Những mối lo về độ độc hại của hóa mỹ phẩm

Những mối lo về độ độc hại của hóa mỹ phẩm
(PLO) - Nhiều chất bảo quản trong lọ kem dưỡng da có hại cho sức khỏe, hóa chất duỗi tóc chứa chất gây ung thư... là những mối lo có cơ sở của chị em.
Khi bạn che phủ các nhược điểm của mình bằng kem nhuộm da hay duỗi thẳng tóc, rất có thể bạn đang sử dụng một sản phẩm có vô số thành phần. Trong các thành phần đó, cái nào là an toàn? Thông tin nói về mối nguy của các sản phẩm làm đẹp thường dựa trên sự thổi phồng. Dưới đây là những lý giải khoa học và các gợi ý về phương pháp làm đẹp thay thế cho những người muốn hạn chế sử dụng hóa chất.
Mối lo ngại: Duỗi tóc phủ keratin
Phủ keratin là một xu hướng làm đẹp cho tóc khá mới (đã xuất hiện tại Việt Nam), hay được sử dụng tại các salon làm tóc và được giới thiệu là giúp phục hồi tóc hư tổn, tạo độ bóng mượt, khiến tóc không khô cứng. Các sản phẩm làm đẹp theo kiểu này thường được quảng cáo là không chứa formaldenhyde - một hóa chất độc hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, Cơ quan bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động (OSHA) ở Oregon (Mỹ) đã tìm thấy nồng độ cao hóa chất này trong hơn một nửa mẫu sản phẩm. Tiếp xúc lâu dài với formaldenhyde có thể gây ung thư.
Dùng các sản phẩm này để duỗi tóc, tạo kiểu hay giúp tóc bóng mượt vài tháng một lần thì không tới mức gây hại cho bạn, nhưng các nhà tạo mẫu tóc, người dùng thuốc để làm tóc cho khách thì đối mặt với mối nguy thực sự.
Lựa chọn khác: Dùng dầu xả và máy là tóc
Dầu xả có thể giúp tóc bạn đỡ xoăn cứng bằng cách trung hòa tác động tĩnh điện. Mặc dầu tác dụng chỉ kéo dài đến lần gội sau, nhưng máy là có thể làm thẳng tóc quăn tự nhiên. Máy sấy ít hiệu quả hơn so với máy là trong việc duỗi tóc, nhưng chuyên gia làm tóc có thể chỉ cho bạn một vài kỹ thuật tốt, kết hợp với các sản phẩm tóc an toàn để giúp tóc thẳng, không xoăn rối.
Mối lo: Nhuộm tóc thường xuyên
Các nghiên cứu về mối liên quan giữa nhuộm tóc với nguy cơ ung thư cho thấy kết quả trái ngược nhau. Một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thường xuyên nhuộm tóc, đặc biệt là nhuộm màu tối, có nhiều khả năng mắc bệnh bạch cầu và ung thư hạch bạch huyết hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại thấy rằng điều này không đúng. Hầu hết nghiên cứu khẳng định không có mối liên quan nào giữa nhuộm tóc và ung thư vú. Cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc nhuộm tóc gây đe dọa trong thời kỳ mang thai, mặc dầu một số chuyên gia y tế khuyến cáo không nên nhuộm tóc trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Lựa chọn khác: Nhuộm tóc bằng thảo mộc
Nhuộm tóc với cây lá, bao gồm cả thuốc nhuộm từ thực vật, có thể thay đổi màu tóc mà không cần dùng đến hóa chất mạnh. Nhưng cách này có một số nhược điểm, chẳng hạn không tạo ra sự thay đổi màu tóc ấn tượng và màu tóc nhanh phai hơn.
Lựa chọn thứ hai là tạo màu tóc hightight (nhuộm vài lọn tóc sáng màu hơn) tại tiệm làm tóc. Một chiếc mũ đặc biệt hay giấy gói tóc sẽ giúp ngăn thuốc nhuộm chạm vào da đầu vì thế các hóa chất sẽ không hấp thụ vào da bạn.
Mối lo: Kính áp tròng hóa trang trôi nổi
Kính áp tròng màu sắc hay hoa văn không điều chỉnh tầm nhìn có thể giúp bạn thay đổi vẻ ngoài của mình. Nhưng tránh những loại kính áp tròng không rõ xuất xứ, luôn có sẵn tại các cửa hàng thời trang hay bán trên mạng, không được bác sĩ kê đơn, tư vấn. Kính áp tròng đòi hỏi phải vừa khít, sạch và được bảo quản cẩn thận, dù chỉ đeo một lúc. Nếu không sử dụng đúng cách, bạn có thể khiến mắt tổn thương hay nhiễm trùng dẫn tới giảm thị lực.
Lựa chọn khác: Kính áp tròng màu sắc theo đơn
Nếu bạn cảm thấy tạo hóa dành cho mình màu mắt không hợp ý, hãy nhờ tới cơ sở chăm sóc mắt chuyên nghiệp, được cấp phép về kính áp tròng màu. Thậm chí, ngay cả khi bạn có thị lực tốt thì vẫn cần khám mắt trước khi đặt kính áp tròng. Bác sĩ có thể viết đơn kính và hướng dẫn bạn sử dụng, bảo quản kính đúng cách. Chỉ nên mua kính áp tròng có xuất xứ rõ ràng, theo đơn bác sĩ. Luôn tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc để tránh gây tổn thương mắt.

