Những ngày thơ ấu

(HP)- Hoàng Kim Giao sinh năm 1941 ở vùng biển Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn giữa lúc dân tộc sục sôi khí thế kháng chiến chống Pháp. Cậu bé Giao lớn lên trong tiếng sóng biển quê hương và những lời ru ầu ơ của mẹ. Nhưng tuổi thơ gắn bó nơi quê biển không được bao lâu, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, Hoàng Kim Giao phải theo cha mẹ lên chiến khu Việt Bắc bỏ lại ruộng vườn và ngôi nhà thân yêu nơi cả gia đình đã sống những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc.

Ở Việt Bắc, cậu bé Giao cùng gia đình sống trong căn nhà tạm bợ, che chắn bằng tre nứa. Ký ức những tháng ngày sống ở rừng đầy khó khăn, vất vả sớm nhen lên trong cậu bé Giao lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm đi theo Đảng, chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cuộc sống vất vả nhưng cũng đầy ý nghĩa nơi chiến khu Việt Bắc trở thành phần ký ức không thể nào phai mờ trong tâm trí mà sau này trong những bức thư gửi em gái, Hoàng Kim Giao đã nhắc đến với những tình cảm sâu nặng: 'Bây giờ khi ăn những con cua đá anh càng thương cậu hơn. Trước kia anh chỉ biết ăn nhưng bây giờ mới biết bắt những con cua đá khó khăn thế nào'. Đó là những lúc Hoàng Kim Giao nhớ đến những ngày sống bên bố mẹ ở rừng, được bố bắt cua đá nướng cho ăn...Mùa thu năm 1953, cậu bé Hoàng Kim Giao được gửi sang học ở Trường thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Năm 1957, khi Hoàng Kim Giao trở về nước, cả gia đình anh trở về Hải Phòng và sống ở khu Kiến Ốc Cục (khu gia đình cán bộ quân đội quân khu Tả Ngạn), phía sau ga Hải Phòng được 2 năm. (Năm 1955, khi về tiếp quản Hải Phòng, ông Hoàng Văn Luận, cha Hoàng Kim Giao giữ cương vị Thành đội phó. Năm 1960, ông Hoàng Văn Luận chuyển sang giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ Nhà máy cơ khí Duyên Hải. Mẹ anh, bà Vũ Thị Lý là nhân viên văn thư của Nhà máy điện Thượng Lý). Đây là ngôi nhà gắn bó với Hoàng Kim Giao trong nhiều năm....Tình yêu của anh với chị Nguyễn Thị Lan cũng bắt đầu từ đây...Từ Quế Lâm trở về, Hoàng Kim Giao tiếp tục theo học ở trường THPT Ngô Quyền. Hiện nay, khu nhà Kiến Ốc Cục hầu như không còn dấu tích, không ai còn nhớ những gia đình đã từng sống ở đây. Sau nhiều lần tìm kiếm, hỏi thăm, chúng tôi may mắn tìm được ông Tống Tân Dân, một người hàng xóm từng ở cùng dãy nhà với gia đình Hoàng Kim Giao. Trong ngôi nhà ở ngõ 213 đường Nguyễn Lương Bằng (Kiến An), ông Dân nhớ lại: Anh Giao hơn tôi một tuổi. Anh học trường THPT Ngô Quyền, còn tôi học trường Trần Phú. Chúng tôi ở cùng dãy nhà nên chơi với nhau khá thân thiết. Tôi nhớ, hồi đó mỗi dịp nghỉ hè, chúng tôi nhận dạy lớp bổ túc cho 5-6 học sinh. Vào những đêm trăng sáng, thanh niên trong khu nhà lại ra khoảng sân chung ngồi nói chuyện vui vẻ. Anh Giao có vóc người nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn, hay cười nói. Tháng 6- 1960, anh Giao đi bộ đội. Thấy vắng bóng anh Giao, tôi hỏi bác Luận (cụ thân sinh Hoàng Kim Giao) mới biết anh đã nhập ngũ. Biết tin anh được đi bộ đội, tôi về xin phép gia đình được theo anh Giao. Tháng 8 năm đó tôi nhập ngũ cùng tiểu đoàn 1, Trường văn hoá quân đội ở Lạng Sơn với anh Giao nhưng khác trung đội. Anh Giao ở trung đội 1, còn tôi ở trung đội 2. Sau đó, Quân đội gửi anh Giao vào học khoa Lý, Trường đại học tổng hợp Hà Nội sau khi học cấp tốc 3, 4 tháng một số môn văn hoá. Anh Giao đi học ở Hà Nội, tôi đi học ở Liên Xô, chúng tôi mất liên lạc từ đó. Khi biết anh Giao hy sinh, đồng đội cùng đơn vị và tôi cũng đã nhiều lần tìm kiếm 'nơi anh đang ở' để đến thắp nén nhang nhưng không thấy. May mắn qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi mới biết anh 'đang ở' nhà em gái là Hoàng Liên Thái - số 10, ngõ 11 đường Thiên Lôi. Sáng 3-9 vừa qua, chúng tôi đã đến thắp hương tưởng niệm anh.

