Một bầu trời đời sống văn hóa của đồng bào Khemer
Trong tiếng Khmer, mão được gọi là: Mkot. Đây là một dạng trang sức trang trí đội trên đầu dành riêng cho các bậc vua chúa, hoàng tộc hoặc các vị thần tiên theo quan niệm niềm tin tôn giáo Bà La Môn giáo, Phật giáo. Mão có nhiều loại với hình dạng khác nhau: cái mũ có chóp thẳng và nhọn dần về đỉnh; chóp dạng đuôi chim Hong; chóp hình đầu Rồng… Do vị trí của mão thường được đội trên đầu nên tượng trưng cho sự tối cao, uy quyền, thế lực và địa vị xã hội của người sử dụng.
Còn mặt nạ trong tiếng Khemer được gọi là Muk hoặc Rôbăng Muk. Từ để chỉ các sản phẩm được nghệ nhân chế tác như mặt nạ động vật, khỉ, chằn tinh, thần thánh trong câu chuyện cổ… Trong nghệ thuật biểu diễn Khmer, mặt nạ với vai trò là đạo cụ hóa trang nhân vật, vị trí sử dụng của mặt nạ là trùm lên toàn bộ khuôn mặt và đầu của diễn viên.
Người Khmer có một nền văn hóa nghệ thuật phong phú, các loại hình sân khấu truyền thống trong các lễ hội luôn có một vai trò rất quan trọng. Trong hầu hết các loại hình nghệ thuật ấy, những chiếc mão, mặt nạ luôn là đạo cụ không thể thiếu. Hai loại phục trang đặc biệt này của người Khemer mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, thể hiện đậm chất văn hóa truyền thống của người Khemer Nam Bộ. Theo một số nghệ nhân, có lẽ bởi vì thế mà nghề làm mão, mặt nạ cũng là nghề mang tính cha truyền con nối.
Người Khmer Nam bộ gọi những chiếc mũ mang hình đầu các nhân vật hoặc linh vật trong văn hóa tín ngưỡng dân gian là mão. Cùng với chiếc mặt nạ, mão được dùng làm phục trang trong nghệ thuật múa hát truyền thống của người Khmer.
Đặc biệt trong loại hình múa cổ điển của người Khmer Nam Bộ, chúng ta dễ dàng nhận ra ở vai trò của mão và mặt nạ đó là: phần biểu trưng – đặc điểm nhận dạng cho từng điệu múa của người Khmer. Mặt nạ trong nghệ thuật biểu diễn Khmer chỉ rõ các vai thiện – ác mà cụ thể là vai khỉ, chằn tinh… cùng các vai bổ trợ khác trong đó có vai hề với khuôn mặt nạ biến dạng luôn đem lại tiếng cười cho khán giả.
Nghệ nhân dân gian Lâm Phen chế tác mặt nạ. (Ảnh: internet). |
Đặc trưng của nghệ thuật múa mặt nạ Khemer được thể hiện ở chỗ các nghệ sĩ muốn hướng người xem đến với nghệ thuật trong nghệ thuật. Có nghĩa là họ sử dụng một phục trang vốn vô tri vô giác như mão, mặt nạ nhưng thật chất nó lại được tạo tác và mang trong mình cả một nghệ thuật. Các diễn viên thông qua mặt nạ còn thể hiện chính bản thân họ. Sự thành công của mặt nạ chính là hiện thực hóa nhân vật, làm sống dậy một con người, một nhân vật vốn chỉ có trong thần thoại (chằn tinh Yeak Krông Reap, khỉ Hanuman, thần Prama…).
Người ta tin rằng một người biểu diễn giỏi, sẽ có thể để đánh lừa mắt của khán giả và làm cho họ tin rằng chiếc mặt nạ diễn viên đang đeo và đội khi diễn thay đổi tương ứng với tâm trạng và vai trò của các nhân vật của mình. Từ đó, mão và mặt nạ là phần rất quan trọng để nhận diện tính cách nhân vật làm cho nghệ thuật biểu diễn của người Khmer trở nên lung linh, rực rỡ mang đặc trưng văn hóa tộc người.
