Những giọt nước mắt hạnh phúc của 78 ngư dân trở về từ “cõi chết”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - May mắn trở về sau phút giây sinh tử khi tàu bị lốc xoáy đánh chìm, 78 ngư dân Quảng Nam đều không giấu được niềm xúc động. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi xuống khi gặp lại người thân. Nhiều ngư dân đã bảo, họ được trở về từ “cõi chết”.

Hạnh phúc xen lẫn đau thương

14 giờ chiều ngày 20/10, tàu 467 Quân chủng Hải quân chở theo 78 ngư dân 2 tàu câu mực QNa 90927 TS và QNa 90129 TS bị lốc xoáy đánh chìm trên vùng biển Trường Sa đã cập cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) an toàn. Sau khi được lãnh đạo Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… thăm hỏi, động viên, những ngư dân gặp nạn đã lần lượt rời tàu lên xe khách di chuyển về hội trường của Chi đội Kiểm ngư số 3 để làm lễ bàn giao.

Nhiều người dân rời hội trường ùa ra sân ngóng về phía cảng. Ảnh Công Huy

Nhiều người dân rời hội trường ùa ra sân ngóng về phía cảng. Ảnh Công Huy

Rất đông người thân của các ngư dân đã có mặt từ sớm và vỡ òa cảm xúc khi chiếc xe ca chở theo cha, chú, chồng, con của họ dừng lại trước hội trường. Giữ đám đông, nhiều người chen chúc nhau kiếm tìm người thân của mình. Khi nhìn thấy nhau, những giọt nước hạnh phúc đã rơi sau nhiều ngày dài chờ đợi.

Mệt nhoài sau chuyến biển bão táp, ngư dân Phạm Công Vĩnh (34 tuổi, ở xã Tam Quang, thuyền viên tàu QNa-90129 TS) bước những bước lảo đảo xuống xe, anh phải nhờ đến sự can thiệp để dìu dắt vào hội trường từ người thân. “Cuối cùng tôi cũng về đến nhà nhưng những người anh em khác vẫn còn nằm lại biển cả, đau đớn lắm", ngư dân Vĩnh nói trong tiếng thở dài.

Ngư dân Phạm Công Vĩnh (ở giữa) khóc nức nở trong vòng tay người thân khi may mắn trở về sau chuyến biển bão táp. Ảnh Công Huy

Ngư dân Phạm Công Vĩnh (ở giữa) khóc nức nở trong vòng tay người thân khi may mắn trở về sau chuyến biển bão táp. Ảnh Công Huy

Anh Vĩnh cho biết, khoảng 19 giờ tối 16/10, trong lúc tàu neo đậu nghỉ ngơi, bất ngờ bất ngờ một nguồn lốc xoáy đi ngang qua khiến tàu bị chìm.

“Tôi nhớ lúc đó nhanh lắm, tích tắc chưa đầy 5 phút khiến tất cả đều trở tay không kịp. Những người may mắn sống sót hầu như thời điểm gặp nạn đều thức cả. Còn 12 anh em mất tích, lúc đó đang ngủ nên có khả năng bị mắc kẹt trong tàu lúc bị chìm. Giờ điều chúng tôi sợ nhất là tất cả đã chìm theo con tàu dưới biển sâu”, ngư dân Vĩnh nói.

Theo ngư dân Vĩnh, sau khi được tàu bạn cứu, nghỉ ngơi lấy lại sức, tất cả các thuyền viên trên tàu đều tham gia tìm kiếm những người còn mất tích. Tất cả đều chèo thúng đi tìm xung quanh vị trí tàu gặp nạn suốt nhiều ngày liền. Đến trưa 17/10, tìm được 2 người nhưng vì các anh dầm mình dưới nước lạnh quá lâu, mất sức nên cũng rời bỏ chúng tôi mà đi chỉ sau vài giờ đồng hồ được cứu”, anh Vĩnh kể lại trong nước mắt.

Giọt nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ. Ảnh Công Huy

Giọt nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ. Ảnh Công Huy

Trong khi đó, tàu 467 Quân chủng Hải quân vừa cập cảng, ngư dân Phạm Văn Nga (55 tuổi, trú tỉnh Quảng Ngãi) thất thần, ánh mắt luyến tiếc, nhìn về phía biển như đang muốn khẩn cầu. Bởi, ngoài kia con rể ông là ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp (38 tuổi, ở xã Tam Quang) vẫn còn mất tích.

“Pháp ơi, lúc đi thì cả hai cha con, giờ về chỉ còn lại mình cha là sao con”, ngư dân Nga vừa đi vừa lẩm bẩm.

Ngư nhân Nga cho biết, chuyến biển này, ông cùng con rể đi trên tàu cá QNa - 90129 TS do ngư dân Lương Văn Viên làm thuyền trưởng. Dự kiến 15 ngày sẽ vào bờ nhưng đến ngày thứ 14 thì gặp nạn.

