Những gia đình bị “ép chín”

Những gia đình bị “ép chín”
(PLVN) - Nếu gọi hôn nhân và tổ ấm là quả ngọt của những mùa yêu, thì ở trong những câu chuyện dưới đây vì nhiều lý do mà hôn nhân và tổ ấm ấy đã trở thành những lứa quả bị “ép chín”, không thể ngọt, không thể thơm, không thể hạnh phúc. Những lứa quả được “tưới tắm” bằng nước mắt của người trong cuộc…

“Tôi như con bướm vùng vẫy trong chiếc lưới cầu vồng”

Vào một ngày đầu hạ, người đàn ông đó tìm đến gặp tôi, trên gương mặt lấp lánh ánh nước mà tôi cứ ngỡ mồ hôi của một chặng đường nóng nực giữa phố đông người. Nhưng không, đó là nước mắt! 

“Cô nhà báo này, cô đã bao giờ nhìn thấy tấm mạng nhện sau cơn mưa rào mùa hè chưa. Vì dính nước mưa và được ánh mặt trời chiếu vào nên nó lấp lánh như chiếc lưới dệt bằng những ánh cầu vồng. Đẹp đẽ thế thôi nhưng vô phúc cho con ong, chú bướm nào chẳng may mắc vào đó, mãi chẳng bao giờ thoát được, vùng vẫy vô vọng trong chiếc lưới cầu vồng”.

Hình ảnh về chiếc lưới cầu vồng của người đàn ông đã dẫn tôi đến một câu chuyện buồn. Rằng cậu trai Nguyễn Văn T (xin phép không nêu tên thật) ngày đó, khi bắt đầu trưởng thành đã hiểu rằng mình không giống chúng bạn, không yêu những cô gái và cũng chẳng thấy có gì hấp dẫn ở họ cả. Nhưng ngược lại, cứ thấy bóng dáng đàn ông là trái tim cậu loạn nhịp, chỉ muốn mình được nép vào những cánh tay, vòm ngực ấy, được hít hà cái mùi đàn ông hấp dẫn ấy.

Vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, sách vở đâu nhiều để cậu trai hiểu được mình đang bị làm sao, thế là đúng hay sai. Chỉ biết rằng khi cha mẹ yêu cầu phải lấy vợ để nối dõi tiếp cái dòng họ độc đinh, cậu đau khổ tột cùng và cả sợ hãi nữa vì cậu biết mình không yêu phụ nữ, càng không thể gần họ.

“Thế rồi, tôi lấy vợ cô ạ. Đêm tân hôn tôi cố uống cho say và sau này khi nào “cần thiết” tôi cũng uống say như thế. Cũng may cho tôi là vợ tôi thuộc tuýp phụ nữ hiền lành và các con tôi trai gái đủ cả, ngoan ngoãn, trưởng thành. Tôi thấy chẳng có lý do gì để phá vỡ cái mình đang có để sống cho riêng mình cả. Thế nhưng, mỗi khi xem tivi hoặc ra đường nhìn thấy những người đàn ông, trái tim tôi vẫn khao khát yêu thương lắm. Thời buổi bây giờ cởi mở rồi, thấu hiểu rồi nên tôi cũng có cơ hội gặp những người giống mình, thậm chí có quan hệ tình cảm. Nhưng rồi tôi lại giật mình lùi lại, tôi sợ mất gia đình, tôi thương vợ tôi cả đời vất vả và yêu các con tôi, chúng sẽ không thể nào chấp nhận nếu biết sự thật về tôi. Cô ơi, tôi đúng là như con ong, chú bướm vùng vẫy vô vọng trong chiếc lưới cầu vồng. Phải làm sao bây giờ hả cô? Giá như tôi không “khác người” như thế, giá như tôi không có gia đình…”.

 

Se duyên hay se nước mắt?

“Mình là les, muốn tìm bạn gay để làm quen, kết hôn trong năm nay luôn thì càng tốt vì gia đình ép quá, mình sẽ làm tròn bổn phận hai bên gia đình, muốn sinh con làm tròn đạo hiếu”.

“Mình là gay 32 tuổi, vì thương cha mẹ nên mình mong muốn có một gia đình với bạn les và được xây dựng trên sự hiểu và thương giữa hai bên. Con cái thì có thể nhận con nuôi hoặc dùng phương pháp khoa học. Bạn les nữ nào có chung quan điểm liên hệ nhé”.

Không hiếm để đọc được những dòng thông tin như thế này trên các trang Facebook hoặc Fanpage được tạo ra để se duyên cho gay và les. Gay – những người đồng tính nam, có xu hướng tình dục với nam giới và les – những người đồng tính nữ, có xu hướng tình dục với nữ giới (thuộc cộng đồng LGBT đồng tính, song tính và chuyển giới) tham gia các diễn đàn rất đông này bởi lẽ họ không thể sống đúng với con người của chính mình, mà thay vào đó là việc phải hoàn thành trách nhiệm với gia đình, dòng họ, che giấu nhu cầu thật.  Sẻ chia với nhau những dòng thông tin tìm bạn đời, se duyên gay và les này, với họ đó không phải là một sự dối lừa, đó đơn giản chỉ là cứu cánh họ phải đứng trước sức ép của xã hội, gia đình.

