Những ngôi nhà rực rỡ có một không hai của bộ lạc Ndebele

Người dân bộ lạc trong những bộ trang phục rực rỡ
Người dân bộ lạc trong những bộ trang phục rực rỡ
(PLO) -Ndebele là một bộ lạc nói tiếng Bantu sinh sống ở Nam Phi và Zimbabwe. Người dân của bộ tộc này được nhiều người biết đến nhờ tài năng trang trí nhà cửa tuyệt vời của những người phụ nữ, với các họa tiết rực rỡ đầy màu sắc, thể hiện cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc. 

Có rất ít thông tin về bộ lạc này, chỉ biết rằng Ndebele thuộc một nhánh của bộ tộc lớn Nguni- chiếm đến 2/3 dân số người da đen ở Nam Phi. 

Chiến binh dũng mãnh

Có nghiên cứu cho rằng những người Ndebele đã di cư từ Natal đến vùng Transvaal phía Bắc sông Vaal, sau đó định cư gần Pretoria vào thế kỷ 16. Sự kình địch giữa các gia đình là nguyên nhân dẫn đến một nhóm người Ndebele di chuyển xa hơn về phía Bắc đến sinh sống ở Zimbabwe và Nam Phi ngày nay. 

Được biết, vốn dĩ họ là các chiến binh dũng mãnh nay đây mai đó, sống tạm trong các lều cỏ, thường xuyên đi chinh phục các thủ lĩnh của bộ lạc khác, sau đó đồng hóa họ vào xã hội Nedbele. Tuy nhiên vì một trận chiến ác liệt giữa thế kỷ 18 với bộc lạc Voortrekker hay còn được biết đến là người Boer (thuộc thành phố Pretoria ở Nam Phi), người Nedbele thua thảm hại. Chính vì sống trong tình cảnh bị đàn áp mà những người Ndebele đã bắt đầu sáng tạo và sử dụng các ký tự đặc biệt để giao tiếp bí mật trong cộng đồng của mình. Người Boer không thể hiểu được những ký tự này có ý nghĩa như thế nào nên họ coi đó như một kiểu trang trí vô hại và vẫn cho phép người Ndebele tiếp tục sử dụng.

Cũng chính từ đó người Ndebele hình thành nên những nét văn hóa sinh hoạt độc đáo như kết hôn chéo và sự trao đổi giữa các nền văn hóa với các bộ lạc khác. Ngoài ra, nghệ thuật xây dựng và trang trí nhà cửa cũng là một phần sản phẩm của các mối quan hệ này. Nó không chỉ để ở mà còn truyền đạt thông điệp về cái đẹp, sức sống và nguyện vọng bảo lưu văn hóa lâu đời của bộ tộc. 

Những ngôi nhà đầy màu sắc của bộ lạc Ndebele
Những ngôi nhà đầy màu sắc của bộ lạc Ndebele

Phụ nữ là nghệ sĩ

Người dân Ndebele nổi tiếng vì những tài năng nghệ thuật của họ. Nhìn bộ trang phục rực rỡ màu sắc với những họa tiết lạ mắt mà người phụ nữ Ndebele khoác trên người có thể thấy được sự sáng tạo trong nghệ thuật được thể hiện rõ nét. Có thể nói, trang phục của người Ndebele ở Nam Phi là độc nhất ở châu Phi. Đặc biệt là nghệ thuật làm “chăn cưới” cho các cặp đôi sắp kết hôn cũng vô cùng độc đáo. Chiếc chăn sẽ do cô dâu tự tay làm ra dưới sự giám sát và hướng dẫn của những phụ nữ lớn tuổi trong gia đình hoặc những người có kinh nghiệm trong bộ tộc. 

Ngoài ra, nghệ thuật kết hạt thủ công ở Ndebele cũng rất nổi tiếng. Họ đính những hạt màu sắc lên tấm vải và từ đó tạo nên một bức tranh. Họ cũng đính hạt lên quần áo hay kết hạt để tạo nên những chiếc vòng cổ, vòng tay, một chiếc bình hoa và vô vàn những đồ lưu niệm độc đáo khác nữa… Nghề truyền thống này trở thành một phần của nền văn hoá Ndebele, được các bà mẹ dạy cho con gái, thậm chí còn là nguồn thu nhập quan trọng cho phụ nữ Ndebele. 

Tuy nhiên, đặc biệt nhất phải nói đến là nghệ thuật sơn vẽ nhà cửa của người Ndebele. Họ đã xây dựng và sáng tạo nên hàng loạt các ngôi nhà được trang trí bằng các họa tiết trừu tượng đầy tính nghệ thuật. Được biết về hình dạng, nhà Ndebele có hai kiểu cơ bản là hình tròn, nằm khá độc lập và ở cách xa nhau và hình chữ nhật với sân và tường bao quanh. Trên sân thường có khu tiếp khách và nấu ăn. Nhà được làm bằng gỗ, quây vách mắt cáo, đắp đất. 

