Sài Gòn những năm qua đã chứng kiến không ít cái đám cưới lạ. Trong đó, ấn tượng, cảm động và ý nghĩa nhất có lẽ là những lễ cưới tập thể.
Lễ cưới “vui chung”
Gọi đó là lễ cưới “vui chung”, là bởi đó là đám cưới tập thể, thay vì chỉ một đôi tân lang, tân nương cùng nâng ly rượu mừng, thì có vài chục đến hàng trăm uyên ương hòa niềm vui chung một lễ cưới, với sự hiện diện cùng của chừng ấy gia đình, bạn bè, tập thể.
Các đôi vợ chồng trong lễ cưới tập thể dâng hoa và chụp ảnh kỷ niệm tại tượng đài bác (Ảnh: Chế Hồng Trung) |
Ngày 11/11/2011, người dân TPHCM đã chứng kiến lễ cưới của 80 cặp đôi là công nhân, người lao động và viên chức nghèo. Thời điểm này, đây được coi là lễ cưới tập thể có số lượng cặp đôi tham gia đông nhất Việt Nam trở về trước. Rất nhiều tình cảm của người dân đã dành cho lễ cưới nhiều ý nghĩa này. Ngày 10/12, Bình Dương có lễ cưới tập thể đầy xúc động cho 12 cặp đôi khuyết tật. Ngày 12/12/2012 Sài Gòn lại chứng kiến một lễ cưới tập thể được coi là kỉ lục về đám cưới Việt đông nhất từ trước đến nay, vào một ngày cũng có nhiều ý nghĩa may mắn, hạnh phúc.
Sáng ngày đẹp trời ấy, lễ cưới bắt đầu bằng sự kiện diễu hành qua nhiều tuyến đường, dâng hoa tại tượng đài Bác. Sau đó, một buổi tiệc được tổ chức long trọng và ấm áp tai Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Grand Palace (quận Tân Bình – TP.HCM).
Anh Huỳnh Ngô Tịnh, Trưởng ban Chương trình Lễ cưới tập thể dành cho thanh niên công nhân, cho biết, trước lễ cưới, các cặp đôi còn được tham gia chương trình rèn luyện kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc kết hợp tham quan dã ngoại để “thắt chặt tình cảm” tại Cần Giờ.
“Đây là năm chúng tôi tổ chức cho nhiều cặp đôi nhất và đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất. Năm tới, lễ cưới tập thể sẽ với số lượng cặp đôi ít hơn, nhưng sự hỗ trợ sẽ nhiều hơn. Tính đến nay, sau 5 năm thực hiện chương trình lễ cưới tập thể, đã có 220 cặp đôi tham gia và được hỗ trợ. Ban tổ chức đã vận động nhiều đơn vị hỗ trợ mỗi đôi uyên ương một thẻ ATM có tài khoản 2 triệu đồng, một bàn tiệc mặn trị giá 5 triệu đồng, một cặp nhẫn cưới 2,8 triệu đồng, một chuyến tham quan dã ngoại kết hợp huấn luyện kỹ năng, hỗ trợ xe hoa, bánh cưới, hoa cưới, chụp ảnh, quay phim, trang điểm, trang phục cưới miễn phí… Ngoài ra, 10 đôi có hoàn cảnh khó khăn nhất được tặng thêm 10 cặp nhẫn cưới (trị giá 8 triệu đồng/cặp nhẫn)”, anh Tịnh chia sẻ.
Nước mắt và nụ cười ở đám cưới tập thể
Chiếm đa số những đôi tham gia lễ cưới là thanh niên công nhân, cạnh đó còn có một số giáo viên, cán bộ công nhân viên đang làm việc tại những khu chế xuất, khu công nghiệp, những cơ quan xí nghiệp, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận, người lao động thu nhập thấp, mất việc làm, bị tai nạn lao động...
Nụ cười hạnh phúc của những niềm vui chung |
Trong lễ cưới, người ta thấy cả những cặp đôi khuyết tật.
Anh Nguyễn Cẩm Tú và chị Phạm Thị Quý là cặp đôi được chú ý, cũng như nhận được nhiều sự chúc phúc nhất tại đám cưới, họ khuyết tật từ lúc mới sinh ra. Ngay từ khi yêu nhau, quyết định đến với nhau, anh chị đã gặp bao cản trở của gia đình. Gia đình hai bên không chỉ là không thích, mà còn quyết liệt ngăn trở họ, với lý do, một người tật nguyền đã khó sống, huống hồ cả hai tật nguyền, chắc sẽ càng khó khăn hơn, càng tạo gánh nặng cho nhau.
Nhưng mọi lời lẽ ấy không cấm cản nổi tình yêu của anh chị. Để chứng minh rằng mình có thể sống tốt, chăm lo cho nhau tốt như bất kì ai, anh lăn lội xin việc làm ở những nơi thu nhập ổn định, rồi tìm việc cho chị làm. Nay họ đã có đồng lương đủ sống, và hiện cùng sinh hoạt chung tại Tổ chức Cộng đồng điếc câm TP.HCM.