Mão và mặt nạ biểu diễn của người Khmer khá đa dạng, cơ bản tạm chia thành 4 loại riêng biệt gồm: thần tiên, người, chằn và động vật (khỉ, hươu, nai, thỏ, cá sấu, rắn…). Mỗi loại có đặc trưng nhận dạng và phản ánh ý nghĩa riêng biệt.
Ví dụ như: Mão, mặt nạ dành cho thần tiên và con người thường cao ráo và màu sắc trong sáng phản ánh sức sống và năng lượng. Song, mỗi nhân vật tùy thuộc vào vị trí, vai trò mà có đặc điểm mão, mặt nạ khác nhau. Mặt nạ Phreah Phrum hay Maha Phrum là điển hình của mặt nạ thần tiên với màu hồng của bốn khuôn mặt nhìn ra bốn hướng, được trang trí nhẹ nhàng thể hiện đấng linh thiêng thuộc về thế giới không còn vướng vòng tục lụy. Mão, miện dành cho vua chúa, hoàng hậu thường cao ráo, quyền lực hơn mão, miện của công chúa, cung nữ...
Trong nghệ thuật biểu diễn của người Khmer, mão và mặt nạ được người nghệ nhân trang trí bằng cách đính hạt kim sa hoặc kết cườm phù hợp với từng vai diễn. Đây là tác phẩm nghệ thuật thủ công công phu và độc đáo, được sử dụng trong các loại hình nghệ thuật Rô Băm Yeak Rom, Rô Băm Preah Reach Trop, Dù Kê, Dì Kê…
Người ta tin rằng một người biểu diễn giỏi, sẽ có thể để đánh lừa mắt của khán giả và làm cho họ tin rằng chiếc mặt nạ diễn viên đang đeo và đội khi diễn thay đổi tương ứng với tâm trạng và vai trò của các nhân vật của mình.
Từ đó, mão và mặt nạ là phần rất quan trọng để nhận diện tính cách nhân vật làm cho nghệ thuật biểu diễn của người Khmer trở nên lung linh, rực rỡ mang đặc trưng văn hóa tộc người. Bởi vậy, để có thể chế tác được những chiếc mão, mặt nạ không phải ai cũng có thể làm được mà phải đòi hỏi sự hiểu biết, lòng đam mê và tài năng.
Người dành cả đời để theo đuổi đam mê
Theo thời gian, nghề chế tác mão, mặt nạ truyền thống của người Khmer có nhiều thăng trầm, và dần đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế nhưng tại vùng đất huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh lại có một nghệ nhân đã gắn bó hơn nửa đời mình với nghề chế tác mão, mặt nạ.
Người làm ra những chiếc mão, mặt nạ vô cùng độc đáo và tinh xảo này là ông Lâm Phen (Xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Ông là một trong số ít những người am hiểu tường tận và có tay nghề cao về chế tác mão, mặt nạ. Không giống như nhiều nghệ nhân khác, ông Lâm Phen không học làm mão, mặt nạ từ cha mình dù nghề này có tính cha truyền con nối và tuyệt nhiên không truyền ra ngoài.
Dù có lòng đam mê những chiếc mão, mặt nạ đầy màu sắc, cầu kỳ và lung linh nhưng phải đến năm 22 tuổi ông Lâm Phen mới co cơ hội tiếp cận với nghề. Đó là quãng thời gian ông đi bộ đội và phục vụ tại Campuchia. Ba năm trong quân ngũ, những lúc rảnh rỗi, anh bộ đội Lâm Phen thường hay sang nhà một nghệ nhân gần nơi đóng quân để học nghề làm nhạc cụ, đạo cụ dân tộc, dần dà trở nên đam mê từ lúc nào không rõ; và nuôi chí theo đuổi nghề chế tác mũ mão, mặt nạ… từ đó.
Những chiếc mão, mặt nạ mang cả một bầu trời văn hóa của đồng bào Khemer. |
Sau khi xuất ngũ trở về quê, Lâm Phen quyết tâm lập nghiệp, mưu sinh bằng nghề thợ mộc, chế tác. Với niềm đam mê của mình cùng với công phu học được từ nghệ nhân trên đất Chùa Tháp, năm 1991, Lâm Phen đã bắt đầu làm những loại nhạc cụ, đạo cụ văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc, trong đó có nghề chế tác mũ mão, mặt nạ phục vụ biểu diễn văn nghệ của đồng bào Khmer là chủ đạo.
Sự tinh tế, sắc sảo và nét biểu cảm riêng phù hợp cho tính cách của các nhân vật khác nhau của mũ mão, mặt nạ do Lâm Phen chế tác, làm ông nổi tiếng khắp tỉnh Trà Vinh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Làm mặt nạ là sở thích của tôi từ nhỏ. Hồi nhỏ tôi có làm chơi thôi, làm mặt chằng theo suy nghĩ của mình nhưng nó chưa đạt. Sau này cũng cố gắng tìm tòi học hỏi, cộng thêm tìm tài liệu để mình làm cho chuẩn hơn”, ông Lâm Phen chia sẻ.
Trước đây, để có được một chiếc mão, mặt nạ truyền thông những người thợ như ông Phen phải mất rất nhiều công sức và thời gian đi tìm kiếm nguyên vật liệu. Những công đoạn để chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất định. Theo ông Phen, những chiếc mão hay mặt nạ của người Khmer đều được làm từ vải hoặc giấy, và phong cách của nó thể hiện rõ sở thích và sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân.
Để làm ra một chiếc mão hay mặt nạ người nghệ nhân phải trải qua một số công đoạn như: tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy và sơn trang trí hoa văn. Các nghệ nhân thường dùng đất sét nhão để nhồi nặn, tạo thành hình đầu và các chi tiết mắt, mũi, miệng, tai... rồi mang đi phơi khô. Khuôn sau khi khô, người làm sẽ dùng vải (vải màn hoặc vải thô cắt nhỏ khoảng 5x7cm) hoặc giấy bìa, giấy báo nhúng vào keo rồi dán lên khuôn đất. Keo ở đây có thể được lấy từ nhựa của trái mù u còn xanh (một loại cây ở địa phương - PV) hoặc dùng hồ dán hay các loại keo công nghiệp.
Vải hoặc giấy thường được bồi đắp khoảng 8 đến 12 lớp để tạo một độ dày và cứng nhất định cho mão, mặt nạ. Sau khi bồi vải hoặc giấy xong người ta đem phơi khô cho các lớp vải hoặc giấy kết dích chắc lại rồi đập bỏ phần khuôn đất sét bên trong. Như vậy là đã có được một chiếc mão hoặc mặt nạ thô.
Theo ông Phen, trước đây để có được chiếc mão, mặt nạ truyền thống người chế tác phải mất rất nhiều công sức và thời gian đi tìm nguyên vật liệu và thực hiện các công đoạn. Nếu trước đó người thợ phải làm khuôn bằng đất sét và chỉ dùng được một lần, thì hiện nay ông đã cải tiến thành khuôn bằng xi măng. Loại khuôn này không chỉ sử dụng được nhiều lần mà khi hoàn thành có thể lấy mão, mặt nạ ra dễ dàng.
Cụ thể, ông Phen đã tận dụng vé số ít thấm nước và có độ bền cao hơn để làm khuôn. Thông thường để tạo nên một chiếc mão hay mặt nạ cần phải dán từ 8-12 lớp và cần đến từ 800 – 1.200 tấm vé số cho một sản phẩm. Nói thì dễ nhưng công đoạn nào cũng đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ.
Ông Phen chia sẻ: “Mình làm mặc nạ phải có ý tưởng và tính nghệ thuật. Chằng nó hung thì phải đem hoa văn phù hợp để làm cho ra cái hồn nhân vật. Nếu mình không biết chế tác cho ra cái chất thì khán giả sẽ không hiểu”.
Bởi vậy, người chế tác mão, mặt nạ của người Khemer không chỉ khéo tay mà phải có sự hiểu biết nhất định về nghệ thuật biểu diễn của dân tộc mình. Bởi mỗi chiếc mão, mặt nạ dành cho một nhân vật sẽ có cấu tạo, trang trí khác nhau.