Những ngôi nhà đầy màu sắc của bộ lạc Ndebele
Những ngôi nhà đầy màu sắc của bộ lạc Ndebele

Khi xây dựng nhà cửa, đàn ông có nhiệm vụ dựng cột, đắp tường, lợp mái; còn công việc sơn vẽ, trang trí tường nhà luôn được hoàn thành bởi phụ nữ. Một ngôi nhà sơn đẹp cho thấy phụ nữ trong ngôi nhà đó là một người vợ và người mẹ đảm đang, khéo léo; còn nhà sơ sài thì người chủ hẳn rất vụng về, lười biếng. Cũng vì thế trai tráng khi tìm vợ đều đến xem tường của mỗi ngôi nhà trong vùng, xem nhà ai đẹp hơn, ắt sẽ có người con gái đẹp, giỏi giang hơn.

Được biết, truyền thống này được tiếp nối trong các gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác bởi những bà mẹ. Những bé gái được bà và mẹ dạy vẽ rất cẩn thận và tỉ mỉ, cho đến tuổi cập kê có thể vẽ được hầu hết các mẫu hoa văn trên trang phục. Những cô dâu mới về nhà chồng sẽ được phần riêng cho một căn phòng sơn trắng tinh và có thể tùy ý trang trí phòng theo sở thích của mình. Đây cũng được xem là cơ hội để cô dâu thể hiện tài năng, sự khéo léo, đảm đang với gia đình nhà chồng. 

Cả làng như một bảo tàng tranh kỳ thú

Được biết, những thiết kế nghệ thuật sơn tường và hình dáng biểu tượng ban đầu dựa vào hình mẫu trong nghệ thuật kết hạt của người Ndebele suốt nhiều thế kỷ. Trước khi người Pháp đem bột màu acrylic đến Nam Phi vào thập kỷ 40, những bức tường được sơn đầu tiên được người phụ nữ sử dụng chất liệu từ tự nhiên như: đất son (đỏ), đá vôi (trắng), than tro (đen), vỏ cây (xanh hoặc vàng)…. Do chất liệu tự nhiên không bám bền, nên mặt tường được trang hoàng lại theo mùa, sau khi những cơn mưa mùa hè làm trôi đi lớp bột màu tự nhiên.

Tùy nơi, tùy gia đình, mỗi nhà có những hình vẽ, màu sắc khác nhau khiến cả làng như một bảo tàng tranh kỳ thú. Đầu tiên, họ sẽ quét một lớp vôi trắng lên tường. Kế đó chia bức tường vôi thành nhiều phần hình chữ nhật hoặc vuông, mỗi phần kẻ hai đường chéo màu đen, rồi lần lượt vẽ hoa văn, họa tiết cũng màu đen, cuối cùng tô màu cho chúng gồm các gam nâu, đỏ, đen, hồng, vàng, dương, lam. 

Người dân bộ lạc trong những bộ trang phục rực rỡ
Người dân bộ lạc trong những bộ trang phục rực rỡ

Mặc dù vẽ tay, không dùng thước và chỉ ước lượng song các hình vẽ đều rất đối xứng, thẳng hàng. Chúng nằm san sát cứ như thể những chị em song sinh khoác trên mình vô số gam màu sặc sỡ. Nhờ chúng, mỗi ngôi nhà như được mặc áo thổ cẩm và đeo vòng hạt đa dạng. 

Mọi thứ của ngôi nhà từ mặt ngoài tường nhà, bên trong phòng, các gian bếp, chuồng trại, hành lang... đều được sơn vẽ. Thường phần tường sau và hai tường bên sẽ có các hình học đơn giản, nhẹ nhàng với màu đất mộc mạc, còn tường trước, hướng ra vườn, ra đường vẽ các hình cầu kỳ, sặc sỡ. Ngoài ra, trên các tường rào cũng có họa tiết trang nhã, mà thường là các hình cố định như trái tim, hoa thị, ngôi sao, con sóng, cái chùy, cái khiên, viên kim cương… được xem là các vật bảo hộ hoặc linh hồn của tổ tiên, được viền đen và tô màu tươi thắm.

Phần lớn nhà ở đây đều không có cửa sổ hoặc rất ít cửa sổ, có lẽ để dành diện tích trang trí hoặc đảm bảo sự không ngắt quãng của tranh. Thay vì cửa thật, người ta vẽ những ô cửa giả trên tường và nó thật đến mức nhiều người không thể phát hiện nổi cho đến khi lại gần. 