Mối lo: Dịch thoa làm dài mi (thuốc bán theo đơn)

Latisse là hoạt chất của các loại thuốc bán theo đơn, có tác dụng giúp lông mi dài, đẹp trong một thời gian ngắn. Bạn bôi dung dịch này lên đường mi trên hằng ngày và đợi khoảng 4 tháng sẽ có kết quả. Nhiều bạn gái rất thích điều này. Điều bạn cần lưu ý là, một số người có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc, và đôi khi tác dụng phụ đó kéo dài, như thuốc gây sạm da quanh vùng mắt hoặc biến vùng có màu ở mắt (mống mắt) thành màu nâu.
Lựa chọn khác: Dùng phương pháp làm dài mi khác
Dùng mi giả hoặc nối mi có thể giúp mi bạn trông dài hơn mà không cần dùng thuốc bôi. Tuy nhiên, những cách này cũng không hoàn toàn an toàn. Keo dán mi có thể gây kích ứng mí mắt hoặc dị ứng. Và cũng cần thận trọng trước các quảng cáo về việc sử dụng thường xuyên thuốc nhuộm màu mi sẽ giúp lông mi dày hơn. Người ta đã phát hiện hóa chất này có liên quan đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm mù mắt. Không có một loại thuốc nhuộm màu nào được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ cho phép sử dụng lâu dài trên mi mắt.

Mối lo: Hóa chất Hydroquinone trong mỹ phẩm

Hydroquinone là loại hóa chất làm sáng da, bán theo đơn. Các bác sĩ da liễu thường khuyên dùng nó để làm giảm đốm đồi mồi hay vết sạm đen được gọi là nám. Lạm dụng hóa chất hydroquinone có thể làm biến đổi màu da. Nhiều công trình nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy có mối quan hệ giữa hóa chất này và ung thư, mặc dù nguy cơ ở người chưa rõ. Nhiều nhà khoa học cũng đang nghiên cứu tính an toàn của hydroquinone.
Lựa chọn khác: Dùng phương pháp tái tạo bề mặt da bằng tia laser
Phương pháp tái tạo bề mặt da bằng cách sử dụng một loại tia laser đặc biệt để loại bỏ lớp da trên cùng. Thủ thuật này do bác sĩ da liễu thực hiện, có thể giảm thiểu các đốm đồi mồi và làm đều màu da mà không sử dụng hóa chất làm sáng da lâu dài. Nhược điểm của nó là chi phí tốn kém, gây đau, mất thời gian chờ đợi da phục hồi, và có một phần nhỏ nguy cơ để lại sẹo hoặc làm biến đổi màu da.

Mối lo: Tắm nắng nhân tạo trong phòng chiếu

Dù bạn được quảng cáo phương pháp tắm nắng ở thẩm mỹ viện là an toàn, thực tế, kết quả nghiên cứu cho thấy thường xuyên tắm nắng nhân tạo trong phòng chiếu có thể làm tăng nguy cơ u hắc tố - một loại ung thư da gây chết người nhiều nhất. Hơn nữa, tắm nắng nhân tạo chủ yếu phát ra tia UVA, góp phần làm lão hoá sớm - tạo nên nhiều nếp nhăn và đốm nâu. Ngay cả khi làn da rám nắng khiến bạn trông đẹp hơn, cách này thực sự gây tổn thương cho da.
Lựa chọn khác: Dùng sản phẩm làm rám nắng không cần phơi nắng
Không khó để có làn da rám nắng. Kem dưỡng da rám nắng chứa DHA bổ sung màu phản ứng với axit amin trên bề mặt da để tạo ra màu rám nắng tạm thời. Chất DHA được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng bên ngoài, nhưng không được dùng trong các phòng phun xịt làm rám nắng thương mại bởi tại đó, bạn có thể hít phải một thuốc bơm hoặc dính thuốc vào mắt. Cần dùng kem chống nắng kể cả khi bạn thoa sản phẩm làm rám nắng mà không phơi nắng bởi loại mỹ phẩm này không có tác dụng bảo vệ da.

