Học trên… “mọi mặt trận”
Cứ mỗi độ sắp sửa vào hè, người ta đều bắt gặp hàng loạt những quảng cáo cho các khóa học mùa hè, học kỳ quân đội, khóa học kỹ năng,... từ đủ loại trung tâm nội, ngoại. Song có một nghịch lý: mùa hè là mùa nghỉ ngơi, thư giãn của con trẻ sau một năm học căng thẳng. Nhưng từ bao giờ, mùa hè đã trở thành mùa học kĩ năng, mùa học thêm cho trẻ em, tước đi quyền được nghỉ ngơi của chúng.
Được biết, các khóa học mùa hè hướng đến sự trải nghiệm như: học kỳ quân đội, học kỳ công an, khóa học kỹ năng tại Việt Nam đều lấy mô hình từ các nước trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ... Hay các chương trình học thêm hè cũng từ lâu đã trở thành “thông lệ” tại các hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Chia sẻ về lý do cho con tham gia khóa học học kỳ quân đội, chị Phạm Hằng (Q.Cầu Giấy) chia sẻ: “Công việc bận rộn, mà hè các con được nghỉ nhưng vợ chồng tôi không có thời gian để trông, trong khi ở độ tuổi này chúng rất hay nghịch ngợm. Tận dụng 3 tháng hè để cho con có sự trải nghiệm tại các khóa học như học kỳ quân đội là tốt nhất và không còn sự lựa chọn nào hoàn hảo hơn”. Trong khi đó, chị Xuân, trú tại khu đô thị Văn Quán, Q. Hà Đông (Hà Nội) chọn khóa rèn luyện tiếng Anh bởi vì: “Con tôi năm nay lên lớp 3, hè này tôi định đăng ký cho con khóa học tiếng Anh 3 tháng bởi tôi nghĩ tiếng Anh giờ rất quan trọng, và muốn giỏi phải học ngay từ bé sau này mới dễ dàng kiếm việc được”.
Học trên “mọi mặt trận”, học xuyên suốt thời gian khiến những đứa trẻ trở thành “cỗ máy bị điều khiển” và dường như không có thời gian để thư giãn, vui đùa theo sở thích của mình. Em Nguyễn Hoàng Nam (13 tuổi) học sinh tại THCS Triều Khúc bày tỏ: “Cứ tưởng thời gian nghỉ hè em được xả hơi, nhưng đã từ mấy năm nay hè nào mẹ em cũng đăng ký cho em lớp học thêm Toán để phục vụ đi thi học sinh giỏi, khiến em cảm thấy áp lực, không đủ thời gian để hoạt động vui chơi”.
Theo một thống kê, 90% học sinh phải đi học hè đều không thích học hè. Bởi chúng muốn có một mùa hè đúng nghĩa thư giãn nghỉ ngơi sau những kì học vất vả. Nhưng ngược lại, nhiều cha mẹ ngày nay lại muốn tận dụng thời gian nghỉ hè để “xếp lịch học” cho con ở một trung tâm nào đó. Tâm lý chung là phụ huynh đều muốn con mình được trải nghiệm, trưởng thành, chủ động hơn qua những lớp kỹ năng sống với kỳ vọng thành tích của con sẽ tốt hơn trong môi trường giáo dục. Một phần là bởi các bố mẹ cũng muốn con đi học cho bằng bạn bằng bè khác đều đi học thêm, vô tình đã biến mùa hè của con trở thành một mùa “nghỉ ngơi”… bận rộn.
“Tiền mất, tật mang”
Nhiều bố mẹ vẫn chưa thấy được những hệ lụy khi gửi con đi học tràn lan ở các khóa kỹ năng sống. Cụ thể, việc đưa con tới các trung tâm đào tạo kỹ năng học tập một cách tràn lan khi chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, năng lực giáo viên còn hạn chế do chưa được đào tạo bài bản, mà chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm, kéo theo hậu quả mỗi nơi dạy một kiểu, hiệu quả không đảm bảo. Bên cạnh đó, việc tổ chức các trò chơi trong kỹ năng đều buộc con em phải thử thách hết mình, tâm lý thắng thua hoặc sự ganh đua ngay từ khi còn nhỏ có thể tạo nền tảng không tốt cho việc phát triển nhân cách của chúng sau này.