Những con búp bê được tạo nên từ nghệ thuật kết hạt
Những con búp bê được tạo nên từ nghệ thuật kết hạt

Vì những họa tiết, hoa văn trên những bức tưởng của người Ndebele là những ký tự đặc biệt để giao tiếp mà chỉ người dân của bộ lạc mới hiểu được. Nên khi người Ndebele nhìn vào một ngôi nhà họ có thể biết được chủ nhà có cá tính ra sao. Thậm chí, những người phụ nữ, người bà, người mẹ, người vợ còn đưa những câu chuyện của gia đình, của bản thân hay niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thông qua những họa tiết trang trí ngôi nhà. Có thể nói đây là nghệ thuật vô cùng sáng tạo của người Ndebele. Một hệ thống mật mã, ký hiệu riêng biệt giúp cho ngôi nhà của họ trở nên độc đáo, khác lạ và huyền bí hơn mà không một nơi nào trên thế giới có được.../.

Đọc thêm

Nhiều hoạt động kỷ kiệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Ảnh minh hoạ.

(PLVN) -  Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa chính thức được Ban chỉ đạo Trung ương phê duyệt. Theo đó, nhiều hoạt động quy mô lớn như diễu binh, hội thảo, triển lãm, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa sẽ được tổ chức trên cả nước nhằm lan tỏa tinh thần yêu nước, bồi đắp niềm tin và khát vọng phát triển đất nước. 

32 tác phẩm thư pháp tại “Không gian văn hóa sen và Kiều”

Các đại biểu, du khách thưởng lãm và chụp ảnh tại "Không gian văn hóa sen và Kiều). (ảnh T.Dương)
(PLVN) - Không gian văn hóa Sen và Kiều giới thiệu 32 tác phẩm thư pháp mà phần lớn trong đó thể hiện những vần thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đặc biệt là những câu thơ trực tiếp đề cập hoặc gợi lên hình ảnh hoa sen với giá trị ẩn dụ tinh tế.

TS.NSND Quốc Hưng trở thành Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - TS.NSND Quốc Hưng mong muốn Học viện là trung tâm kết nối, hợp tác quốc tế trong âm nhạc nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc (ảnh P.V).
(PLVN) - Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - TS.NSND Quốc Hưng mong muốn Học viện không chỉ là nơi đào tạo đỉnh cao, mà còn là nơi nuôi dưỡng sáng tạo, bệ phóng cho các tài năng trẻ, đồng thời là trung tâm kết nối, hợp tác quốc tế trong âm nhạc nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc.

“Lời thề thứ 9” - khát vọng bảo vệ lẽ phải

“Lời thề thứ 9” của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đề cập lý tưởng của người lính trong những biến động xã hội thời kỳ đầu đổi mới (ảnh ĐTH Hà Nội)
(PLVN) - Không dừng lại ở việc phê phán, vở diễn “Lời thề thứ 9” của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ còn gửi gắm thông điệp nhân văn sâu sắc về tình quân dân, niềm tin vào chính nghĩa và khát vọng bảo vệ lẽ phải.

Cuộc đời vẹn toàn của giọng ca 'Ướt mi'

Cuộc đời vẹn toàn của giọng ca 'Ướt mi'
(PLVN) - Khi nhắc đến tài năng gắn liền với nhan sắc, khán giả không thể quên được nữ ca sĩ Thanh Thúy. Bà sở hữu thiên phú âm nhạc với giọng ca trầm buồn cuốn hút cùng gương mặt kiều diễm xứng danh xưng “Hoa hậu Nghệ sĩ”.

“Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới”

Quang cảnh hội thảo: “Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới” (ảnh T.Dương).
(PLVN) - Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025), ngày 5/6/2025 tại Hà Nội, Cục Báo chí, Báo Văn Hóa (Bộ VH-TT& DL) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới”.

Những điều ít biết về Á Hậu Biển Đảo Việt Nam 2025 - Tường Vy

Nguyễn Tường Vy - giành ngôi vị Á hậu 2 tại cuộc thi Hoa hậu Biển Đảo Việt Nam 2025.
(PLVN) -   Từ quyết định đầy dũng cảm khi bắt đầu lại từ con số 0 tại Hoa hậu Biển Đảo Việt Nam 2025, Tường Vy không chỉ chinh phục ngôi vị Á Hậu mà còn lan tỏa một thông điệp bảo vệ môi trường mạnh mẽ. “Nuôi Cây - Vườn của tôi trên biển ” là một hành trình đầy nghị lực và trách nhiệm mà cô gái trẻ muốn mang đến cho biển cả Việt Nam. Hành trình của Tường Vy là minh chứng cho sự kiên trì, khát vọng và tình yêu mạnh mẽ với thiên nhiên.

Những tín hiệu tích cực từ phim hoạt hình Việt Nam

 Bộ phim “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội” khẳng định tiếng nói của hoạt hình Việt Nam trong thị trường phim đầu mùa hè năm nay. (Ảnh từ clip)
(PLVN) - Hoạt hình vốn là một “địa hạt” đang bị bỏ ngỏ của điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây có thể nhận thấy những dấu hiệu tích cực của phim hoạt hình Việt Nam, khi đã có những bộ phim chất lượng về cả hình ảnh, nội dung được ra mắt và vươn dần ra thị trường quốc tế.