Mối lo: Hiểm họa làm móng ở cửa hàng

Các sản phẩm làm móng chứa rất nhiều hóa chất, bao gồm formaldehyde, phthalates, acetone hay toluene. Hơi của những hóa chất này có thể gây kích ứng da, mắt, mũi và đường hô hấp. Các phản ứng này hay thấy ở nhân viên làm móng hơn khách hàng. Làm móng tay và chăm sóc, thẩm mỹ móng chân cũng có thể gây nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi thiết bị không được khử trùng đúng cách.

Lựa chọn khác để giảm thiểu rủi ro

Trước khi cắt móng tay hay làm móng chân, nên quan sát xem tiệm làm móng hay spa đó có có sạch sẽ không. Nếu nghi ngờ khả năng đảm bảo vệ sinh, diệt khuẩn ở đó, hãy đi chỗ khác. Đừng cạo lông chân trước khi đi làm móng, và nên tránh đến tiệm làm móng nếu da bạn đang bị tổn thương.

Mối lo: Chất Phthalate trong mỹ phẩm

Phthalates là hóa chất được sử dụng để làm cho sản phẩm mềm dẻo hơn. Chúng có trong đồ chơi, bao bì thực phẩm, và một số mỹ phẩm, bao gồm sơn bóng móng tay, dầu gội đầu, xà phòng. Hai công trình nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với phthalate trong giai đoạn thai nghén có thể dẫn đến tình trạng phát triển không bình thường ở bé trai sơ sinh, như hàm lượng hoóc môn thấp và kích thước sinh dục nhỏ. Nhưng FDA cho biết vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận loại hóa chất này gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Lựa chọn khác: Sử dụng các sản phẩm không chứa Phthalate
Nếu lo ngại phthalate, bạn nên tìm các loại sản phẩm làm đẹp không chứa hóa chất này. Bạn có thể kiểm tra thành phần để dò tìm thuật ngữ phthalate (dibutylphthalate, dimethylphthalate, diethylphthalate...), butyl ester hay chất làm mềm dẻo. Cần lưu ý là phthalate cũng có trong nguyên vật liệu làm sàn, màn che buồng tắm, bao bì thực phẩm, và nhiều thứ khác trong đời sống hiện đại.

Mối lo: Chất Paraben trong mỹ phẩm

Paraben là chất bảo quản thường thấy nhất trong các loại mỹ phẩm, bao gồm đồ trang điểm, kem giữ ẩm, và các sản phẩm chăm sóc tóc. Một công trình nghiên cứu cho thấy có paraben trong khối u ngực nhưng không có gì chỉ ra rằng paraben thực sự gây ung thư. Nhiều nhà nghiên cứu khác kết luận rằng hàm lượng paraben trong mỹ phẩm có thể gây ung thư.
Lựa chọn khác: Dùng mỹ phẩm không chứa paraben
Nếu bạn lo lắng về paraben thì có thể tìm sản phẩm làm đẹp không chứa chất bảo quản này. Mỹ phẩm thường bị hỏng nếu không sử dụng chất bảo quản, nhưng paraben không phải là lựa chọn duy nhất. Một số sản phẩm sử dụng vitamin C (axit ascorbic) hoặc vitamin E (tocopheryl acetate) để làm chất bảo quản.

Hạn sử dụng của đồ trang điểm

Chất bảo quản trong đồ trang điểm có thể phân hủy theo thời gian, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Nhiều chuyên gia đưa ra hướng dẫn hạn sử dụng dưới đây:
- Kem nền: 1 năm.
- Phấn hồng/ phấn phủ/ phấn tạo khối: 2 năm.
- Son môi: một năm.
- Mascara: 3-4 tháng.
Nên vứt hộp phấn mắt ngay lập tức nếu dùng bị nhiễm trùng mắt.
Độ an toàn của kem chống nắng
Các thành phần trong mỹ phẩm chống nắng dùng từ lâu và được cho là an toàn. Điều đáng lo chính là chọn kem chống nắng quá nhẹ. Để bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB, nên chọn loại sản phẩm có nhãn “quang phổ rộng” và có chỉ số chống nắng từ 30 trở lên để làm giảm nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.