước được nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Vì vậy, tỷ lệ vụ việc hòa giải thành của huyện Châu Đức luôn đạt trên 85%, năm 2020 có 7/16 xã đạt 100% tỷ lệ hòa giải thành.
Con đường khang trang sạch đẹp tại xã nông thôn mới Kim Long (huyện Châu Đức). |
Góp phần cho sự thành công của công tác hòa giải ở cơ sở bắt nguồn từ chính các hòa giải viên. Có nhiều người với nhiều năm công tác tại địa phương dưới nhiều chức vụ nên họ vừa có kinh nghiệm, vừa hiểu biết lại vừa có uy tín trong cộng đồng khiến người dân lắng nghe khuyên nhủ. Ông Trần Minh Cảnh - tổ trưởng tổ hòa giải thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức cho biết: “Làm hòa giải viên, trước tiên phải là người có hiểu biết, luôn giữ được cái đầu lạnh, để làm sao khi nói chuyện với người dân cho thấu tình, đạt lý, vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn giúp bà con hiểu ra vấn đề là mâu thuẫn sẽ được giải quyết”.
Cũng chính hơn 22 năm làm cán bộ xã, công tác tại nhiều vị trí nên ông Cảnh vừa có kiến thức về pháp luật, lại được bà con xóm giềng tin tưởng từ đó công tác hỏa giải mà ông tham gia luôn đạt kết quả tốt.
Giảm hẳn kiện cáo
“Với đội ngũ hòa giải viên tận tâm, tận tụy như vậy, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ hết mình, thấy các chú, các bác luôn tìm chúng tôi để hỏi han, mượn tài liệu về pháp luật để trau dồi kiến thức khiến tôi thấy bản thân cũng phải học hỏi thêm nhiều điều”, chị Huỳnh Thị Hồng Diễm - công chức Tư pháp – Hộ tịch xã Kim Long, huyện Châu Đức chia sẻ.
Cũng là một trong bảy xã đạt 100% số vụ hòa giải thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức đã được tuyên dương nhiều lần vì hoàn thành tốt công tác hòa giải.
Chị Hoàng Thị Mộng Tuyền là tấm gương tiêu biểu trong công tác hòa giải ở cơ sở. |
Theo chị Hoàng Thị Mộng Tuyền – công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Quảng Thành: khoảng năm 2017-2018, xã Quảng Thành diễn ra kiện tụng nhiều, có năm lên đến 40 vụ, phần lớn là các vấn đề hôn nhân gia đình.“Lúc đó tôi mới được phân công về địa phương, nhận thấy điểm chung của đa số mâu thuẫn đều xuất phát từ những bức xúc của chị em phụ nữ.Chúng tôi đã phân công từng hòa giải viên về từng ấp, từng xóm, để tuyên truyền, giải thích, phân tích từ Luật Hôn nhân gia đình, Luật Dân sự đến cả Luật Hình sự…” chị Tuyền cho biết.
Từ đó, hàng năm đều sẽ có những buổi họp giành cho chị em phụ nữ, đây vừa là dịp trao đổi kinh nghiệm, vừa là dịp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới mọi người. Bên cạnh đó, thường xuyên khen thưởng các ấp không có vụ việc xảy ra, để các ấp khác phấn đấu noi theo. Từ những sự cố gắng ấy, đến nay vụ việc tiếp nhận hòa giảitại xã Quảng Thành, giảm dầnnăm 2019, chỉ còn 4 vụ, năm 2020 có 11 vụ
Bà Lê Thị Minh (ngụ xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có các anh chị hòa giải viên, chúng tôi mới yên tâm về chuyện xóm làng.Ở đâu xảy ra chuyện y như rằng họ sẽ có mặt để phân giải, kể cả cãi vã lúc nửa đêm cũng thấy họ tới, rồi còn giải thích biết bao nhiêu là luật, vừa khiến bà con chúng tôi xóa bỏ mâu thuẫn, vừa tăng thêm hiểu biết về pháp luật”.
Tăng cường phổ biến pháp luật
Dù đã hoàn thành những chỉ tiêu đề ra nhưng ông Nguyễn Tiến Trung còn trăn trở: “Mặc dù các hòa giải viên đã cố gắng vận dụng những kỹ năng và kiến thức pháp luật vào quá trình tổ chức hòa giải nhưng số vụ việc hòa giải không thành vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, đội ngũ hòa giải viên thường là những người có uy tín được nhân dân tín nhiệm, hoạt động mang tính tự nguyện, tự quản vì lợi ích chung của cộng đồng và đa phần trong số họ đã lớn tuổi”
Cũng vì những trăn trở đó, ông Trung cho rằng, ngoài việc hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đề án về hòa giải ở cơ sở, còn cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở, nhất là chú trọng tuyên truyền pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự …
Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho cán bộ, công chức và đội ngũ hòa giải viên, nhất là những người trẻ tuổi. Song song đó, theo ông Trung, cũng cần tăng cường tổ chức các cuộc họp, hội thi, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm về công tác hòa giải ở cơ sở giữa các hòa giải viên, nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên.