Những bệnh nhân nhí
Tại phòng sơ sinh ngoại, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, 4 cháu bé đang nằm trong lồng ấp, bên cạnh là mẹ, bà nội với dáng vẻ lam lũ, mệt mỏi và hoàn cảnh khác nhau.
Khi có khách đến, chị Nguyễn Thị Nhường ở thôn Văn Phú, xã An Đồng (huyện An Dương) đang nằm phục bên lồng ấp của con gượng dậy trò chuyện. Theo hồ sơ bệnh án, con chị Nhường là Nguyễn Đức Anh, tính đến ngày 10-2 cháu được 24 ngày tuổi, vào viện được 4 ngày trong tình trạng suy hô hấp: thở rên, rối loạn điện giải, hạ nhiệt độ, hiện bệnh nhân nhí này vẫn thở máy hoàn toàn. Chị Nhường vừa kể vừa khóc: “Tôi mang thai cháu được 34 tuần thì thấy đau bụng, gia đình đưa tới bệnh viện Phụ sản và phải mổ đẻ. Xuất viện, cháu vẫn mạnh khỏe và bú bình thường nhưng đến ngày thứ 12 thì cháu bỏ bú, người ặt ra, trước đó mấy hôm cháu bị ho khá nhiều. Thấy bác sĩ bảo cháu bị thận bẩm sinh không thể chữa khỏi được”. Từ hôm ôm con vào viện, hai bên gia đình thay nhau chăm sóc cả hai mẹ con chị.
Cạnh đó là cháu Đặng Hoài Linh, con gái đầu lòng của chị Nguyễn Thị Huệ, 30 tuổi ở số nhà 116 A4 Vạn Mỹ, phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền). Khi mang thai cháu Linh, chị Huệ ăn uống tốt, đi siêu âm bác sĩ bảo không thấy dấu hiệu gì bất thường. Chị đẻ non tại bệnh viện Phụ sản khi thai nhi mới được 26 tuần, nặng 0,7 kilôgam và sau khi sinh 5 ngày, cháu phải chuyển sang Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Trẻ em. Theo chẩn đoán của bác sĩ, cháu Linh bị nhiễm độc hồng cầu, da tím tái. Không may mắn như chị Nhường, bố mẹ hai bên nội, ngoại chị Huệ đều mất sớm, lại không có anh em, hai anh chị phải thay nhau chông chừng con để người kia ăn bữa cơm quán đạm bạc.
Gian phòng bên cạnh thấp thoáng bóng người nhà bệnh nhân ra vào. Đây là những cháu bé vừa được bỏ máy thở nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch và phải điều trị lâu dài.
Bệnh án của cháu Nguyễn Văn Đức, 2 tuổi ở thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) ghi cháu bị đuối nước. Cháu Đức nhập viện lúc 16 giờ 20 phút ngày 6 - 2, trong tình trạng bị kích thích, gọi hỏi không biết, co giật, thở chậm, mũi chảy máu, có biểu hiện khó thở dữ dội. Chị Đào Thị Nguyệt, mẹ cháu vẫn chưa hết bàng hoàng, nhớ lại: “Hôm đó cháu đang chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm, thấy bố đi ra tàu liền chạy theo. Một lúc sau, không thấy con đâu, tôi hớt hải đi tìm…Khi bế cháu từ dưới ao lên, người cháu tím tái, người nhà phải bế dốc và chạy vòng quanh sân mấy vòng nhưng cháu bị nước tràn vào phổi nên không nôn ra được. Chúng tôi đưa cháu đến trạm y tế xã nhưng không có người trực vội đưa lên bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên đây.” Sau 4 ngày điều trị, cháu Đức vẫn hôn mê, thở máy, môi và chi tái nhẹ.
Sẻ chia với những người bệnh đặc biệt
“Người lớn mắc bệnh hiểm nghèo đã khổ, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo không được về đón Giao thừa cùng gia đình, bạn bè càng xót xa hơn”. Đó là tâm sự thật lòng của một y tá khi tôi nhờ chị mở giúp cửa vào khoa. Tính đến 17 giờ ngày 10 - 2, tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện trẻ em có 16 cháu đang điều trị các bệnh suy hô hấp do đẻ non, viêm đường hô hấp do thời tiết, trẻ bị bỏng, bị đuối nước, tai nạn giao thông…Trong đó có 4 cháu phải nằm trong lồng ấp, thở bằng máy và một số cháu tỷ lệ sống chỉ chiếm 10%.
Các thầy thuốc vẫn tận tâm cứu chữa người bệnh |
Y tá trưởng Trần Thị Uyển cho biết: “Bệnh nhân vào khoa này hầu hết là những cháu bé trong tình trạng bệnh nặng. Hiện khoa có 12 giường bệnh nhưng luôn trong tình trạng quá tải nên từ giờ đến 30 Tết sẽ xem xét, giải quyết để một số trường hợp được về ăn Tết cùng gia đình. Ngoài ba trường hợp kể trên, còn vài trường hợp nữa cũng thật đáng thương. Chẳng hạn như trường hợp con trai chị Nguyễn Thị Hiên ở xã Tân Phong (huyện Vĩnh Bảo) vừa chuyển từ bệnh viện Phụ sản sang. Cháu bị viêm ruột hoại tử, suy ho hấp, thở rên, bụng trướng, sonde dạ dày ra dịch hồng. Hay cháu Đào Thị Hợp, 11 tuổi ở tổ 24, cụm 4, phường Đông Khê (quận Ngô Quyền). Cháu Hợp nhập viện lúc 20 giờ ngày 13 - 12, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm não, viêm phổi rất nặng do biến chứng của bệnh thủy đậu…
Các cháu bé không được về ăn Tết cùng gia đình nhưng sẽ đỡ đau đớn nhờ sự chăm sóc nhiệt tình, túc trực 24/24 giờ của 5 bác sĩ, 14 y tá, điều dưỡng viên đang làm việc tại khoa, bên cạnh đó là sự chia sẻ của các nhà hảo tâm. Bác sĩ Vũ Hữu Quyền tâm sự: “Mặc dù đời sống của các y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trẻ em còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ chu đáo người bệnh. với những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, phải điều trị lâu dài và không được về nhà ăn Tết, ngoài việc được ăn cháo, uống sữa miễn phí, các cháu đều được nhận quà mừng tuổi của khoa và bệnh viện”.
Đông Hải