Không nên chọn nghề chỉ theo trào lưu
Suốt mùa tư vấn tuyển sinh có câu hỏi được nhiều phụ huynh và thí sinh đặt ra: “Nên chọn ngành rộng hay ngành hẹp khi thị trường lao động liên tục biến đổi?”. Theo GS. Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu thí sinh muốn học một ngành để tồn tại thì chọn ngành xã hội đang cần, nhưng muốn một công việc mà mình có thể đam mê, sáng tạo thì nên chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng.
Theo GS. Hoàng Tiến Thảo, ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm. Nhưng về lâu dài, đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên nếu các em thực sự theo đuổi ngành mình yêu thích.
Chia sẻ tại Tọa đàm “2K6 chọn ngành, chọn trường thế nào để có việc làm?” mới đây, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho rằng, mỗi bạn học sinh cùng bố mẹ, người thân, thầy, cô giáo cần phải có đánh giá rất chính xác về bản thân mình. Các bạn phải xác định được mình có những đam mê, mơ ước, khát vọng gì? Giữa khát vọng, đam mê, ước mơ đấy, các bạn có những năng lực gì?
Ông Hoàng Nam Tiến kể: “Như cá nhân tôi, tôi rất thích hát, nhưng hễ hát là sai nhạc. Rõ ràng, giữa đam mê và năng lực ca hát của tôi là không liên quan đến nhau. Từ câu chuyện này thấy rằng, chúng ta cần lựa chọn ngành học và chọn nghề làm sao phù hợp giữa mong muốn, đam mê và năng lực”.
Từ câu chuyện trên, ông Tiến chỉ ra rằng, điều quan trọng thứ ba là giữa đam mê, năng lực và điều xã hội cần phải được kết nối với nhau. Điều thứ tư ông Tiến nêu ra là ngành các bạn trẻ chọn có được xã hội trả nhiều tiền hay không. “Bốn vòng tròn về đam mê, năng lực, xã hội cần và thu nhập càng trùng nhau bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”, ông Tiến nói và khuyến khích các bạn học sinh, đặc biệt là lứa sinh năm 2006 áp dụng phương thức kiểm tra này để hiểu bản thân cần phải làm gì.
Đăng ký xét tuyển, ưu tiên ngành thích nhất lên đầu
Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học; các trường sĩ quan đào tạo trình độ đại học; các trường cao đẳng tuyển sinh ngành giáo dục mầm non. Từ ngày 1 - 20/7, Hệ thống sẽ mở để các điểm tiếp nhận tạo tài khoản cho thí sinh tự do chỉ đăng ký xét tuyển trên Hệ thống, Vụ GDĐH đề nghị các sở GD&ĐT thông tin rộng rãi cho thí sinh biết và chỉ đạo các điểm tiếp nhận hồ sơ được giao nhiệm vụ tạo tài khoản cho thí sinh (tạo phiếu đăng ký - PĐK) tổ chức thực hiện theo đúng thời gian, quy trình và các quy định trong tài liệu hướng dẫn gửi kèm theo...
Từ ngày 6 - 10/7, Hệ thống sẽ mở để thí sinh thực hành đăng ký xét tuyển, Vụ GDĐH đề nghị các đơn vị tăng cường truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp để đăng nhập vào Hệ thống (thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn) thực hành đăng ký xét tuyển theo đúng quy trình (trừ bước nộp lệ phí xét tuyển) và thời gian quy định. Sau ngày 10/7, toàn bộ thông tin thực hành của thí sinh đã đăng ký trên Hệ thống sẽ bị xóa để chuẩn bị cho đợt đăng ký xét tuyển chính thức từ ngày 18 - 30/7.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh được quyền đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến và trên hệ thống, thí sinh chỉ cần quan tâm tới nguyên tắc: Ngành nào thích nhất đặt lên trước. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Vụ GDĐH cũng đề nghị các đơn vị tạo tài khoản cho thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp chỉ đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) trên Hệ thống.
Chuyên gia tuyển sinh, TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng Phòng đào tạo, Học viện Ngân hàng khuyên thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng để tránh rủi ro cao. Số lượng nguyện vọng xét tuyển phụ thuộc trước hết vào số lượng các trường, các ngành mà thí sinh yêu thích, phụ thuộc chiến thuật đăng ký của mỗi thí sinh, mức điểm, điều kiện kinh tế (bởi đăng ký nguyện vọng mất phí). Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường cũng sử dụng phương thức xét tuyển sớm, như vậy thí sinh có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau để xét tuyển để vào trường đại học mình yêu thích thay vì chỉ dựa vào kết quả thi THPT.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH khuyên thí sinh không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào những ngành, trường học có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu các em không trúng tuyển nguyện vọng này thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cao cũng khó trúng tuyển. Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng gây lãng phí, không cần thiết, nhưng nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung, phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn rất nhiều.
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đặc biệt lưu ý thí sinh, khi đăng ký trên hệ thống, thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không được dừng lại và thoát ra giữa chừng, như vậy các thao tác sẽ chưa được ghi nhận trên hệ thống. Các em phải thực hiện cho đến hết quy trình và được hệ thống báo rằng những nguyện vọng này đã được xác nhận. Tương tự khi thực hiện đổi nguyện vọng, các em phải chú ý thao tác tới các bước cuối cùng.