Những chiếc mão được sử dụng trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer. |
Ví như mão có hai loại đính trên tóc và đội trên đầu. Đặc trưng của mão có dạng đuôi chim Hong (là một loại chim thiêng trong văn hóa của người Khmer – PV) cong vút và phụ kiện áp vành tai người diễn viên múa. Sử dụng loại mão này, người diễn viên thường xả tóc qua sau gáy. Mão này sử dụng trong Rô Băm Chun Phô (múa Chúc mừng), múa Têp Apsor (múa Tiên) …
Còn mão đội trùm trên đầu có hai dạng đó là mão sử dụng cho nammão sử dụng cho nữ. Hình dạng của mão này là loại mão cao, chóp thẳng nhọn dần về phía đỉnh. Cách phân biệt giữa hai loại mão này đó là mão sử dụng cho nữ có phần che tai, còn mão nam thì không…
Do đó, để trở thành một nghệ nhân chế tạo mão, mặt nạ Khemer thì người làm nghề phải học và rèn nghề vô cùng công phu. Bởi tùy vào mỗi loại mão, mặt nạ mà có những kiểu trang trí màu sắc và hoa văn đặc trưng riêng. Chỉ có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Khmer, có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm đúng chuẩn, thể hiện được thần sắc, bản chất của nhân vật.
Sẵn lòng truyền nghề
Các nghệ nhân ngày nay chủ yếu chỉ chế tác mão, mặt nạ khi có đơn đặt hàng của khách, hoặc vào dịp lễ hội truyền thống. Trước đây những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống sử dụng mão, mặt nạ như kịch múa Rôbăm, múa Têp Apsor (múa Tiên)… Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại những loại hình nghệ thuật sân khấu này không còn được nhiều người biết đến và yêu thích. Do đó, nhu cầu sử dụng những chiếc mão, mặt nạ cũng ngày càng giảm đi.
Nói về việc giữ nghề, ông Phen trăn trở: “Ngày càng lớn tuổi sức khỏe càng yếu, tôi cũng rất lo và tiếc cái nghề này. Nếu có con cháu nào yêu thích, tôi sẵn sãng truyền lại, nhằm giữ gìn nét văn hóa dân tộc của mình”.
Chế tác mão, mặt nạ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế vì nó có nét độc đáo riêng. Vì thế, đam mê thôi vẫn chưa đủ mà còn đòi hỏi người thợ phải hết sức sáng tạo và tỉ mỉ trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất.
Dù nguyên liệu hiện nay dễ tìm hơn, nhưng việc chế tạo mão, mặt nạ không hề dễ dàng nếu như không say mê yêu thích. Với người lành nghề như ông Lâm Phen, một chiếc mão hay mặt nạ có thể hoàn thành trong khoảng bốn ngày, nhưng đối với người mới học có thể mất cả tháng trời.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề và dù đã qua tuổi 60, nhưng ông Phen vẫn gánh trọng trách duy trì những nét văn hóa cổ xưa, trong đó có cả việc truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Từ năm 2014, Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh tổ chức lớp truyền, dạy nghề chế tác mão, mặt nạ trong biểu diễn văn hóa nghệ thuật Khmer cho một số thanh niên Khmer có năng khiếu về chế tác và niềm say mê nghệ thuật dân tộc.
Trong thời gian 04 tháng các học viên được nghệ nhân Thạch Ca Ri Nô (ấp Chà Dư, xã Lương Hòa, tỉnh Trà Vinh) và nghệ nhân Lâm Phen truyền dạy về các kỹ thuật chế tác mão, mặt nạ bằng vải và giấy. Học viên theo học nghề ngoài việc được trang bị miễn phí các vật dụng, vật liệu phục vụ học tập còn được Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam hỗ trợ 2,5 triệu đồng/tháng.
Những nghệ nhân như ông Lâm Phen có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa dân tộc. Họ chính là những người nắm giữ “linh hồn” của nghề chế tạo các kiệt tác mão, mặt nạ của người Khemer. Họ chính là chiếc cầu nối trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.