Bắc Ninh: Tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD
Tỉnh Bắc Ninh vừa trao giấy chứng nhận đầu tư và ký kết hợp đồng dự án có sử dụng đất cho hàng loạt dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, nổi bật là các dự án đầu tư của Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh; Công ty TNHH Tập đoàn DELI; Goertek (Hong Kong) Co., Ltd; Novatech Co., Ltd, Cybertan (B.V.I) Investmen Corp; Tổng Công ty Viglacera…
Nhiều hợp đồng dự án xây dựng nhà ở công nhân cũng được các doanh nghiệp như Công ty Đại Hoàng Long (TNHH), Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư phát triển Thống Nhất, Công ty cổ phần Thương mại Bắc Chương Dương, Liên danh công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Minh Phát Lộc và Công ty cổ phần Đầu tư Vĩnh Tuy ký kết triển khai.
Tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD. Các doanh nghiệp đều cam kết sớm triển khai các dự án.
Trong số này, có nhiều nhà đầu tư đã và đang hoạt động hiệu quả và tiếp tục tăng quy mô hoặc đầu tư mới các dự án, như Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh, Goertek Co., Ltd, Tổng Công ty Viglacera, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ VSIP Bắc Ninh II với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, diện tích khoảng 250 ha.
Thời gian tới, thực hiện chiến lược “tăng trưởng xanh”, tỉnh Bắc Ninh tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn.
Đặc biệt, tỉnh sẽ quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị thương mại-dịch vụ, khu, cụm công nghiệp; các công trình hạ tầng về viễn thông, truyền tải cung cấp điện, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ.
Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Bắc Ninh, từ đó trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, đồng hành trên chặng đường xây dựng tỉnh trở thành đô thị thông minh, sáng tạo và phát triển.
Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô thu hút thêm nhiều dự án mới ngay đầu năm 2019. Ảnh minh họa |
Thừa Thiên-Huế phấn đấu thu hút đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu thu hút 15 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư chú trọng các lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương.
Đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, Thừa Thiên-Huế xác định ưu tiên hàng đầu để phát triển thế mạnh nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện có của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan công nghiệp 4.0 như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của Cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp định hướng phát triển của tỉnh.
Đối với thị trường trong nước, tỉnh ưu tiên các nhà đầu tư có thương hiệu lớn trong các lĩnh vực tỉnh tập trung kêu gọi; những nhà đầu tư là đối tác có uy tín của các ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước; những nhà đầu tư đã sản xuất kinh doanh thành công tại các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu chuyển đến sản xuất kinh doanh tại Thừa Thiên-Huế; những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư thành công, uy tín tại tỉnh.
Đối với thị trường nước ngoài, tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hoa Kỳ, châu Âu và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, lợi thế vị trí chiến lược của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, nguồn lao động.
Trong tháng 1, Thừa Thiên-Huế đã cấp mới 8 dự án đầu tư, trong đó, có 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 60 triệu USD và 4 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 5.763 tỷ đồng; điều chỉnh 1 dự án tăng vốn đăng ký thêm khoảng 7.412 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với tổng vốn đầu tư 3.330 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao tăng vốn đăng ký từ 21 triệu euro lên 30 triệu euro...