Những kỷ niệm thời niên thiếu của Hoàng Kim Giao gắn liền với dãy nhà phía sau ga Hải Phòng trông ra đường Lê Lợi. Ngôi nhà mái ngói, có bể nước và mảnh vườn nho nhỏ...Ngôi nhà đầm ấm và những kỷ niệm tuổi trẻ trở thành phần ký ức thiêng liêng theo chân Hoàng Kim Giao đi khắp chiến trường, giúp anh vượt qua những giây phút cam go nhất khi đối mặt với thử thách và cái chết. Giây phút sum họp gia đình luôn là sự khao khát cháy bỏng trong trái tim Hoàng Kim Giao. Gia đình đã nâng bước anh đi trên những chặng đường đầy máu lửa. Trong thư gửi em gái, anh viết: 'Những lúc khó khăn, cô đơn anh lại nghĩ đến ngày sum họp. Đến ngày ấy, sáng mồng một Tết, cậu mợ sẽ thăm cô bác, em sẽ đi chơi với các bạn, anh chị chờ em và các bạn em, ngắm nhìn em vui với chúng bạn. Em sẽ mặc áo dài màu hồng, đeo một chuỗi hạt thật đẹp, anh sẽ là cho em một bộ quần áo thật công phu. Tối về anh em mình thức suốt sáng, em sẽ làm bánh, hai anh em mình cùng ăn, rồi anh vẫn lại để em ngồi trên thành bể và ngắm cô em của anh giờ đã là một cô gái xinh đẹp....sẽ bện lại tóc cho em và im lặng nghe em kể chuyện...'

Hoàng Kim Giao là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em. Trong mọi việc làm, hành động, suy nghĩ của mình, anh đều cố gắng là tấm gương để các em học tập. Trong 10 bức thư gửi em gái và 3 bức thư gửi bố mẹ, Hoàng Kim Giao đều thể hiện sự quan tâm, lo lắng đến các em. Trong các lá thư, anh dặn dò các em chăm chỉ học tập, chỉ cho các em biết cách sống theo đúng truyền thống gia đình, lo cả những chuyện riêng tư khi em gái có bạn trai...Trong bức thư ngày 18-10-1967 gửi em gái Hoàng Thị Kết, khi chị đang theo học ngành điện tại Triều Tiên, anh viết: 'Em phải phân biệt thật rõ ràng quan hệ bạn bè với yêu đương. Đối với bạn bè phải thoải mái. Còn vấn đề gì liên quan đến yêu đương luyến ái phải thật nghiêm khắc'.

Ngôi nhà ở khu Kiến Ốc Cục có một cái giếng. Cái giếng đó do anh Giao hì hục đào suốt một ngày để có nước cho cậu mợ và các em dùng trong những ngày hè oi bứcccc. Đào xong giếng, anh Giao vội lên đường. Khi thư nhà gửi lên báo giếng đã có nước anh rất mừng. Anh cẩn thận dặn người nhà quét một lớp xi măng để giữ nước trong, giếng bền lâu hơn. Chị Hoàng Liên Thái kể lại: Những ngày anh Giao được nghỉ phép về thăm nhà, cả nhà vui như mở hội. Các em chạy ùa ra, người bá vai, người ôm cổ, người níu tay, anh Giao thường công kênh các em lên đùa vui vẻ. Anh Giao là người sống rất tình cảm nhưng cũng rất nghiêm khắc. Khi biết bố mẹ tôi cho mỗi em một hộp tiền tiết kiệm, anh đã thẳng thắn góp ý: 'Cậu mợ không nên cho các em hộp tiền riêng vì làm như vậy vô tình tạo cho các em tính tư hữu, chỉ biết chăm lo đến cái riêng mà thiếu trách nhiệm chung'. Chuyện cụ Vũ Thị Lý, mẹ anh bán những đồ vật không sử dụng đến, anh cũng có ý kiến: 'Mợ không nên bán đồ đạc trước mặt các em, sợ các em sẽ quen thói thấy đồ mang đi bán, làm quen với tiền bạc sớm không tốt đối với con trẻ'. Mỗi khi về thăm nhà, anh Giao thường kiểm tra kỹ túi áo, túi quần, có bao nhiêu tiền, anh đưa mẹ giữ với lý do: điều đó cần thiết để góp vào sợi dây ràng buộc gia đình! Anh dặn em trai: 'Rồi sau này chuyện tiền nong không tốt, khi em lớn khôn dựng vợ gả chồng, gia đình có dâu này dâu kia, gia đình chia năm sẻ bảy, anh em xa cách, bố mẹ buồn phiền. Các em sẽ không có chỗ dựa, cầu bơ cầu bất. Đối với anh còn có bố mẹ thì mọi thứ của anh, cậu mợ quản lý. Khi cậu mợ mất, đối với các em anh sẽ cố gắng để không đến nỗi đứa em nào thiếu thốn. Có bao nhiêu cho các em chừng ấy. Sẽ không bao giờ có chuyện vay mượn tiền nong giữa anh và các em'.

Mẫu mực trong cuộc sống, là người con hiếu thảo, người anh giàu tình yêu thương và trách nhiệm đối với các em là phẩm chất vốn có trong Hoàng Kim Giao từ khi anh còn ở với gia đình. Những phẩm chất đáng quý đó được tôi luyện trong quân đội, qua chiến đấu đã nâng lên thành ý thức, trách nhiệm, tình cảm lớn lao với Tổ quốc, nhân dân giúp anh trở thành người cộng sản chân chính và hy sinh trong tư thế của người anh hùng.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.