Những ngày tháng không thể nào quên

Những ngày tháng không thể nào quên
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bức tranh năm 2021 trong đại dịch COVID-19 đã có những mảnh màu xám, mất mát đau thương tới nghẹn lòng. Nhưng vượt qua tất cả, chúng ta đang có những ngày bình thường mới, với tất cả sự biết ơn và trân trọng. Cho một năm mới hy vọng và hồi sinh.

Ký ức nơi tâm dịch

Khi dịch bệnh hiện tạm thời được khống chế ở các tỉnh thành trên cả nước, cuộc sống bình thường mới dần trở lại. Phía sau đó là sự nỗ lực không mệt mỏi, là ý chí chiến đấu của hàng nghìn y bác sĩ, cán bộ chiến sỹ trên cả nước.

Điều dưỡng Trần Thanh Hưng, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) có nhiều tháng ròng rã tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, tại Bệnh viện dã chiến số 14, TP Hồ Chí Minh (do BV Trung ương Huế phụ trách). Anh chia sẻ ký ức về những ngày điều trị bệnh nhân COVID-19:

“Hôm nay, tôi viết những dòng tâm tư này để tưởng niệm hơn 2 vạn đồng bào đã ra đi vì COVID-19. Tôi muốn gửi gắm đến những đồng nghiệp của mình đã và đang gồng mình để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19...

Ở đó, có một người cha, chỉ còn ít ngày nữa là có thể đón đứa con đầu lòng nhưng cũng phải nằm đó, để chống chọi với virus, giành giật với virus từng nhịp thở. Ở đó, có sức mạnh của người mẹ chưa một lần bồng bế đứa con buộc phải sinh mổ, cũng phải chìm trong hôn mê. Ở đó, tôi thấy cậu con trai đút từng muỗng cháo cho và cô lớn tuổi mà không thể tự ăn. Ở đó, lần đầu tiên, tôi cầm chiếc bơm tiêm trong tay không để tiêm thuốc hay bơm ăn, mà để xả cuff (van để giữ ống nội khí quản - PV) ống nội khí quản để rút ống khi bệnh nhân đã xác định tử vong....

Nhưng tôi đã thấy, những chàng trai ở tuổi đôi mươi với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để Sài Gòn khỏe trở lại! Cuộc sống thật ngắn ngủi và vô thường, còn dịch bệnh thì chẳng chừa một ai. Mà sự hối hả của cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, tiếng chuông nhà thờ vẫn vang mỗi sáng và những sinh mệnh vẫn sẽ nối tiếp chào đời… Chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có. Sinh mệnh con người là đáng quý nhất, chẳng có gì có thể bù đắp được những mất mát này…”.

“Chiến trường không tiếng súng”

Và bác sỹ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), một bloger đã ra hai đầu sách, tiếp tục những trang nhật ký của mình:

“Đến TP HCM lần này là tất cả những gì khốc liệt nhất, khi bác sỹ đã không níu giữ được bệnh nhân ở lại: “Chiếc máy monitor hiện lên đồ thị điện tim đều đều chạy từ trái qua phải, rồi mất ở bên kia màn hình… Mỗi ngày, công việc lặp đi lặp lại như vậy khiến mỗi người đều trở nên căng thẳng. Để tiết kiệm đồ bảo hộ, mọi người đều cố gắng làm việc xuyên ca, không ăn, không uống. Bởi chỉ cần tháo chiếc khẩu trang ra, uống một hớp nước đã phí mất cả bộ đồ bảo hộ lẫn chiếc khẩu trang giá vài trăm ngàn đồng. Nhưng những điều đó đâu có đáng gì với những cảm xúc mà họ phải chịu đựng khi liên tiếp đối mặt với những ám ảnh, mà với người bình thường cả đời chỉ gặp có một đôi lần...”.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: “Có khi được ít phút nghỉ ngơi, nhưng tôi không chợp mắt nổi vì những hình ảnh đã gặp. Cơn bão tàn khốc đại dịch quét tràn qua những miền trù phú của đất nước, để lại cảnh xác xơ, lạnh lẽo. Những phố phường không bóng người ngoài tiếng còi hú của cứu thương, cảnh sát. Những cánh đồng bỏ hoang cho dù cái đói có thể ập đến bất cứ lúc nào. Những khuôn mặt người dân từ anh công an trật tự đến cô thanh niên tình nguyện đều toát lên sự căng thẳng. COVID là thứ virus ghê sợ nhất. Nó không màu, không mùi, không vị nên đã len lỏi gần như mọi nơi trên địa cầu cả nghĩa đen và nghĩa bóng....”.

Có thể nói, những dòng nhật ký đau thương ấy, chỉ là phần nào sự khốc liệt nơi “chiến trường không tiếng súng”. Nhưng trong tận cùng đau khổ luôn bật lên những điều đẹp đẽ và bi tráng, để mỗi chúng ta mãi biết ơn và ghi nhớ về những vẻ đẹp tận hiến, những yêu thương đùm bọc, lòng nhân ái của đồng bào lúc hoạn nạn.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.