Nhưng cũng cần phải biết rằng, những cứu cánh ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mà còn có cả nước mắt và khổ đau khi phải sống dối trá với chính mình, với mọi người. Như lời tâm sự của Phạm Thị Phương và Lê Thị Thanh Tâm là hai cô gái nhân vật chính trong bộ phim tài liệu kéo dài 35 phút  “Tìm – Still looking” kể câu chuyện của những người đồng tính nữ trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc.

Hai cô gái cho biết, họ đã từng che giấu, đã từng lập gia đình để vui lòng cha mẹ, che mắt người đời, dù có con nhưng cuộc hôn nhân “ép chín” khiến họ không có tình yêu và bị bạo lực gia đình. Hạnh phúc chỉ thực sự đến khi họ dũng cảm đến với nhau, trở về là chính mình để kiếm tìm hạnh phúc.  

Những con số và những quan điểm

Ai đã từng ở trong cuộc hôn nhân khác giới? Câu hỏi này đã được Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế xã hội và môi trường (iSEE) trả lời khi thực hiện khảo sát với 5999 người thuộc cộng đồng LGBT. Kết quả cho thấy, có 69,2% đồng tính nam đã từng ở trong cuộc hôn nhân khác giới, con số này của đồng tính nữ là 48,1%.

Có rất nhiều lý do dẫn họ đến với cuộc hôn nhân khác giới như: tự nguyện kết hôn (vì cho rằng mình là người song tính) 37,2%; vì áp lực xã hội 20,2%; vì gia đình ép buộc 21,3%; tự nguyện kết hôn để che mắt 14,9%... Vì những lý do này nên 41,3% người được hỏi cho biết họ không hạnh phúc; 54,3% thấy sai lầm vì đã kết hôn. “Sức ép về hôn nhân dị tính vẫn còn rất nặng nề vì thế với cộng đồng LGBT đó là những câu chuyện buồn nối dài” – đó là lời kết luận của nhóm nghiên cứu.

Chính vì thế trong buổi Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) công chiếu bộ phim tài liệu “Tìm – Still looking” hưởng ứng Ngày Quốc tế chống kì thị đồng tính và chuyển giới, một loạt câu hỏi đã được đặt ra: Hạnh phúc đích thực là gì? Có phải là khi chúng ta sống dựa trên những kỳ vọng của người khác? Những việc làm không xuất phát từ mong muốn của bản thân liệu có kéo dài được lâu? Những hợp đồng hôn nhân có phải là giải pháp duy nhất đối với các bạn đồng tính? Những hệ lụy của việc kết hôn giả đối với người trong cuộc và những người xung quanh là gì? 

Nói về mối tình gay – les, Ngô Thanh Hiền – Trưởng nhóm Nữ yêu nữ Nam Định lý giải, nguyên nhân chính là do áp lực của xã hội và gia đình và không muốn bị bộc lộ sự thật về bản thân. “Đây là việc làm không xuất phát từ tình cảm thật của bản thân nên không thể kéo dài được lâu vì cả hai đều phải đóng kịch với nhau. Đây không đơn thuần là hợp đồng hôn nhân như lúc đầu họ suy nghĩ và thỏa thuận với nhau, mà còn là mối quan hệ với gia đình hai bên, vì thế sẽ rất dễ dẫn đến đau khổ”, theo Ngô Thanh Hiền.

Tạo ảo giác hạnh phúc – đó là chữ dùng của bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA khi trả lời câu hỏi gay lấy les có phải là giải pháp hoàn hảo. Theo bà Vân Anh, “rất nhiều người trong chúng ta đang phải sống bằng kỳ vọng của người khác. Ví dụ như chưa lập gia đình thì mơ về 1 vợ, 2 con, 3 tầng (nhà), 4 bánh (xe ô tô), khi trở thành bố mẹ thì mong con cái lập gia đình, là con cái thì muốn hài lòng cha mẹ. Giây phút thỏa thuận gay lấy les dù họ nghĩ rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho nhiều người, nhưng thực ra đó là tạo ảo giác hạnh phúc mà thôi”.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Tú nêu quan điểm, vì hiện nay pháp luật không thừa nhận hôn nhân đồng giới nên dẫn đến mối quan hệ này không được pháp luật bảo vệ và phải chịu nhiều hệ lụy pháp lý. Câu chuyện kết hôn giữa gay và les ở góc độ của những người trong cuộc có thể “qua mặt” được pháp luật nhưng không thể “qua mặt” được các mối quan hệ xã hội vì hai người đâu phải sống ở hoang đảo, xung quanh họ còn có gia đình, người thân, bạn bè.

… Để kết thúc bài báo này, xin trích dẫn câu nói của nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất rằng, suy nghĩ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” của các bậc cha mẹ trong chuyện ép con lấy người mình không yêu, không thấy chút hấp dẫn nào về giới tính, là hoàn toàn sai lầm. “Sự hy vọng hão huyền của bố mẹ làm khổ cả hai người. Người đồng tính thì không được sống thật với cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho họ. Người vợ (chồng) của họ thì bị lừa dối, cứ hy sinh, chăm chút cho gia đình mà không hay biết mình đang đi vào ngõ cụt. Đứa trẻ sinh ra chịu thiệt thòi nhất vì không được hưởng trọn vẹn tình cảm thiêng liêng của bố mẹ, nên khó có thể phát triển bình thường, toàn diện. Với những cặp gay và les lấy nhau có thỏa thuận, đứa con sẽ thiệt thòi gấp bội phần” - ông lý Nguyễn An Chất khẳng định. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.