Trong đám cưới, có không ít cặp đôi yêu nhau đã lâu lắm, nhưng vì nghèo mà phải chờ nhau, chờ mãi như anh Tiều Ngọc Ân quê Trà Vinh và chị Võ Thị Tuyết Thương, quê TPHCM. Anh Ân xa gia đình lưu lạc lên thành phố, kiếm sống nhiều năm mà cái nghèo vẫn dai dẳng, yêu Thương mà cứ ngần ngừ mãi, vì không biết xoay đâu ra tiền để làm lễ cưới. Thông tin về lễ cưới tập thể khiến anh mừng qíu, quyết định phải đăng kí ngay kẻo lỡ. Nhờ vậy mà “may mắn có vợ”, anh Ân nói trong ánh mắt ngời ngời niềm hạnh phúc, nhìn chị Thương.
Cũng có những cặp đôi như anh Phương, 43 tuổi và chị Hiếu, 44 tuổi (ngụ TP.HCM), là cặp đôi lớn tuổi nhất đám cưới. anh chị chia sẻ rằng, ngỡ như họ chỉ có thể sống cạnh nhau không danh phận cả đời, vì nghèo quá, lớn tuổi rồi, làm sao mà xoay sở như những người trẻ để có cho mình một đám cưới đường hoàng. Thế mà rồi may mắn làm sao, lại được hưởng một lễ cưới ấm áp tình người như vậy.
Hầu hết tất cả những cặp đôi ấy đều không dễ để đến với nhau, không dám mơ một cái đám cưới giản dị, nhỏ bé, kiểu như một mâm tiệc mời đôi bên họ hàng, thế nên, được tay trong tay trong một lễ cưới đông, nhiều niềm vui và nhận cho mình nhiều điều ý nghĩa như vậy, họ chia sẻ rằng, cứ ngỡ như một giấc mơ. chị Thái Thị Hải Vân, anh Đặng Văn Thiệp, nắm tay nhau nói rằng, niềm vui này sẽ theo họ suốt cuộc đời, nhắc nhở họ là hạnh phúc khó tìm, tìm được thì phải giữ. Anh Thiệp nói, hơi nghèn nghẹn: “Vợ chồng tôi đã hứa với nhau là phải cố gắng sống cho thật hạnh phúc, thật êm ấm, sẽ sinh hai đứa con, rồi sau này sẽ kể cho con nghe về đám cưới khó tin của cha mẹ…”
Lễ cưới cũng chứng kiến niềm xúc động của các ông bố, bà mẹ. Có bà mẹ run run phát biểu: “Gia đình nghèo quá, không có điều kiện lo cưới cho con, nay con được xã hội giúp đỡ, tạo điều kiện để lấy vợ như vầy, thật không gì vui hơn…”
Nhưng, cạnh niềm vui cũng có vài nét buồn nho nhỏ. Trong đám cưới, người ta thấy nhiều cặp đôi không có gia đình, người thân tham dự. Họ là những đôi bạn trẻ yêu nhau nhưng không được sự chấp thuận của gia đình. Nhiều năm không thể thuyết phục được gia đình đôi bên, nên họ đành tự mình quyết định lựa chọn lấy hạnh phúc.
Một đám cưới tập thể được hỗ trợ là niềm may mắn bất ngờ “trên trời rơi xuống” với họ. Bởi, họ vừa có một cái đám cưới không phải lo bở hơi tai về tiền bạc, lại không kém phần đông vui, sẽ xua giúp họ bớt đi nỗi buồn bị gia đình và người thân ngoảnh mặt, giúp họ quên đi sự thiếu vắng những gương mặt thân quen ngay trong đám cưới của mình.
Lại cũng có những cặp đôi, bị gia đình ngăn cản khi quyết định tham gia đám cưới tập thể. Bởi với nhiều bậc sinh thành, đám cưới là ngày thiêng liêng mà họ chỉ mong gia đình có thể tự mình tổ chức một tiệc lễ mừng cho riêng đôi trẻ. Thế nhưng, con cái của họ đơn giản nghĩ rằng, yêu nhau lâu rồi, muốn cưới nhau mà không được, giờ đây có điều kiện, thì được tham gia đã là may mắn. Không quan trong là cưới lớn hay nhỏ, tập thể hay riêng tư, chỉ cần cảm thấy ý nghĩa trọn vẹn, chỉ cần cưới xong sống với nhau đàng hoàng, hạnh phúc là được.
Để thành đôi không dễ, nên khi được trao tận tay Giấy chứng nhận kết hôn ngay tại lễ cưới, không ít giọt nước mắt của tân lang, tân nương đã rơi.
Vì hạnh phúc với nhiều người không cần đến bàn tiệc siêu sang, lễ rước dâu siêu xe. Giản dị là một ngày vui để biết mình có nhau, thế thôi.
Trân Mai