Sinh ra tại thôn Trung, xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), Hồng Vân có vóc người mảnh mai, với gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi như hoa khiến bao chàng trai trong thôn phải đêm mơ ngày mộng.
Đôi trai tài, gái sắc
Chị phải lòng anh Biện Văn Quảng tình nguyện viên của Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, bởi cách đối đãi chân tình và đặc biệt là sự chịu thương chịu khó. Anh ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 2003, hai người kết hôn. Ai cũng khen vợ chồng chị đẹp đôi, là trai tài, gái sắc.
Một năm sau, chị đã hạ sinh bé gái giống anh như đúc, đặt tên là Biện Uyển Nhi. Cuộc sống gia đình khá chật vật vì lương của anh chỉ có 800.000 đồng/tháng. Thu nhập từ nghề uốn tóc của chị cũng khá bấp bênh. Vợ chồng chị phải đến sống tạm ở nhà người chú ruột vừa để chăm sóc chú, vừa để chị có chỗ mở tiệm uốn tóc.
Năm 2007, Quảng ra phục vụ đảo Trường Sa, nhiệm kỳ 5 năm. Anh rủ vợ cùng đi. Tuy nhiên, hai tiếng “đảo xa” khiến chị Vân e ngại. Anh cũng chưa biết đảo xa như thế nào, nhưng anh nói mình ra đấy là để xây dựng đảo thì đương nhiên là phải chịu khó, chịu khổ nhiều hơn. Chị không muốn chồng đi xa nên cứ khóc hoài, nài nỉ anh ở nhà dù chỉ có rau cháo nuôi nhau nhưng vợ chồng kề cận vẫn hơn. Anh vẫn quyết chí ra đi.
Những nỗi khổ tưởng chừng không thể vượt qua
Năm 2008, anh lên đường ra đảo. Chị nhớ chồng ngày nào cũng khóc. Biết vợ buồn nên vừa đặt chân đến đảo Trường Sa Lớn, anh nhanh chóng điện thoại về báo tin cho vợ. Ngày nào cũng vậy, cứ nghe thấy tiếng anh chị lại khóc.
Anh Biện Văn Quảng những ngày ở đảo. |
Cái nắng, cái gió, cái cực khổ ở đảo xa, vợ ở nhà lại khóc hoài, anh đành bảo vợ đi gặp lãnh đạo của anh xin cho anh được trở về, vì anh cũng nhớ vợ con nhiều lắm. Chị bị sếp của anh rầy cho một trận rồi lại khuyên chị cố gắng vượt qua khó khăn để giúp anh làm tròn nhiệm vụ được giao. Kể từ ngày đó, chị thông suốt tư tưởng, ít khóc hơn. Ngược lại, anh lại có tính ghen. Mỗi ngày liên lạc về mà điện thoại bận máy hoặc chị bận việc không nghe, anh lại vặn hỏi đủ điều rằng chị đi đâu, làm gì, tại sao không nghe điện thoại?”.
14 tháng sau đó, anh được về thăm nhà. Anh chị gặp nhau, chẳng nói được gì, cứ ôm ghì lấy nhau mà hôn. Chị kể: “Ở quê, chuyện hôn nhau ngoài đường là tối kỵ, nhưng lúc đó hai vợ chồng không biết mắc cỡ là gì hết”. Bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc cứ tràn về, rồi hai người cứ quấn quýt lấy nhau như hồi mới cưới. Anh kể với chị rất nhiều chuyện vui, buồn ở đảo, về phong cảnh thiên nhiên khi nên thơ, khi rất hùng vĩ, về việc anh được phân công làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Hết phép, anh Quảng trở lại đảo, cũng là lúc chị phát hiện đã mang trong người thêm một mầm sống của chồng.
Vừa mừng, vừa lo, chị thực sự bối rối không biết phải làm sao để tự mình xoay xở mọi chuyện. Cha mẹ ruột dù ở gần nhưng ở riêng nhà, còn cha mẹ chồng thì ở xa. Các em chồng đang sống ở Nha Trang nhưng cũng bận rộn việc. Thế là chị phải một mình lặn lội vừa đưa đón con gái đi học, vừa lo việc ở tiệm làm tóc.
Khi thai vừa tròn ba tháng tuổi, chị đang làm việc thì bị ngất, phải nhập viện một tuần lễ. Thêm vào đó, phương tiện đi lại ở miền quê này chủ yếu là xe gắn máy, hễ khỏe chút, chị tự mình đi khám thai, mệt thì nhờ ba hoặc em ruột chở đi giúp.