Ngư dân Phạm Văn Nga trở về trong vòng tay người thân nhưng thâm tâm ông vẫn hướng về phía biển nơi con rể Nguyễn Ngọc Pháp vẫn còn mất tích. Ảnh Công Huy

Ngư dân Phạm Văn Nga trở về trong vòng tay người thân nhưng thâm tâm ông vẫn hướng về phía biển nơi con rể Nguyễn Ngọc Pháp vẫn còn mất tích. Ảnh Công Huy

"Pháp đi chuyến biển này rồi về sẽ nghỉ ít tháng để lo cho vợ sinh. Vợ nó mang bầu đứa thứ 3 nào ngờ…. Dù có mong manh đến mấy, thâm tâm tôi vẫn tin sẽ có một phép màu nào đó sẽ đến với nó. Mong trời cao phù hộ để thằng Pháp bình an trở về. Nó mà ra đi, bầy con thơ, rồi vợ nữa, chúng sẽ sống sao đây”, ông Nga nghẹn ngào.

Hạnh phúc lúc đoàn tụ với cậu con trai 6 tuổi, ngư dân Trần Thiên (49 tuổi, trú xã Tam Quang) không cầm được nước mắt. Anh Thiên là thuyền viên trên tàu câu mực QNa 90927 TS do ngư dân Trần Công Trường làm thuyền trường. Lúc tàu từ từ chìm, anh em thuyền viên trên tàu có thời gian mở dây, thả thúng xuống biển rồi bơi đến. Thuyền thúng trở thành vị cứu tinh của những ngư dân này.

Anh Thiên ôm con trai 6 tuổi của mình sau chuyến biển bão táp. Ảnh Công Huy

Anh Thiên ôm con trai 6 tuổi của mình sau chuyến biển bão táp. Ảnh Công Huy

Tiếp tục cứu hộ, tìm kiếm các ngư dân mất tích

Các ngư dân cho biết, gần 30 năm đi biển nhưng đây là lần đầu tiên anh gặp nạn do lốc xoáy. Khi được hỏi có đi biển trở lại sau sự cố này không, các ngư dân lau vội nước mắt rồi đáp: “Tai nạn là điều không ai mong muốn cả, nhưng ngư dân chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục bám biển, bởi với chúng tôi, biển là nhà. Sau một thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi sẽ lấy lại tinh thần để tiếp tục vươn khơi mưu sinh và còn để khẳng định chủ quyền biển đảo."

Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết, đơn vị đã cử 4 tàu ra thực hiện tổ chức tìm kiếm các ngư dân còn mất tích. Hiện có 3 tàu đang mở rộng phạm vi tìm kiếm, còn một tàu chở các ngư dân về chiều nay.

Đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Ảnh Công Huy

Đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Ảnh Công Huy

“Chúng tôi xác định, việc cứu hộ tìm kiếm các ngư dân mất tích trên biển là nhiệm vụ vô cùng cao cả. Vì vậy, trong quá trình tìm kiếm phải cố gắng hết sức để đưa về đến đất liền. Việc những ngư dân gặp nạn may mắn sống sót trở về, chúng tôi rất vui mừng. Ngoài ra, chúng tôi phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa đối với các ngư dân để họ tiếp tục yên tâm bám biển làm ăn sinh sống và bảo vệ chủ quyền, biển đảo”, đại tá Đoàn Bảo Anh khẳng định.

Theo đại tá Anh, hiện tất cả các lực lượng Quân chủng Hải quân túc trực và sẵn sàng khi nào có lệnh, và có nhiệm vụ gì liên quan đến vấn đề cứu hộ, cứu nạn sẽ triển khai ngay.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thăm hỏi, động viên người thân ngư dân tử vong. Ảnh Công Huy

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thăm hỏi, động viên người thân ngư dân tử vong. Ảnh Công Huy

Tại buổi lễ đón các ngư dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã đánh giá cao công tác cứu nạn của lực lượng chức năng và việc đưa các ngư dân gặp nạn về bờ an toàn.

Bên cạnh đó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ, xin chia buồn sâu sắc đến với toàn thể nhân dân của các ngư dân mất tích, mong bà con nén đau thương, sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục vững vàng trên con đường bám biển. Đặc biệt, chấp hành nghiêm quy định pháp luật, nhất là tình yêu thương đùm bọc nhau trên biển, biểu dương tinh thần đoàn kết của các tàu cá cứu giúp các ngư dân gặp nạn”.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Quảng Ngãi hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho người nghèo

Quảng Ngãi hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho người nghèo
(PLVN) - Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, các mạnh thường quân, tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn. Đây không chỉ là những ngôi nhà được xây dựng bằng gạch ngói xi măng… mà còn được xây bởi những tấm lòng.

Cụm Trại Tạm giam Công an 11 tỉnh thành khu vực ĐBSCL trao đổi nghiệp vụ

Quang cảnh Hội nghị
(PLVN) - Tại TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Cụm Trại Tạm giam Công an 11 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long (do Trại Tạm giam Công an Kiên Giang làm Cụm trưởng), mới tổ chức Hội nghị trao đổi nghiệp vụ trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù và xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Trại Tạm giam giai đoạn 2023 - 2024.

Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện

Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
(PLVN) - Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), người dân nghèo tỉnh Quảng Bình có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp người dân phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước làm giàu, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.