Đơn cử, như trường hợp của gia đình chị Mai (Triều Khúc - Thanh Xuân) chia sẻ: “Năm ngoái, tôi có cho con tham gia khóa học trại hè thông minh của một trung tâm kéo dài một tháng có đi xa nhà, có trải nghiệm thực tế, sau khi kết thúc khóa học, con trai tôi dậy sớm, gọn gàng hơn, tuy nhiên cách nói chuyện cục cằn, cũng như việc luôn đua đòi kiểu tóc cạo vết của nó làm tôi thấy lo lắng, có lẽ nó bị ảnh hưởng từ các bạn khác cùng khóa học, năm nay tôi quyết định cho con về quê với ông bà thay vì chọn những lớp học “tiền mất, tật mang”. Chị Hồng Anh ( Đội Cấn) cho biết, đã bỏ một khoản tiền cho con đi học 1 khóa Học kì quân đội, với kì vọng “công chúa” sẽ biết sống độc lập. Nhưng đi học 2 tuần thì thứ Bảy, chủ nhật là cô bé 16 tuổi đã đòi về nhà. Và sau 2 tuần, đương nhiên không có chuyển biến nào với cô bé không chịu “lớn”…
Phụ huynh cần tỉnh táo khi đưa ra lựa chọn, bởi hiện nay tình trạng các trung tâm rầm rộ mở ra các dịch vụ tương tự với mục đích kinh doanh để cạnh tranh nhau từng “miếng mồi” từ phụ huynh thì vấn đề về “chất lượng” như thế nào cũng còn là một câu hỏi lớn? Bởi việc kiểm định chất lượng giáo dục tại các trung tâm “học thêm” chưa được đề ra, cũng chưa có một quy định cụ thể hay tiêu chí đánh giá về hoạt động đạt chuẩn tại các trung tâm này.
Bên cạnh đó, bắt ép học sinh học quá nhiều dễ gây ra tình trạng chán nản, áp lực và nguy cơ xấu cho tâm lý của trẻ. Bày tỏ quan điểm với báo chí, bác sĩ Phạm Văn Trụ (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM) cho biết: “Nếu học nhiều quá sẽ khiến trẻ bị rối loạn thần kinh. Trẻ bị stress vì áp lực học tập có thể có dấu hiệu: hay nóng giận, bực tức, bướng bỉnh, vẽ bậy vào sách, xé sách, vứt đồ chơi mà trước đó trẻ rất yêu thích...”.
Thông báo học hè được dán ngay tại cửa ra vào các trung tâm |
Giáo dục không thể đi kèm hai chữ … “nóng vội”
Trong một buổi trò chuyện với sinh viên, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ một góc nhìn thực tế: ông nhận thấy học sinh Mỹ có số giờ học Toán ít hơn so với học sinh Việt Nam, nhưng trong 4 năm thì kiến thức của họ lại vượt hơn hẳn, một phần do thời gian tự học nhiều hơn. Giáo dục là “vòng xoáy trôn ốc” , sẽ quay lại nhiều lần để bổ sung, nâng cao kiến thức cho trẻ thay vì sự đôn đốc nóng vội của phụ huynh.
Theo chị Linh, nhân viên tại Trung tâm Phát triển tài năng trẻ em Ismartkids (Cầu Giấy- Hà Nội), phụ huynh không nên quá kỳ vọng vào việc dạy kỹ năng sống cho trẻ ở các trung tâm. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ ở các trung tâm chỉ đạt hiệu quả từ 40-50%, còn lại là sự giáo dục của phụ huynh ở nhà. Vậy tại sao, thay vì “chạy sô” tìm kiếm lớp học thêm phụ huynh không rèn cho con mình khả năng tự học để vừa có kiến thức vừa có kỹ năng chủ động trong cuộc sống. Song song với việc học kiến thức, phụ huynh cũng có thể dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng con hơn là đẩy con vào những khóa học thêm vô nghĩa với chúng.
Ở các nước trên thế giới, phụ huynh đầu tư cho con học nhưng để chúng có được một tâm lý thoải mái, vui vẻ và nhìn nhận ở sự tự phát triển một cách tự nhiên, tự lập mà không đặt nặng vấn đề phải “công thành danh toại”, cố ép việc học hoặc can thiệp đến mức định hướng, làm mất đi quyền được tự do vui chơi của trẻ em như ở Việt Nam.
Các chuyên gia giáo dục cũng khuyến cáo, trẻ càng nhỏ thì vai trò giáo dục của gia đình càng quan trọng. Những sinh hoạt hàng ngày, sự tham gia và hướng dẫn của cha mẹ có vai trò quyết định trong hình thành kỹ năng sống cho con. Nhà trường hay các tổ chức giáo dục kỹ năng sống chỉ có thể hỗ trợ rèn kỹ năng chứ không thể đóng vai trò quyết định. Do vậy, nếu chỉ vì bận rộn mà sẵn sàng “đem con bỏ chợ” vào đủ loại trung tâm học thêm, phải chăng nhiều phụ huynh đã vô tình quên rằng vai trò giáo dục từ chính gia đình mới là quan trọng nhất với con trẻ?