Nhìn con gái Uyển Nhi phải tự cặm cụi học hành ở bên nhà ông bà ngoại, chị lại khóc. Cận ngày sinh nở, bị thiếu nước ối quá nhiều, không thể bù bằng thực phẩm, chị phải đi bác sĩ chuyền nước mấy lần. Ngày “vượt cạn”, chị phải nằm ở phòng chờ sinh chịu đau bụng suốt 9 giờ liền.
Ngày 10/4/2010, chị sinh bé trai, nặng 2,9kg, đặt tên là Biện Hải Đăng. Chẳng hiểu ông trời khéo trêu ngươi chị thế nào, mà thằng bé trông kháu khỉnh thế kia, lại cứ hay quấy khóc, khiến chị càng thêm mệt mỏi. Chị thèm được có chồng bên cạnh bế con thay chị.
Giai đoạn ấy chị gầy sút hẳn đi, cân nặng còn 38kg. Chị Hà, em chồng của chị kể lại: “Nhìn chị dâu lúc đó gầy nhom mà phần vì ở xa, phần vì bận bịu chồng con không giúp được gì cho chị, buồn và thương chị lắm”.
Giận chồng nên kiếm chuyện “kình lộn” với chồng
Càng lớn, Hải Đăng càng trở nên lanh lẹ, nói chuyện bi bô suốt, càng nũng nịu với mẹ nhiều hơn. Có lúc chị phải vừa bế con vừa nấu ăn cho cả nhà. Mãi đến khi ba tuổi, “qua đốt” của bệnh tật và khó khăn, Hải Đăng mới dễ ăn, dễ ngủ hơn, nhưng cũng không bụ bẫm được như con nhà người khác.
Mỗi quý đều đặn, anh đều gửi tiền lương về cho chị. Chị không dám tiêu xài gì, cứ tích cóp để dành đợi chồng về xây nhà. Thỉnh thoảng, anh còn dành dụm phần bánh kẹo, trà của các đơn vị biếu tặng, chuyển về để con biết là cha luôn nghĩ và nhớ đến các con nhiều lắm. Năm năm đi làm nhiệm vụ, chưa có ngày nào anh quên điện thoại về cho vợ con. Anh còn viết thư động viên chị cố gắng vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, đó vẫn không phải là điều chị muốn. Chị cần chồng ở bên cạnh để mái ấm của chị được vững chãi hơn. Những lúc con đau bệnh, chị toàn phải cậy ông bà ngoại giúp đưa đi viện, hoặc tự mình xoay xở. Bởi vậy, mỗi khi chồng về phép năm, chị rất vui, còn khi chồng sắp đi, chị lại kiếm đủ thứ chuyện càu nhàu, “kình lộn” (cãi nhau) với chồng cho thỏa nỗi nhọc nhằn của những ngày sắp xa cách.
Phải tập làm quen để sống với nhau
Đầu năm 2014, hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh Quảng trở về đất liền. Ngày đoàn viên họ bất ngờ nhận ra dấu ấn tai hại của những ngày xa cách anh chị lại bắt đầu va chạm nhau đủ thứ về cách sống, cách suy nghĩ. Anh đã quen với tác phong người lính, chị vẫn giữ nếp chân chất nhà quê. Lại thêm một số người dân địa phương chưa hiểu tường tận nỗi khổ mà anh chị phải chịu đựng suốt thời gian qua nên khi thấy anh chị có căn nhà đẹp, lại tỏ ra khó chịu, lắm lúc lại nói lời gièm pha.
Anh chị lại phải mất thời gian đấu lý, thậm chí “kình lộn” với nhau để tìm lại những điểm chung của nhau. “Khổ nhiều, giờ phải mất thời gian chịu đựng để xóm giềng hiểu và thương yêu vợ chồng như thuở trước” – chị Vân buồn nói.
Anh tự hào chia sẻ với cán bộ chiến sĩ trong đất liền về những trải nghiệm cuộc sống người lính ở đảo xa ngày đêm canh giữ Tổ quốc, cũng như những khó khăn gian khổ của quân và dân huyện đảo Trường Sa, những tài nguyên thiên nhiên và phong cảnh tuyệt vời của vùng đảo này. Anh cảm ơn người vợ đã thầm lặng chịu đựng gian khổ để anh chuyên tâm làm tròn bổn phận của người trai đối với non sông đất nước. Anh cũng sẵn sàng trở lại Trường Sa nếu được cấp trên cho phép.